banner Các Thế Hệ Thầy Cô
side2

Thanh Thản Sống Tuổi Già

Nguyễn Hồng Phúc - HD 67-74

15-nhom-benh-de-doa-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi-3Có khi nào bạn ngồi một mình tịnh dưỡng lại và đặt câu hỏi ta sống trên đời nầy với mục đích gì, ta đã hoàn thành những nguyện vọng từ nhỏ chưa, làm được những gì mình kỳ vọng trước kia chưa. Bây giờ ta đã có tuổi và ta nên làm gì để có một cuộc sống an nhàn và có ý nghĩa vào cuối cuộc đời...

Lúc còn đi làm ta luôn bận rộn với cuộc sống hằng ngày, đi tìm tiện nghi cho đời sống như phải có nhà cửa rộng rãi đầy đủ điện nước, có máy lạnh mùa hè, máy sưởi cho mùa đông, có xe hơi tủ lạnh, trương mục ngân hàng có đủ tiền để trả bills điện thoại, điện nước, thẻ tín dụng, v.v... Lắm khi chúng ta hay quan tâm nhiều chuyện nhỏ nhặt hằng ngày như tích lũy tiền bạc đề phòng đau ốm đi bác sỹ hay khi lâm vào tình huống lâm trọng bệnh.

Làm thế nào để tìm được một công việc nhanh chóng khi ta bị mất việc. Có khi nào ta đặt câu hỏi về mục đích tồn tại của ta để làm gì chưa. Có khi nào ta đặt câu hỏi tổ tiên bố mẹ kỳ vọng những gì ở ta chưa. Thân thể ta do bố mẹ sinh ra có khi nào ta nghĩ tổ tiên ta muốn ta phải làm gì để bảo tồn thân thể nầy. Có thể thời gian ta sống trên trái đất này không đủ để hoàn thành sứ mệnh mà tổ tiên cha ông ta đã kỳ vọng. Chúng ta phải làm gì cho tổ tiên ông bà chúng ta vui. Về hình thức thì tổ tiên ông bà bố mẹ ta đã mất rồi nhưng về mặt tâm linh họ vẫn còn đó và theo dõi ta. Bổn phận ta là tiếp nối tổ tiên. Hình hài này do tổ tiên ta nắn tạo nên ta không có cái quyền hủy hoại nó. Ta không dùng thuốc phiện hay tự hủy bản thân này.

Có khi nào ta hỏi mẹ là có giấc mơ nào mà mẹ chưa thực hiện được chưa. Và như thế ta phải tiếp thực hiện được giấc mơ ấy. Có khi nào ta hỏi bố muốn ta phải trở thành con người như thế nào chưa. Vì thế ta sẽ hiểu được tổ tiên mong ước gì ở ta. Khi ta làm được những sự việc thì sẽ cảm thấy hạnh phúc, tự mãn và tự hào. Ta sẽ có hạnh phúc riêng. Có khi nào ta hỏi bố có giấc mơ nào mà bố chưa thực hiện được không. Nếu chưa thì ta phải tiếp nối và thực hiện được thì rất tốt.

Như ta lấy một hạt giống tưới nước và vun đất để mong ngày nào đó ta gặt hái. Nếu hạt giống tốt thì ta được nhiều hoa quả. Những khổ đau, ước vọng, buồn tủi, tình thương, thất vọng mà tổ tiên ta để lại như một hạt giống. Nếu ta may mắn là hạt giống tốt và ở trong môi trường tốt ta sẽ tiếp nối nghiệp tốt. Nếu ta là hạt giống xấu thì ta sẽ sống trong môi trường xấu, sống trong đau khổ, tuyệt vọng, trong hận thù và bạo động. Ta sẽ mất sự thăng bằng. Trên đời này người tu hành là người biết giữ hạt giống tốt, biết tạo niềm vui và hạnh phúc cho mình. Là người biết giữ cho thân tâm được bình yên, sẽ làm cho xã hội này tốt hơn. Mỗi hành động, ý nghĩ tốt sẽ là hạt giống tốt cho con cháu về sau. Tu hành làm cuộc sống tốt hơn (tu chỉnh/correct himself). Chăm sóc bảo hộ cơ thể cẩn thận như ăn uống kỹ càng, không rượu chè quá độ, không hút thuốc chứa độc tố làm hại sức khỏe và thể xác.

Người có chân tu là người biết tạo cho mình hạnh phúc và niềm vui ngay từ bây giờ và ngay từng giờ. Là người biết chế tác hỉ lạc. Khi ta thở mạnh hít không khí vào phổi 3 giây ta sẽ đem tâm vào thân thì hỉ lạc sẽ phát sinh rất nhanh và phát triển sinh lực chánh niệm. Khi ta còn bé ta nghĩ là Phật hay Bụt là người không đau khổ, thực ra không đúng. Ngày xưa Bụt đi khất thực để nuôi cơ thể. Người ta quí Bụt cho gì thì Bụt ăn nấy. Nhiều khi thức ăn kém vệ sinh Bụt cũng bị đau bụng sinh bệnh. Bụt cũng có những nổi buồn khi ngồi tu hành không có bạn bè trò chuyện. Bụt cũng là người biết khổ đau nhưng ít hơn chúng ta. Những ai đã từng sống trong chiến tranh và sau đó hòa bình trở lại sẽ cảm nhận được sự đau khổ tương tàn của chiến tranh đã qua. Người tu hành sẽ biết xử lý được sự đau khổ và lạc hỉ. Biết trồng sen để ngắm làm cho lòng thanh tịnh lại mỗi khi tâm xao động. Biết sử dụng việc khổ đau để tạo ra hạnh phúc.

Trong thời đại mới này người ta làm ăn tất bật để theo đuổi cuộc sống hiện đại nhiều khi quên đời sống gia đình mà chỉ nghĩ cho tiện nghi cá nhân. Ta nên dành thì giờ cho những buổi cơm gia đình đoàn tụ bên nhau hầu tạo sự gắn nối giữa những thành viên. Đây là những cơ hội tốt để nối kết, để xây dựng tình thương. Bà mẹ nấu món ăn ngon vì nghĩ đến ông chồng, con cái sẽ cảm thấy hạnh phúc khi thưởng thức món ăn ngon gia đình. Con cái thương bố mẹ sẽ cố gắng ăn ở sạch sẽ, dọn dẹp quần áo gọn ghẽ sẽ làm cho cả nhà hạnh phúc.

Đến lúc nào đó ta sẽ phải ngưng làm việc để nghỉ hưu. Về hưu có thể ở tuổi 60 đến 70 tùy vào trường hợp cá nhân, thí dụ như lý do công việc quá căng thẳng, bất mãn trong nhân sự trong sở, tình trạng sức khỏe yếu kém, sa thải vì hết việc, tài chính tạm đầy đủ, v.v... Nếu may mắn ở cái tuổi 60 – 80 mà ta vẫn còn sức khỏe tốt hãy tận hưởng những gì mình có mà không tiếc nuối.

Ở giai đoạn dưỡng lão ta phải biết làm chủ bản thân mình, cả tinh thần lẫn vật chất và tài chính vì ta không còn nguồn thu thập nào ngoài tiền về hưu và tích lũy lúc đi làm. Đừng mong con cháu sẽ giúp đỡ mình. Đừng quên là thế hệ chúng ta là thế hệ cuối cùng có hiếu với cha mẹ. Nếu ở giai đoạn dưỡng lão mà chỉ dựa trên người thân hay nghĩ đến sự báo hiếu con cháu thì ta sẽ cảm thấy không an tâm và bất mãn. Khi ta gặp khó khăn, người thân sẽ không thể nào xuất hiện để lo cho ta vào bất cứ tình huống nào và bất cứ lúc nào. Trên phương diện thực tế, mỗi người là một cá nhân độc lập. Mọi người đều có cuộc sống riêng của mình. Ta không thể đòi hỏi con cháu, người thân phải lo cho ta từng li từng tí cũng như ta không thể yêu cầu người khác giúp đỡ ta bất cứ lúc nào.

Khi về già mỗi người trong chúng ta đều có lối sống thích ứng tùy thuộc vào phong tục và văn hóa từng gia đình. Tuy nhiên tôi muốn chia sẻ vài kinh nghiệm cá nhân để cuộc sống về hưu không mất đi trọng tâm, để hưởng thụ tháng ngày còn lại một cách an lành, hạnh phúc:

http://www.tcsuckhoe.com/wp-content/uploads/2018/02/loang-xuong-o-nguoi-cao-tuoi.png

 

 

 

 

 

 

 

  1. Giữ gìn sức khỏe về già. Chịu khó ăn uống nhẹ nhàng điều độ, đầy đủ chất dinh dưỡng, bớt đường, bớt muối và bớt mỡ. Siêng năng tập thể dục, đi bơi hay đi bộ nếu ta còn nghĩ thương thể xác của ta lâu dài. Mỗi sáng cố gắng đi bộ ít nhất 1 tiếng hay 8 ngàn bước, sau đó tìm 1 góc quán càfé nào đó như McDonald, Tim Hortons, Starbuck hay Costco cùng với bạn bè về hưu uống 1 ly càfé và điểm tâm nhẹ tán ngẫu thêm 1 tiếng nữa. Lái xe về đến nhà rồi làm ít việc nhà như dọn dẹp nhà cửa lặt vặt, cắt cỏ làm vườn trồng rau cải, hốt tuyết mùa đông thì thời gian cũng trôi qua khá nhanh. Hiện nay ở bắc Mỹ này căn bệnh nguy hiểm nhất của người già không phải là ung thư mà là bệnh lú lẫn hay Alzheimer. Chuyện quan trọng của người già về hưu là làm sao có một cuộc sống vui, sống khỏe và ngăn ngừa các bệnh tật. Những lúc rãnh rỗi ta nên tìm cách đọc sách hay truy tầm trên mạng để cho đầu óc luôn làm việc, chơi Puzzle / Mots cachés / Sudoku để bắt đầu óc ta luôn làm việc để tránh bị lú lẫn sớm. Youtube ngày nay rất hữu ích cho người có tuổi như chúng ta. Nếu tìm một đề tài để học hỏi hay xem bộ phim nào đó, nó hiện ra nhiều tiết mục liên quan lôi ta vào chết mê chết mệt và hao tốn nhiều thì giờ để search. Như vậy nó bắt bộ não chúng ta làm việc không ngừng. Có thể vào mạng tìm bạn bè trong Facebook, nó sẽ hiện ra vô số bạn tây bạn ta mà có thể ta chưa bao giờ nghĩ tới. Người tốt có, người khoe của cũng nhiều, người quen cũng có mà người không quen hiện ra rất nhiều. May mắn thay cũng nhờ vào những phương tiện truyền thông nhanh này đã giúp đở tôi tìm lại được vài bạn cũ vắng bóng mấy chục năm qua.

  2. Ra ngoài tìm bạn. Bởi chỉ có bạn bè mới là người đồng hành tốt nhất trong những năm tháng về sau. Con cái dù có tấm lòng hiếu thuận tới đâu nhưng những lo toan cuộc sống cũng sẽ cuốn hết sự quan tâm của chúng. Con không phải lúc nào cũng luôn ở cạnh ta. Ta cần có nhiều bạn bè tốt để biết, hiểu ta và nghe ta nói là món quà quí nhất trong cuộc đời này. Đồng thời có người thân thiện để trao đổi tâm sự tránh tình trạng cô đơn dẫn tới trầm cảm. Bạn bè tốt là khi ta bị rơi vào trường hợp khó khăn hay khó xử thì họ sẽ sẳn sàng giúp đở ta. Không nên làm bạn thân với đồng nghiệp còn đang làm việc vì lúc nào họ cũng có ngàn mối quan tâm cho miếng cơm manh áo. Đến thăm họ mình sẽ làm cản trở và đình trệ thêm công việc. Bạn hưu thì hay hỏi thăm về sức khỏe, kế hoạch du lịch ở đâu, ăn phở quán nào ngon, hội họp nhậu nhẹt bất cứ lúc nào, ở đâu mà không cần lên kế hoạch trước, nạn dịch COVID19 lan tràn khắp thế giới hay T.T Trump bên Mỹ đã tiến triển đến đâu về việc đàm phán hạn chế vũ khí hạt nhân với cậu ấm Kim Jong-Un của Triều Tiên hay Hiệp định Thương Mại Miễn Thuế (NAFTA) với Mễ Hoa Kỳ và Canada, cái chết thê thảm của 39 nạn nhân Việt trong container bên Anh quốc, cuộc biểu tình chống đối nạn kỳ thị khắp bắc Mỹ, tình trạng tiến triển đại dịch Covid-19, cuộc vận động ứng cử tổng thống Hoa Kỳ giữa 2 phe Dân chủ và Cộng Hòa - ôi thôi những chuyện thời sự này bàn cả ngày không hết, v.v... Các đề tài bàn bạc hoàn toàn khác hẳn với người còn làm việc. Ra ngoài tìm bạn về hưu không phải là chuyện khó nhưng tìm bạn họp gu, đồng tình để nói chuyện và cảm thông với mình không phải dễ. Theo thống kê ở bắc Mỹ thì có từ 33% đến 43% người già cô đơn trầm cảm. Ta phân biệt hai nhóm người cô đơn. Nhóm thứ nhất thỉnh thoảng cô đơn và họ lắm lúc tìm bạn già mới. Nhóm này dễ bị mắc bệnh tim, lú lẫn, hệ kháng sinh hay náo loạn và dễ mất sớm, theo GS Julianne Holt-Lunstad chuyên gia tâm lý và thần kinh tại đại học Brigham Young. Nhóm khác luôn cô đơn trầm cảm vì không thích tiếp xúc “người ngoài”. Người già loại này chỉ thích nói chuyện và tiếp xúc với người thân vì nghĩ mình bị xã hội bỏ rơi hay họ cảm thấy không hội nhập được vào xã hội tây phương. Nhiều người Á châu thuộc vào nhóm này vì sự bất đồng ngôn ngữ và văn hóa nên họ có cảm tưởng mình không thuộc vào thế giới này hay nghĩ là dân tây phương không chấp nhận mình. Ngôn ngữ khác biệt, ăn uống cũng khác và văn hóa tây phương hoàn toàn khác hẳn. Cố gắng tìm hiểu nguồn gốc của sự cô đơn người già thì ta mới thấy ra ngoài tìm đối tác hợp gu đáng giá trị. Phàm là việc gì cũng nên cân nhắc chính mình, suy nghĩ cho người khác. Chỉ có bỏ đi sự ích kỷ, tư lợi, tự ái, ta mới có thể tự tại được. Không nên đi thay đổi người khác, nhìn người khác không vừa mắt, trước tiên điều chỉnh tâm tính của mình cho thật tốt, tu sửa tâm của mình, hoàn cảnh xung quanh sẽ tùy theo tâm mà chuyển. Ta đối xử với người khác như thế nào, người khác cũng sẽ đối xử lại với bạn như vậy, không nên lúc nào cũng oán trời trách đất, đừng lúc nào cũng nhìn vào tật xấu của đối phương.

  3. Tìm chỗ ở cho riêng mình, nơi mình thích nhất thay vì hy sinh đến nhà con cháu nhẫn nhục giúp đở làm ô sin giữ cháu cho chúng. Ta phải tập tính ích kỷ hãy lo cho thân già ta đã. Ở căn nhà quen thuộc với hai vợ chồng đến khi tay run chân mỏi mệt thì cũng phải bán nhà để dọn vào viện dưỡng lão. Bên bắc Mỹ này mỗi năm cơn lạnh mùa đông kéo dài ra hơn, trời u ám hơn. Không hiểu vì ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu toàn cầu hay tại vì mình càng ngày càng già hơn, tay yếu chân run hơn...Nếu ta may mắn còn đi đứng được thì đở khổ. Nghĩ mà buồn nản nếu phải chống nạn đi ra đi vào trong nhà, lẩn quẩn cho đến những chuỗi ngày cuối đời còn lại trong lúc mắt yếu, trí óc phản xạ chậm chạp mà còn bị cấm lái xe thì quá chán nản. Đến tuổi 75 bộ lao thông Canada bắt ta khi khám mắt để quyết định cho chúng ta tiếp tục lái xe hay không hoặc họ sẽ tước bằng lái xe nếu ta bị tai nạn hai lần liên tiếp trong năm. Ăn uống thì khó khăn kiên cử và ít hẳn lại, kém phần calorie và protein càng làm cho hệ kháng sinh trong cơ thể già yếu hơn. Những việc làm hay hẹn hò phải lên lịch trình như ngày giờ khám bệnh, trả tiền bills, đi chợ búa mua những thức ăn gì vì trí óc không còn minh mẫn như lúc còn trẻ.

  4. Không chia gia tài cho con cháu khi ta chưa ta vào quan tài. Vì con cái không thể nuôi dưỡng người tuổi già, bậc cha mẹ cũng chỉ có thể tự lập tự cường, tài sản cần giữ kỹ, trước khi chưa vào quan tài quàn nhất định không chia tài sản. Đừng bao giờ nghĩ mình phải để lại tất cả những gì đã kiếm được cho con cháu. Chớ nên lo lắng về những điều sẽ xảy ra với các con mình, cũng đừng lo sợ bản thân bị đánh giá thế nào. Bởi khi đã trở về với cát bụi rồi, chúng ta sẽ không còn nghe thấy bất cứ lời khen, tiếng chê nào nữa…Giúp đở con cái gầy dựng nên sự nghiệp là việc đáng làm nhưng phần còn lại phải nghĩ đến công lao 40 năm làm việc ta đã chịu cực khổ để dành giụm cho cuộc đời. Hãy tận hưởng những gì ta có cho cuộc đời còn lại.

  5. Làm điều gì mà mình thích - Hãy tự hỏi bản thân ta: ta yêu thích điều gì? Ta giỏi trong lĩnh vực nào? Nên tự hỏi bản thân "Đâu là ý nghĩa cuộc sống của mình?" và theo đuổi các hoạt động giúp tìm ra câu trả lời này. Đơn giản hơn là câu hỏi "Tôi thích làm gì nhất?". Bên trong ta luôn có sự đam mê, một tài năng độc nhất. Chúng đem lại ý nghĩa cho cuộc sống và hướng ta đến việc chia sẻ phần tốt nhất của con người mình cho đến thời khắc cuối cùng. "Làng trường thọ" tên Ogimi ở Okinawa (Nhật Bản) có tới 3 000 người sống lâu nhất thế giới. Họ sống đời sống chậm rãi , vui vẻ bên cạnh thiên nhiên và bạn bè. Họ ít bị các bệnh mãn tính như ung thư và bệnh tim, tỷ lệ mắc chứng mất trí nhớ cũng thấp hơn mức trung bình. Làm thế nào để người dân Ogimi sống thọ như vậy? Thực ra sở thích của họ hay gọi là Ikigai theo tiếng Nhật là "trồng rau và tự nấu ăn", "gặp gỡ bạn bè" và "đan lát". Người Nhật quan niệm bất cứ ai cũng có Ikigai. Ikigai khác nhau về hình thức và tùy vào văn hóa mỗi dân tộc và Ikigai cũng không cần phải cao cả hay phức tạp mà phần lớn là những hoạt động khiến ta bận rộn nhưng vui vẻ suốt cả ngày. Sống có mục đích sẽ khuyến khích các hành vi kéo dài tuổi thọ. Sau tất cả, việc tìm ra Ikigai riêng của mình là phụ thuộc vào ta và theo văn hóa riêng của ta, ông Ken Mogi, nhà thần kinh học kiêm tác giả cuốn Awakening Your Ikigai: How the Japanese Wake Up to Joy and Purpose Every Day nói. Theo ông Mogi, tìm ra Ikigai giúp ta sống lành mạnh hơn, tập thể dục nhiều hơn, tăng cường hoạt động xã hội và học tập suốt đời.[2]

  6. Trên thế gian này, con người là sinh vật thông minh nhất trên trái đất nhưng chúng ta quên học hay thực hành tâm linh cho tâm ta được an lạc. Chúng ta khác với thú vật là ta biết mình có cái thân. Con vật nó không biết là nó có cái thân. Các nhà khoa học tìm ra một vài loại khỉ thông minh (tên khoa học là tinh tinh) vì nó biết được nó có thân nhưng một cách mơ hồ. Thí dụ con cọp khi uống nước dưới suối hay hồ, nhìn xuống mặt nước nó thấy gương mặt của nó trên mặt hồ mà nó không biết là mặt nó. Nó sựng lại gầm gừ nhưng không tấn công cũng như không làm gì cả vì không thấy bị đe dọa hay nghĩ có lẽ con vật trên mặt nước có cùng giống nồi với nó. Cũng như con mèo khi nhìn vào gương thấy mặt một con mèo khác mà nó không biết đó là mặt của nó. Nó gầm gừ chốc lát rồi bỏ đi. Con người chúng ta khác thú vật vì ta biết ta có cái thân cho nên ta biết chăm sóc thân ta, ta biết ta có nội tạng, biết đau đớn, biết ăn diện quần áo trang điểm mặt mài vì chúng ta biết ta có cái thân trong khi đó con vật không biết cái thân của nó nên nó u mê. Con người ta biết có cái thân nhưng thường quên đi là mình có cái tâm. Cũng như khi ta thấy hai người cãi vả, giận dữ hay đánh đá chém giết lẫn nhau mà quên đi cái tâm sân si của mình. Ta hãy quan sát người giận dữ sẽ thấy là họ để cái tâm ghen tuôn thù ghét giận dữ đang dẫn dắt họ. Thú vật không biết nó có cái thân còn con người thì không biết mình có cái tâm hay chỉ biết một cách mù mờ. Chúng ta không biết dẫn dắt cái tâm mà để nó điều khiển chúng ta vì thế ta khó có thể có lòng từ bi hỉ xả. Cái tâm nó dẫn dắt chúng ta từ dòng này qua dòng khác như ngọn lửa bắt từ nguồn này cháy liên tục qua luồn khác. Người ta còn gọi đó là dòng đời hay cuộc sống. Người tu hành là người biết điều khiển cái tâm hay dẫn dắt được cái tâm của họ theo chiều hướng tốt. Chúng ta nên tập luyện tu tâm như thiền hay tu thân để điều khiển hay dẫn dắt cái tâm chúng ta không bị vướng vào cái vòng tham sân si... Một khi tinh thần vui vẻ thì bệnh mới không tới. Tinh thần tốt hơn thì bệnh mới có thể khỏi sớm hơn. Hãy lên cho mình một kế hoạch và chờ đợi những ngày tiếp theo. Một ngày dù chỉ có một giây phút vui vẻ ngắn ngủi cũng là được lợi biết bao. Một tâm hồn lạc quan giúp chữa lành bệnh tật nhanh chóng.

Những bạn hữu già hãy nhớ kỹ, chúng ta được mệnh danh là thế hệ sau cùng (baby boomers) còn biết hiếu thảo với cha mẹ, là thế hệ đầu tiên sẽ bị con cái bỏ rơi, tuyệt đối đừng vì “người ở trên trời, tiền trong ngân hàng”, cái gì “một mình rất cô đơn”, “già rồi không ai chăm sóc” những tin tức tiêu cực này làm cuộc sống của bạn mất đi ý nghĩa, những cách nói này đã lỗi thời rồi. Chúng ta phải dựa vào chính mình dưỡng lão, lớn tiếng mà nói: tuổi già của tôi, tôi tự làm chủ.

Cả đời làm việc, đến cuối cùng ta chỉ muốn bản thân được an nhàn để hưởng thụ cuộc sống còn lại và hãy nhớ bằng lòng vui hưởng với những gì mình đang có trong tay…

the duc gia đình

Giải Cờ tướng trung - cao tuổi là cơ hội để người trung niên, cao tuổi trong cả nước giao lưu, thi tài. Trong ảnh: Người cao tuổi Cần Thơ chơi cờ tướng. Ảnh: DUY KHÔI

điểm du lịch đèo hải vân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Hồng Phúc HD 67-74
Montreal Canada
Viết vào mùa đại dịch Covid-19 năm 2020

Tham khảo:

  • Don’t go it alone – The Montreal Gazette Monday May 27, 2019
  • http://tapchitrungnien.com/triet-ly-lam-dieu-minh-thich-giup-nguoi-nhat-song-tho-tram-tuoi.html
  • Tôi có đọc trên mạng các câu thơ rất hay của tác giả Cao Bá Tuấn như sau:
Một ngày, một năm và một đời người!!!
  • Một ngày rất ngắn, ngắn đến mức chưa nắm được cái sáng sớm thì đã tới hoàng hôn.
  • Một năm thật ngắn, ngắn đến mức chưa kịp thưởng thức sắc màu đầu xuân thì đã tới sương thu.
  • Một cuộc đời rất ngắn, ngắn tới mức chưa kịp hưởng thụ những năm tháng đẹp thì người đã già rồi.
  • Luôn luôn đến quá nhanh mà hiểu ra thì quá muộn, cho nên chúng ta phải học cách trân trọng, trân trọng tình thân, tình bạn, tình đồng nghiệp, tình yêu, tình vợ chồng, tình phụ mẫu, tình đồng loại ...
  • Vì một khi đã lướt qua, thì khó có thể gặp lại.
    • Sau 20 tuổi, thì đất khách và quê nhà giống nhau vì đi đến đâu cũng có thể thích ứng.
    • Sau 30 tuổi, thì ban ngày và ban đêm giống nhau vì mấy ngày mất ngủ cũng không sao.
    • Sau 40 tuổi, thì trình độ học vấn cao thấp giống nhau, học vấn thấp có khi kiếm tiền nhiều hơn.
    • Sau 50 tuổi, thì đẹp và xấu giống nhau vì lúc này có đẹp đến mấy cũng xuất hiện nếp nhăn và tàn nhang.
    • Sau 60 tuổi, thì làm quan lớn và quan bé giống nhau vì nghỉ hưu rồi cấp bậc giống nhau.
    • Sau 70 tuổi, thì nhà to và nhà nhỏ giống nhau vì xương khớp thoái hóa không thể đi được hết những không gian muốn đi.
    • Sau 80 tuổi, thì tiền nhiều và tiền ít giống nhau vì có tiêu cũng chẳng tiêu được bao nhiêu tiền.
    • Sau 90 tuổi, thì nam và nữ giống nhau vì không thể làm nổi chuyện ấy nữa.
    • Sau 100 tuổi, thì nằm và đứng giống nhau vì đứng dậy cũng chẳng biết làm gì.
  • CUỘC ĐỜI CỦA BẠN VÀ TÔI LÀ NHƯ VẬY, KHÔNG KHÁC NHAU NHIỀU...
  •  NHÌN RA, HIỂU ĐƯỢC, THẤU HIỂU RỒI, CUỘC ĐỜI LÀ NHƯ THẾ ... 
  •  TRÂN TRỌNG NHỮNG THỨ ĐÃ CÓ VÀ ĐANG CÓ ... 


 

------------------------------------------------------------

Last updated 06/30/2020

 

 

side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1