banner Các Thế Hệ Thầy Cô
side2
RIÊNG MỘT GÓC VƯỜN - Quốc Lực và Hồng Võ HD 68-75

Thứ Bảy, ngày 29 tháng 11 năm 2014

          Vậy là qua hai tuần hưởng khá đậm hương khói quê nhà, Chung Lâm  đi rồi. Chung đi, để lại niềm vui lẫn nỗi luyến tiếc cho chục bạn cũ cùng thời trung học.

3

          Hưởng hương khói quê nhà, nghe sao là lạ nên phải diễn giải cho rõ nghĩa, dễ hiểu một chút. Hưởng khói, là khói thuốc lá của mấy bạn cũ. Biết rõ ràng thuốc lá là con đường phẳng phiu đầy quyến rũ dẫn tới bệnh viện…lao và sau đó là thành phố buồn, nhưng không biết sao tỉ lệ dân ta hút thuốc thuộc loại cao của châu Á. Ngồi gần bạn nào, Chung Lâm cũng bị khói thuốc từ bạn hòa quyện vào tóc áo và mũi, không cách nào né nổi. Từ quán cà phê, quán bia rượu tới quán karaoke… chỗ nào cũng thuốc. Tin mới nhất, chính phủ Singapore hạn chế thêm một nấc, tuy ngoài trời, nhưng chỗ nào có mái che cũng cấm hút thuốc. Thí dụ như trạm xe bus chẳng hạn. Đúng là dân ta vô cùng liều mạng. Cũng đúng, bom còn dám cưa, nói chi khói thuốc, bởi hậu quả của thuốc lá cả mấy chục năm sau mới rõ nét. Còn hưởng hương là bầu trời quê hương đầy sinh khí ở những vùng quê. Là mùi cua tôm luộc, hấp nước dừa chín đỏ au trong buổi picnic đầy lao xao, vui vẻ với nhiều bạn cũ mà mới gặp ở nơi mới. Là ly cà phê, tô bún nước lèo, cái bánh bò…chứa đầy hương vị quê nhà. Chung Lâm đi để lại niềm vui cho những bạn đã quá ngán những buổi rượu bia dai dẳng và hôm sau là…thẳng cẳng. Chung Lâm đi rồi, sinh hoạt trở lại bình yên, không vui sao được. Chung Lâm đi rồi để lại sự luyến tiếc, vì không còn ai cứ mỗi sáng alo alo rủ nhau ra quán ngồi đồng vài tiếng đồng hồ, rề rà hết chuyện xưa tích cũ quay sang chuyện trên trời dưới thế, vui buồn có đủ… Chung Lâm đi rồi, sinh hoạt trở lại như cũ, thiếu những cái bất ngờ, quen quen khuôn mặt của hắn và lạ lạ ở cái dáng người hôm nay khác ngày xưa của hắn thử hỏi sao không luyến tiếc!

1

          Buổi chia tay Chung Lâm tại quán cơm, nhưng trong phòng karaoke, để mọi người có dịp khoe năng khiếu mấy chục năm qua chưa kịp phát tiết. Giá mà phát tiết sớm, mấy chục năm trước trường Hoàng Diệu có thêm chục giọng ca đầy sự mới lạ, giọng vừa rè vừa bè; ca sĩ Dung (Huệ), Thanh (Lê), (Quan) Hưng, (Lâm) Chung hết đơn ca rồi lại song ca cùng cất cao giọng hát vừa diễn đạt thiệt tình và cũng hết sức thực lòng nên đôi lúc tưởng chừng ta với bạn đang trở lại thời trẻ trung đang tập yêu và…thất tình y như thiệt! Nhớ lại hôm Chung Lâm từ nước ngoài về…An Giang, nhóm bạn cũ lên xe tới tận nơi đón hai vợ chồng Chung Lâm về lại quê nhà Sóc Trăng. Trên xe, pho tự điển cũ kỹ nhưng bên trong còn khá rõ ràng tả lại chuyện cũ xưa hơn 40 năm trước vậy mà có người thích nghe. Bức tranh chân thật, chau chuốt tới chi tiết từng câu chuyện, sự việc được bày ra. Trí óc Lâm Chung tốt thiệt, nhớ dai nhách như bạn Chuôn nè là bạn với bạn Chính nhà ở hẽm abc; bạn Tú nhà ở hẽm xyz v.v…khiến các bạn nghe mà phục lăn. Bởi vậy, tôi đã sắp xếp để các bạn cùng có dịp gặp gỡ chung vui cùng lúc bằng một buổi picnic tận trại tôm Vĩnh Châu. Trại đã từng đón nhiều bạn từ các nơi trong ngoài nước. Hình ảnh đơn sơ của trại đã được quảng cáotoàn thế giới. Nhưng lần này có chút mới lạ hơn vì sự có mặt Họa sĩ Hồ Văn Hưng xung phong làm trưởng ban trang trí. Theo ý tưởng ban đầu là băng-rôn dòng chữ RIÊNG MỘT GÓC VƯỜN…CHUỐI. Sau đó thống nhất bỏ CHUỐI cho có vẻ thơ mộng (tới lúc chụp hình bên nào cũng thấy chuối thì cần chi đề chữ). Sáng sớm, tôi lục chục tờ lịch cũ, chôm cây viết lông của con gái bỏ vô bị. Trong vườn chuối của trại tôm, bàn ghế đã kê sẵn chỉ chờ họa sĩ ra tay. Trưởng ban sau khi làm hơi thuốc thơm (lại hút) lấy trớn bắt đầu hoa tay vẽ chữ còn 2 nhân viên Thu Phạm, Hùng Kiệt lo băng keo dán chữ liền với nhau lên cọng dây, rồi giăng ngang hai cây chuối ở đầu bàn tiệc picnic tạo nên góc nhìn bắt mắt và khó quên. Nhóm Lực, Võ, Chung, Tú, Thanh với phó nhòm Sơn cận sau hơn một giờ chài đủ thứ tôm cá từ các kinh ao trong trại cho bữa ăn, kéo nhau vô bếp giao chiến lợi phẩm, rồi ra vườn bày tiệc. Vườn chuối cuối mùa mưa, đa phần cây đều có buồng trái lớn, nhỏ. Một buồng chuối chín cây được treo lên để mọi người không kể tuổi khỉ hay tuổi mùi tha hồ thưởng thức chuối organic. Xưa có tích ăn khế trả vàng, nay tôi chỉ yêu cầu nhỏ xíu là ăn chuối trả nước… tại gốc cây! 

2

          Thức ăn được dọn lên. Hôm nay có cua gạch, tôm luộc, hầm dĩ, canh chua cá đối bông so đũa, cá chẽm fillet chiên, đọt nhãn lồng, lá mồng tơi luộc, đậu rồng ăn sống với hầm dĩ. Tất cả là sản phẩm có từ trong trại kể cả me, cá mặn…, chỉ có cái trứng trong hầm dĩ là mua bên ngoài. Chụp hình lưu niệm dưới tác phẩm của họa sĩ Hưng Hồ xong là vào tiệc. Rượu chát được rót ra, rồi vô vô ồn ào để không khí thêm sôi động. Mỗi bạn ôm một con cua khá lớn, loay hoay với gạch và càng; các bạn Chuôn Tạ, Thanh Lê, Hoàng Mai không thích rượu nên đua nhau phá mồi để một mình bạn Tú Võ tay đũa tay ly cụng với họa sĩ Hưng Hồ bất phân thắng bại. Vợ chồng bạn Chung Lâm lâu lắm mới có dịp ăn hải sản tươi sống nhiều như vậy nên cứ tự nhiên phục vụ mình ên. Kế bên nhóm picnic riêng một góc vườn là một Happy Birthday của anh chàng kỹ sư trại tôm. Hai bên có cùng thực đơn, tôi có dịp phân phối lại tôm cua từ bên kia qua bên này để bù vào bạn nào sung, giấu sớm con cua vô bụng. Thật ra cũng chỉ đủ ưu tiên vợ chồng bạn xa. Nồi cơm ế, vì thức ăn nhiều. Hoàng Minh đã bỏ lệ cơm ba chén, chỉ còn non chén, chừa chỗ chứa thức ăn. Sáu lít rượu chát hết mau, qua tiếp phần rượu nhà giàu (rượu ngâm rễ cây nhàu già) thêm thùng bia chữa lửa cho mát bụng. Bia rượu làm hồ hởi tinh thần, làm mấy chàng thi sĩ của một thời áo trắng trường xưa đua nhau nhớ thơ, đọc thơ rồi khen nhau “thơ mầy hay tuyệt làm tao đọc một lần là nhớ tới tận giờ” (nhưng anh chàng được khen thì không nhớ chút gì là thơ của mình ??!).

          Riêng một góc vườn, không ai quấy rầy như ngồi bàn bia ngoài chợ. Không có ai quen ở những bàn gần đó bất ngờ tới khều khều cụng ly, không có ai bán vé số tới kèo nèo giúp đỡ, không có bụi đường như những quán cốc bên đường. Chỉ có bạn cũ mèm xưa với nhau. Nhưng rượu vào, trơn miệng mạnh chân, cũng có dịp giao lưu với bàn Happy Birthday. Người đi qua, kẻ đi lại trả lễ làm cho góc vườn…chuối thêm phần lau nhau, nhờ đó mà nhóm riêng một góc vườn được lời mỗi người thêm dĩa nhỏ bánh sinh nhật. Khoảng thời gian bị bỏ quên đó dài ba tiếng đồng hồ mà thoáng qua nhanh như…gió thổi qua tàu lá chuối. Trước khi ra về, nhiều bạn trai nặng tình (thật ra là nặng bụng dưới) nên cùng chủ vườn đi tưới nước cho vườn chuối, còn cánh nữ thì vô phòng tiếp tân để làm thủ tục lên xe. Ra về mà lòng còn luyến tiếc, lấy lý do bạn cũ lâu ngày gặp lại nên nhiều bạn lại hẹn nhau tới quán karaoke vừa ca cho nhau nghe mà  cũng vừa để hả bớt hơi bia rượu.

         
4

          Quán cà phê, quán bia, quán karaoke, quán cà phê là một vòng tròn diễn ra trong hai tuần ở quê nhà của Chung Lâm. Hồng Võ rãnh rỗi nên phải xung phong chìu bạn, làm cầu nối Chung Lâm với các bạn cũ Chung chưa biết địa chỉ. Thời gian không nhiều, nên Chung sống có lý có tình, cố sắp xếp lo chuyện riêng tư, đồng thời dành thời gian thăm lại những người thân quen cũ, dành thời gian còn lại tất cả cho bạn bè HD 68-75. Tuy không có điều kiện gặp lại thật nhiều bạn, nhưng lần này Chung  cũng đã hội ngộ thêm nhiều bạn cũ, hồi tưởng rồi hể hả nhắc lại thời cắp sách bạn trai này với bạn gái kia thương thầm trộm nhớ ai ai Chung có dịp khai hết. Tuổi lớn hay hoài cổ, ai thoáng quên thì Chung nhắc cho nhớ, ai còn nhớ thì Chung nhắc cho vui còn ai nghe rồi tiếp tục quên cũng chẳng hại gì vì lần sau, hồi sau Chung sẽ nhắc tiếp. Cho nên, Chung Lâm về rồi lại đi để lại bao niềm vui, nỗi luyến tiếc nhưng không biết có để lại nỗi buồn man mác nào không, chỉ có những bạn trong cuộc hiểu, nhất là mấy bạn nữ như Chuôn Tạ, Ngọc Tú, Hoàng Mai, Thanh Lê, Huệ Dung...

          Sáng nay chuông điện thoại không reo, tin nhắn không tit tit, tôi chợt bâng khuâng, Lâm Chung đi rồi mà sao còn văng vẳng lời bạn nói “hẹn năm sau mình gặp lại”.

Quốc Lực - Hồng Võ - tháng 11 năm 2014



 


Last updated 02/08/2015

side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1