*Tùy bút Nguyễn-Tư - Mời vào trang Khu Vườn Văn Nghệ của Nguyễn Tư: http://www.kvvnnt.com.au
Dường như Thy chỉ còn liên lạc với cuộc đời này qua cái hộp thư nhỏ bé ở
Liverpool - một thành phố thuộc miền tây Sydney, mà trong những năm đầu mới
đến Úc chàng share nhà chung với một người Lào, cũng thầm lặng như nhau, trong những
ngày lang-thang với ý định muốn bỏ tiểu bang này, để đến một nơi nào đó cũng
được, miễn là không còn ở nơi đây nữa, sau khi Thy đã giao cuốn tùy bút viết
tay có tên"Dù sao đi nữa..."cho một người, hầu thực hiện một lời hứa
qua phone trước đó:"Tôi sẽ đưa tập tùy bút này cho em khi nào tôi sắp đi
xa!"...Nhưng rồi Thy vẫn phải ở lại đây vì một lời nói mà chàng biết người
kia phải cố gắng cái cố gắng sau cùng để thốt ra:"Anh đừng đi, vì như vậy anh sẽ
làm khổ một người!"...Hộp thư này, ngày hôm nay Thy nhận được hai món đồ:
một tấm cạt chúc Tết gửi từ Paris của vị thầy dạy chàng môn Pháp văn ngày xưa
ở trường THĐ Đàlạt mà chàng đã tình cờ biết được qua một bài phỏng vấn của đài
SBS. Người thầy bây giờ có cái bút hiệu là "TTV", xưa là Giáo sư "PNK" mà
chàng đã nhờ đài hỏi hộ. Thầy trò cũng đã liên lạc nhau bằng thư, và dĩ nhiên
với nhiều xúc động trong cảnh lưu vong, và nhất là khi hai người có nhắc lại
những ngày "Đalat sương mù" năm Thy học lớp12, mà thầy là vị Giáo sư
"đẹp giai" nhất trường...Giờ thì chữ Thầy đã bắt đầu run dù giọng nói trên đài
hãy còn trẻ lắm. Thy nhìn nét chữ trên tấm cạt mà thương Thầy và pha một chút
ăn năn vì đáng lẽ ra Thy phải gửi thiệp chúc thọ Thầy mới "phải Đạo", nhưng
Thy đã không làm công việc này từ lâu, vì thấy nó khách sáo quá. Chúc cái gì
bây giờ? Hạnh phúc ư? Có chúc nó cũng không có, và không chúc nó cũng không vì
thế mà mất đi nếu như nó đang có...Món quà thứ 2 là một cuốn sách viết bởi một
người tù lính, cộng với cuốn băng nhạc chỉ thu toàn những bài ca về lính trước
75, cả 2 đều của một người lạ ở xa gửi cho. Cuộn băng Thy đã chỉ dám nghe một
lần, mà những câu do Khánh-Ly hát như:"Nào ai đang ấm no thấy chăng ngoài
chốn xa, một đoàn hùng binh trấn biên cương lạnh lùng với xa nhà...nhìn thấy
gương xả thân lòng đau xót, thương người chốn xa...dầm mưa dãi nắng sá chi
mệnh vong..." khi chàng đang mân-mê lên những vết thương cũ thời trẻ do
những mảnh đạn lộm-cộm trên mu bàn tay, bỗng dưng mắt chàng rưng-rưng mà Thy
không hiểu vì sao, dù cũng nhớ rõ khoảng đời ấy chàng mới 17 tuổi - tuổi đẹp
và mộng mơ nhất của một con người và những ai đã "đau xót" cho chàng trong
những ngày đó như lời bài ca, và bây giờ, Tổ quốc nào đã "ghi ơn" thế hệ từng
"sá chi mệnh vong” này!???
Thy rời nhà Bưu điện, mua một tấm vé xe lửa hướng về City, rồi xuống tại ga
Circular Quay - là một Hải cảng lớn ở Sydney, nơi chàng thường lui tới vì nó là
biển mà chàng muốn gần-gũi mỗi khi buồn, bởi vì Thy muốn học thêm lòng bao
dung từ những Đại dương để có đủ can đảm đi hết cuộc đời nhiều gian trá, và
khốn khó, thường được bọc quanh bằng những mật ngọt này...
Vì còn chỉ một ngày nữa là đến Giao thừa Tết Tây, nên người ta đã chuẩn bị đầy đủ cho
đêm "lịch sử" này, vì thế thợ điện, chuyên viên truyền thông... đã làm việc cật
lực để dựng lên những màn ảnh lớn hầu truyền lại những sinh hoạt trong đêm đón
mừng Năm Mới hiếm hoi từ "Opera House", coi như bộ Chỉ huy của các hãng thông
tấn lớn như BBC, VOA và CNN...đặt tại đây sẽ truyền đi khắp thế giới từ thành
phố được hưởng ngày đầu năm trước nhất là Sydney...Người người tấp nập trên
bến cảng, dường như họ đang đi điều nghiên một vị thế tiện lợi nhất để ngày
mai họ sẽ "bầu đoàn thê tử" đến đó trấn đóng chờ xem bắn pháo bông từ cầu
Sydney mà nghe nói do một hãng làm pháo gốc người Ý có doanh nghiệp đã 2 thế
kỷ nay phụ trách. Các đám hát dạo kiếm bạc cắc mọc lên như nấm, từ chơi
Violon, Saxo, Guitare, kèn Thổ dân, kèn Ái nhĩ lan, kể cả nữ thần Tự do nữa...
Nhưng đáng nói nhất vẫn là cô bé chừng 8 tuổi chơi Violon rất hay, dưới chân
cột theo một con chó xù ngoan-ngoãn. Cô bé tóc đen, nét mặt rất hiền hậu pha
một chút gì đó buồn phiền tiền kiếp mà Thy nghĩ em chỉ có thể là người Tỵ nạn
VN như chàng mà thôi. Thy thấy nhiều người Úc bâu quanh cô bé và họ cho rất
nhiều tiền, có lẽ vì cô bé trông hiền lành, chơi nhạc khá hay mà lại yêu "chó"
- bạn thiết của người Tây phương. Có một ông Úc cúi xuống và đưa cho cô bé 10
đồng, thay vì bạc cắc như thông lệ, hẳn phải có lý do riêng của nó...Thy đến
cạnh và hỏi cô bé:"Em có phải là người VN không?", thì cô bé gật đầu.
Em tên là Minh Thi, lớp 6, và học nhạc thầy tư được 3 năm rồi. Thy chụp cho em
khoảng 10 tấm hình sau khi tặng em một ít tiền nhỏ với lời khen em chơi nhạc
hay lắm. Chàng đi một đỗi rồi quày lại có ý định sẽ gửi cho em một vài tấm hình
sau này để em làm kỷ niệm bởi vì không dễ gì em có những tấm hình như thế này
khi em đã lớn khôn, nhưng khi trở lại thì em đã đi đâu mất tiêu rồi...
Qua hôm sau, đây là ngày cuối năm Tết Tây, Thy có hẹn với hai người bạn nhỏ
để đưa vài tấm hình mà chàng đã chụp "mướn" cho họ trước đó một tuần bằng
phim Monochrome vì chàng muốn sang năm Mới mình chẳng "nợ nần" gì ai! Nhưng
chỉ có một người đến còn người kia bị "bận"- một từ ngữ bị "hàm oan" nhiều
nhất trên cuộc đời này mỗi khi người ta muốn giải thích một điều gì đó về sự
vắng mặt của mình mà không tiện nêu rõ lý do, nhưng trong trường hợp này thì
Thy hiểu vì sao, và chàng tự nhủ: mình nên trách hay nên cảm ơn người kia?
Người bạn nhỏ tên Uyên cười thực tươi, đi nhún-nhẩy trong chiếc quần Jeans
Levi cỡ size 8 thực đẹp, áo mỏng màu đen bó sát người để lộ những mảng da trắng
muốt thực nổi, tóc búi cao bỏ đuôi ngựa ra phía sau, còn hỏi Thy: “Tóc vậy đẹp
không anh, hay cứ để lòa-xòa trên trán như trước? “Thy nói: “Như vậy trông "sáng
sủa" hơn, vì mặt của bạn tròn, phải cho nó có thêm chiều cao một chút để nó
"thở" theo cái qui luật quân bình trong Hội họa, còn ý Uyên thì tùy, nhưng bạn
đẹp sẵn rồi mà!??” Người bạn nhỏ cười thực dễ thương, hàm răng đều như ngọc với
đôi mắt híp lại mà Thy rất thích, nhưng người bạn thì than phiền:"Em rất bực
đôi mắt của em!". Thy cười vui trấn an:"Uyên đừng lo, khi người ta yêu
ai, thì người ta sẽ yêu luôn cái xấu của người đó, giống như ngày xưa tôi có
một người tình họ ghiền mùi thuốc lá hiệu Dunhill của tôi mà trước đó họ rất
ghét!”...
Hai người bước vào một tiệm Tàu, cô bạn kêu bánh canh được chủ nhà hàng giới
thiệu là ngon nhất ở đây. Uyên hỏi: “Anh kêu gì?” Chàng nói:”Cùng thứ, bởi vì tôi
không thích sự lựa chọn.”..Bánh canh dở ẹt, Uyên nuốt không trôi, Thy bảo: “Bỏ
đi, kêu thứ khác, đừng bao giờ tự ép mình, vì như vậy - theo Đạo đức học, là mình
có tội đối với bản thân, tôi cơm chùa cháo chợ quen rồi nên không chê bai
gì!” Rồi Thy đưa xấp hình cho Uyên xem, nàng khen những tấm hình đẹp, nhất là hình
của người kia. Thy nói: “Người kia có "nét" với chiếc mũi cao và đôi mắt sáng,
loại người thông minh lanh lợi, có thể ứng xử được với mọi tình huống trong
đời sống, rất thích hợp cho những anh đàn ông nào may mắn có số "cư thê", vì
họ cần phải cậy nhờ nơi người vợ đảm đương, còn Uyên thì sẽ bị "lép vế" nên
chịu thiệt thòi! Nhưng bạn đừng lo, với cái tính thầm lặng và ít oi nơi bạn,
bạn sẽ được đền bù bởi những "ưu đãi" khác của cuộc đời này mà người khác có
thể không có! “Trong dáng điệu suy nghĩ về một câu nói bất ngờ của Thy có liên
quan đến vấn đề tình cảm làm Uyên giật mình nên nàng lo lắng nghiêm túc hỏi:
“Thế thì hiện anh có hy vọng gì nơi Uyên không?” Thy nói: “Có thể không, cũng
chẳng hiểu tại sao! ” rồi chàng giải thích mơ hồ: “Thực ra, không phải tôi không
muốn có hy vọng ở đời này đâu - nhất là nơi Uyên, nhưng tôi sợ nó, bởi vì
ớ tôi không coi tình cảm là một trò chơi ngắn hạn, mà mình có thể buồn vui ìi
nó vài ngày - rồi thôi, như người ta thường quan niệm đơn giản bằng từ ngữ "qua
đường", mà nó sẽ làm "đau" hết cả một đời người đó Uyên, đâu phải người ta
không chết vì tình? Tôi thuộc loại đàn ông "nặng tình", vì thế chẳng bao giờ
dám "đùa" với Tình yêu (mà tôi viết hoa) cho nên, tôi không "dám" chứ không
phải không "thèm" ước mơ, bởi vậy có người họ nghĩ là tôi "kiêu"! Người bạn
cười biểu đồng tình, vừa gật đầu rồi kể lể rằng chính nàng cũng vậy, không muốn
giao du với ai từ lâu, dù chung quanh nàng rất nhiều người đang theo đuổi và
cũng bị họ nghĩ là "kiêu căng". Tôi an ủi: “Họ nghĩ chứ mình có nghĩ đâu mà sợ,
có ai sống được giùm đời cho mình đâu mà trách với móc, Uyên!?”
Ăn xong, hai người lang thang trên phố chính, chợt Thy hỏi: “Uyên à, tại sao
những người như mình, đâu có đui què gì, đầu óc đâu có ngu hơn người ta, tài
năng bất quá mình bằng họ chứ không thua, thế thì tại sao mình không được Hạnh
phúc!??” Uyên trả lời nghẹn-ngào: “Phần em chả nói gì, chứ như anh thì do anh đã bỏ lỡ nhiều cơ hội mà không chịu chụp bắt”. Thy trả lời một cách gần gũi hơn bởi vì chàng nhìn thấy nơi khóe mắt của Uyên có chút long-lanh của sự xúc động mà một người đàn ông vốn rất nhạy bén như chàng không thể vô tâm được nên mềm-mại hơn trong cách xưng hô : "Tại vì anh không "nỡ", và
cũng thừa hiểu rằng cơ hội đó không phải dành riêng cho mình - như Uyên bây
giờ chẳng hạn - bởi vì anh là người tự biết rằng mình được trời sinh ra không
phải để may mắn. Nếu được thế, anh đâu có cái quá khứ "dày" như vậy, khi anh
hãy còn trẻ quá chừng, trẻ hơn em bây giờ rất nhiều, chứ không phải anh tự
phụ-bạc anh đâu, Uyên!” Lúc này không khí có vẻ nặng xuống khi cả hai người
đang bàn về những buồn tủi của nhau mà họ chưa tìm ra được nguyên nhân, nên
họ vẫn đi bên nhau trong thầm lặng. Thy muốn chuyển suy nghĩ qua một hướng khác
vui hơn, nên chàng đề nghị Uyên đi mua quà cho trẻ con mà Thy giải thích với
lý do không ngoài những thua thiệt của cả hai người đã từng là những đứa trẻ
bất hạnh: “Tụi mình không có thời ấu thơ thì nên để cho chúng nó có.”Rồi Uyên và Thy
vào một tiệm gần đó, nàng đòi người bán hàng cho coi con thú nhồi bông mà nói
được câu:"I love you!". Thy chen vào đùa cợt: “Cái này thì bồ nói chứ con nít
chúng nó biết gì?” Người bạn nhỏ cười lên sặc-sặc như chừng cảm được câu khôi
hài đúng ý...Lát sau hai người vào tiệm chè, Thy đưa cho Uyên bản dịch cuốn:
"Bonjour Tristesse"(Buồn ơi, xin chào!) của F. Sagan mà Thy đã dịch ra
Việt ngữ từ nguyên bản tiếng Pháp cách nay đã 11 năm,dù truớc đây cũng đã có người dịch sách này rồi, nhưng chàng muốn tự dịch theo ý mình thú vị hơn …Thy bảo Uyên đem bản này về đọc đi vì Tác giả viết cuốn này năm cô mới có 17 tuổi và nổi tiếng khắp thế giới với hàng
triệu ấn bản, chưa kể những bản dịch bằng 16 ngôn ngữ khác nhau. Uyên săm soi
với vẻ thích thú nhìn cái bìa do Thy "đì-zai" bằng tấm hình tóc ngắn màu nâu
của nữ tài tử Pháp đóng phim phỏng theo tác phẩm này mà chàng rất thích, có
tên Jean Séberg, thủa Thy mới lớn lên còn làm SV Đại học...
Sau đó vì Uyên có hẹn với người chị đến để "pick" về, nên nàng phải ở lại
nơi một góc đường chờ. Thy bắt tay người bạn nhỏ mà chẳng chúc tụng gì, ngoài
câu nói nửa thực nửa đùa:"Nếu có người yêu thì năm mới Uyên nên yêu họ
nhiều hơn và cho tôi biết để tôi lánh xa, khỏi phải phiền hà, vì tôi rất trọng
Hạnh phúc của người khác!" Người bạn nói ỡm ờ : “Em "free" mà!” vừa cười
ngặt-nghẽo rồi hỏi Thy: “Giờ anh đi đâu vậy?” Chàng nói nhanh “Đi City để viết bài cuối
năm cho báo”. Người bạn nói: “Em muốn đi chơi cùng, nhưng có hẹn người đón nên thôi chờ dịp
khác. “Thy vừa đi về hướng nhà ga sau khi ngoắt tay chào Uyên lần nữa vừa nói
ngoái lại: “Cuộc đời nó ngắn ngủi, mà Uyên dài dòng làm chi, đợi chờ hoài mệt
lắm, muốn gì thì "chặt" tưới cho rồi, trước sau gì dòi bọ nó cũng rỉa xác thân mình
mà!??” Rồi Thy khuất dạng ở một khúc quanh....
Lúc này mới hơn 2 giờ trưa, mà tàu đã chật ních những người, họ đi nguyên gia
đình ôm theo những bọc mền màn chiếu gối, thức ăn và bình nước đá. Tất cả đều
đổ xuống miệt Circular-Quay từ "The Rock" tới "Opera House" tràn lên trên đồi
"Botanic Garden". Gần viện bảo tàng Nghệ thuật được đặt sẵn một dãy cầu tiêu dã
chiến. Người ta mặc đủ thứ áo quần, đội đủ thứ nón, vẽ đủ thứ mặt...nằm ngồi
la liệt với những vị thế có thể nhìn thấy cầu Sydney. Phần lớn họ là dân tóc
hoe, tóc đen rất ít. Cái sức kiên nhẫn đợi chờ có lẽ chỉ có người Tây phương,
người mình ít ai chờ nổi, nhất là những cái gì có liên quan đến quyền lợi. Họ
có thể dậy từ gà gáy đến chờ ở cửa siêu thị để sáng sớm mua hàng "sale" như áo
quần hay đĩa nhạc, chen lấn nhau khi mở cửa đến giẫm lên nhau, năm nào cũng có
xe cứu thương chực sẵn. Còn xem pháo bông là cái gì mà họ có thể chờ nguyên
ngày, ngồi dưới nắng, chỉ giải trí bằng chơi bài, nói dóc, ăn bắp nướng,
hamburger với giá gấp đôi ngày bình thường...Đến 3 giờ chiều thì có thông báo
bằng loa các chuyến phà ngưng chạy, bên cạnh ga đặt nhiều tấm bảng điện tử
chạy dòng chữ"City sẽ bị phong tỏa lưu thông từ 6PM đến 3AM". Đó là lý
do khiến Thy phải về sớm vì chàng ở khá xa và biết pháo bông chả là cái gì mà
phải chờ hàng ngày để xem nó! Còn ngày đầu Thiên niên kỷ cũng chỉ là một ngày
thường, như mọi ngày khác đủ 24 giờ đồng hồ, mặt trời mọc ở phương Đông rồi
lặn ở phương Tây, chẳng có gì đổi thay nhưng vì kể từ khi con người có ý niệm
về thời gian và muốn đánh dấu nó bằng những cuốn lịch để tiện việc hành chánh
mà thôi, nên mới nảy sinh ra những ngày "trọng đại". Thực ra, giờ nào, ngày
nào, năm nào của Đất Trời...mà chẳng "mới" và chẳng "cũ", chỉ có những "tấm
lòng" của con người, mới cần biết nó đang "mới" hay "cũ" mà thôi, phải không
Uyên - cái tên Thy đã đặt cho nàng mà nàng nói là: "em rất thích!"!?
Nguyễn Tư
Tháng 5, 2009 |