NHỮNG CƠN MƯA CÒN LẠI
Tùy bút Nguyễn Tư
(Gửi: Tuổi thơ của tôi)
Mưa, dưới con mắt của một nhà khoa-học, thì đó chỉ là những hạt bụi trong không trung bị hơi nước bao quanh ở nhiệt-độ thấp ngày càng nặng... nên rơi xuống đất, tạo thành mưa!? Nhưng đối với người làm ruộng, thì đó là ân-huệ của Trời, giúp cho họ được no cơm ấm áo trong vụ mùa tới:
“Lạy Trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cày,
Lấy đầy bát cơm...”
Nói tóm, mưa trong từng hoàn-cảnh có những ý-nghĩa khác nhau! Duy có điều dường như trong Văn-nghệ mưa lại có một ý nghĩa đặc-biệt hơn: mưa buồn! Thực vậy, người ta ít khi nào thấy mưa trong Văn-nghệ mà không buồn? Mưa lạnh-lẽo âm-u, rét buốt... mưa tối-tăm, mưa cô quạnh, nhất là mưa “chiều” hay mưa “đêm” có người nằm lắng tai nghe những giọt mưa rơi tí-tách trên những tàu lá chuối sau hè trong những đêm Đông mưa dầm gió bấc ở Trung-kỳ. Mưa rả-rích, mưa hoài, mưa mãi, mưa liên-miên, suốt ngày, suốt tháng, suốt mùa... Mưa như thể chưa được mưa bao giờ! Mưa đến thúi đất, mưa nhạt-nhòa trên những hàng tre sà thấp, la-đà chụp xuống những vũng ao đầy nước sau nhà, lẩn chìm trong tiếng ễnh-ương buồn lê-thê, làm trăn-trở, đau, những tâm-hồn xa nhà không ngủ được như mưa của Huy-Cận một thời:
“Đêm mưa làm nhớ không-gian,
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la.
Tai nương nước giọt mái nhà,
Nghe trời lành-lạnh, nghe ta buồn-buồn...”
Ai đã từng nhìn mưa tầm-tã trong phim lừng danh có tên “Địa-ngục môn” của Nhật-bản chưa? Tôi đã thấy mưa vãi mù trên lưng người Hiệp-sĩ “Samurai” ngang hông mang kiếm đi lủi-thủi, ướt nhẹp mà vẫn tỉnh queo, rồi bước vào một căn nhà có cổng chữ “môn” - biểu-tượng Văn-hoá đặc-thù của xứ Thái-dương, trông giống như một ngôi Chùa cổ. Ai đã từng cảm thấy giá buốt khi nhìn những cảnh mưa buồn, mưa liên-tục, mưa từ đầu cho đến hết cuốn phim dài có đến vài tiếng đồng hồ nơi phim “Giã-từ vũ-khí” (A farewell to Arms) phỏng theo danh-tác Văn chương của Văn-hào nổi tiếng, đẹp lão, ngang tàng... của Hoa-kỳ: Hemingway, ở thế kỷ 20 - một kẻ “Văn-nghệ giang-hồ” khắp nơi, mà thú vui vẫn là thích những cảm-giác mạnh, rất mạo-hiểm kiểu như trèo lên đỉnh Kilimanjaro cao nhất ở châu Phi, hoặc ông không vắng mặt lần nào trong những buổi đấu bò mộng ở Madrid, Kinh-đô Tây-ban-nha! Ông từng được giải Nobel năm 1954 và cũng đã tìm cho mình một cái chết đầy thê-thảm mà ông cho là “ý-nghĩa-với-riêng-ông” bằng súng ở cuối đời, khi ông ngất-ngư trên vũng máu nơi bàn có chữ “The end” (Chấm hết!) cũng chính bằng máu của mình, mà ông gắng-gượng hết sức bình sinh để viết lần cuối cùng với những ngón tay già nua run-rẩy, mà tôi bất ngờ nhìn thấy được trên những trang báo “Paris Match” ở tuổi mới lớn lên, đã gây cho tôi một ấn-tượng “âm-tính” về cuộc đời phù-du cho đến bấy giờ - đôi khi, tôi thấy đó là “Chân-lý” (danh vọng, tiền bạc, ganh tị, thù hận làm gì!??) mà trong Triết-học Hiện-sinh vẫn thường mệnh-danh là sự “Phi-lý” (Absurdité)... hầu gửi lại cho người sau: cuộc đời cũng buồn thảm, lạnh cóng, gian-nan và mù-mịt trên Tâm-thức con người, như những cơn mưa dai-dẳng, liên-miên, mà chúng ta ít khi nhìn thấy bóng mặt trời lắm - nó chỉ là “cái cớ” (prétexte) để dẫn dụ người ta tiếp nối đời sống như một Thân-phận hẩm-hiu, vô nghĩa, đầy chịu đựng, rất nhỏ bé, ngắn-ngủi... nhưng người ta vẫn cứ muốn làm khổ nhau, như TCS đã viết: “Sống có bao năm vui-vui buồn-buồn... người-người ngợm-ngợm. Sống chết mong-manh như thân cỏ hèn mọc đầy núi non. Cuộc đời cho tôi tiếng nói đôi khi vui tươi, cuộc đời cho tôi tiếng nói đôi khi ngậm-ngùi...” (Giọt lệ thiên-thu).
Thế nhưng, cũng có những cơn mưa nguồn bất chợt, ngắn gọn. Mưa ào-ạt không thấy mặt người! Mưa như thác đổ. Mưa trùm lên những ngọn cây cao vút ở những khu rừng già, chìm trong những cụm mây chùng thấp, lẩn trong những làn khói đá mịt-mùng... Mưa tự nó đã buồn, nhất là mưa “chiều” hay mưa “đêm”, nhưng những cơn mưa buổi “sáng” không phải là vui đâu, nếu như hồn mình có cái gì đó không đành lòng, như có lần tôi đi làm sớm mải ở City, ngồi trong toa xe nhìn ra thấy mưa mù-mịt vãi lên cửa kính mà tàu vẫn cứ rít còi lầm-lũi tiến vào thành phố đang chìm trong màu mưa trắng đục, lòng tôi không khỏi bùi-ngùi khi nhớ đến một người ở xa cách tôi nửa vòng trái đất. Và tôi đã ghi vội lại như sau:
Mưa buổi sáng,
mà lòng tôi chiều!
Ở xa,
nên nhớ thương nhiều đến em!
Trời nào,
gọi là trời quên?
Nhớ nào,
là nhớ thương đền cho nhau?
Một sợi mưa mau,
hai sợi mưa mau!
Sợi nào là sợi mưa “đau”,
trong lòng?
Mưa bay,
ướt sợi tơ-hồng,
Có người vẫn mãi nặng lòng,
thương em….
Nhưng nếu mưa buồn mà kèm với một chút kỷ-niệm đắng cay nào đó trong đời thì lại buồn hơn!? Tôi đã có những cơn mưa như thế trên những chặng đời bất ngờ trong thời thơ ấu, lẫn những khi lớn lên trong những gian-nan do hoàn cảnh Lịch-sử tạo ra, mà tôi chỉ là một chiếc lá khô trôi theo mệnh nước, đã để lại cho tôi những nỗi ngậm-ngùi không thể nguôi-ngoai... mà thực lòng - đôi khi - tôi cũng muốn đẩy nó ra khỏi ngăn kéo của ký-ức mình, vốn đã mang nặng những ưu-tư phiền muộn...
Có một lần nào đó, trong đêm dừng quân trên một ngọn đồi xa-xăm, để chờ trực-thăng đến bốc về Hậu-cứ, sau khi đã hành quân ròng-rã mấy tháng trời trong rừng rậm, tôi ngồi âm-thầm nghe tiếng mưa rơi rả-rích trên tấm áo “poncho” (miếng vải nhựa đa dụng, dùng làm áo mưa, lều che hay chiếu trải, hoặc làm phao vượt sông của lính miền Nam trước đây) buồn hiu-hắt... Bởi vì lúc đó, tôi đang nhớ tới cơn mưa quê nhà trong tuổi ấu thơ, mà tôi chỉ là một đứa bé, ngồi bên này bờ một dòng sông nước lũ, đội cái nón lá rách tả-tơi, mặc một bộ đồ vải chàm đã có những miếng vá sau lưng, đi chân trần và ôm một con bê (bò con) tí xíu... Mình con bê ướt mèm, làm nó run lên lẩy-bẩy, nhưng vẫn nằm ngoan-ngoãn trong vòng tay gầy đét của tôi để chờ con nước rút do cơn mưa lũ từ chiều, mà tôi và nó không thể nào vượt qua sông vì quá bé...
Con bê thỉnh-thoảng cựa mình, ngoe-nguẩy hai chân sau xuống mặt đất, rồi lấy cái mõm đen thui, bóng lưỡng ủi-ủi vào mặt tôi, kêu lên những tiếng “be-be” nho-nhỏ như nó đang rên, nghe rất tội-nghiệp! Những khi cựa quậy như vậy, nó làm cho tôi muốn bật ngửa ra phía sau, nên tôi phải cố gượng dậy, lấy sức thăng bằng, rồi đưa tay vỗ nhẹ lên gáy của nó, và vuốt-ve, mắt nó lại lim-dim như một đứa trẻ thơ...
Tôi tìm nơi tựa lưng vào một bờ đá, để tránh những hạt mưa nhọn bay nghiêng phóng xuống từ trời cao rát bỏng như những nắm kim châm, mà hai tay tôi vẫn choàng qua chưa kín hết một vòng thân con bê trông rất âu-yếm, nhưng mắt tôi cứ dõi nhìn đàn bò đang cố hết sức chúng để lội qua sông nước lũ trong sự vất-vả tột cùng... Nước sông đục ngầu, chảy cuồn-cuộn như thác, mang theo những gộc củi mục màu đen thui với những hình thù kỳ-dị giống những con quái vật đang bơi, cùng những đụn lá khô, rác-rưởi từ rừng già đổ về dồn-dập, xô mạnh vào những cụm đá xanh mọc giữa lòng sông cạn, làm tung lên những cột nước trắng xóa như bông bởi cơn mưa lũ bất ngờ từ chiều trên nguồn...
Tôi nhìn đàn bò vượt sông, chỉ còn thấy những cái mõm đen bóng ngoi lên khỏi mặt nước, phì-phì, nhấp-nhô, khi ẩn khi hiện, bởi độ cao của mặt nước không đều do sóng dữ chảy xiết với vận-tốc kinh hồn tuôn ào-ạt như thác đổ! Chúng cố sức bơi ngang dòng nước chảy xoáy, tràn trên những mảng bụng căng phồng đầy hơi, tròn lên như đít những cái chảo nhỏ màu vàng, thấy mà thương, bù lại vào buổi sáng chúng đi qua dòng sông cạn này một cách nhởn-nhơ, thanh-thản...
Tôi cảm-động khi nhìn đàn bò vượt sông nước lũ đầy hiểm-nguy, vì thường chúng bị đẩy trôi đi thực xa mới đáp được vào bờ bên kia một cách hết sức cực nhọc. Từ đó thấy rằng loài vật cũng tranh giành với thiên-nhiên từng giây phút sống để sinh-tồn, chứ đâu phải riêng chỉ có con người, mà tôi và con bê không thể nào theo chúng được. Bởi vì tôi và con bê bé quá, mà dòng sông thì rộng ra mênh-mông đầy nước lũ đang đổ xuống bạo tàn, cuốn phăng đi tất cả những gì nó lướt qua, tạo thành ”cuồng lưu” bất ngờ do những cơn mưa rừng đâu từ chiều trên dãy Trường-sơn. Vì không thể nào vượt qua sông được theo đàn bò của mình, nên tôi và con bê mới vừa sinh được một tuần, đành phải ngồi lại nơi bờ đá, chờ cho con nước rút xuống ngang với mức độ bình thường như buổi sáng thì mới qua sông...
Mình con bê bốc lên những làn hơi ấm. Những mảng lông tơ vàng của nó đã bắt đầu khô. Bốn chân nó khệnh-khạng nhủi-nhủi xuống mặt đất. Nó lại kêu lên những tiếng “be-be” nho-nhỏ thực dễ thương, có lẽ vì do mẹ nó đã qua sông theo đàn bò từ khi chiều nên nó khát sữa. Tôi áp miệng vào cái tai đầy lông tơ của nó đang ve-vẩy để nói những lời vỗ-về cho nó yên tâm “Chờ một chút nghe, tao sẽ bồng mày qua sông khi nước rút! Tao cũng nhỏ như mày, Mẹ tao cũng ở bên kia sông!”. Chừng như con bê hiểu được những lời tôi nói, nên nó im lặng thôi kêu, và nhủi cái mõm ươn-ướt của nó vào người tôi, rồi lại rên lên những tiếng “ư-ử” nhỏ hơn. Tôi kề mũi hôn nhẹ lên cái mỏm đen tuyền của nó còn nghe mùi sữa, mà nó đã bú mẹ nó khi chiều. Tôi vuốt nhẹ những mảng lông nó nơi phần đưa ra ngoài trời còn ướt do nước mưa, nên chúng nằm rạp xuống dính vào da, hiện lên màu đỏ hồng như gốm. Bốn cái móng chân màu đen ngà còn non mướt, đã có nhiều vết trầy do những mảnh đá tai mèo cắt đứt trên núi, khi nó đi theo mẹ suốt buổi sáng lúc trời hãy còn trong xanh! Dưới bụng nó vẫn còn chiếc rún chưa rụng, quắt lại, cong queo như một miếng da khô. Con bê nằm trong lòng tôi như một đứa trẻ nằm trong lòng mẹ nó vậy, trong lúc tôi cũng chỉ là một đứa trẻ khôn ngoan hơn nó một tí mà thôi!...
Một lát sau, trời bắt đầu sụp tối. Gió từ hốc núi thổi ra vù-vù mang theo hơi lạnh của những tảng đá lớn làm cho cả tôi và nó rét run lên. Tôi bèn cởi chiếc áo ra đắp lên cho nó, dù tôi cũng đang cóng người. Cho đến bây giờ, tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại yêu thương nó như thế, thương hơn cả tôi thương tôi!? Có lẽ vì tôi nghĩ nó nhỏ hơn tôi, nó đang nhớ mẹ và khát sữa nên cứ kêu hoài... dù cả hai đều không thể vượt nổi qua sông nước lũ, chứ chả phải tôi giỏi-giang gì!
Cơn mưa ngưng dần. Những ngọn núi nhọn hiện rõ ra trên bầu trời trắng đục còn vương-vấn chút nắng tàn ở phương Tây, chập-chờn trong những cụm mây thưa và khói đá ngùn-ngụt bay lên. Nước rút thấp, chỉ còn những đụn rác bám vào những ngọn cây thấp mọc rải-rác trên dòng sông cạn và những mỏm đá đen sì. Dòng nước trở nên hiền lành như cũ... Đàn bò đã tự nó mất hút trên con đường về làng từ lâu. Tôi lửng-thửng ôm con bê qua sông. Bốn chân nó cứ ngoe-nguẩy làm cho tôi có cảm giác như nó nặng thêm, nên cứ di-chuyển được một khúc, thì tôi đặt nó lên một mỏm đá để nghỉ tay. Bây giờ lông nó đã khô hoàn-toàn, xù lên như rậm ra, lấp kín những mảng da mọng đỏ khi chiều. Đôi mắt nó tròn xoe, đen láy, linh động nhìn quanh. Tai nó cứ ve-vẩy hoài như thể trên người nó không có cái gì chịu nằm yên, y hệt những đứa trẻ con lúc nào chân tay chúng cũng cựa quậy. Mõm nó bóng lưỡng còn dính những hạt cát trắng lấm-tấm như đường bông và cứ nhủi vào người tôi như đang tìm vú của mẹ nó. Mồm nó thỉnh-thoảng kêu lên “be-be” nho-nhỏ như nó đang khóc. Tôi lại vỗ-về nó: “Thôi mày ơi, chờ tao chút đi! Tao cũng nhỏ như mày, mà tao phải bồng mày qua sông, nặng muốn chết nè! Mẹ mày chắc cũng đang nhớ mày lắm! Nín đi cưng!”...
Những kỷ-niệm ấu thơ như thế, hôm nay lại về với tôi trong đêm dừng quân trên một ngọn đồi ở một vùng núi xa-xăm cách quê tôi hàng vạn dặm. Tôi nhìn quanh chỉ thấy những cụm “poncho” đang cúi đầu lặng im, lẩn trong những đốm thuốc lá lập-lòe vừa đủ để soi sáng những khuôn mặt sạm nắng đầy nước mưa của những người lính phong-sương. Thỉnh-thoảng có một vài tiếng húng-hắng ho của những người lính già không chịu nổi những cuộc hành-quân dài ngày trong rừng rậm.
Tôi lấy đèn pin soi đồng hồ thấy đã hơn 12 giờ đêm. Tôi hơi lo vì đã quá giờ “G” qui-định khi chiều trên máy truyền-tin:” Đơn vị sẽ được bốc trên đồi... để về Hậu-cứ, lúc...”.
Đêm nay trời lại mưa. Tôi ném một trái sáng vào góc rừng để kiểm-soát đội hình mà tôi đã bố-trí khi chiều một cách sơ-sài, vì vùng này theo tin tình-báo cho biết là “khá an-toàn” nhờ nằm trong vùng hoạt-động của những Đơn-vị bạn, tương đối không xa Hậu-cứ lắm, được chọn để làm “điểm hẹn” bốc quân. Trái sáng bật cháy, một vùng trời nhỏ rực rỡ. Tôi nhìn thấy những sợi mưa long-lanh đan xiên, rơi lốp-bốp trên những tảng đá xanh, tung-tóe bắn ngược lên trời, trông thực đẹp. Chưa bao giờ tôi thấy mưa đẹp như thế trong đời! Tôi có cảm tưởng như tôi đang nhìn hàng vạn hạt kim-cương ném xuống từ trời cao, bị vỡ toang ra thành vô số những mảnh nhỏ loé lên, dưới những tia xanh của một trái sáng, trên một khu rừng hoang vu không dấu chân người! Lúc đó, người lính mang máy đứng cạnh tôi, cũng cảm được cái đẹp bất ngờ đó - cái đẹp chỉ được dành riêng cho những kẻ “mang mệnh biệt-ly” trong người như chúng tôi, đang đương đầu với cái chết từng giây nhìn ngắm mà thôi! Hắn xuýt-xoa thốt lên: “Đẹp quá Thiếu-úy ơi!”. Tôi lặng thinh một lát, rồi nói nhỏ qua hơi thở “Ừa!”một cách mỏi-mệt...
Một lát sau, vùng sáng thu hẹp dần rồi mất hút theo trái sáng tàn phai. Bầu trời trở nên tối đen như cũ. Trời vẫn tiếp tục mưa. Tiếng một con mang rất lạc-loài bên kia thung-lũng kêu lên thảng-thốt nghe buồn-buồn, bất-giác làm tôi nhớ lại tiếng kêu tội-nghiệp của con bê bé-bỏng ngày xưa của tôi. Đêm nay cũng mưa, cũng núi rừng, cũng có tiếng kêu của những con vật hiền lành... Nhưng tôi bây giờ là một người lính chiến xa nhà, không còn là đứa trẻ ngày nào bên bờ sông tuổi thơ nước lũ mênh-mang... lại kề cận thêm với những cái khác: sự chết, súng đạn, nỗi gian-nan binh lửa và những nỗi nhớ xa-xăm ...
Tôi chẳng có dịp nào trở về với dòng sông quê nhà, có con nước lũ ngày xưa trong tuổi ấu thơ, nhưng tôi lại phải đương đầu với những “con-sông-trong-dòng-đời” trước mặt, vất-vả và nguy-hiểm hơn nhiều, mà tôi đã không còn người “bạn bé nhỏ” để thì-thầm những lời ngọt-ngào bên tai, như con bê thân-thương của tôi trong trí nhớ xa mù...
Tuổi thơ tôi là thế, dù không may, không đẹp, nhưng tôi vẫn cảm thấy nhớ nó ngùi-ngùi. Tôi vẫn yêu con bê như yêu một khoảng đời lận-đận, buồn tủi, mà tôi gánh chịu với cảm-tưởng nó đã dính cứng vào tôi như một chất keo không thể nào tách rời ra được nữa, nên hễ cứ thấy “mưa” là tôi lại nhớ tới nó với chút rưng-rưng! Dòng sông trước mặt với những con nước lũ đục ngầu, hùng-hổ chảy cuộn, là biểu tượng của một chặng đời tôi phải bước qua với nhiều thua lỗ, mà đáng lẽ ra tôi phải được cắp sách đến trường như trăm ngàn những đứa trẻ cùng tuổi khác trên trái đất này! Tôi đã bước qua dòng sông bằng đôi chân trần với cái nón lá rách tả tơi, cưu-mang thêm phần đời của con bê tội-nghiệp như người bạn đường không hiểu nổi những lời thì-thầm của tôi lúc đó, ngoài nỗi thương nhớ “người” mẹ của nó - như tôi...
Thực sự, tiếng kêu buồn-bã của con bê đã âm-thầm gợi lại trong tôi một tình cảm nào đó xa-xăm, khi tôi chợt hiểu ra rằng tại sao buổi chiều nước lũ hôm đó, nó lại rên lên thảm-thiết như vậy? Chắc hẳn vì trời lạnh đã đành, mà bởi mẹ nó cũng đã bỏ nó qua sông vì mẹ nó không thể xa bầy như một bản-năng bất-biến của từng giống thú!? Tôi thì thầm: “Bê ơi, bê nhớ Mẹ thì bê kêu than, nhưng tôi nhớ Mẹ thì tôi phải làm gì, khi thực sự tôi cũng đã xa Mẹ tôi năm tôi mới 16 tuổi, mà tôi tự biết là do tôi lựa chọn, lựa chọn cái ít đau thương hơn, chứ không phải niềm Hạnh phúc!?”.
Tôi đứng dậy giũ những hạt mưa dính trên poncho, đưa tay vuốt mặt, rồi nói với người lính mang máy:
-Nếu nhận được lịnh của Tiểu-đoàn, thì cho tôi hay ngay. Tôi ngồi trên mỏm đá kia!
Người lính cố giương đôi mắt nhìn theo ngón tay tôi trỏ trong bóng tối nhá- nhem hướng về phía mỏm đá, hiện ra mờ-mờ gần đó, rồi nói lễ phép:
-Thưa vâng, em sẽ cho Thiếu-úy hay ngay!
Tôi bước đi trên những viên cuội tròn và gai cỏ... Tiếng nước mưa chảy róc-rách dưới đế giày “saut” tạo ra một thứ âm-thanh buồn, đầy nhung nhớ. Mưa đã nhỏ hạt dần nhưng lòng tôi sao vẫn không nguôi-ngoai về một khoảng đời thơ ấu. Dù bây giờ tôi đang là một người lính chiến, ngồi lạc-loài trên một đỉnh đồi đêm khuya xa cách với thế-giới bên ngoài. Ở đây chỉ có núi rừng, gai đá, muông thú, lòng cô-quạnh, nỗi nhớ, cái chết rập-rình và mưa... Mưa dai-dẳng từ chiều. Tôi ngồi trên đầu mỏm đá nhìn vào khoảng rừng âm-u trước mặt mà thấy lạnh người! Những hạt mưa còn sót lại, từ-từ lăn trên hai gò má sạm nắng rồi chảy vào mắt mang theo vị mặn của mồ-hôi làm cho tôi thấy cay xé. Tôi đưa tay vuốt mặt nhiều lần để tránh đi cái cảm-giác khó chịu đó, mà lòng vẫn miên-man nhớ đến những kỷ-niệm ấu thơ không lấy gì làm vui, nghĩ đến những quá-khứ đã bỏ lại sau lưng, nghĩ đến đời lính hiện-tại, bỗng dưng tôi thấy mình buồn vô hạn... và tôi chợt hiểu vì sao có những kẻ “đào ngũ” mà họ không dám trở lại đơn-vị bao giờ ???
Ngay lúc đó có tiếng của người lính mang máy vọng lại: “Có lịnh của Tiểu đoàn rồi, Thiếu-úy ơi!”. Tôi vụt nhảy xuống khỏi mỏm đá, rồi đi về phía người lính, tay chụp “ống liên-hợp” lên, áp vào tai nghe. Tụi lính gần đó mừng rỡ vây chung quanh, tôi giơ tay khoác ra hiệu bảo chúng dãn ra, xong cúp máy. Tôi ra lịnh cho tụi lính sẵn-sàng và dàn đội-hình chiến-đấu để bảo vệ an-ninh cho “bãi đáp” như thông lệ. Vài trái sáng được ném ra trên khoảng đất trống cho máy bay định hướng. Tụi lính bố-trí trong tư-thế “ứng-chiến”, súng gờm sẵn, chĩa mũi ra phía ngoài rừng. Rồi ba chiếc trực-thăng bay vòng-vòng trên ngọn đồi thắp sáng, đoạn từ-từ sà thấp xuống, đáp an-toàn trên những thảm cỏ xanh đầy nước mưa ánh màu trắng bạc. Từng tốp lính cúi người lần-lượt chui vào lòng phi-cơ một cách trật tự có kế-hoạch phòng-thủ đàng-hoàng vì sợ địch tấn-công bất ngờ từ bìa rừng thẳng vào trực-thăng. Tôi bước lên sau cùng sau khi kiểm thấy không còn người lính nào trên thảm cỏ nữa. Chiếc cửa trực-thăng kéo sầm lại, rồi tôi có cảm-giác chao-đảo, lên cao...
Tôi đưa mắt nhìn xuống ngọn đồi, thấy những trái sáng nhấp-nháy sắp tắt. Khung
cảnh bỗng trở nên hẹp dần, nhưng vẫn còn hiện lên những sợi mưa long-lanh, như
những sợi kim-cương nhiều màu đan chéo vào nhau, rồi bất ngờ phụt tắt, tất cả đều chìm mất trong khoảng đen vô-tận của núi rừng...
Tôi ngồi trên chiếc nón sắt và ngả người vào thành phi-cơ. Tôi mệt lả đi, mắt lim-dim cố chống lại với cơn buồn ngủ đã kéo dài nhiều ngày trong hết suốt thời-gian lội rừng của cuộc hành-quân tảo thanh vùng trách nhiệm đã được phân công trên bản đồ làm tôi không còn đủ sức chịu đựng nữa, và tôi thiếp đi lúc nào không hay …Trong cơn mơ-màng tôi thoáng nghe tiếng của con “bê” bé nhỏ của tôi ngày xưa kêu lên thảm-thương, lẩn với hình ảnh của đôi chân trần và đôi tay gầy đét của tôi đã ôm chặt nó vào lòng, đang cố vượt qua một dòng sông nước lũ vào một chiều mưa tầm-tã ở quê nhà. Tôi chợt lẩm-bẩm những lời gì đó trong miệng, làm người lính mang máy ngồi cạnh bên đưa tay vỗ vào vai tôi nhè-nhẹ, nói trong tiếng cười nhỏ:“Mơ rồi Thiếu-úy ơi!”. Tôi giật mình, mở choàng đôi mắt, nhìn quanh ngơ-ngác, thấy ánh đèn chập-chờn trên nóc chiếc phi-cơ, mà tôi cứ ngỡ là những trái sáng được liệng ra trên đồi chiến-lược 315 dừng quân khi chiều. Lòng tôi trở nên bàng-hoàng kỳ lạ, và trong giọng ngái-ngủ, tôi hỏi người lính:
-Trời đã hết mưa chưa?!
Người lính mỉm cười, không trả lời, rồi chắt lưỡi nói:
-Mình sắp đến Hậu-cứ rồi, Thiếu-úy!
Tôi hững-hờ nói:
-Thế à?
Rồi tôi xoay người, đẩy-đẩy chiếc ba-lô còn ướt sũng nước mưa ra phía sau, sát với thành phi-cơ hơn để có một khoảng trống vừa đủ cho một người nằm co mình, và buông người từ-từ xuống như một cây chuối ngã chậm, mà tay tôi vẫn mân-mê lớp vải nỉ mịn may ở mặt trong của sợi quai chiếc xắc “au-dos” (túi đeo lưng của lính), như tôi đã mân-mê những mảng lông tơ mềm-mại trên lưng con bê của tôi ngày xưa, ở bên bờ một dòng sông nước lũ quê nhà, trong trí nhớ không nguôi...
Bây giờ tôi ngồi đây trên một căn gác nhỏ, vừa đủ để đặt một chiếc giường ngủ “single”, do một người bạn tặng và một chiếc bàn cũng nhỏ-nhoi như thân-phận người tỵ-nạn lưu-vong! Trên bàn chỉ đặt một chiếc đồng hồ cũ kỹ, tôi chẳng buồn lên dây, không phải vì lười biếng, nhưng bởi tôi không muốn nhìn sự chuyển-dịch của thời-gian hàng ngày - mà thực sự, dường như mình đang sống một cách vô-nghĩa, đến đôi khi làm mình phát sợ! Bên cạnh chiếc đồng hồ là khung ảnh của một người bạn tặng, với cái “profile” (nhìn nghiêng) có chiếc mũi khá xinh, yểu-điệu trong chiếc “robe” màu đen tuyền, để lộ hai bờ vai tròn lẳng được chụp trong một tiệc cưới nào đó, mà tôi cố tình quay mặt ảnh vào phía trong, cho lòng mình đỡ băn-khoăn... Ở dưới giường đầy rẫy những sách báo lem-nhem, y hệt những xấp “cours” đút dưới “divan” lúc ở Đại-học xá Minh-Mạng bên nhà thời còn SV. Chỉ có sách báo, băng nhạc, sự bừa-bãi, và buồn tủi là nhiều! Vì tôi tự nghĩ: cuộc đời đã như chiếc ly thủy-tinh bị đánh vỡ tan-tành trên nền gạch, thì “ngăn nắp” làm gì nữa!? Dù - thực ra, ngăn nắp chỉ là triệu-chứng của những tâm-hồn sống rị-mọ, nên còn biết quí cuộc đời này, như một nơi để mình có thể chưng bày những ưu-thế riêng tư!?..
Mấy ngày nay, ở đây, trời vẫn tiếp tục những cơn mưa, sấm-sét ồn-ào, bỗng dưng tôi cảm thấy nhớ nhà kỳ lạ, dù cũng tự biết rằng mình chẳng còn ngôi nhà nào để nhớ!??
Mưa vẫn mù trời như trong “A farewell to Arms” của Hemingway, nơi rạp chiếu bóng Tân-Tân ở Nha-Trang một thời mới lớn! Giờ “Giã-từ vũ-khí” đã lâu rồi, mà sao những hạt mưa buồn long-lanh trên đồi khuya, trong đêm dừng quân ấy, vẫn còn sót lại trong lòng!? Mưa trên chiếc nón lá tuổi thơ bên con “bê” lạc mẹ trên bờ sông nước lũ quê nhà. Mưa trên vỉa hè “Photo Phương” ở Sóc Trăng xa lắc của những ngày dạy học, đứng núp mưa bên cô bạn mảnh-mai, có đôi mắt nhung sáng lung-linh như lúc nào cũng ướt, mặc chiếc áo dài “soie” đen có đính những hạt mưa tròn như ngoc, lộng gió, tóc cột dải lụa màu tím than, mắt lim-dim, mơ-màng… hát bâng-quơ nho-nhỏ rằng:
“Mưa, mưa vẫn mưa bay trên từng tháp cổ… Làm sao em biết bia đá không đau!?”
Dù “đau” hay “không đau”, thì em vẫn ở Cali với đời Hạnh-phúc(?)và tôi vẫn ở
trên một căn gác tồi-tàn đìu-hiu, nhìn mưa ở mãi tận vùng Nam bán-cầu này, ngút-ngàn vạn-lý... như khoảng cách tình-cảm giữa những con người, mà những cơn mưa - thường chỉ đem lại cho lòng mình những nỗi nhớ xa-xăm…
Nguyễn Tư
Mời vào xem Khu vườn văn nghệ Nguyễn Tư
Trang web: http://www.kvvnnt.com.au
Last updated 08/27/2014 |