banner Các Thế Hệ Thầy Cô
side2

mot ngay cuoi nam
Sóc Trăng quê tôi không có chợ hoa nườm nượp đông nghẹt người như chợ hoa Nguyễn Huệ Sài Gòn, nhưng tôi vẫn thích đi ngắm hoa cắm trong chùa ngày 30 tết. Cắm hoa trong chùa từ lâu đã trở thành một thói quen phong nhã. Các thầy ra chợ mua những bông hoa đẹp nhất, kết hợp với vườn hoa sẵn trong chùa để cắm nên những bình hoa đẹp và mang đầy ý nghĩa. Tôi vẫn nhớ sáng 29 tháng chạp, các sư thầy đạp xe đạp chầm chậm xuống phố, chọn nhiều hoa như hoa mai, hoa cúc, huệ, những bông tươi nhất, đẹp nhất còn đọng đầy sương mai trên lá, ưu tiên đem về chùa làm quà dâng lên đức Phật. Rửa sạch hoa, ngắt đi những lá xấu, các sư thầy bắt đầu cắm vào hàng chục bình hoa bằng sứ và đồng. Trong cách cắm tính đối xứng đặt lên hàng đầu. Sang nhất là cắm một nhánh hoa mai làm cành chủ. Lúc cắm phải phối hợp màu theo nguyên tắc: cành thấp màu tối, cành cao nhẹ để thấy được sự thanh thoát. Nguồn hoa dâng lên bàn thờ Phật, chính là sự dâng tâm nguyện của mình lên Phật… Khi ngắm nhìn những bình hoa đẹp tuyệt vời tôi thắc mắc hỏi một sư trụ chì cái ý nghĩa sâu xa của nghệ thuật cắm hoa đẹp thì sư trả lời rằng “sự cắm hoa lên bàn Phật không cần hoa đẹp, chỉ làm sao cho bình hoa tươm tất, thể hiện lòng thành của mình. Tương tự với gia đình, dù con khôn lớn đi đâu nhưng khi nghĩ về gia đình, khi cho cha mẹ một thứ gì đó thì quan trọng nhất là cách cho. Như một người con nghèo có hiếu thuận – dù chỉ cho cha mẹ một chén cơm nhưng với tất cả tấm lòng thì còn hơn gấp trăm lần người con giàu cho cha mẹ ở nhà lầu, đi xe hơi nhưng vô lễ, mắng nhiếc cha mẹ…”.

Bước vào bất cứ nhà miền quê nào trong thời điểm cuối năm, cũng có thể nhận thấy ngay không khí chuẩn bị Tết nhộn nhịp, từ việc mua sắm, may mặc đến việc trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, cỗ bàn, đón tiếp. Tôi còn nhớ tết năm xưa nhà cửa tươm tất, giấy đỏ dán đầy nhà, lư đồng bóng nhoáng. Má và bà Nội tôi nhổ lông và làm gà để nguyên đầu và chân gà để trên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên với 2 quả dưa hấu trưng trên bàn thờ tổ tiên. Bên Canada chúng tôi kiếm được một con gà còn nguyên chân và đầu để cúng như Việt Nam là một thử thách không nhỏ. Tại các siêu thị thịt gà chủ yếu được bán từng loại như đùi, ngực, lòng, chân, ức…. Gà nguyên con cũng có bán nhưng không có đầu, chân…

Ngày tôi còn nhỏ, cái tết của gia đình được chuẩn bị khá chu đáo. Từ đầu tháng chạp là má tôi mua sắm vài khúc vải để tiện việc may mặc cho các con vào dịp Tết vì bà vẫn sợ nếu chờ quá cận tết thì giá cả sẽ mắc hơn. Ba má tôi không giàu có nhất vùng, nhưng gia đình lại đông con nên cứ chia ra mua sắm dần dà chuẩn bị cho các con hầu kịp hưởng tết với mọi người. Lo xong quần áo con cái thì đã qua giữa tháng chạp. Đấy là lúc mẹ tôi chuẩn bị mua sắm thức ăn thức uống cho 3 ngày tết. Ngày 23 là ngày đưa ông Táo về trời, để gửi thông điệp về đấng tối cao báo cáo tình hình làm ăn và sức khỏe con cái trong năm. Thưở ấy tôi hiểu một cách mù mờ về huyền thoại ông Táo về trời. Lớn lên một chút tôi nghiệm ra rằng người Việt nam mình hơi tin dị đoan.

Ngày 28 tết, má tôi dậy sớm đi chợ mua lá chuối xanh thẫm để gói bánh tét. Đồng thời má tôi cũng sắm sửa thêm những vật dùng cho ngày Tết. Má tôi mua sẵn gà, bánh mứt, trái cây, hương để cúng và biếu họ hàng gần xa. Má tôi vẫn không quên mua vài cành mai để cắm cho những ngày linh thiêng này. Trước tuần lễ Tết chúng tôi thường lau chân đèn hay bộ lư toàn bằng đồng óng ánh. Chúng tôi phải lau cho chúng bóng loáng như sự sáng sủa cho cả năm mới đến. Trước đây má tôi còn mua pháo nhưng ngày nay lặng tiếng pháo cũng bớt đi phần nhộn nhịp vào những ngày Tết. Chúng tôi có một việc nhỏ là mang lá chuối xanh ra ngoài nắng phơi khô rồi xếp từng xấp cẩn thận. Trong khi đó, bà nội tôi lấy mấy bó lạt được ngâm nước rồi chẻ nhỏ thật đều dùng để gói cột bánh tét. Mãi về sau này mỗi khi nhớ về bà nội  tôi lại nhớ đến mùi cay của vôi và trầu. Lúc nhỏ, tôi bắt chước bà nhai thử trầu mà tê cả môi cả lưỡi. Đêm 29 tết, má và bà nội bận rộn đến nỗi không ngủ được vì công việc làm bánh tét. Chiếc chiếu to được trải ra giữa nhà bếp, nếp được ngâm ngày hôm trước đem ra để ráo lúc chiều. Đậu xanh ngâm kỹ, nắm lại từng nắm cùng với ba rọi ba chỉ được trãi lên lớp nếp nằm trên lá chuối. Má và bà nội cẩn thẩn quấn cuộn lại thành cái bánh tét và bỏ vào nồi nước đang đun sôi. Tôi thử gói vài lần nhưng lúc nào cũng bị má sửa và gói lại cho đẹp. Má tôi bảo bánh tét ngon không những nêm nhân vừa miệng mà bề ngoài cần phải trông đẹp mắt. Nồi nấu bánh tét phải là nồi to và cao và lửa phải cháy đều. Ngày xưa chúng tôi đâu có bếp gas hay điện tối tân như ngày nay, nhưng bánh nấu xong rất ngon nhờ lửa củi này. Mẹ tôi dùng bếp than hồng để đun nước xôi và nấu nướng.

Từ 23 đến 30 tháng chạp, gia đình tôi khá bận rộn háo hức về công ăn việc làm. Ba tôi có nhiều khách hàng đến sửa xe hơn. Khách hàng ai cũng muốn xe cộ trong tình trạng tốt để rước nhiều khách ngày đầu năm. Người làm ruộng thì cần xe máy cày khỏe để qua năm mới gặt hái trúng mùa… Riêng phần tôi, ba tôi giao nhiệm vụ đi thâu tiền thiếu của khách hàng cuối năm và nhân trả tiền cho chủ nợ. Việc trả nợ cuối năm là việc làm tôi thích nhất vì cách đối xử khác hơn lúc đòi tiền, thí dụ cậu Tổng chở tôi bằng xe Honda đến tiệm Kiều Lý ở đường giữa Sóc Trăng để trả tiền mà bà chủ là người ăn nói nhẹ nhàng tính tình dễ chịu mỗi khi gặp bà để trả tiền hay hẹn nợ, nhưng trả nợ thì ít mà việc đi đòi tiền khách hàng thì nhiều vì đa số là họ hàng, hàng xóm quen thuộc lại làm cho việc đòi nợ khó khăn hơn. Mấy bác khách hàng của cha tôi như bác tư Trọng, bác bảy Bình chủ tiệm cây xăng Shell cận cầu bon, củ Ấu ở đằng sau rạp Nhị Trưng, tiệm uốn tóc Mỹ Châu, dượng bảy Sên lái xe Lambretta quảng cáo rạp Hòa An và đa số chủ ruộng có máy cày ở Bãi Xàu và Vũng Thơm…
motngaycuoinam2.jpg

Đến ngày 30 tết, là ngày vui nhất. Ngày này, ngoại trừ có khoảng năm nhân viên trong xưởng phải làm việc cực nhọc đến chiều tối vì ba tôi chìu khách hàng theo lời yêu cầu của họ để hoàn thành công việc giao xe cho kịp tết, các anh nhân viên làm việc phải ngừng tay để lo quét dọn nhà cửa sạch sẽ trước khi được phát lương về quê ăn tết. Nhìn thấy đám thợ hiện rõ nét vui vẻ trên khuôn mặt khi nhận lương cuối năm lòng tôi cảm thấy hớn hở vui lây khi cầm bó tiền giao cho từng người. Vì tôi biết chắc rằng ai cũng cần đến để chuẩn bị sắm sửa cho ba ngày tết. Mọi việc hoàn tất khi chiều vừa tắt nắng. Bà nội tôi trưng bày mấy cây mai trong phòng khách và trước cửa nhà trông tươm tất và sạch sẽ hơn những ngày thường vì nhà chúng tôi là một xưởng sửa chữa xe cộ và máy cày. Sau khi kiểm soát tất cả đồ đạc trang trí xong, bà Nội dọn mâm cơm cúng ông bà tổ tiên. Năm nào cũng vậy ở giữa chiếc bàn tròn chễm chệ một con gà trống luộc vàng rói chung quanh là những món xào và hai quả dưa với nhãn đỏ. Kết thúc bữa cúng, đợi cho hương tàn ba tôi đóng cổng nhà và không tiếp khách nữa. Bữa chiều hôm đó nhà tôi không dọn cơm. Ai đói bụng thì dùng tạm chén cơm nhẹ đơn sơ để chờ đến giao thừa.
Ngoài đường, hàng xóm lác đác vài người đi chùa, nhà nhà đều đóng cổng, ở đâu cũng chỉ thấy các bàn thờ với hương thơm nồng nàn, 15 phút trước giao thừa, ba tôi đánh thức cả nhà dậy để cúng lễ ông bà. Bọn nhỏ như chúng tôi mắt mở mắt nhắm không muốn thức dậy nửa đêm. Nhưng khi nghe lốp đốp vài tiếng pháo của hàng xóm đốt vội làm cả lũ tỉnh táo hơn. Mẹ tôi và bà Nội đã sửa soạn trà nước và rượu để cúng vái ông bà. Bữa cơm giao thừa bắt đầu lúc nửa đêm. Mọi người nâng ly chúc mừng ông bà, khấn vái cầu xin ông bà tổ tiên giúp con cháu dồi dào sức khỏe và làm ăm khấm khá năm mới. Ba tôi tranh thủ kể chuyện làm ăn trong năm, ôn lại chuyện cũ, ông cũng nhân lúc có mặt đông đủ anh em và gia đình để giáo dục con cái….

Chúng tôi xa quê hương gần 40 năm, tục lễ và cúng giao thừa đã bị đưa vào quên lãng. Ngày nào cũng như ngày nào chúng tôi phải lo làm ăn tất bật nơi xứ người không còn thì giờ để nghĩ đến phong tục cúng lễ giao thừa. Họa chăng, chúng tôi thắp vài cây nhang và đặt vài mâm trái cây để nhớ đến ông bà và tổ tiên. Con cái chúng tôi lớn lên ở hải ngoại cũng không hiểu tục lệ giao thừa là gì nữa, chúng chỉ hiểu mang máng là year end celebration mà thôi....

Xuân năm nay tôi hớn hở thu xếp trở về Việt Nam để hưởng xuân con Rồng nơi quê cha đất tổ, hầu được nhìn lại phong tục giao thừa như lúc thiếu thời.
Má tôi cũng đi chợ sắm sửa may mặc nhưng cho các cháu, cũng mua bánh tét và trái cây để cúng ông bà chứ bà không còn sức để tự làm với bà nội nữa.
Đêm 30 năm nay, không còn tiếng pháo rộn rã như những năm xưa. Họa may chỉ còn nhìn lên truyền hình xem họ bắn pháo bông và ca hát. Tiếng hát mừng xuân thì cũng là những bài ca quen thuộc như năm nào. Ngoài đường phố Sóc Trăng tiếng xe gắn máy ồn ào làm mất vẻ thanh tĩnh của những đêm 30 ngày xưa.
Nhưng có điều lần giao thừa này chúng tôi không còn nghe ba tôi ôn lại chuyện vui buồn của công ăn việc làm trong năm, không còn bà Nội để lo cắm mấy cây mai  và lau chùi đánh bóng lư đồng nữa. Các bác bà con xa gần và bạn bè hàng xóm kể cả ba tôi, đa số đã ra đi vĩnh viễn hoặc sống lụm khụm già nua ở một phương trời nào đó. Tôi cũng không còn có dịp đi đòi tiền hay trả nợ các khách hàng của ba tôi vào cuối năm nữa.
motngaycuoinam3.jpg

Tất cả đã qua đi như quá khứ. Riêng tôi trở về đây cúng giao thừa với mẹ già, vài đứa em và các cháu nhưng lần này cúng giao thừa cũng là lúc làm tôi nhớ lại những kỷ niệm đẹp và công ơn của cha tôi và cũng như các bác các chú. Hình như nước mắt tôi đã rơi xuống ly rượu từ lúc nào không hay…. 


Nguyễn Hồng Phúc
Mùa xuân 2012



        Xuan ve

 

 

 

 

Last updated 1/6/2012

 

 


 

 

side2
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1