banner Các Thế Hệ Thầy Cô
side2

Khi Con Chim Cu Thôi Gáy

Trần Ngọc Ánh - HD 68-75

Tụi tui chơi thân hồi mới vô trường Hoàng Diệu, cái thời tung tăng cột 2 vạt áo dài lại nhảy dây, đứa nào cũng ốm nhách đen thui như Miên vì suốt ngày dang nắng.. kỷ niệm của tui với bạn bè thuở nhỏ thì có một trời để nhắc. Tui đã viết đầy nhóc trong cuốn sách hơn 200 trang của mình để tặng mọi người khi về họp mặt trường mấy năm trước (Khi Lá Xanh Rồi).

Lê thị Thanh

 

Nhưng bây giờ thì phải nhắc thêm chuyện của bạn chung lớp với tui hơn 50 năm trước, con chim cu Lê Thị Thanh đã ngừng gáy mới tối hôm qua.

Hồi đi học nó hay hát trên sân khấu trường Hoàng Diệu, giọng nó thánh thót “mỗi năm đến hè lòng man mác buồn..”. Tụi tui vỗ tay ủng hộ nó quá trời vì lúc đó không có đứa nào can đảm như nó. Tui chọc nó là con chim cu gáy, không phải tui xem thường giọng hát nó mà vì thời đó trường HD có quá nhiều giọng oanh vàng nổi bật của chim Yến,  chim họa mi, chích chòe, sáo sậu... như Ngọc Thủy, Sơn Liêng, Hồng Nhan, Thu Cúc, Mai Trinh, Bạch Phượng... nên so ra con chim cu Lê Thị Thanh của tụi tui thì khiêm tốn hơn, nó hát nhạc quê hương đậm đà dân dã y như tiếng con chim cu gáy trưa hè, gợi nhớ biết bao nhiêu kỷ niệm êm đềm. 

Bỏ qua đoạn đời gian nan sau 75, lúc đó bạn bè đứa nào mà không xác xơ, đói khổ, tui cũng lang thang giang hồ hơn 10 năm mới về thăm lại Sóc Trăng, hỏi thăm bạn bè từng đứa, nghe ai đó nói LTT khổ lắm, chồng nó vượt biên bỏ lại vợ con nheo nhóc, nó ngồi bán xăng lẻ ờ cầu Quay, một mình nuôi con vất vả... rồi sau đó lập gia đình mới, cũng một người bạn cùng trường, theo chồng về quê đâu đó xa lắc. Tui  nghe mà xót xa khi nhớ câu thơ ai đó viết tặng cho nó thời con gái.

“Cô bé ngày xưa Lê Thị Thanh/ đừng cho đôi má sớm tàn phai..”. Không tàn phai sao được trong cuộc sống lao đao thời điểm đó.

Rồi hai chục năm sau, khi bạn bè đã vững vàng trong công việc làm ăn, có gia đình chồng/ vợ yên ấm, con cái trưởng thành, nhà cửa ổn định. Qua bạn bè kết nối, tụi tui lại tìm gặp nhau.

Khóa HD 68-75 đi cùng trời cuối đất nhưng gom lại cũng khá đủ đầy, gần như năm nào nhóm cũng tổ chức họp mặt tại Sóc Trăng, có khi ngay trong khuôn viên trường Hoàng Diệu cho sự kiện trọng đại của toàn cựu giáo sư và học sinh ngày cũ.

Trong số bạn bè có nhiều đứa xa xôi bên kia Thái Bình Dương, nhưng nghe họp mặt cũng háo hức mong muốn được trở về tham dự. Tui thì dù xa dù gần cũng ráng về, không hẳn là lúc nào cũng có mặt, nhưng phải nói thiệt lòng, được bên cạnh bè bạn thân thương thời đi học là một hạnh phúc tuyệt vời, dĩ nhiên không phải là "bồ bịch cũ hổng rủ cũng tới", tình bạn bình thường thôi nhưng rất ấm áp với tui.

Thanh Ánh

Lê Thị Thanh là một trong số đông bạn bè cho tui cái cảm giác ấm áp thân mến đó. Lần nào nghe tin tui về, nó cũng đều phóng xe từ quê ra, tay xách nách mang chạy thẳng vô phòng ngủ vợ chồng tui trong khách sạn, cái giọng oang oang nói với Sâm “Anh cho tối nay em ngủ với con Ánh nhe” và quay qua tui sang sảng “con quỷ, tao nhớ mày quá nhỏ à” rồi nó bày ra bàn đủ thứ trái cây, chùm nhãn mới hái, mấy trái vú sữa tím rịm, mận hồng đào… “Ăn đi cho đã thèm, con tao bên Mỹ, nó nói bên đó đâu có thứ này…” và lần nào nó cũng xách xe chở tui đi vòng vòng phố chợ, đi qua những con đường kỷ niệm tuổi học trò, cái tỉnh lỵ hồi xưa đối với tụi tui minh mông biết bao nhiêu mà sao bây giờ thấy như chật chội nhỏ xíu, dù Sóc Trăng đã được “nâng cấp” Thành Phố, nghe nói nay mai có xây thêm trường Đại học cho xứng tầm, đối với tui, trường Trung học Hoàng Diệu Ba Xuyên vẫn là nhất.

Lê Thị Thanh kể cho tui nghe những thăng trầm trong cuộc đời lận đận đã qua của nó, bây giờ nó yên ấm lắm rồi, hai đứa con của chồng trước đã được ba nó lãnh qua Mỹ, học hành làm ăn thành đạt, hiếu nghĩa với nó rất nhiều, ông chồng sau cũng hiền lành dễ thương, có thêm mấy mặt con cũng ngoan và học hành tử tế, nó bây giờ sống thoải mái cả vật chất lẫn tinh thần, bạn bè hê lên là nó có mặt cà phê cuối tuần tán gẫu chuyện xưa nay rồi cười ha hả, thỉnh thoảng nó qua Mỹ chơi, hẹn hò nhau đi ăn uống với tui và KCT, lâu lâu gặp nó trên mạng, nghe nó khoe hết chuyện này tới chuyện kia, khoe thằng cháu nội tới con cháu ngoại, nó mới khoe là sắp cưới vợ cho thằng Út, tui lắng nghe chia sẻ niềm vui hào hứng của nó, hồi đó khổ quá trời, bây giờ sung sướng thảnh thơi phải cho nó bày tỏ cảm xúc chớ, huống chi chuyện đôi ta buồn ít hơn vui, nó kể chuyện vui mà, sao cản! 

Ở cái tuổi này rồi, bạn bè gặp nhau không than đau lưng nhức mỏi thì cũng nói chuyện nhà chuyện cửa, tánh Lê Thị Thanh ào ào ruột để ngoài da như vậy hồi đó tới giờ, trong nhóm Tứ bà la sát từ mấy chục năm nay, tánh nết đứa nào cũng y chang không thay đổi, nhỏ Thu Hương trầm tĩnh, Hồng Thạch nhu mì, Thanh hời hợt và tui bốc đồng…

Khuya qua tui thao thức vì hồi chiều nghe chị em bên nhà báo Má tui không được khỏe.. tui lo lo trong bụng nhỡ Má có bề gì.. thì nghe tin nhắn cái tưng của anh Giáo Hào “Lê Thị Thanh chết rồi Ánh ơi”, lại nhận tin Lực trong Messenger “chết vì đột quỵ”.

Tui chưng hửng rồi thẫn thờ, con nhỏ này đi đâu mà vội mà vàng, tính hết COVID tụi tao về, bạn bè mình rủ rê nhau đi chơi xuyên Việt một chuyến.

Nửa đêm tui nhắn tin cho đứa này đứa kia biết, từ bên Úc, VM gọi qua, từ Sài Gòn chị HY gọi lại.. ai cũng mang tâm trạng bàng hoàng, KCT đưa cái hình nó trong Zalo cách đây 8 tiếng còn thấy online.

Đời vô thường, cứ nói vậy cho xong, nhưng mà buồn quá, tui than với nhỏ Hương Tứ Bà La Sát còn có ba đứa tụi mình. Thanh à, mày đi thanh thản hen, mấy năm sau này tao về Sóc Trăng, đâu còn ai ôm đồ vô khách sạn ngủ với tao? Con chim cu của bạn bè thôi gáy từ đây trên sân khấu họp mặt của nhóm HD, nhưng tụi tao sẽ nhớ tới giọng hát ngọt như đường Thốt Nốt của mày, nước da bánh ít của mày, nụ cười dòn tan của mày, và hơn hết là tình bạn thân thiết của tụi mình mấy chục năm nay, tao lập lại câu nói hồi nào của mày “con quỷ nhỏ Lê Thị Thanh ơi, tao nhớ mày lắm”.

California 04/15/2021

Trần Ngọc Ánh - HD 68-75


------------------------------------------------------------

Last updated 04/16/2021

Hoa Hồng

 

side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1