banner Các Thế Hệ Thầy Cô
side2
Giáo Dục Con Cái Qua 2 Thế Hệ...
Nguyễn Hồng Phúc 

Bài viết bàn về một vài khía cạnh của sự giáo-dục trẻ em qua 2 thế-hệ - cha mẹ, chúng ta và cách suy nghĩ của con em chúng ta. Tác giả muốn đề cập qua bài viết này về đề tài mà mỗi chúng ta, bậc làm cha mẹ quan tâm không ít cũng nhiều.

Cách dạy dổ con cái của Cha Mẹ chúng ta
Cha mẹ chúng ta đều là người Việt Nam, dù sống trong chiến tranh, nhưng nền tảng xã hội miền Nam vẫn dựa trên gia đình…Trong gia đình người Cha là gia trưởng trụ cột, con cái luôn luôn vâng lời và nghe theo quyết định của người. Vâng lời cha mẹ từ lâu đã trở thành đạo hiếu của người Việt ta. Nhớ hồi còn nhỏ tôi đi học, sáng nào cũng khoanh tay và thưa:
“Thưa Ba, thưa Má con đi học”. Chiều về cũng khoanh tay:
gdccai“Thưa Ba, thưa Má con đi học mới về”
Cha tôi thường nói “đi thưa về trình”. Tôi không dám đồng tình với lối giáo dục như vậy, vì nó có ưu điểm nhưng cũng có khuyết điểm không kém. Khi sống ở xứ người tôi nhận ra rằng trẻ em Việt Nam quá nhút nhát khi gặp và đối xử với người lớn tuổi hơn mình…Nề nếp của một gia đình là điều quan trọng đối với quá trình phát triển và học hỏi của những người con.
Lúc còn bé con cái ngoan ngoãn vâng lời bố mẹ, vui chơi và thơ ngây, học hành chăm chỉ. Không có đứa trẻ nào sinh ra đã hư hỏng, chính môi trường và sự giáo dục của cha mẹ đóng vai trò quyết định trong việc hình thành nhân cách trẻ em. Dần dần lớn lên trẻ em có thể chịu ảnh hưởng bạn bè khi đến lớp cuối Tiểu học, rất ít vì tuổi thơ trong trắng chưa biết dối trá và lường gạt. Có thể trốn học và không chăm chỉ. Sự dìu dắt của bố mẹ rất quan trọng trong giai đoạn này. Tôi may mắn được sinh ra trong một gia-đình bình dân với mức sống tạm ổn, có nghĩa là tất cả con cái đều được đến trường và đỗ đại-học.
Vai trò người cha trong một gia-đình Việt Nam là làm lụng vất vả kiếm tiền lo cho con cái. Người mẹ ở nhà lo chuyện tề gia nội trợ, v.v.v…Cũng có những gia-đình trí thức khá giả, cha làm việc ngoài xã hội, đôi khi cũng giành thời giờ ra một ít quan tâm chăm lo việc học vấn của con cái. Trong trường hợp này, cha mẹ hay ép con mình phải học từ sáng đến tối khuya, ngay cả khi các em còn ở tiểu học và trung học. Họ thường bắt buộc con cái học ngay cả vào những kỳ nghỉ để mong con vào được các trường trung và đại học nổi tiếng. Vô tình cha mẹ là đồng phạm đánh mất quãng đời hồn nhiên của đứa trẻ.
Theo tâm lý người Việt mình thì cha mẹ rất ư hãnh diện về con cái. Con cái trong mắt họ bao giờ cũng là số một, chúng là thiên tài, là xuất chúng hơn tất thảy mọi người. Nếu có xấu thì cũng là đứa trẻ khác xấu hoặc nhà trường và thầy cô giáo không tốt chứ  không chấp nhận con họ có tính cách xấu? Trong vài trường hợp điều này rất nguy hại và khiến đứa trẻ kiêu ngạo. Theo tôi, trẻ con giao tiếp với mọi người theo cách mà chúng học được từ người lớn và gia đình, đặc biệt là những người gần gũi nhất như cha mẹ. Nếu cha mẹ là người luôn nóng giận, thiếu kiềm chế, trẻ cũng sẽ có suy nghĩ tương tự như hành động bắt nạt, nóng giận với những đứa trẻ khác, thậm chí là quay lại phản kháng với chính cha mẹ mình. Trẻ sẽ nghĩ rằng, cách giao tiếp như thế là “bình thường”. Hơn nữa, khi giận dữ, không kiểm soát được hành vi của mình, cha mẹ có thể nói những câu nặng nề khó nghe, thậm chí còn đánh con cái thậm tệ. Điều này sẽ khiến con cái mất sự tôn trọng, đặc biệt khi sự giận dữ đó là vô cớ hay chúng ta còn gọi ‘’giận cá chém thớt’’ mà con cái trở thành nạn nhân. Nhiều người cư xử thiếu công bằng đối với con cái, dù chúng chẳng làm gì có lỗi. Chúng ta đừng nghĩ rằng, bọn trẻ không hiểu gì về nỗi niềm của cha mẹ. Chúng rất thương bố mẹ và sẵn sàng làm cơn gió mát xoa dịu sự nóng giận của bạn. Các bé rất dễ bị tổn thương khi bị mắng oan.
Dù trẻ có thể không tập nhiễm tính cách từ cha mẹ thì tình cảm của trẻ cũng bị tổn thương, dẫn đến xa lánh, sợ hãi cha mẹ. Kết quả là cha mẹ sẽ càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận vào giáo dục con cái.
Xã-hội Việt nam ngày xưa dựa trên căn bản đạo đức. Điều đó vô tình đã đi đôi với đạo làm người. Kinh nghiệm sống quý báu, tình yêu của cha mẹ dành cho con cái chính là một trong những cơ sở để người xưa đưa ra đúc kết:
Cá không ăn muối cá ươn, con cải cha mẹ trăm đường con hư”.
Câu ca-dao ấy đã ăn xâu vào ký ức trẻ con, từ lớp tiểu học và tạo ảnh hưởng rất mạnh. Nó làm giảm một phần nào trách nhiệm về sự giáo dục của cha mẹ.
Vì sống trong tình trạng chiến tranh, kéo dài nhiều thế kỹ nên các em trai khi bước vào trung học đã được tự nhiên có một động cơ rèn luyện tính xiêng năng và cố gắng bất thường trong việc học tập. Một phần vì đấng nam nhi lo lắng cho tương lai mù mờ nếu không thành công trong việc học và biết chắc chắn rằng ngưỡng cửa quân đội luôn rộng mở để đón nhận các em. Trong khi cha mẹ lo lắng và nhắc nhở các em gái về vấn đề trai gái, trốn học có thể ảnh hưởng đến việc học hành của các em. Nhiều gia đình khá giả dùng người giúp việc nhà để hộ tống các nữ nhi mỗi khi các cô ra khỏi nhà. Nhìn chung thì xã hội Việt nam trước 75 không có nhiều vấn đề xả hội với các em gái vì đa số các em còn rất ngoan và vâng lời bố mẹ, học hành chăm chỉ:
Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy…”
Theo tôi những phong tục tập quán trong xã hội Việt nam chịu ảnh hưởng Nho giáo rất nhiều. Xã hội đặt nền móng trên vua chúa và thần dân, giửa cha mẹ và con cái, giửa vợ chồng và anh chị em.
Trong mối tương quang giửa cha mẹ và con cái trở thành nền móng chi phối các mối tương quan khác. Con cái bắt buộc phải yêu kính cha mẹ và thầy cô. Sự yêu kính cha mẹ bao hàm chẳng những lòng kính trọng mà còn ở sự phục tùng cha mẹ đến suốt đời. Xã hội rất tôn trọng tôn ti trật tự và không có sự bình quyền. Vì thế tình yêu cha mẹ đã chiếm 1 địa vị rất quan trọng và đã trở thành 1 tôn giáo. Chính vì thế ngày nay người Việt nam theo đạo thờ tổ tiên. Trẻ em Việt được hấp thụ luân lý này ngay từ lúc ấu thơ. Ngay khi người ta lập gia đình, họ rất tôn trọng bố mẹ hơn cả vợ mình.
Ở tây phương xã hội rất bình đẳng. Sau khi kết hôn (lấy vợ) tình yêu cha mẹ sẽ nhường cho tình yêu vợ chồng. Tình vợ chồng là thực tại và dâng hiến.
Tóm lại với văn hóa truyền thống của người Việt Nam, ảnh hưởng rất nhiều về tâm lý giáo dục con cái. Khi còn ở với bố mẹ, các em phải ngoan ngoản vâng lời cha mẹ. Con cái không phải lo lắng về vấn đề tài chính và chỉ lo ăn học thành tài. Các em không có sự lựa chọn nào khác như con cái ở hải ngoại - tự do ra ngoài kiếm tiền và sống tự lập ở tuổi trưởng thành…
Thế hệ Chúng ta dạy dổ con cái như thế nào
Tất cả chúng ta thường được giáo dục để trở nên những đứa con tốt trong gia đình, nhưng rất ít khi chúng ta được giáo dục để trở thành cha mẹ tốt. Ở trường học, chúng ta học rất nhiều những môn học nhưng chúng ta chưa hề học những môn học để trở thành cha mẹ tốt, môn học này là cả một nghệ thuật mà chúng ta sẽ phải áp dụng cả cuộc đời kể từ khi có con, và cũng là một nghệ thuật hết sức quan trọng cho hạnh phúc của ta cũng như của chúng ta và của con cái.
Cuộc sống ngày càng biến đổi không ngừng. Những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 này, nhịp sống thay đổi nhanh đến chóng mặt. Những mâu thuẫn, khác biệt của hai thế hệ đang ngày càng tăng. Trong nhịp quay quá nhanh ấy, những gì gọi là kinh nghiệm của cha mẹ chúng ta có còn là kim chỉ nam chăng? Liệu con cái có phải nhất nhất tuân theo mọi lời chỉ dạy ấy? Câu trả lời đó với nhiều người hình như đã có chiều hướng ngập ngừng, đắn đo…
Theo tôi, sự giáo dục con trẻ chưa bao giờ là chuyện dễ dàng và đầy đủ với các bậc phụ huynh. Tại Bắc Mỹ, một số phụ huynh Việt Nam còn có thêm những thử thách khi phải làm quen với cách suy nghĩ, ứng xử của trẻ con trong một xã hội hoàn toàn mới. Trẻ con thường ngại trò chuyện với cha mẹ, chúng rất bực mình khi phải nghe thuyết giáo hay chỉ trích, phê bình và chúng cho rằng bố mẹ nói quá nhiều… Thế nhưng, liên hệ giữa cha mẹ và con cái, nhất là với các con đang tuổi thiếu niên, ít khi suông sẻ. Thông thường, cha mẹ không chịu  tìm hiểu lắng nghe các con của mình, và mặc dù rất yêu thương tận tụy lo cho chúng, đôi khi cha mẹ có thái độ xa cách con cái hoặc xa hơn nữa là buông lời quở trách, phê bình và thuyết giảng luân lý với con cái.
Bắt đầu lớn là con cái không thích đi cùng cha mẹ nữa. Đi đám cưới họ hàng, du lịch, ăn giỗ ông bà... nếu không có biện pháp cứng rắn là các cậu ấm, cô chiêu diện đủ các lý do để “không đi được”. Điều này là bước đầu tiên khiến các cha mẹ bỗng thấy con mình tuột khỏi vòng tay.
Hầu hết các gia đình ở hải ngoại ngày nay chỉ có 1 đến 2 con nên mọi tình cảm, vật chất được trau hết cho chúng. Xã hội đang phải đối mặt với hiện tượng mới, đến tuổi đi học, cha mẹ lại sợ con không ăn sẽ ốm không học được. Mắng nhiều quá con cái sẽ căng thẳng thần kinh không tiếp thu bài vỡ. Đến trường, đồ dùng, quần áo, tiền ăn vặt không bằng bạn bằng bè sợ con tủi thân, mặc cảm, bạn bè xa lánh, dẫn đến trầm cảm. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết phụ huynh đều than thở: “Dạy con bây giờ sao khó quá, phải tự mò mẫm, vừa dạy vừa chỉnh sửa...”.
Theo tôi có 3 khuynh hướng dạy con ở xã hội mới ngày nay – với giới hạn của vài trang viết, bài viết sẽ bàn về sự giáo dục trẻ con vào tuổi thiếu niên đến trưởng thành:

  •  Cha mẹ còn giữ truyền thống Á Đông: ép buộc con theo kinh nghiệm mình trải qua.
  • Để con cái tự lựa chọn và quyết định, cha mẹ cho ý kiến và hướng dẫn trên đường đời, giành thời giờ đối thoại với con cái.
  • Gia đình đổ vở: Cha mẹ ít lo lắng cho con cái, để tự do cho con cái đến khi trưởng thành.

Khuynh hướng thứ nhất: ép buộc…
Theo truyền thống Á Đông, cha mẹ thường hay quan tâm quá mức về con cái. Một phần muốn có cuộc sống khá giả hơn của họ ở VN ngày xưa, một phần muốn nở mặt nở mài với thiên hạ, nên họ taọ rất nhiều áp lực vào con cái để chúng học những ngành mà có thể các em không thích, miễn cưỡng hay không có năng khiếu chuyên môn như – kỹ sư, bác sỹ, nha sỹ, luật sư, v.v.v
Chúng ta phải thừa nhận là con cái ngày nay rất năng động và có tính tự lập hơn chúng ta trước kia, nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn không bỏ thói quen áp đặt cách sống của mình lên con cái.  Chính cha mẹ đã mất thời gian trải nghiệm cuộc sống để đúc ra những kinh nghiệm quý giá mà con họ chưa có được.  Đa số phụ huynh đều kỳ vọng rất cao để con cái phải cố gắng, thế nhưng có ít ai tìm hiểu khả năng thực sự của bọn trẻ thế nào. Các em không thể vượt quá khả năng tự nhiên do yếu tố di truyền quy định. Sức ép từ cha mẹ vì thế có khi gây ra tác động tiêu cực, khiến con cái lo lắng mỗi khi chúng không đạt được các "kỳ vọng” mà cha mẹ chúng áp đặt cho chúng. Sẽ rất phức tạp nếu ta không kịp thời nhận thấy trẻ chưa sẵn sàng hoặc chưa thể đáp ứng được sự trông đợi của cha mẹ.
Phần nhiều các bậc cha mẹ thuộc khuynh hướng này mong muốn và giáo dục con cái sao để chúng có thể kiếm được nhiều tiền khi trưởng thành mà quên rằng đó chỉ là một phần trong toàn bộ đời sống của trẻ. Điều đáng lưu ý hơn là những bậc cha mẹ này phải hiểu là chúng ta chỉ muốn dạy cho con trẻ làm cách nào để sống một cách hạnh phúc chứ việc học không phải chỉ đơn giản là để kiếm tiền. Việc cố gắng ép con vào khuôn khổ để có thể vượt trội trẻ em khác đồng lứa tuổi xem ra không phải là phương pháp tốt trong việc nuôi dạy con theo quan niệm khoa học ngày nay. Cha mẹ thuộc hạng này quá bảo thủ ý kiến của họ theo kiểu:
Thời của ba mẹ đâu có như bây giờ”.
Thay vào đó, họ không cần biết hay chấp nhận những mặt tốt do sự tiến bộ đem đến. Chúng ta luôn tự hỏi tại sao họ không cùng tham gia học hỏi những tri thức mới để kịp bắt nhịp với con cái và dễ dàng cảm thông, chia sẻ với chúng hơn.
Hồng, cô nữ sinh hoa-khôi trường Trương Vương trước 75, cô có rất nhiều tham vọng và cũng là bạn của một cô bạn tôi.
Ngày xưa cô tâm sự rằng chỉ mong lấy được chồng làm bác-sỹ. Năm 80 cô ấy lấy anh bạn của tôi, Trường là con của 1 bác-sỹ. Thế là mộng của cô ấy cũng gần như đạt được. Cô sinh ra cậu con trai George. Từ thuở nhỏ cô đã huấn luyện và hun đúc tinh thần làm việc và cố gắng không ngừng để con cái cô luôn lúc nào cũng là đứa học sinh gương mẩu và giỏi nhất trường…Sau 6 năm tiểu học và 7 năm trung học em George ra trường với Highest Honour. Đúng như sự mong muốn của bố mẹ em…Em vào đựơc ĐH Y-khoa McGill of Montréal. Năm nay em vừa tròn 26 tuổi và đang thực tập Bác Sỹ, 2st year of internship trong nhà thương. Năm tới em sẽ ra trường và chính thức trở thành Bác Sỹ.
Cách đây vài tuần, nhân dịp con trai thứ 2 của tôi ra trường chúng tôi ăn mừng con ở restaurant và trò chuyện khá lâu. George cũng là bạn học chung cũ với con trai lớn của tôi cho nên các em thư thả tâm sự với nhau 1 cách tự do hơn là nói chuyện với người lớn. George cũng là học trò tiếng Việt của tôi những năm cuối thế kỹ 20, khi tôi dạy tiếng Việt cho Chùa Liên Hoa và Hội Hướng Đạo vùng Montréal. Mỗi khi gặp tôi em George đều nói « chào thầy ạ...». George tâm sự với con trai chúng tôi là thời thanh niên của hắn bị quá nhiều áp lực từ gia đình, nào để học giỏi nhất trường, nào là phải là bác sỹ, nào là phải làm giàu trong tương lai để cha mẹ hảnh diện về em, v.v.v….
Em cho các con trai tôi biết thêm là năm tới khi trở thành BS chính thức em sẽ dọn sang Nhật sinh sống, để xa hẳn gia đình và sẽ mua 1 thửa ruộng để sinh sống như 1 nông dân hiền hòa chất phát. Em đã quá chán nản sự ép buộc từ mọi phiá và em đã thực hiện được ước mơ của mẹ em. Bây giờ là lúc em mà muốn có 1 cuộc sống thật và dùng quyết định của chính mình…
Đứa cháu gái của một người bạn, Tina vừa xong trung học hè năm nay. Em cũng đang apply vào trường Y-khoa và Nha-khoa ở Montréal. Cô bé trông rất tội. Mặt em lúc nào cũng khù khờ. Cha mẹ em lúc nào cũng bắt em phải học giỏi và chỉ học, không được chơi game, không được có bạn bè, v.v.v...Tôi rất ít có cơ hội gặp em. Tuy nhiên trong vài dịp ăn giỗ bên gia đình bạn, tôi có quan xát để ý và thấy em lúc nào cũng ngồi một góc và chỉ ăn một mình. Trong lúc mọi người vui vẻ trò chuyện, giữa chốn đông gần 50 người bà con xa gần. Em không biết gì để trò chuyện ngòai việc học của em.
Phố học rất giỏi thời trung học, là đứa cháu trai của một người bạn, em ra trường thuộc Top 10 của tỉnh Québec. Em nộp đơn vào 2 trường Y-Khoa ở Montréal đều được nhận cả hai. Đến tháng 9 trước khi nhập học vài tuần em xin bố mẹ dọn về Waterloo, Ontario để học Kinesiology. Bố mẹ em chưng hửng với quyết định này. Vì ở Canada muốn được vào Y-Khoa không phải là chuyện dể dàng mà ai cũng làm được. Mỗi trường Đại học chỉ nhận 150 sinh viên. Cả tỉnh Québec có 4 trường dạy Y-khoa, tức là họ chỉ thu nhận 600 người cho 7 triệu dân hay tương đương 0.0001%…Em cho biết là học Y-khoa là ý muốn của bố mẹ mà em phải nộp đơn cho cha mẹ hài lòng, nhưng quyết định cuối cùng là do em chứ không phải của bố mẹ…
Tôi còn nhớ năm ngoái có nghe được một tin ở Cali là có một anh Bác sỹ trẻ đã giết mẹ vì thuở nhỏ em luôn bị sức ép từ mẹ cho đến ngày nay. Vì không chịu nổi áp lực ấy em đã quyết định từ giả mẹ hiền và cho bà qua bên kia thế giới để bà không còn quấy nhiểu em nửa trên cỏi đời này…
Những người con trong khuynh hướng này khi vào đời sẽ rất biết ơn công lao của cha mẹ chúng đã «lo lắng quá độ» để lo cho tương lai các em. Để các em có 1 tương lai sáng chói, một nghề vững chắc và được rất hảnh diện với đời.
Nhân đọc cuốn sách « Battle Hymn of The Tiger Mother » của bà giáo sư Tiến sỹ đại học Yale - Amy Chua, người Mỹ gốc Trung Hoa và cho biết rằng nhiều bà mẹ Tây phương cũng khắt khe trong việc dạy dỗ con cái, nhưng chỉ khắt khe tới một mực nào đó thôi. Giáo sư Amy Chua đã liệt kê những luật lệ dành cho 2 đứa con bà ở lứa tuổi 14 và 16 là không được ngủ lại nhà bạn, không được có bạn trai, phải thực tập dương cầm hay đàn vỹ cầm một ngày 3 tiếng, không được xem ti vi hay chơi games trên computer, và phải đạt điểm từ A trở lên cho các môn học ở trường…Bà Amy Chua đưa thí dụ như việc tập đàn vĩ cầm hay dương cầm thì một tiếng đồng đầu chỉ là tập cho quen tay với đàn. Hai tiếng đồng hồ sau đó mới giúp con cái đạt được những thành quả hơn người. Vì vậy bà cho biết cha mẹ Tây phương không dùng kỷ luật chính đán để dậy con và theo dỏi kỹ càng cho con thành công đến nơi đến chốn. Bà Amy cũng cho biết « rất nhiều cha mẹ Tây phương đã tự hỏi là sao những bậc cha mẹ gốc Trung Hoa có nhiều con cái thành công trong nhiều lãnh vực như toán, âm nhạc, và họ không biết cách dạy con của người Trung hoa ra sao? Tôi có thể nói cho họ biết, vì tôi cũng trải qua những việc dạy dỗ hai đứa con tôi ». Theo bà Amy Chua thì lòng thương yêu của các bà mẹ Á châu có thể hy sinh nhiều cho con cái, họ có kiên nhẫn hơn, để nhiều thời gian dạy dỗ con không mệt mỏi, trong khi các bà mẹ tây phương tuy cũng thương con, nhưng họ tôn trọng quyền tự do cá nhân, tự lập của con cái hơn…khuyến khích nhưng không mạnh bạo và trực tiếp bằng các bà mẹ Á châu. Các cụ ngày xưa vẫn thường nói: « thương cho voi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi ». Trong thời đại mới, chúng ta không đồng ý đến việc dùng roi dạy con cái, nhưng qua sự thành công dạy dỗ của bà giáo sư Amy Chua cũng như hàng triệu bà mẹ Á châu khác ở khắp nơi trên thế giới, thì một điều chúng ta học hỏi được là bắt con cái vào khuôn khổ từ lúc còn bé, thì việc này sẽ giúp rất nhiều cho chúng trong tương lai.
Nhưng trong thâm tâm có bao nhiêu em vui vẻ, hạnh phúc và hài lòng với số phận của mình… Chúng ta sẽ bàn tiếp ở phần kết luận của bài viết.
Khuynh hướng thứ hai: Để con cái tự lựa chọn và quyết định, cha mẹ cho ý kiến và hướng dẫn khi con đến tuổi trưởng thành.
Cha mẹ thuộc khuynh hướng này thường tôn trọng quyền tự do cá nhân và tự lập của con cái, không làm áp lực mạnh bạo và trực tiếp để ảnh hưởng quyết định của con. Họ chỉ định hướng đúng đắn và vun đắp năng khiếu cho con là cách làm hiệu quả nhất giúp trẻ em trưởng thành. Trong gia đình, trẻ con luôn coi cha mẹ là chỗ dựa vững chắc nhất. Nếu cha mẹ thực sự hiểu rõ con mình, hiểu được khả năng của trẻ, họ sẽ hỗ trợ cho chúng tốt hơn. Họ sẽ động viên, khuyến khích con phát triển thế mạnh thay vì áp đặt “con phải làm thế này thế nọ....” Ví dụ, nếu trẻ có sở thích và thiên hướng trở thành bác sĩ, cha mẹ sẽ tôn trọng những mơ ước đó. Họ không cố hướng con thành giáo viên hoặc luật sư chỉ vì những kì vọng hoặc suy tính của cha mẹ. Những “kế hoạch” đó, dù đều xuất phát từ tình yêu thương, nhưng sẽ gây sức ép và khiến trẻ mặc cảm, tự ti vào khả năng của mình.
Cha mẹ thường tìm hiểu xem con mình thực sự muốn theo đuổi nghề gì. Nếu chúng muốn có nhiều tiền và điều này khiến con họ hạnh phúc thì có thể đề nghị cho con học nghành ngân hàng hoặc lĩnh vực tài chính, thậm chí tham vọng đi xa hơn là mở một công ty riêng. Nếu con họ muốn trở thành chuyên gia thì theo đuổi nghề luật sư, giáo sư hay kế toán. Nếu con trẻ thích giao tiếp và quan hệ cộng đồng thì có thể trở thành người bán hàng, relationist (Public Relation) hoặc làm việc trong ngành dịch vụ,.v.v.v…
GdccCũng theo khuynh hướng này thì vợ chồng sẽ thống nhất trong cách nuôi dạy con; nếu bố hoặc mẹ vẫn một mực đứng về phía con, khăng khăng bênh vực con thì sự dạy dỗ không bao giờ thành công. Con trẻ vẫn giữ nguyên mãi thói lộng hành của một ông tướng, bà tướng trong nhà. Tuy nhiên cha mẹ không bỏ lỏng các yêu cầu đạo đức căn bản đối với con, nhưng vẫn giành thời gian đối thoại với chúng và làm sao trở thành bạn của chúng, để chúng ít bị ảnh hưởng của bạn bè hơn. Con cái sẽ vượt qua “giai đoạn khó khăn” của tuổi trưởng thành với sự quân bình hoàn thiện mà cha mẹ là điểm tựa vững vàng cho con cái.
Để tăng cường thể lực cho con trẻ, bên cạnh chế độ ăn uống hợp lý hàng ngày, việc khuyến khích trẻ tập luyện thể dục thể thao cũng rất cần được các bậc cha mẹ quan tâm.... Theo tôi việc chơi thể thao sẽ giúp trẻ duy trì thân thể cân đối, chống béo phì. Bên cạnh đó, việc tổ chức tập luyện thể thao thành nhóm, đội sẽ giúp trẻ con rèn luyện được tinh thần tập thể, tinh thần thể thao hơn là để trẻ con mải miết chơi game, dễ làm nảy sinh những thói quen không tốt.
Cha mẹ thuộc khuynh hướng này rất tôn trọng con cái. Họ vẫn chìu con nhưng có giới hạn. Cha mẹ dùng lý trí để bàn bạc với con cái, tìm cái hay thay cái dở hay phi lý. Họ không nhận xét kiểu “kết án”.  Con người không ai hòan hảo, không có đứa con nào xấu hoàn toàn. Chúng ta cũng bất toàn, khi con có lỗi gì, cha mẹ nhận xét, nhắc nhở về khuyết điểm đó. Tuy nhiên, vì tính cách sư phạm, ta có thể đòi hỏi con cái chút ít để chúng cố gắng hơn. Thân phận con người chúng ta cùng yếu đuối như nhau, ta nên thông cảm với những tật xấu, những khuyết điểm của con cái. Ta phải tập biết hài lòng về những cố gắng của con cái mình, về mức độ tốt đẹp mà chúng ta đã từng nỗ lực để đạt được. Không buông những lời nhận xét ám chỉ của trẻ con. Nếu hôm nào con được điểm kém, cha mẹ cũng chỉ nói: “Hôm nay con lại không cố gắng, lại để bị điểm kém à?''. Và tuyệt đối không buông lời nói: “Sao mày ngu thế, dốt thế”. Vì nhận xét như vậy là xúc phạm trẻ con, là phủ nhận mọi cố gắng từ trước đến nay của trẻ, sẽ gây phản ứng không tốt của trẻ con. Khi bị chê bai quá nhiều, trẻ con có thể phản ứng theo hai thái cực khác nhau. Có trẻ tỏ ra chán nản vì nghĩ rằng cho dù có làm gì cha mẹ cũng chẳng hài lòng dẫn đến trẻ thiếu tự tin. Lại có trẻ tuy vẫn cố ép mình để làm hài lòng cha mẹ nhưng đến một lúc nào đó, trẻ sẽ có phản ứng bùng phát do bị dồn nén bấy lâu nay.
Bởi thế, cha mẹ thường cố gắng tạo dựng cho kỳ được "truyền thống vui vẻ" của gia đình. Mỗi phút bên con là một cơ hội để chúng ta hiểu chúng hơn, để lắng nghe những chuyện con cái chia sẻ, nắm bắt được sở thích của con, và làm quen với cả bạn bè của chúng. Bọn trẻ sẽ gắn bó với chúng ta hơn. Trẻ con thường rất nhạy cảm, chính vì vậy, lời khen của cha mẹ cần thật tâm thì mới có giá trị. Sự thật tâm đó thể hiện đầu tiên ở mức độ khen ngợi. Nếu cha mẹ cảm thấy hài lòng khi trẻ con thu dọn xong phòng ngũ hay những món đồ chơi một cách gọn gàng, cha mẹ chỉ nên khen: “Con làm việc giỏi lắm!” thay vì khen: “Con của bố mẹ thật tuyệt vời!”. Một lời khen ngẫu hứng và dễ dãi có tác hại không kém những lời chê bai quá mức. 
Xã hội Bắc Mỹ là xã hội nổ lực và cạnh tranh, đứa bé ngay từ khi bước vào ngưỡng cửa học đường đã được dạy dỗ luôn phải chiến đấu, phải thi đua, phải khuất phục khó khăn để giành chiến thắng. Nhưng số người đạt được mục đích chính thì ít mà số người thất bại thì nhiều, đó là quy luật. Cứ nhìn một cuộc đua xe ta sẽ thấy ngay điều này. Vấn đề là làm sao để một thất bại nung đúc tinh thần quyết chiến của con, chứ không phải chán nản bỏ cuộc. Đầu tiên cha mẹ phải biết khen cho đúng. Dù con chúng ta được điểm A hay điểm F, chúng ta đừng để ý đến thành tích này, mà hãy hỏi “Con đã học được cái gì?” Người ta thường nói: “Trẻ con mà được khen về các cố gắng của chúng thì tức nhiên chúng sẽ có động cơ tốt để phấn đấu”. Nếu con tiếp tục mang về điểm D, cha mẹ nên nói: “Con đã cố gắng nhiều, rất đáng khen, nhưng có vẻ có cái gì đó con chưa hiểu, nào chúng ta hãy bàn về những cái đó xem sao”. Như một bậc cha mẹ, chúng ta không nên can thiệp quá sâu vào thất bại của con. Có thể làm mủi lòng trẻ con. Tôi nhớ một nhà tâm lý nào đó có nói là “nếu con cái tỏ ra quá đau khổ hay quá lạnh lùng trước thất bại, chúng ta hãy tìm cách hướng sự chú ý của nó sang chuyện khác như rủ con đi dạo, đi xem cinéma, chơi tennis, đạp xe đạp”.
Điều quan trọng là cha mẹ hãy làm sao chứng tỏ sự quan tâm và thương yêu con cái vì chúng là con, chứ không phải vì chúng thành công hay thất bại. Con cái sẽ hiểu tình yêu bao la của cha mẹ không bao giờ sức mẻ. Chỉ bao nhiêu đó thôi là chúng sẽ lấy lại lòng tin và nghị lực rồi.
Thỉnh thoảng cha mẹ đưa con cái đi ăn ở một nhà hàng lạ vì ngoài khung khổ gia đình các em cãm thấy thoải mái để trò chuyện với bố mẹ hơn… Các kinh nghiệm này sẽ tạo sự ấm cúng thân mật trong gia đình. Lúc đó chúng ta sẽ thấy có thể nói chuyện về bất cứ đề tài nào với con cái.
Chúng tôi có thói quen dùng cơm tối gia đình chung với nhau. Các khảo sát cho thấy trẻ thành niên nào hay ăn cơm tối chung với gia đình từ 2 lần đến 5 lần mỗi tuần sẽ ít nghiện hút, nhậu nhẹt hay dính vào ma túy hơn so với trẻ ăn tối một mình. Chúng học giỏi hơn và ít có vấn đề tâm lý sau này hơn.
Gia đình nào cũng mong muốn con mình phát triển đời sống về cả hai mặt vật chất và tinh thần để trở thành một công dân hữu dụng tương lai, vì vậy sự kiện giáo dục phải được hiểu một cách tường tận là con trẻ cần được dạy dỗ (giáo) để cha mẹ mong chúng hướng đến chân thiện mỹ (dục) hầu giúp đời, giúp nước. Như vậy việc giáo dục phát xuất từ trong môi trường thân thiện của gia đình rồi mới đến trường lớp và đến trường đời. Theo thứ tự như vậy, chúng ta cố gắng phân chia thời biểu thích hợp để con trẻ lớn lên trong tình thương và trí tuệ mà phẩm chất đạo đức, học thuật, hành xử, tư cách cởi mở của một đứa trẻ lớn lên cùng thời gian…
Khuynh hướng thứ ba: Gia đình đổ vở, Cha mẹ ít quan tâm lo lắng cho con cái, để cho con cái tự do buông thả đến tuổi trưởng thành.
Những thảm cảnh gia-đình, như sự đổ vở gây ảnh hưởng rất cao đối với con cái ngày nay.
GdccSau khi ly dị, người chồng đi lấy vợ khác và người vợ cũng tìm một tổ ấm mới. Vì vậy chuyện giáo dục và tương lai của trẻ bị lảng quên một phần nào.
Như đã bàn ở trên, con cái nhìn cuộc đời qua cách sống và đối xử của cha mẹ chúng.
Nếu cha mẹ chúng không quan tâm về giáo dục và tương lai của chúng thì chúng cũng sẽ chẳng màn đến việc học vấn để trở nên một công dân tốt. Một phần vì cha mẹ đã chia tay, con cái phân vân không biết phải nghe theo ai, cha hay mẹ. Vì thế trẻ con có khuynh hướng trở nên kém ngoan ngoãn, có thể cứng đầu, khó dậy hơn trẻ con bình thường.
Các phụ huynh thuộc khuynh hướng này ít hay không có thì giờ để quan tâm đến hành động của trẻ con. Họ sẽ không biết là con mình có những thói xấu như nghiện ngập, cờ bạc, trai gái, rượu chè. Từ đó, trẻ con có thể hình thành lối sống không tốt, có thói hư tật xấu rất khó uốn nắn: thích đánh nhau, trộm vặt, thiếu suy nghĩ, và cũng có thể bỏ học.
Tâm lý các em rất hoang mang. Vì không còn tổ ấm như ngày xưa nữa cho nên các em tìm nguồn vui từ bên ngoài như bạn bè và hàng xóm, v.v.v….Thông thường con cái những gia đình đổ vở như vậy, con thành công thì ít mà hư thì rất nhiều. Chúng ta không có thành kiến vể sự đổ vở của gia đình mà chỉ quan sát và học hỏi những điều xấu để rút ra một kinh nghiệm riêng từng trường hợp thích ứng cho mỗi cá nhân.
Gia đình cựu Trung tá phi công Phương, ông bạn già của thời nối khố của tôi vào những năm đầu sau biến cố 75, gồm một hiền thê và 6 con ngoan ngoãn di cư sang Canada sinh sống. Sau một thời gian ngắn, anh chị quyết định ra toà ly dị. Đứa con trai út của anh chị đang học năm thứ nhất nghành luật. Chán nản vì em rất thương cha mẹ và không muốn bố mẹ nó chia tay và cũng nhiều lần hắn khuyên giải bố mẹ để xé tờ đơn xin ly-dị. Nhưng vô phương cứu chữa và cuối cùng rồi ông bà cũng chia tay. Gần một năm sau người ta tìm thấy xác em trong một công viên gần nhà em. Em cảm thấy quá tuyệt vọng vì không thể nhìn thấy vấn đề sào sáo trong gia đình em và em quyết định kết liểu cuộc đời mình bằng cách treo cổ trong công viên lúc vắng người ban đêm…
Guillaume, 24 tuổi người Canada và cũng là một tay chơi đá banh khá trong đội banh của tỉnh tôi ở và trong team với con trai thứ nhì tôi từ lúc em được 9 tuổi. Trong vài năm sinh hoạt trong đội soccer, tôi được biết rất nhiều về gia đình em Guillaume. Em chơi hay, học hành cũng khá. Đến năm em được 15 tuổi, cha mẹ em chia tay. Cha đi theo con đường cha chọn lựa, còn mẹ đi tìm người yêu khác…Từ đó em bất chấp việc học hành. Em hay giao du với đám bạn mới, trộm vặt trong shopping và bị cảnh sát lập biên bản cảnh cáo vài lần vì em chưa đến tuổi thành niên để bị tù tội…Cha em đổ lổi vào mẹ không chịu lo cho con cái. Bà vợ cũ trách ông bố không bồi dưỡng đầy đủ cho con cái cho nên mới ra sự việc. Tóm lại không ai chịu nhận trách nhiệm về phần mình. Vài năm sau đó Guillaume bị bắt vì tội buôn bán drugs…khi em tròn 18 tuổi…
Cách sống và suy nghĩ của giới trẻ…
Xét về một khía cạnh nào đó, chúng ta để con được tự do và sống một cách khá tự nhiên, không bị gò bó bởi những mong đợi áp đặt của bố mẹ. Tuy nhiên vì con cái chúng ta sinh ra, đa số ở hải ngoại cho nên con cái dể dàng thu nhập nền văn hóa và tập quán tây phương, cách suy nghĩ của chúng giống như những đồng nghiệp người Ý, người Pháp, người Mỹ, Phi, Ấn hay Hi-lạp, v.v.v…Cách biện luận của chúng rất cởi mở và tự do, không phân biệt chủng tộc, văn hóa, tôn giáo hay giàu nghèo, v.v.v…
Khi dạy dổ cũng như khi bàn bạc với các con, chắc hẳn con cái không thấu hiểu hết những gì cha mẹ muốn diển đạt vì sự bất đồng ngôn ngữ…
Chúng ta không thể nói suông với các con với lập luận như  «  ngày xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, ta phải luôn luôn nghe lời ông nội bà nội… », chúng chỉ tin bằng mắt và nghe bằng tai mà thôi.
Chúng ta thử xem xét lại ba (3) phương diện – nhân bản, trí tuệ và đạo đức để xét đoán thế hệ trẻ đang và sẽ ở vào giai đoạn nào.

  • Về nhân bản, giới trẻ ngày nay dể bị đồng hóa không ít thì nhiều văn hoá Tây phương - cởi mở và rộng lượng hơn chúng ta, lịch sự và khiêm nhường nhưng có phần bạo dạn (aggressive) hơn.
  • Về lãnh vực trí tuệ, giới trẻ ngày nay sống ở hải ngoại với đầy đủ phương tiện vật chất hơn cha mẹ chúng, có nhiều môi trường và phương tiện để tiến xa hơn trong những nghành chuyên môn kỹ thuật, nếu các em có ý chí và sự hướng dẫn tốt.
  • Riêng về đạo đức hoàn toàn đều tùy thuộc vào cách giáo dục và hướng dẩn của mỗi bậc phụ huynh. Có nhiều gia đình muốn duy trì văn hóa Việt hơn gia đình khác. Có rất nhiều bậc cha mẹ vì kém sinh ngữ khi hội nhập vào xã hội mới cho nên chỉ trao đổi với con cái trong nhà không bằng tiếng mẹ đẻ. Vì thế rất nhiều trẻ bây giờ rất kém cỏi tiếng Việt, đến đổi có nhiều em ở tuổi trưởng thành vẫn không hiểu tiếng Việt khi nói chuyện với cha mẹ hay ông bà của chúng. Đây là vấn đề lo ngại lớn nhất trong cộng đồng Việt hiện nay ở hải ngoại.

Công bằng mà nói không có cách giáo dục nào hoàn hảo. Chưa chắc thế hệ con chúng ta khá hơn thế hệ chúng ta. Có điều chúng ta phải công nhận là mức tiến triển về vật chất và trí tuệ của thế hệ mới sẽ đi nhanh hơn. Bắc Mỹ, Canada, Pháp, Úc, Đức, v.v.v...là quê hương thứ hai của chúng ta. Thế hệ con chúng ta sẽ xem nơi đây như quê hương thân yêu của chúng. Các em chỉ khác với dân địa phương là các em có trái tim Việt Nam. Nhưng những trái tim bé bỏng ấy còn gắn bó với văn hoá Việt Nam bao nhiêu còn tuỳ thuộc rất nhiều vào sự giáo dục của từng gia đình chúng ta. Chúng sẽ suy nghĩ và hành động giống như người địa phương. Các em sẽ có cơ hội thành công (land of opportunity) và tiến rất xa trong xã hội mới, như tân bộ trưởng y-tế Đức Philip Roesler, Betty Nguyễn và Thuý Vũ - phóng viên đài CNN, thẩm phán toà thượng thẩm Los Angeles Jacqueline H. Nguyễn, Huy chương Thế vận hội Carol Huỳnh, Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Cao Quang Ánh, nhà khoa học Dương Nguyệt Ánh,v.v.v....Ngược lại các em cũng sẽ dễ sa ngã hay đồi trụy ở đất nước đầy tự do này...Nước Việt Nam đối với các em như một nước nhỏ bé nào đó và nếu có dịp các em sẽ đi du lịch như một nước thứ ba “third world country”, để xem nơi mà cha mẹ chúng đã sinh ra.
Chúng ta và giới trẻ sẽ phải đối diện với những thử thách mới ở xã hội mới, thí dụ:

  • Một nước Nhật với những lễ giáo khắt khe trong quan hệ gia đình, một Trung Quốc với những quy tắc ứng xử đạo đức luôn được trân trọng…đều đã bùng nổ và phát triển mạnh mẽ “nền công nghiệp tình dục” với những phim ảnh, truyện sách khiêu dâm, dịch vụ sex mọc lên nhan nhản. Và không ai khác, chính giới trẻ là những người tiếp thu và thực hiện nhanh nhất những trào lưu mới có sức lan tỏa mạnh mẽ này.
  • « Con cái bây giờ phán xét cả bố mẹ » Đấy lời than vản của một số bậc phụ huynh ngày nay. Vì sự tự do ngôn luận, con cái sẽ tự do bàn bạc với bố mẹ một cách rất cởi mở có khi đưa đến sự cải vả không hay trong gia đình.
  • Hiện nay ở các nước Tây phương đang đương đầu với tệ nạn «Bỏ học». Các báo chí đang hô hào các học sinh đừng bỏ học, đến các cuộc biểu tình rộng lớn khắp nơi phản đối học phí gia tăng và ngân sách giáo dục bị cắt. Đến nỗi Bill Gates, nhà tỉ phú giàu nhất thế giới cũng lên tiếng. Anh viết một bài có tựa “A Quiet Revolution” trên tuần báo Newsweek tháng 2 năm 2009, trong đó có một câu nhận xét gây choáng váng: “Hệ thống giáo dục của Hoa Kỳ là cái nền của sự thành công của đất nước Hoa Kỳ, nhưng từ gần 100 năm qua, nền giáo dục này đã không thay đổi”. Cái thiếu thốn lớn nhất của giáo dục Mỹ, theo Gates, chính là sự cải cách (innovation) đã không được đầu tư đúng mức. Từ gần 1 thế kỷ nay, cái cách mà chúng ta chuẩn bị cho học sinh đối phó với thách thức của học tập đã bị giữ nguyên. Gates viết: “Nếu chúng ta không tìm ra cách thức để cải thiện nhà trường, biến nó thành hữu ích thật sự và trở nên đại chúng, chúng ta sẽ không sao thực hiện được giấc mơ bình đẳng và Hoa Kỳ sẽ không sao cạnh tranh nổi với các cường quốc khác trong tương lai”. Nhưng quan sát kỹ, thời gian gần đây chính vấn đề giáo dục mới làm nhức nhối nhiều người ở Hoa Kỳ. Đất nước có những trường đại học danh tiếng nhất thế giới, có các nhà bác học tài ba và đông đảo, có những Viện khoa học nghe qua tên là sinh lòng kính nể, nhưng hiện nay đất nước vĩ đại này đang...tuột xuống hạng 10 trên thế giới về xếp hạng giáo dục
  • Năm 2010 Tổng Thống Hoa Kỳ Obama đề nghị đề xuất một ngân khoản 900 triệu đô la nhằm giúp đỡ các tiểu bang và các học khu chống lại hiện tượng bỏ học của học sinh và thành tích thấp tại các trường học. Có nhiều trường học đang cố gắng giúp học sinh làm sao có đủ điểm để vượt qua các kỳ thi, nhất là các em gốc da đen và Nam Mỹ có tỉ lệ học hành kém hay bỏ học khá cao.
  • Gần đây báo chí hải ngoại đăng nhiều về tỉ lệ thanh niên tự tử quá cao ở Hàn quốc. Theo thống kê thì có 40 vụ tự tử mỗi ngày ở quốc gia trù phú thứ 12 trên thế giới này. Đây là một quốc gia tân tiến mà bạn có thể surf Internet trên tầu điện ngầm, khiêu vũ ở các câu lạc bộ salsa và mua một ly càfé thơm Starbuck trên đường đi làm. Thế nhưng hình như người dân ở đây sống kém hạnh phúc hơn so với những năm tháng đói khổ sau chiến tranh Triều Tiên. Ông Kang-ee-Hong, một nhà tâm lý học về trẻ em cho biết trong 40 năm qua các bậc cha mẹ Hàn quốc đã bỏ qua các giá trị truyền thống để theo đuổi một mục tiêu đơn lẻ. “Ngay từ thời thơ ấu tầm quan trọng của tiền tài và thành công đã được các bậc phụ huynh chú trọng, vì vậy con cái cảm thấy nếu không đạt được điểm cao ở các bậc học vấn, kiếm được việc làm tốt và hay vào trường đại học danh tiếng có nghĩa là người con không thành đạt và các cha mẹ cư xử như thể đó không phải là con họ”.  Ngay từ khi còn nhỏ trẻ em đã phải nỗ lực từ sáng sớm tới tối mịt, và thậm chí cả cuối tuần để được vào trường đại học tốt nhất và cuối cùng là có được một việc làm lương cao. Áp lực đó cực kỳ lớn và triền miên, kéo dài nhiều năm liền. Một trong những lý do chính đưa đến tỉ lệ tự sát cao ở thanh niên Hàn quốc bắt nguồn từ sự tôn trọng giá cao của con cái họ trong xã hội mới. Mới đây Quốc hội Hàn quốc đã yêu cầu chính phủ hành động nhiều hơn nữa để giải quyết tình trạng này bằng cách tăng cường sự nhận thức của người dân. Nhưng đây không phải là một vấn đề đơn giản khi mà tỉ lệ tự sát rất cao ở nông thôn và các chuyên gia tâm lý học cho biết sẽ không có gì có thể giải quyết nhanh chóng được...  

Thay lời kết :
Chúng ta đang chạy đua với nhịp độ của đời sống kinh tế xã hội tây phương. Xã hội nơi đây đòi hỏi rất cao – thì giờ, năng lực và thể chất rất cao. Sự phát triển không ngừng của kỹ thuật, sự tiến bộ của khoa học đòi hỏi chúng ta phải có nhiều trình độ chuyên môn khá cao, bắt ta cống hiến nhiều thì giờ và năng lực để học hỏi và làm việc. Vì vậy ta không còn thì giờ để nghỉ ngơi, giải trí và gặp gỡ nhau. Chiều đi làm về thì mệt mỏi và không còn thì giờ để gặp người khác nữa. Lúc nào chúng ta cũng bận rộn, sống khép kín từ đó nảy sinh sự cô đơn.
Văn hoá người Việt cảm thấy không thoải mái trong xã hội Tây Phương vì xã hội này dựa trên những nền tảng giá trị khác hẳn với những nên tảng giá trị của xã hội Việt Nam ngày xưa. Căn bản giá trị Tây Phương dựa trên cá nhân. Trong khi người Việt mình dựa trên gia đình, hàng xóm. Chúng ta cảm thấy lạc lõng. Tuổi trẻ Tây Phương luôn có khuynh hướng thoát khỏi ảnh hưởng và uy quyền của cha mẹ, kể từ 18 tuổi. Tuổi trưởng thành là lúc chúng  có thể không sống với cha mẹ. Đối với người Việt điều này là sự cắt đứt mọi liên hệ gia đình. Xã hội Tây Phương bảo vệ quyền lợi cá nhân. Ví dụ nếu cha mẹ lỡ tay đánh con cái, chúng sẽ điện thoại cảnh-sát để kiện cha mẹ chúng. Những mối liên hệ gia tộc được xem là rất quan trọng ở Việt Nam coi như bị phá huỷ ở xã hội Tây Phương .
Ngày nay giới trẻ sống ở hải ngoại, với nhiều tiện nghi vật chất và kỹ thuật cao, các em có nhiều sự lựa chọn và sự chuẩn bị tốt cho một tương lai mới. Các em ít lo lắng về vấn đề tài chính, những em may mắn có hoàn cảnh tốt thì không « bỏ học » tiếp tục lên đại học và chọn một nghề mà các em thích, theo hoài bảo mà thuở trung học các em mong ước. Khi vào bậc học đại học cũng như sau đại học, nhiều em cảm thấy không ham thích với chuyên ngành mình theo đuổi nữa, các em thay đổi chuyên ngành khác một cách không do dự, vì nghĩ cha mẹ luôn ở bên các em và sẳn sàng trợ cấp, giúp đỡ các em về mọi mặt. Không như thế hệ cha mẹ chúng khó khăn lắm mới được một nghề sau đại học, mặc dù ít khi ham thích ngành nghề mình phải theo đuổi, phải từ bỏ hoài bảo mà mình mơ ước, phải cố gắng đi làm kiếm tiền để lo cho tương lai của họ ở xứ người…
Gia đình là trường học tốt nhất để trẻ con hấp thụ giá trị sống hơn nhà trường, vì vậy môi trường gia đình gồm ông bà, cha mẹ, cô chú, dì cậu và anh chị em là tấm gương cực kỳ nhạy cảm cho con cái noi theo.
Dạy con ở hải ngoại là một nghệ thuật nhân bản tuyệt vời và phức tạp. Cộng đồng người Việt chúng ta rất cần từng thành viên nhỏ của mỗi gia đình được êm thắm để cùng nhau phát triển một xã hội lành mạnh, yêu thương và chia sẻ lẩn nhau. Thực tế giáo dục trẻ em là cách tự giáo dục chính mình bằng lời nói, cử chỉ, hành động, sự êm ấm trong gia đình là trên hết. Đứa trẻ học tất cả những gì mà thân bằng quyến thuộc cha mẹ, anh em chúng sinh hoạt hằng ngày mang lại, vì vậy mà bài học cho con em chúng ta là làm sao sống thật tốt đẹp, trước tiên, vợ chồng phải hòa thuận yêu thương và kính trọng lẫn nhau, lời nói không làm tổn hại mọi người mà biểu hiệu những giá trị đích thực của thông tin, lòng nhân từ độ lượng và phải biết nở nụ cười với con cái để sự cảm thông từ hai phía luôn được hài hòa, thành thật và chia sẻ tất cả những điều sâu kín trong lòng trẻ.
Tạo mọi điều kiện và môi trường học tập tốt cảm thông, thấu hiểu trẻ là điều kiện tiên quyết cho tương lai trẻ sau này mà dân gian ta có câu:
Con hơn cha là nhà có phúc
Trò hơn thầy là đất nước yên vui

Dạy con từ thuở tiểu sinh
Gần thầy gần bạn tập tành lễ nghi
Học cho "cách vật trí tri"
Văn chương chữ nghĩa nghề gì cũng thông
.

Nguyễn Hồng Phúc
Montréal Canada

Edited by Nguyễn Thị Tuyết  
Brussels Belgium 
Tên của các nhân vật trong bài đã được tác giả thay đổi. Mọi sự trùng hợp, nếu có đều là ngoài ý muốn. Mong quý vị đọc giả thông cảm

  

 

-----------------------------------------------------------------------

 

Last updated 12/13/2011

side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1