Yêu Chỉ Một Lần
Thầy Cô
Ngô Trọng Bình - Bình Huyên
Bạch-Liên ngồi một mình trong phòng y tế. Người nữ sinh cuối cùng đến
xin thuốc nhức đầu vừa đi ra. Nàng ngước mắt nhìn lên cuốn lịch treo
trên tường quét vôi màu xanh lá cây nhạt. Tờ
lịch của ngày hôm trước thứ Ba 21 tháng 6 năm
1972 đã được xé đi, trước khi nàng vào
phòng này. Bên trên cuốn lịch, đồng
hồ chỉ 8 giờ 40. Hôm qua, Bạch-Liên đã
định sáng nay sẽ tới phòng y tế sớm
để xé tờ lịch đó, giữ làm kỷ
niệm.
Hai
mươi năm trước, cũng ngày 21 tháng 6, vào buổi
chiều một ngày thứ Sáu, Jacqueline tức là
Bạch-Liên bây giờ đã gặp lại người
bạn trai duy nhất đầu tiên của nàng. Nhưng,
hai người đã vì hoàn cảnh mà phải giã biệt
nhau ngay: Tuần sau, nàng cùng Jeanne, đứa em gái sinh
đôi, sẽ theo bố mẹ lên máy bay
sang Pháp. Khi Jacqueline về kể cho bố mẹ và em gái
việc nàng tình cờ gặp Thanh trên đê bên bờ sông
Hồng-Hà, ông bà Martin yên lặng, nhưng Jeanne kêu lên:
- Chị
mang em đến gặp anh Thanh ngay!
Jacqueline
lắc đầu:
- Chị
quên không hỏi điạ chỉ của anh ấy.
Jeanne ôm
mặt khóc nức nở, chạy vào buồng riêng, đóng
sập cửa lại. Bà Martin thở dài, nói:
- Con bé này
đã có bạn trai, mà sao vẫn không quên được
cậu Thanh. Thôi thế cũng đành xong. Cứ để nó khóc một chốc, sẽ
nguôi đi.
Thật ra,
không phải là Jacqueline quên hỏi địa chỉ
của Thanh. Nàng đã quyết định làm
như thế, vì hai lý do. Thứ nhất, để tránh
những phản ứng tai hại
của Jeanne và của chính nàng, nếu còn gặp lại
Thanh: Cả hai chị em nàng có thể đòi cha mẹ cho
ở lại Việt-Nam, để được gần
chàng. Jacqueline nhìn rõ tình cảm của em gái và
của nàng, đối với người bạn trai
khả ái, mà cả hai chị em đã mến thích từ
ngày còn thơ ấu. Sự mến thích đó - sâu sa trong lòng Jacqueline mà sôi nổi ở Jeanne -
cứ lớn dần lên theo thời gian, rồi trở
thành tình yêu lúc nào không biết. Thứ hai,
Jacqueline muốn mình là người duy nhất chia sẻ
những phút cuối cùng với Thanh. Khi
ấy, nhờ lời ca tiếng Pháp "Chaque soir...
tendrement... il vient chanter... sous la fenêtre..." mà hai
người nhận ra nhau. Đó là
bản nhạc mà năm năm trước đó, khi hai
người còn nhỏ, nàng thường hát lên mỗi khi
ngồi một mình với Thanh. Làm sao Jacqueline quên
được cảm giác sung sướng trộn lẫn
với đau khổ trong vòng tay của
Thanh, khi hai người ôm nhau nói lời từ giã. Tiếng
Thanh dịu dàng bên tai nàng:
- Vĩnh
biệt em! Chúc em thật nhiều hạnh phúc!
Jacqueline
nghẹn ngào:
- Vĩnh
biệt anh! Anh ở lại may mắn nhé!
o o O o o
Trên đường trở
về Pháp, trong khi Jacqueline tư lự, Jeanne vẫn nhí
nhảnh. Nhưng thỉnh thoảng Jeanne
như chợt nhớ tới người bạn trai bên
Việt-Nam, nên nàng đang vui vẻ bỗng trở thành khó
tính. Tại Paris, hai chị em bị cuốn theo nhịp sống mới lạ, hấp
dẫn. Jeanne theo học nghành
thương mại. Jacqueline đeo
đuổi môn y khoa. Bà Martin, ngoài việc nội
trợ, sử dụng tối đa sở trường
của bà trong việc giao tế với phụ nữ Pháp.
Ông Martin bận chỉ huy một hãng làm ra xe hơi, bán trong nước và xuất cảng. Jeanne ra trường, làm trưởng phòng
thương mại cho hãng của bố. Nàng luôn vắng mặt tại Pháp vì bận công
việc giao tế đối ngoại cho hãng. Jacqueline lấy được bằng bác sĩ
tổng quát, và cũng được ông Martin cho vào làm
trưởng phòng y tế của hãng. Cuộc
đời Jacqueline khá bình lặng, và sẽ cứ trôi
chảy như thế, nếu nàng không gặp phải
một khúc ngoặt khó tránh của cuộc đời. Một hôm, trong mười phút nghỉ ngơi, nàng ra
chỗ có máy pha café cùng các thứ
nước ngọt, để uống và chuyện trò
với đồng nghiệp. Đang lơ đãng nhìn qua
cửa sổ ra ngoài đường, Jacqueline hơi
giật mình vì lời nói ấm áp bên tai:
- Chào cô bác sĩ!
Quay
người lại, Jacqueline càng ngạc nhiên hơn vì
thấy một chàng trai có khuôn mặt nửa Âu nửa Á
rất quyến rũ, hao hao giống
Thanh. Chỉ khác một điều là chàng trai
này dong dỏng, cao hơn Jacqueline đến nửa cái
đầu.
Jacqueline
trấn tĩnh:
- Chào ông. Tại sao ông biết tôi là bác sĩ?
Chàng trai
cười thành tiếng:
- Tại cô
mặc áo bác sĩ, mà trong hãng này chỉ có mình cô làm tại
phòng y tế thôi. Tôi tên là Eric, Dieudonné Eric. Mẹ tôi người Việt, bố tôi là
Pháp. Ở đây ai cũng biết
rằng ông Tổng giám đốc Martin là thân sinh ra cô.
Nhìn chàng trai
khôi ngô trong bộ áo xanh, Jacqueline biết ngay người
này là công nhân. Qua câu chuyện,
Jacqueline thấy có khá nhiều cảm tình với Eric. Chàng có bộ điệu, giọng nói rất
giống Thanh. Những ngày sau đó, hai người
thường rủ nhau ra ngoài phố ăn trưa. Người này chỉ dùng bữa trong cantine khi
người kia vắng mặt, đi
công tác tại xưởng chế tạo cách Paris
độ bốn chục cây số. Dần dần, họ
rủ nhau xem ciné, đi chơi cuối tuần,... Eric bị coup de foudre từ
lúc đầu. Còn Jacqueline đi vào tình
yêu một cách chậm chạp, vì hình ảnh Thanh chưa
nhạt đi trong tâm khảm nàng. Cho nên, hai
người chỉ mới trao đổi nhau những cái
nắm tay, hôn má, ánh nhìn nồng nàn,
lời nói âu yếm mà thôi. Việc giao du thân mật của
Jacqueline và Eric vang đến tai ông Martin. Ông này nổi giận, vì không đồng ý
về việc con gái yêu qúy của ông lại quen một anh
công nhân lai giống, có chỉ số lương trên mức
thấp nhất trong sở một bậc. Không nói gì
với bà Martin, ông bèn gọi người chỉ huy
trực tiếp của Eric lên văn phòng, ra lệnh:
- Ông hãy
chuyển Eric Dieudonné xuống xưởng chế tạo.
Hai hôm sau,
Jacqueline lên văn phòng gặp bố. Với
vẻ mặt u buồn, nàng nói:
- Có phải
tại con mà anh Eric bị đổi xuống xưởng
xa Paris không, thưa bố?
Ông Martin nói,
giọng âu yếm nhưng không kém phần cương
quyết:
- Con là con cháu của cả
một dòng họ lớn. Bố của con làm tổng giám
đốc. Con nghĩ thế nào mà định xây dựng
cuộc đời với một anh công nhân hạng bét, con
của một ông gác phòng vệ sinh ở gare xe lửa, và một bà quét dọn cho một cao ốc? Chưa
kể mẹ anh ta là người ngoại quốc,...
Không
để bố nói hết, Jacqueline nghiêm mặt nhìn ông
Martin:
- Tình
cảm không phân biệt giầu nghèo, chức vụ. Mẹ
con cũng là người ngoại quốc, bố quên sao?
Ông Martin cau
mày:
-Con nhất
định lấy anh chàng đó, hả?
Jacqueline nhìn
bố, nói giọng tha thiết, nhưng rõ ràng:
- Con theo bố mẹ về Pháp, bỏ lại
một tình yêu bên Việt-Nam. Con tưởng không yêu ai
được nữa. Bây giờ con gặp Eric. Anh ấy mang lại niềm tin và tình yêu cho con. Sao bố nỡ chia rẽ chúng con?
Ông Martin đập bàn,
đứng lên:
- Chồng
của con phải là người Pháp, con nhà dòng dõi, tài cao
chức lớn trong xã hội Pháp mới được. Cơ nghiệp của bố sẽ dành cho hai
chị em con. Bố không thể nào có một
người con rể như Eric được! Thôi, bố nói đủ rồi. Con
đừng cãi bố nữa.
Jacqueline
cũng đứng lên, thẳng thắn nhìn người cha
mà nàng từng yêu kính:
- Thưa bố,
con cũng nói hết với bố rồi. Cơ
nghiệp của bố dành cho, con sẽ nhường cho em
Jeanne. Xin bố hãy để con tự do lựa
chọn bạn trăm năm,...
Ông Martin
quắc mắt, nói to:
- Bố ra
lệnh cho con phải chấm dứt liên hệ với
thằng Eric. Cuối tháng này, nó sẽ bị
đuổi khỏi hãng. Nếu
biện pháp đó chưa đủ để làm con thay
đổi, bố sẽ có biện pháp khác tàn khốc
hơn. Thôi, con đi về phòng y tế,
ở đó mà suy nghĩ. Bố phải
giải quyết một số việc quan trọng bây
giờ.
Jacqueline
nghẹn ngào đi ra. Nàng tạt qua phòng hành chánh,
bảo cô thư ký:
- Chị cho
ông Tổng giám đốc biết rằng tôi nghỉ làm ba
hôm.
Trong ba ngày
đêm, Jacqueline suy nghĩ rất nhiều. Cuối cùng, nàng quyết định bỏ Eric. Nàng xin ông Martin đừng đuổi Eric. Đồng thời, nàng xin phép bố cho nàng
tạm nghỉ việc, để đi xa. Ông Martin thấy Jacqueline chịu bỏ Eric thì
mừng lắm, nên chiều lòng để con gái của ông
nghỉ việc đi xa, cho khuây khoả. Eric được tiếp tục làm việc trong
hãng. Bà Martin chỉ biết qua loa
chuyện Jacqueline xin đi du lịch, nhưng bà không rõ
nguyên nhân. Còn Jeanne thì vắng nhà. Jacqueline
đến ngay một Dòng Tu Áo Trắng, xin Mẹ Bề
Trên giúp cho nàng được đi tu.
Sau khi được vào nhà Dòng một thời gian, Jacqueline
viết thư cho bố mẹ rõ nàng
đang làm gì, ở đâu, lý do tại sao. Ông Martin không
biết làm thế nào để ngăn cản Jacqueline
đi tu. Lúc bấy giờ,
bà Martin mới hiểu chuyện. Bà
giận chồng, định bỏ về Việt-Nam. Bà nói với chồng:
- Đây là
lần thứ hai ông làm khổ mẹ con tôi. Tôi
không xin ly dị, nhưng tôi không ở Pháp nữa. Ông có thể lấy người khác. Còn tôi, nếu ông cấp dưỡng càng hay,
bằng không cũng chả sao. Khi nào ông
thay đổi, tôi mới trở về Pháp.
Ông Martin
phải điện thoại cầu cứu Jacqueline. Nàng bèn cùng với một nữ tu đứng
tuổi xin phép Mẹ Bề Trên về thăm nhà. Jacqueline cùng bố năn nỉ bà Martin.
Vị nữ tu cũng nói:
- Theo tôi
nghĩ, ở tôn giáo nào cũng vậy, việc đi tu
không phải là cái họa. Trái lại, đó là mối phúc
lớn do Thượng Đế sắp đặt, ban cho
một số người chúng ta. Jacqueline
đã được Ơn Kêu Gọi, trước sau
thế nào chị ấy cũng hiến thân cho Nhà Dòng. Chị ấy hoàn toàn tự do khi quyết định
đi tu. Không người
nào trong chúng ta có thể là nguyên nhân của việc đó. Jacqueline sẽ đạt được lý
tưởng riêng tư trong đời này, và hưởng
phúc lớn ở đời sau.
Bà Martin nghe
lời khuyên đó, bỏ ý định về Việt-Nam. Jacqueline
tiếp tục tu. Năm
1966, việc đi tu của nàng thành công. Sau khi
khấn trọn đời một thời gian, Jacqueline xin
Nhà Dòng cho nàng sang Việt-Nam phục vụ về y tế
trong một trường do các bà soeurs áo trắng quản lý
ở một tỉnh miền tây Nam Việt. Từ
khi về Pháp, nàng không quên trau giồi tiếng Việt, nên
nàng vẫn nghe, nói, viết thạo tiếng mẹ
đẻ. Khi gặp Mẹ Bề Trên của
trường này, Jacqueline xin rằng:
- Xin Mẹ
cho phép Việt hoá tên Jacqueline thành Bạch-Liên, để
mọi người ở đây dễ đọc.
Từ
đó, người nữ tu mang hai giòng máu Việt-Pháp
được gọi bằng tên của loài hoa sen
trắng...
o o O o o
Đang nhớ lại chuyện
xưa, Bạch-Liên chợt ngẩng lên. Soeur
Huệ, y tá, từ ngoài đi vào, nói:
- Trưa
nay, chị đi với Mẹ Bề Trên sang trường
La Salle dự tiệc, phải không? Em
được lệnh phụ trách phòng y tế một
buổi.
Bạch-Liên
cùng Mẹ Bề Trên bước vào phòng khánh tiết
của trường La Salle. Nàng thấy các sư huynh, và một số quan khách
đã có mặt. Bề Trên Maxime của trường
La Salle đứng lên nói:
- Xin kính chào
toàn thể quý vị. Hôm nay, chúng tôi hân hạnh mở
một bữa tiệc nhỏ...
Bề Trên
Maxime ngừng nói vì thấy cô thư ký
từ ngoài tất tả chạy vào. Đến bên cạnh
Bề Trên Maxime, cô khẽ nói:
- Thưa
Bề Trên, có người cần gặp Soeur Bạch-Liên.
Bề Trên Maxime chỉ tay về phía bàn
có Bạch-Liên ngồi. Cô thư ký đi
nhanh đến cạnh Bạch-Liên, nói nhỏ:
- Phòng y
tế trường, Bà muốn nói chuyện với Soeur qua
máy điện thoại.
Bạch-Liên vội
đứng lên, xin lỗi người ngồi hai bên,
rồi đi ra cùng với cô thư ký.
Bề Trên Maxime quay lại cử toạ, tiếp tục
nói:
- Bữa
tiệc này nhằm mục đích họp mặt các sư
huynh của trường La Salle và các giáo sư, cùng một
số phụ huynh ; đồng thời, để tiễn
ông Thanh, là giáo sư công lập sang đây dạy giờ,
được đổi về Sài-Gòn. Nhân
dịp này, chúng tôi cũng hân hạnh mời Mẹ Bề
Trên cùng đại diện các nữ tu của trường
Bà. Tôi trân trọng tuyên bố khai mạc
bữa tiệc. Kính mời toàn thể quý vị nâng ly
xin Ơn Trên ban sức khoẻ cho chúng ta, và chúc mừng
riêng giáo sư Thanh được đổi về Sài-Gòn theo như ý muốn.
Mọi
người nâng ly, vui vẻ chúc mừng. Giáo sư Thanh cũng đứng lên, giơ cao ly
của mình, cúi đầu chào bốn phía. Chàng vừa ngồi xuống thì Bạch-Liên
bước vào, trở lại chỗ cũ. Nàng
đứng, nói với Mẹ Bề Trên:
-Thưa
Mẹ Bề Trên, phòng y tế trường mình mới có ba
nữ sinh nội trú bị đau được
đưa từ phòng ngủ xuống. Chị
Huệ không làm xuể. Con phải về ngay
để tiếp tay với chị
ấy. Xin Mẹ Bề Trên chuyển lời cáo lỗi
của con đến Bề Trên Maxime.
Nói xong,
Bạch-Liên hướng về phiá những người
ngồi ăn tiệc, khẽ gật
đầu chào. Tia nhìn của nàng chạm phải ánh
mắt một giáo sư mặt mũi trắng trẻo, có
vẻ đẹp Tây phương, với bộ ria mép tài tử điện ảnh. Hai người nhìn nhau với ánh mắt xa lạ. Nàng quay đi, trong lòng hơi thắc mắc. Giáo sư Thanh thản nhiên cúi xuống, sau khi
chàng thoáng thấy người nữ tu ngoại quốc có
khuôn mặt trắng hồng, dưới chiếc nón
vải rộng vành màu trắng, hai bên cong lên. Thanh cùng gia đình dọn về Sài-Gòn sau đó vài
ngày. Chàng không còn dịp nào quay lại
nơi này nữa. Năm 1975, sau biến
cố tháng Tư, Bạch-Liên bị trục xuất
khỏi Việt-Nam. Nàng trở về
Pháp, và được chuyển đến một nhà Dòng
khác, tại một làng lớn, ở phiá đông
nước Pháp, cách Paris hơn bảy chục cây số. Làng đó toạ lạc trên ngọn
đồi khá cao. Trong làng có một trung
tâm tiếp nhận người mang quốc tịch Pháp
hồi hương. Gia đình Thanh từ Việt-Nam
chạy trốn qua Lào, và được một ông thầy
cũ người Pháp bảo lãnh cho sang Pháp. Ông
này trước dạy chàng ở Đại Học Sư
Phạm về môn văn chương Anh. Từ khi ông
ta về nước, hai thầy trò vẫn tiếp tục
liên lạc với nhau bằng thư. Đầu năm 1976, gia đình Thanh đặt
chân lên đất Pháp. Đại diện uỷ ban
người hồi hương ra tận phi trường
Charles-De-Gaulles tiếp đón gia đình chàng và một
số gia đình khác. Chàng hội ý với ông
thầy người Pháp cũng ra đón, xin đại
diện ủy ban tiếp tân mang gia đình chàng tới trung
tâm tiếp nhận ở Sarcelles. Từ nơi đó,
họ đưa gia đình chàng đến một làng
ở phiá đông nước Pháp, cách Paris hơn một
giờ lái xe hơi. Gia
đình chàng được trung tâm tiếp nhận
người hồi hương cho tạm trú. Nhân viên
văn phòng bảo chàng:
- Gia đình
ông là dân tỵ nạn, nhưng được hưởng
quy chế người Pháp hồi hương, vì có gia
đình người Pháp nhận làm con nuôi. Trong
hồ sơ nộp cho trung tâm để xin nhập
tịch, Thanh lấy tên Pháp là Alphonse. Tên
này cũng là tên thánh của chàng. Cả
nhà chàng nhận họ Pháp "L." của vị giáo
sư bảo lãnh, để tỏ lòng biết ơn. Vài tháng trước khi xuất ngoại, Alphonse
đã để thêm râu cằm rậm rạp. Tóc chàng thưa đi, trán chàng cao hơn, nên mặt
chàng thay đổi khác hẳn xưa. Chủ
nhật đầu tiên ở trại người hồi
hương, gia đình Alphonse được nhiều linh
mục và nữ tu đến thăm. Họ
chỉ bảo gia đình chàng mọi điều, giúp
đỡ về giấy tờ, thuốc men, quần áo. Trong số các vị đó, có một
linh-mục người Pháp từng ở Việt-Nam trên
bốn chục năm, lấy tên Việt là Đức-Tín. Những người cuối cùng đến
thăm gia đình Alphonse là hai nữ tu người Pháp. Một người tên là Catherine, làm giáo viên
tiểu học tại làng này. Một
người mang tên Việt-Nam là Bạch-Liên, hành nghề y
sĩ.
Bà Catherine
chuyện trò rất cởi mở, luôn luôn vui vẻ
cười đùa. Bà Bạch-Liên ít
cười nói, hầu như lúc nào cũng trầm ngâm. Cả hai bà đều hồng hào, đẹp
đẽ một cách phúc hậu; vì lớn tuổi nên khuôn
mặt họ nở ra, chứ không còn thon thả như khi
trẻ tuổi. Đặc biệt bà
Bạch-Liên hết sức thương yêu giúp đỡ
người gốc Việt, trong đó có gia đình Alphonse. Một hôm, bà Bạch-Liên đến trại
hồi hương để khám bệnh và chích thuốc
miễn phí cho dân chúng. Xong, bà ghé lên
tầng thượng nơi gia đình Alphonse đang
tạm trú. Bà bảo Alphonse:
- Ông chưa
có việc làm. Ông cho tôi biết nghề chuyên
môn của ông.
Alphonse
trả lời:
- Thưa bà,
tôi dạy Anh văn.
o o O o o
Một tuần sau, bà
Bạch-Liên trở lại bảo Alphonse:
- Sáng mai
chủ nhật, có em tôi đến chơi. Em
tôi cùng chồng hiện làm việc cho ông thân sinh của
chúng tôi tại một công ty lớn ở Paris. Nếu rảnh, mời ông đến nói
chuyện, xem em tôi có giúp được gì cho ông về
việc làm hay không.
Em của bà
Bạch-Liên là một người đàn bà trung niên. Bà ta có nét mặt giống chị, nhưng sắc
sảo hơn. Ngôn ngữ, cử chỉ
của bà ta rất lịch thiệp. Bà Bạch-Liên
giới thiệu:
- Đây là
Jeanne Rocheteau, em gái tôi. Đây là Alphonse, như
chị đã kể cho cô nghe.
Bà Jeanne
Rocheteau nói toàn tiếng Pháp. Alphonse đã từng học và sử dụng Pháp
ngữ, nên cuộc đàm thoại được diễn
ra rất hào hứng. Trước khi ra về, bà Jeanne
Rocheteau vui vẻ bảo Alphonse:
- Ông sử
dụng ngữ vựng Pháp rất chính xác. Ông
lại dạy được Anh văn. Hãng chúng tôi đang cần người như ông. Tôi sẽ trở về Paris nói chuyện
với ông thân sinh của chúng tôi. Sau
đó, tôi sẽ điện thoại cho chị tôi,
để chị ấy cho ông biết tin.
Quay lại
phiá bà Bạch-Liên, bà Jeanne Rocheteau mỉm cười:
- Em thấy
Alphonse có nhiều nét quen thuộc. Chị
nhận thấy như thế không?
Bà
Bạch-Liên gật đầu, nhìn Alphonse, nhưng không nói
gì. Bận lo kiếm việc làm, Alphonse
không để ý đến việc này. Một
tuần sau, Alphonse được gọi lên Paris,
đến hãng của ông Martin. Ở
đó, một ông già người Anh được chỉ
thị phỏng vấn Alphonse trong ba buổi. Cuối cùng, dựa trên báo cáo của ông già
người Anh, ông trưởng phòng nhân viên và ông
trưởng phòng ngoại vụ mời Alphonse lên văn
phòng. Họ tuyên bố thu nhận
Alphonse vào hãng. Chàng có trách nhiệm dạy Anh ngữ cho các
kỹ thuật viên thường được phái sang làm
việc tại các nước nói tiếng Anh. Sau khi có việc làm vài tháng, Alphonse xin
được nhà của hãng. Chàng
từ biệt Cha Đức-Tín, các bà soeurs Catherine và
Bạch-Liên, mang gia đình lên ở một khu ngoại ô
Paris. Từ đó, Alphonse ít có dịp
gặp ông cha và hai bà soeurs khả kính ấy. Chàng
chỉ lái xe xuống thăm họ trong
các kỳ nghỉ hè. Lễ Giáng Sinh, Tết tây nào chàng
cũng cùng vợ đi mua quà gửi biếu các vị
đó. Ngoài ra, chàng cố dành thì giờ viết thư cho họ. Mỗi khi nhận
được thư của Alphonse,
cả ba vị đều trả lời ngay. Riêng với
bà Bạch-Liên, Alphonse lần nào cũng nhận
được loại giấy viết thư khổ nhỏ mầu tím nhạt. Ở góc trái trên cùng
của lá thư có in một bông hoa sen
trắng. Năm 1996, Alphonse được
về hưu. Chàng có thì giờ thực
hiện nhiều thú tiêu khiển mà chàng thích nhất, trong
đó có thú làm thơ, viết truyện cùng với vợ
chàng. Một trong những cuốn
truyện viết bằng tiếng Việt, được
xuất bản. Trong truyện, có mô tả nhiều
về mảnh đời thơ ấu của cậu bé
Thanh với hai người bạn gái lai Pháp tên là Jacqueline
và Jeanne, cũng như cuộc gặp gỡ cuối cùng
của Thanh và Jacqueline vào năm 1952 bên bờ sông Hồng;
rồi từ đó, Thanh mất liên lạc với hai
người bạn gái mà chàng chỉ biết tên, chứ
không biết họ. Tập truyện này
được phổ biến khắp nơi trên
đất Pháp cũng như các nước khác. Mùa Xuân năm 1998, ở ngôi làng xa xôi về phiá
đông nước Pháp, bà Bạch-Liên thình lình lâm bệnh
hiểm nghèo. Bà nằm liệt
giường. Một cô gái Việt lai
Pháp đến thăm bà mỗi ngày. Một hôm, Viviane,
tên cô gái, mang cuốn truyện cô ta mới mua
được, đến khoe với bà Bạch-Liên:
- Thưa bà,
con mới mua được cuốn truyện này. Con đã
xem vài chương, thấy hay lắm. Con mang lại đây
đọc, bà nghe cho đỡ buồn.
Bà
Bạch-Liên yếu ớt hỏi:
- Truyện
nhan đề là gì và do ai viết thế con?
- Thưa bà,
truyện mang nhan đề "Yêu em từ thuở...",
tác giả lấy bút hiệu Việt-Nam là Bình Huyên, nhưng
chỗ ghi bản quyền thì có thêm tên tiếng Pháp là Alphonse
L..
- Thế thì
con đọc cho bà nghe đi.
Bà Bạch-Liên
nhắm mắt nằm nghe Viviane đọc truyện
của Bình Huyên.
Bà dần
dần nhận ra những dấu vết kỷ niệm
giữa bà và người bạn trai có tên là Thanh: Những
ngày thơ ấu vui chơi với nhau bên bờ hồ
Trúc-Bạch; lần tái ngộ bất ngờ trên con đê
nằm cạnh sông Hồng, sau nhiều năm xa cách,
để rồi vĩnh biệt nhau ngay sau đó,... Mỗi ngày, bà bảo Viviane
đọc lại những đoạn truyện nói trên,
trước khi cho bà nghe tiếp chương khác. Tuy nhiên, bà tuyệt đối không tiết lộ
với bất cứ ai, kể cả gia đình bà, về
liên hệ của bà với nhân vật chính trong truyện. Bà lặng lẽ nghe những áng văn ngọt ngào, trong
sáng của tác giả Bình Huyên. Bà sống
những phút cuối cùng của đời bà với hình
ảnh kỷ niệm ấy, như sống một
cuộc đời thứ hai. Bà tự
cho mình là một nhân vật của truyện đó,
để được "gần" Thanh hơn.
Sáng Chủ
nhật 21 tháng 6 năm 1998, trước khi nghe Viviane
đọc truyện, bà Bạch-Liên khẽ đưa tay
chỉ cho cô ta thấy một bao thư nhỏ có ghi
địa chỉ để trên ngực bà, thều thào
dặn dò:
- Khi nào bà không còn nữa,
con hãy gửi thư này đi ngay hộ bà.
Trong lúc Viviane
đọc những dòng cuối của đoạn văn
nói về Jacqueline gặp lại Thanh, rồi hai
người vĩnh biệt nhau, thân xác bà Bạch-Liên
từ từ lạnh giá. Sáng ngày thứ Ba, 23 tháng 6,
Alphonse nhận được lá thư nhỏ của bà Bạch-Liên. Mở ra xem, chàng thấy trên
mảnh giấy màu tím nhạt, với bông hoa sen trắng in
ở góc trái trên cùng như mọi khi, có một hàng chữ
tiếng Pháp: "Chaque soir, tendrement il vient chanter sous la
fenêtre." Nét viết nguệch-ngoạc, run
run. Ở dưới, có hai chữ Bạch-Liên theo sau là mũi tên chỉ tới chữ
Jacqueline. Alphonse còn đang bàng hoàng, chuông
điện thoại reo. Chàng nhấc
ống nghe. Tiếng bà Catherine nói trong nước
mắt:
- Alphonse đấy phải không? Soeur Bạch-Liên đã được Chúa gọi
về rồi. Ngày mốt sẽ làm đám táng, tại
vườn của nhà Dòng....
Chiếc quan tài bằng
gỗ sơn màu trắng ngà, trông thật đơn sơ và mỏng manh, được sáu
nữ tu khiêng từ nhà Thờ qua khu vườn của Nhà
Dòng. Alphonse lặng đứng bên vợ, nhìn
chiếc quan tài ướt đẫm nước mưa,
từ từ được đưa xuống huyệt
đào sẵn. Như các nấm mồ xung
quanh, mộ của bà Bạch-Liên cũng chỉ
được đắp đất hơi cao. Đầu mộ, có chiếc thập giá sơ sài
ghi tên "Soeur Jacqueline...se dit
Bạch-Liên... 1937 - 1998 ". Chân mộ, có một
bình sứ rộng miệng cắm nhiều bông hoa
trắng, do vợ chồng Alphonse tặng. Lần
lượt theo mọi người,
Alphonse bước tới đứng một mình
trước nấm mồ của Bạch-Liên phủ
đất nâu ướt át. Chàng làm dấu Thánh giá, lẩm
nhẩm nhắc lại mấy lời mà chàng đã nói
với Jacqueline, tức là Soeur Bạch-Liên, cách đó
bốn mươi sáu năm:
- Sau này và mãi mãi, Jacqueline là
người bạn gái duy nhất mà "moi" không bao
giờ quên được. Tình bạn đó sẽ tồn
tại như bài hát mà "toi" vẫn hát cho "moi"
nghe...
Đồng
Tác Giả Bình Huyên
(Thầy
Ngô Trọng Bình cựu Giáo Sư TH Hoàng Diệu)
|