banner Các Thế Hệ Thầy Cô
side2

Viết về một người thầy: Sĩ phu xứ Quảng

Trong một đời người, theo thời gian, có những việc có thể quên mất dễ dàng, nhưng cũng có điều chẳng bao giờ xóa đi được trong trí nhớ. Dấu ấn khắc sâu này, có thể lẩn khuất đâu đó trong ta, nhưng sẽ sáng rực lại khi có một lực nhỏ chạm khẽ vào tâm thức. Cái chạm khẽ này vào góc khuất  trí nhớ của tôi là màu trời u ám sáng nay, tới sở chưa tới giờ làm, tình cờ mở một email trường xưa với hình ảnh cao lớn của một người, nhân cách của một sĩ phu đất Quảng. Sĩ phu đất Quảng mà tôi muốn nói đến ở đây là thầy Lê Vĩnh Tráng.

Tôi chưa hề học thầy Tráng năm nào cả ở mấy năm trung học, và ngay tình là cũng không biết nhiều về ông thầy –có-giọng-nói-miền-ngòai này, chỉ nhớ thầy có một dáng vấp cao to, đi đứng mạnh bạo với chiếc kính đen to bản. Mãi tới khi gặp và có thời gian đồng lao (tù) cộng khổ (sai) với thầy ở trại cải tạo của D20 năm 1976, tôi mới biết thầy nhiều hơn qua các sinh họat trong trại. Cái dáng vấp của thầy rất dễ nhận ra và dễ nhớ lắm, lừng lững như một cây thông thẳng đứng, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, không tất bật chuyện thiên hạ, không xum xoe với cán bộ quản giáo, thầy nhẫn nhục chịu đựng như phần đông chúng tôi, nín thở qua sông, (ngoại trừ tôi một vài lần lén thở mạnh để làm một vài câu thơ cho đỡ . . .tức), duy có chắc phần khổ sở hơn bọn trẻ như tôi vì chắc là nặng phần lo cho gánh nặng gia đình đang đè trên vai người vợ và các con nhỏ dại bên ngòai. Trong những vị thầy khăn gói vào tù theo chân chúng tôi ngày ấy, giọng nói lạ, sang sảng và bộc trực của thầy cho tôi một cái nhìn nễ phục, nhưng tôi lại ít có dịp gần gũi.

Tôi ở vào diện đặc biệt nên bị cho vào trại 4 ở trung tâm thẩm vấn sau thời gian gạn lọc ở Trung tâm Cải Huấn của tỉnh. Trại hỗn tạp 4 gồm tòan thứ hơi bị chú ý như: an ninh quân đội, tình báo, phân chi khu, phản động . . .  và cả một số cải tạo viên không có lý lịch đang trong vòng thẩm tra. Ở trại này, ít khi chúng tôi được ra ngòai như các trại khác và là tóan đựợc đưa đi lao động sau cùng của các tù nhân tại đây. Thế nên hình như tới năm 1977 tôi mới gặp được thầy Tráng ở trại Kinh Cũ Rừng Tràm, thầy lao động hơi lâu nên rắn rỏi và đen đúa, nhưng cũng rách rưới lắm, vì cũng như nhiều gia đình công chức khác, với lương tháng tiêu từng ngày của giáo chức tất nhiên là chẳng còn gì sau năm tháng đổi đời, thầy tả tơi mà trò cũng tơi tả . . . 

Ông thầy dáng vấp hiên ngang ngày xưa với áo quần thẳng nếp tác phong mô phạm, kính đen to bản, cà vạt hẳn hoi . . . đã mất đi phần sau là phần . . . áo quần cà vạt, thầy chỉ còn giữ được dáng vấp lừng lững như xưa, còn quần áo thì thảm não lắm, thầy vận chiếc quần may bằng vải bao cát như đa số anh em ít được thăm nuôi hoặc chỉ được thăm nuôi về tinh thần vì hòan cảnh nghèo khó.  Nhưng hình ảnh thầy rất đẹp trong mắt tôi, họan nạn và nghèo khó không làm mất đi hay hao mòn phong thái của một sĩ phu đất Quảng: thầy vẫn là người thẳng lưng trước nghịch cảnh, không cúi đầu với những kẻ nắm quyền sanh sát mình. Tôi là người lặng lẽ quan sát mọi sinh hoạt trong cái thế giới tù tội mà  phẩm giá con người nhỏ hơn chén cơm tấm áo, và lương tâm được đổi chác bằng những ưu đãi nhỏ nhoi hay lòng ham muốn tâng công, hay những lời hứa hão huyền. Trong cái thế giới thu nhỏ này, người đôi khi chẳng ra người, có kẻ lăm le đạp lên trên xác bạn bè khi xưa để được chút đặc quyền, có người chực chờ tố cáo vài câu nói vu vơ của bạn tù để được chấm điểm tốt . . . thậm chí có thằng còn (giả vờ) đề nghị chỉ xin nên ăn cháo (trong khẩu phần ít oi hàng ngày) để dành lại gạo dự trữ. . . Tôi khinh bỉ bọn áo quần lành lặn mà tâm hồn ghẻ lở bao nhiêu thì càng kính trọng những người rách rưới bề ngòai mà là kim cương bất hoại bên trong bấy nhiêu. Thầy Lê Vĩnh Tráng là tiêu biểu cho mẫu người kim cương bất hoại ấy. Nên thỉnh thoảng có dịp tôi thích chuyện vãn hỏi han chuyện trên trời dưới đất bên lon trà nấu bằng lon guigoz vàng sẩm với thầy và bè bạn loại nhắm mắt qua sông như tôi. Trong khi đó, có vị thầy ngày xưa là thầy dạy mình thì tôi chẳng buồn ngó tới bởi đã . . . hối cải vượt quá chỉ tiêu, uốn lưng đến mọp người trước thời thế.

Có anh em kể lại, trong một lần thăm nuôi của tù nhân trại này, bến đậu để thân nhân chờ thăm nuôi nằm ngay chỗ tù nhân được tắm trong ngày nghỉ chờ thăm nuôi, thầy đã phải xin phép mọi người đang có mặt tại đó, để túm lại phần rách rưới của mình chạy về trại! Tôi tưởng tượng cái hình ảnh bi thương ấy của thầy mà ứa nước mắt, vì trong đó nó biểu hiện cho cả một kiếp đời của chúng tôi những tháng ngày tang thương dâu bể!
Gần cuối năm 77, tù nhân trại Kinh Cũ của D20 bị đưa đi lao động trong một xưởng cưa ở Sóc Trăng xẻ gỗ cho quản giáo, tôi có phần ưu tiên hơn vì đây là xưởng cưa của một ông anh bà con, và hơn hết tôi làm được nhiều việc của xưởng như vác cây, quay thước, đóng nạp, đẩy cưa . . . nôm na là tôi rành việc như một nhân công lành nghề. Chẳng là nhà tôi ngày xưa gần đó, tôi hay lân la qua trại cưa này làm để kiếm tiền trong mùa hè nên tôi rất rành rọt mọi việc, với tôi mọi việc chẳng có gì khó nhọc. Chỉ tội nghiệp những nhân công bất đắc dĩ làm công việc này, trong đó có thầy Tráng, khi thì bị trẹo lưng vì vác cây không đúng cách, lúc lại đóng búa vào tay, hay bị mảnh cây văng trúng . . . nhờ biết công việc và quen với đám nhân công thiệt ở đây, lâu lâu tôi còn bày cách cưa nhẹ một vài đường cưa phần cây của quản giáo để giao cho nhân công thiệt bán lấy tiền mua  café cho cả bọn. Một trong người bạn thân của tôi việc chia chác này là Sơn Phước Thành, sau này đã chết oan uổng trong một vụ bắn nhau giữa bộ đội và công an ở Sóc Trăng mà chắc nhiều người chưa quên.   

Và trong những ngày tháng này tôi học được nhiều lắm kinh nghiệm sống, cách ứng xử với kẻ nắm quyền sinh sát, với bằng hữu còn giữ tình nghĩa ngày xưa, với bè bạn nay đã không còn là bè bạn . . .  Những ám ảnh của bị báo cáo, bị đem ra phê bình, kiểm thảo . . . làm chúng tôi co cụm lại trong cái vỏ nhẫn nhịn, nhẫn nhục với nhiều kẻ . . .nhẫn tâm! Nên cuối cùng tôi cũng lại chỉ thích lâu lâu kiếm được café, thuốc lá, rồi bọn tù nhân lớn, nhỏ nhâm nhi thiên hạ sự cho nhẹ . . . ưu phiền. Tôi lại có dịp chuyện trò với thầy hơn trong những ngày này. Và biết không, mơ ước của ông thầy ngày đó,  chỉ là: “Ước gì sau này khi được thả ra, em biết không, thầy chỉ mong có đủ tiền để mua một cái chài cá để kiếm cái ăn nuôi gia đình qua ngày”! Ôi sao mà cái ước muốn nhỏ nhoi mà vĩ đại quá!
Cái ao ước này, 38 năm sau, không biết thầy còn nhớ không thầy Lê Vĩnh Tráng, người sĩ phu đất Quảng?

Phan Trường Ân 
Tháng 9/2013

 

Last updated 10/03/2013

 


side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1