banner Các Thế Hệ Thầy Cô
side2

Tuổi Thơ Yêu Dấu

Nguyễn Hồng Nhan - HD 68-75

Mỗi khi tạo một tài khoản email hay một tài khoản để mua hàng trên mạng Internet thì ai cũng phải trả lời một số câu hỏi dùng để nhắc nhở khi mình quên password hay là username, những câu hỏi như là tên của người bạn thân thời tiểu học, trung học, hay tên của Thầy Cô giáo đầu tiên, tên của quyển tiểu thuyết hay quyển sách yêu thích, hay tên của con chó hoặc con mèo đầu tiên của mình... những câu hỏi như vậy đã khơi gợi trí nhớ của tôi về một thời thơ ấu với Thầy Cô và bạn bè thời trung học, tiểu học và xa xưa hơn nữa là cái thời học lớp vỡ lòng. Trước khi vào tiểu học tôi được đi học lớp vỡ lòng trong xóm do Ông Út tôi dạy, Ông Út là chú ruột của ba tôi, ông là thầy giáo trường tiểu học xã Phú An, huyện Châu Thành tỉnh Cần Thơ, ông đã về hưu và mở lớp dạy vỡ lòng cho con cháu. Ở lớp vỡ lòng này tôi không có nhiều kỷ niệm để nhớ, chỉ nhớ mang máng bài học thuộc lòng Ông Út thường đọc cho cả lớp nghe: “Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra...” hay là những câu châm ngôn như “Không Thầy đố mày làm nên”, “Tiên học lễ, hậu học văn”, hay “Có học phải có hạnh”. Hồi đó mấy chị em tôi thường được về quê nghỉ hè hay nghỉ Tết ở nhà cô Bảy tôi. Ba tôi gởi mấy chị em tôi tá túc với cô Bảy cho cô Bảy vui và chị em tôi cũng có dịp thay đổi môi trường để sống với đời sống thôn dã, biết câu cá, biết tắm sông, biết bơi lội, biết đi ruộng mót lúa, và biết ra vườn hái trái cây tiếp cô bảy tôi đem bán ngoài chợ để dành dụm tiền đem về nhà sau khi nghỉ hè ... Ba tôi thường trở lên đón mấy chị em tôi về lại Sóc Trăng sau đợt nghỉ hè. Sau năm học vỡ lòng trong lớp của Ông Út, tôi về học tiểu học ở Xài Ca Nả, xã Đại Tâm, tỉnh Sóc Trăng.

Trong đám bạn học chung thời tiểu học ở Xài Ca Nả, Đại Tâm có hai bạn Lâm Thị Nhị và Lâm Thị Hiền rất ấn tượng trong trí nhớ của tôi. Hiền và Nhị học chung với tôi có lẽ từ lớp một (tức là lớp năm hồi đó), cho tới lớp năm (tức là lớp nhất hồi đó). Ngôi trường tiểu học cộng đồng Đại Tâm cũ kỷ đơn sơ, bạn bè trong lớp toàn những người Việt gốc Miên hoặc gốc Hoa hoặc mix Miên và Hoa, tôi còn nhớ năm học lớp nhất là lớp năm bây giờ, Lâm Thị Hiền, đứa bạn người Miên của tôi, đã rất vất vả khi viết chính tả, bài nào Hiền cũng viết sai chính tả gần hết có bài bị không điểm có bài được nửa điểm thiệt là tội nghiệp, tôi thấy thương bạn quá nên đã làm tài khôn chỉ cách cho Hiền viết để bớt trật lỗi chính tả, và từ từ Hiền đã viết chính tả khá hơn, nhưng cũng còn trật nhiều, sau năm lớp nhất Hiền nghỉ học ở nhà luôn không thi lên đệ thất, từ đó đến nay tôi không còn biết tin tức gì về Lâm Thị Hiền nữa. Tôi chỉ còn nhớ mang máng có một lần tôi đi bộ chắc khoảng ba hay bốn cây số tới nhà Hiền chơi, nhà Hiền với nhà tôi rất xa nhau, nhà tôi ở tại chợ Đại Tâm còn nhà Hiền ở tận Trà Lôn đi khỏi chùa Chén Kiểu rồi còn đi sâu vô làng, ở phía trước và sau sân nhà nhỏ Hiền có trồng nhiều cây táo, loại trái nho nhỏ giòn giòn, chua chua chát chát và chắc thịt này hồi đó tụi tôi rất thích, cứ trèo lên hái trái ăn hoài không chán, hình như loại táo này chỉ có ở các vùng ở Sóc Trăng vì khi tôi lên Cần Thơ thì không thấy có cây táo nào như vậy, những ngày tháng đó tôi đã học được chút đỉnh tiếng Miên như là “xi bai (ăn cơm), hớp bai (dùng cơm), tâu xa (đi chợ), tâu na (đi đâu), tâu te (đi về nhà), phất tức (uống nước)” hay là “mì cành Hiền là ọ là ạch (nhỏ Hiền đẹp gái quá)” hoặc là “bòn ơi xà lạnh ôn tê (anh ơi có thương em không?)”, mấy câu này dễ ợt chắc ai từng ở Sóc Trăng cũng đều đã biết qua.

Lâm Thị Nhị có lẽ là người Miên lai Tàu, sau khi thi rớt năm 1967, năm sau 1968 Nhị và tôi thi đậu vô đệ thất trường Hoàng Diệu, lần đầu tiên đi học được mặc áo dài, nhưng vì nhà xa mà cha mẹ không dám cho đi xe đạp nên hai đứa phải đi xe lôi ra Sóc Trăng học, thiệt là mắc cở quá chừng, hai đứa mặc áo dài chạy lúp xúp lon ton như hai con rối … hai chuyến đi về từ nhà ra bến xe lôi và từ bến xe lôi về nhà, như là một cực hình cho hai đứa tôi vì thế hai đứa tôi cứ chạy nhảy lanh chanh không đoan trang nhu mì cho ra vẻ con gái gì hết; chả trách các bà hàng xóm xúm nhau ra nhìn, chắc ai cũng cười chê con gái sao không đằm thắm gì hết, đúng là “vô duyên chưa nói đã cười, chưa đi đã chạy, chưa mời đã ăn”. Thiệt ra hai đứa tôi đã quá lúng túng một phần hãnh diện vì đã thi đậu vào trường công, được làm nữ sinh Hoàng Diệu, phần còn lại do cái áo dài vướng víu chưa quen, ở lứa tuổi con nít này làm sao mà tề chỉnh cho được nên lúc nào cũng lúng ta lúng túng vụng về, chân muốn bước chậm lại nhưng trống ngực thì đánh lô tô bảo phải lo chạy cho mau, đúng là “dân chơi Xài Ca Nả”, bọn bạn học trong lớp thường chọc ghẹo tụi tôi như vậy!

Xài Ca Nả cũng là tên tộc của xã Đại Tâm, hình như có hai truyền thuyết về cái tên Xài Ca Nả, truyền thuyết thứ nhất nói xứ này xưa kia có nhiều xoài ăn không hết rồi sau đó xoài được chất vào cái nả để dành cho nên ai cũng có “xoài cả nả” vì dân ở xứ này hay dùng cái nả; cái nả đan bằng tre, có nắp đậy và có cái quai để xách giống như cái giỏ đựng trầu loại lớn của mấy bà già trầu xưa. Truyền thuyết thứ hai nói là vì xứ này hay xài cái nả nên gọi là xứ “xài cái nả” … lâu ngày “xoài cả nả” hay “xài cái nả” bị đọc trại ra là “Xài Ca Nả” nghe lý luận cũng có lý và xuôi tai nên ai nghe cũng gật gù chấp nhận.

Xài Ca Nả có nhiều loại trái cây đặc biệt ít nơi nào có như trái chùm ruột ngọt và trái táo xanh vàng nho nhỏ. Ai đã từng ăn trái chùm ruột ngọt ở Xài Ca Nả sẽ nhớ mãi vị ngọt tự nhiên của nó có pha lẫn một chút vị chan chát; làm sao tôi quên được cái giỏ đan bằng lá dừa nước chứa đầy trái chùm ruột ngọt mà ba tôi đem về nhà sau buổi dạy học ở trường xã Tham Đôn; có một cái gì đó đã gây cho tôi một ấn tượng rất sâu đậm về cái giỏ đựng trái chùm ruột ngọt này, hình như lúc đó tôi thắc mắc tại sao lại có một người học trò chịu khó đan cái giỏ và hái nhiều trái chùm ruột ngọt tặng cho ba tôi như vậy, nhưng cái lý do chính có lẽ là vì tôi rất thích trái chùm ruột ngọt nên nhớ mãi chuyện này. Xài Ca Nả còn có trái cóc rừng, cây cóc rừng cũng cao lớn và lá của nó cũng giống như lá của cây cóc thường. Trái cóc rừng có vỏ và thịt rất mỏng, cắn vào một miếng là thấy có vị chua chua nhưng rất chát, chỉ cắn một miếng thôi là đủ chát rồi, nhưng cái hột cóc mới là món ăn đặc biệt, hột cóc màu ngà ngà có hình bầu dục, và có rất nhiều nước chua chua thanh thanh rất hấp dẫn, ăn xong sẽ ghiền, sau khi ăn cóc rừng rồi uống nước vào sẽ thấy nước rất ngọt, hình như đứa nào trong bọn tôi hồi đó cũng thích ăn hột trái cóc rừng. Sau khi ăn trái cóc rừng giọng nói sẽ thanh tao hơn, khi hát giọng hát sẽ trong trèo hơn nghe rất hay. Tôi rất thích trái cóc rừng này!

Xài Ca Nả trong tôi là những ngày thơ ấu học ở trường Tiểu Học Cộng Đồng Đại Tâm, có cây bàng lớn ở giữa sân trường, có cái trống thật to bọc da bò ở hai đầu, có hai cái dùi bằng gỗ ngày nào cũng được dùng để đánh trống tám lần, bốn lần cho buổi sáng và bốn lần cho buổi chiều, lần đầu trống báo hiệu cho giờ chào cờ vào học, lần thứ hai trống báo hiệu giờ ra chơi, lần thứ ba trống báo hiệu hết giờ chơi phải vào học, và lần thứ tư trống báo hiệu giờ tan trường. Trường xã có hai buổi học đều đặn như vậy, mỗi khi nghe trống đánh thùng thùng báo hiệu giờ vào học thì mọi học sinh đều chạy tới trước cửa lớp mình để xếp hàng vào lớp học, tôi nhớ có một lần chắc là năm học lớp nhì (tức là lớp bốn bây giờ), buổi trưa tôi ngủ quên bổng giật mình thức dậy chạy vội đi học khi nghe tiếng trống đánh thùng thùng, chắc là tới giờ ra chơi, không biết hôm đó tôi bị làm sao mà ngủ mê đến như vậy, tuy là vô lớp không bị cô giáo rầy nhưng tôi rất lấy làm xấu hổ nên tôi nhớ hoài cho đến bây giờ. Tiếng trống trường là âm thanh quen thuộc gần gũi nhưng rất thiêng liêng trong tâm hồn tôi, mỗi khi nghe tiếng trống trường đánh thùng thùng là tôi có một cảm nhận rất thiêng liêng về bổn phận và trách nhiệm của một người học sinh là phải ngoan ngoản và chăm chỉ học hành, phải biết vâng lời Thầy Cô và quý mến bạn bè.

Hồi đó tôi như bà cụ non rất ít khi cười, nét mặt lúc nào cũng đăm chiêu, nhưng khi có bạn chơi giỡn thì cũng phá phách chút chút với nhau. Tôi còn nhớ năm học lớp ba với ông Thầy người Miên, rất tiếc lâu quá tôi không nhớ tên Thầy, có lẽ tên Thầy là Mai Bút, như lời của Trầm Thị Ngọc Loan đã nhắc cho tôi; Ngọc Loan cũng là học sinh Hoàng Diệu 68-75 ban Toán và Pháp văn. Em của Ngọc Loan là Ngọc Liên, hai “cô công chúa xinh đẹp” con gái của Thầy Bâu, Ngọc Loan học sau tôi một lớp ở trường tiểu học Đại Tâm, tôi biết Ngọc Loan và Ngọc Liên qua những lời khen ngợi ngưỡng mộ của các bạn tôi và các gia đình hàng xóm trong xã Đại Tâm, xã nhỏ nên mọi người đều quen biết nhau. Hai chị em Loan Liên đã được cô Bâu chăm sóc rất chu đáo được trang phục rất đẹp mỗi khi ra đường, nhìn giống như hai chị em sinh đôi; hai chị em Loan Liên có làn da trắng mịn đẹp như bông với mái tóc đen huyền óng ả, khi thì cột hai chùm khi thì thắt bính, khi lại xõa dài ra rất xinh xắn dễ thương như hai con búp bê Nhật Bản ai cũng tấm tắc khen ngợi; tưởng cũng nên nhắc thêm là xã Đại Tâm có rất nhiều người đẹp ở nhiều lứa tuổi khác nhau, ở lứa tuổi của tôi có Lâm Thị Bạch Cúc là một trong những hoa khôi được cả xóm chú ý và ngắm nghé... Ngọc Loan bây giờ là Hiệu Phó trường Trung Học Phổ Thông Cơ Sở (là trung học đệ nhất cấp xưa) Đại Tâm, trường này nguyên là trường tiểu học ngày xưa của tôi.

Thầy Mai Bút có lẽ vì thấy tôi ít cười ít nói nên thường kêu tôi lên hát cho các bạn trong lớp nghe, có hôm Thầy kêu tôi đứng làm mẫu với ba khuôn mặt khác nhau cho các bạn biết thế nào là vẻ mặt vui, vẻ mặt buồn và vẻ mặt bình thường, hình như Thầy cũng có kêu một vài bạn khác lên làm mặt buồn, mặt vui và mặt bình thường để cho tụi học trò phân biệt được những cảm xúc trên nét mặt của từng người, nhớ lại thấy Thầy rất hay với những ý tưởng sâu sắc sáng tạo trong cách giảng dạy làm sao cho học trò hiểu về cảm xúc trên những khuôn mặt. Tôi nhớ có lần Thầy dạy tập vẽ, đề tài là vẽ một cuốn sách khá dày, tôi thích nhất bài tập vẽ này vì theo tôi nó rất dễ vẽ chỉ cần phác họa sáu bảy đường thẳng và hai đường cong cong cho gáy sách và tô bóng lợt lợt bằng viết chì dọc theo đường kẻ của từng trang sách là xong. Nhưng đến bài vẽ cho ngày kế tiếp thì Thầy cho vẽ tự do, tôi không biết vẽ cái gì bèn lật quyển sách giáo khoa ra thấy có hình củ khoai tây tròn tròn méo méo, tôi đắc ý thấy dễ nên vẽ củ khoai tây vào trong bài tập vẽ, thấy hình cũng vui vui như là một bức tranh tuyệt tác của mình, nghĩ lại tức cười quá, ai thưở đời vẽ củ khoai mà tưởng như là một sáng tác nghệ thuật ... may mà Thầy cũng chấm điểm khá, tôi nghĩ chắc Thầy hơi thiên vị vì tôi là con gái đồng nghiệp của Thầy. Thầy còn hay nói lặp đi lặp lại Nhan Nhị, Nhị Nhan, sao tên hai em giống tên hai chị em quá, thế là sau đó tôi và Nhị càng tỏ ra thân thích với nhau hơn. Trớ trêu thay, khi lên học trường Hoàng Diệu thì Nhị phải vào lớp đệ thất A2 còn tôi thì học lớp đệ thất A1.

Vài tháng sau khi nhập học lớp đệ thất năm 1968, gia đình tôi dọn lên Sóc Trăng, tôi và Nhị ít gặp nhau từ đó. Tôi bắt đầu cuộc sống mới với những người bạn mới trong lớp đệ thất A1, lúc đó tôi chưa quen biết và chơi với các bạn cùng xóm nên vẫn lẻ loi cuốc bộ đi học một mình, ấn tượng sâu sắc tôi còn nhớ khi học lớp đệ thất là các bạn ở Phú Tâm như Minh Phượng, Hoa Lang, Ngọc Hạnh và chị Thu Hà đã chạy tới bàn của tôi hỏi có phải tôi là cháu của Thầy Sáu, lúc đó tôi ngớ người ra vì không biết Thầy Sáu là ai, tôi có một người chú bà con, tôi thường kêu là chú Sáu, tên chú là chú Sáu Hừng, chú là giáo viên dạy tiểu học ở Phú Tâm, tôi ngớ ngẩn hỏi lại có phải là Thầy Sáu Hừng không thì các bạn ấy cười ồ nói không biết chỉ biết tên Thầy là Trần Văn Sáu ... lúc đó tôi chợt biết mình đã lỡ khai “tên tộc” của chú Sáu rồi ... thế nào cũng bị chú Sáu rầy... năm lớp đệ lục cũng chưa quen nhiều bạn, chỉ có Trầm Thị Kim Đáng cùng quê Đại Tâm học chung lớp, Kim Đáng học trường Trần Văn một năm trước khi thi vào Hoàng Diệu. Năm đệ thất là năm tôi học tệ nhất trong suốt bảy năm học ở trường Hoàng Diệu, trong năm này tôi chẳng có bạn thân trong lớp, chẳng có hoạt động văn nghệ hay báo chí gì cả, chỉ biết ngắm trời trăng mây gió, ngắm nhìn các “cô giáo người đẹp” như cô Hằng dạy Pháp văn, và cô Hoàng Oanh dạy Việt văn ... tôi còn nhớ cô Hằng là vợ của bác sĩ Khôi, cô rất đẹp, một vẻ đẹp rất cao sang và thanh lịch, áo dài của cô có đủ sắc màu rất thanh nhã nhưng không kém phần lộng lẫy, ngày nào cô cũng được đưa đón đi dạy bằng xe hơi, cô mang guốc cao gót có gót bằng sắt nhọn, là model thưở ấy, mỗi bước chân cô đi ngang qua lớp tôi làm vang động một góc trời cộp cộp cộp... với dáng đi mạnh dạn như vậy mà không ngờ cô lại vắn số theo như tin đồn thì cô đã qua đời vì tai nạn xe trên Đà Lạt (xin xem phần đính chánh về tin này). Từ đó tôi thấy cuộc đời không còn đẹp như mình tưởng nữa nên có phần đăm chiêu hơn, có lẽ tôi đã biết suy tư cho cuộc sống và có nhiều điều tâm sự nhưng chưa biết tỏ cùng ai... nên đã ghép nối mọi thứ lại với nhau và hy vọng sẽ có vài người bạn thân trong năm học tới.

Năm lớp đệ lục Thầy Trần Lộc dạy môn toán có nói hai đường thẳng song song thì không bao giờ gặp nhau, nhưng sẽ gặp nhau ở vô cực (hay là vô cùng), lúc đó tôi tự hình dung một điểm nào đó ở vô cực xa vời vợi thì làm sao mà đi tới được. Tiếp đó là những khái niệm về không gian hai chiều với mặt phẳng và các hình tứ giác, tam giác, lục giác, hình tam giác cân, và tam giác vuông cân ... sau đó tới hình trụ và hình lăng kính trong không gian ba chiều ... hay các bài đại số với các số âm và số dương, số thực và số nguyên tố ... với những ngày miệt mài với những định lý và định đề toán học tôi đã tìm ra bạn đồng cảm của mình và tìm được hai đứa bạn thân là Nguyễn Thị Ngọc Yến, và Tạ Thị Chuôn, hai đứa rất giỏi Toán, chúng tôi đã cặp bè cặp bạn cùng nhau học hỏi và đi học thêm môn Toán với Thầy Trần Xưng Thấu ở đường Miễu Bà Hỏa, có năm thì học Toán với Thầy Lý Ngọc Hiếu ở trường Tố Như, lúc đó sao tụi tôi lai “mê” toán đến thế, bây giờ nghĩ lại thấy sao mình siêng quá!!! Nhưng sao học vẫn không giỏi bằng ai?! Có lẽ là vì ham học thì ít mà ham chơi thì nhiều...

Trong cuộc hành trình kết bạn, số bạn trong nhóm của tôi ngày càng tăng lên trong năm lớp đệ ngũ với Nguyễn Thị Chính, trưởng lớp Trần Thị Hai, Hứa Lý Hương, Nguyễn Thị My, Nguyễn Thị Thắm ... tụi tôi thân nhau cho tới cuối năm lớp chín; kỷ niệm một thời của tôi với các bạn là những ngày đi phổ biến báo trung học Hoàng Diệu, hay những mùa hè cùng nhau đi tàu xuống thăm vườn nhà cô bảy tôi ở Phú An Cần Thơ.

Nghe Chuôn nói Hứa Lý Hương vẫn còn giữ mấy tấm hình chụp của Chuôn và tôi. Rất tiếc tôi đã bỏ mất những lá thơ mùa hè của Chuôn gởi cho tôi vào mùa hè năm lớp đệ ngũ, lúc đó hai đứa tôi rất thân với nhau. Hai đứa tôi hay viết thơ qua lại kể cho nhau nghe những chuyện vui buồn, và những nhớ nhung về nhau khi tôi lên Cần Thơ nghỉ hè, còn Chuôn thì ở lại nhà, đi học thêm một mình với Yến và các bạn khác như là Nguyễn Thị Rãnh, người đẹp có đôi mắt buồn Penseé; sau khi chia ban Rãnh và Chuôn rất thân vì hai đứa học chung một lớp.

Những ngày nhóm “ngũ quỷ” Chuôn, Vân, My, Thắm, Nhan đi bộ tung bụi mù khắp con đường Nguyễn Tri Phương, nói cười vui như pháo nổ, rồi bất thình lình có một ngày đẹp trời nọ một tên con trai chạy ra đón đường Thắm chọc ghẹo, Thắm là người xinh đẹp nhất trong nhóm ngũ quỷ chúng tôi, Thắm học A2 nhưng do đi học chung đường nên chúng tôi kết thành ngũ quỷ, rủ nhau đi học mỗi ngày; lúc đó Thắm hoảng sợ thụt lùi lại, nhưng cả bọn đã quyết tâm tiến lên và đồng thanh kêu lớn “cái đồ chó điên sủa bậy!” làm hắn sợ quá biến luôn từ đó. Thật ra thì hắn đã lẻo đẻo đi theo chọc ghẹo Thắm nhiều lần trong những ngày đó, những lần trước, tuy tự xưng là “ngũ quỷ” nhưng chưa phải là “ngũ quỷ” thiệt, tụi tôi chưa biết phải phản ứng chống trả ra sao nên chỉ âm thầm lặng lẽ bàn mưu tính kế trả đủa hắn, cho đến lần này, nói cho cùng đó cũng là nhờ công ơn dạy dỗ của Thầy Nguyễn Hiền Tâm, Thầy hay nói nếu tụi bây ra đường có đứa nào theo chọc ghẹo thì cứ coi như là “chó điên sủa bậy”, ý Thầy kêu tụi tôi tránh ra xa ai dè tụi tôi ỷ đông xúm nhau “xì nẹt” làm hắn ta hoảng sợ, chiêu này thành công thật lòng tụi em rất nhớ công ơn của Thầy!!

Rồi lên lớp mười B2 tôi có nhiều bạn hay đi chơi chung như Trần Thị Hai, Vương Huệ Phân, trưởng lớp Lý Thị Kim Dung, Bùi Kim Uyên, Dương Thị Bạch Tuyết, Trịnh Thị Thảo, và Thái Thị Hồng, bên con trai tôi chỉ nhớ có Dương Minh Hoàng ...  vì câu nói độc đáo của trò Hoàng vào năm lớp 11 khi Thầy Thiếp đang giảng bài về Truyện Kiều, Hoàng nói: “Thưa Thầy, em thấy Kiều đâu có đẹp sao mà ông Nguyễn Du khen Kiều đẹp quá vậy?” Thầy Thiếp hỏi lại: “Sao em biết là Kiều không đẹp, em thấy Kiều ở đâu?”, Hoàng chỉ vào tấm hình minh họa chân dung Kiều trong cuốn sách Việt văn, Thầy và cả lớp cười ồ, lúc đó Hoàng ngớ ra không hiểu vì sao cả lớp lại cười, Thầy Thiếp giảng giải cho trò Hoàng hiểu đó chỉ là hình phác họa chân dung thôi chứ không phải là hình chụp chân dung thật sự của nàng Kiều, à thì ra vậy, trò Hoàng tiu ngỉu nhoẻn miệng cười cầu tài ...

Cũng vào năm lớp mười tôi gia nhập nhóm Du Ca cùng với những sinh hoạt văn nghệ của trường, những sinh hoạt này đã làm cho tôi có nhiều bạn bè hơn như Nguyễn Thị Thu Hà, Trần Tuyết Hạnh, Trần Ngọc Ánh, Trương Thị Ngọc Thủy, Nguyễn Thị Thu Cúc, Mạnh Thu Hồng, Trương Văn Sùng, Mã Thành Long, Nguyễn Hồng Võ, Nguyễn Hữu Lộc, Nguyễn Anh Kiệt, Mạch Hút Sơn, Kiều Công Thành, Mã Thành Phúc... với những sinh hoạt du ca và cắm trại vui tưng bừng, tôi không còn nhớ gì về nhỏ bạn Lâm Thị Nhị cho dù Nhị cũng vẫn học lớp A2 chung một trường Hoàng Diệu với tôi...

Khi lên lớp mười hai B1 một số bạn đã chuyển qua ban A, nên các bạn còn lại của ban B học chung với nhau, lúc này bên bạn gái có Lý Thị Kim Dung, Vương Huệ Phân, Trần Thu Hương, Ngô Thị Hoa Lang, Nguyễn Thi Rãnh, Lê Thị Lụa, bên bạn trai có Triệu Ngọc Thành, Trần Minh Đức, Trần Lái, Lưu Quốc Bửu, Dương Minh Cảnh, Nguyễn Hồng Sơn, Huỳnh Phú Khung, Huỳnh Thanh Thiên ... Lúc đó tôi nhớ Thầy Lê Khắc Thạnh dạy toán tập hợp gồm có nhóm, vành, thể với các tính giao hoán, tính phân bố và tính phối hợp, rồi tới toán giải tích, tính toán diện tích hình học, ma trận, số phức và các hàm số phức. Có nhiều lần các bạn hỏi Thầy học Toán để làm gì, nó có ứng dụng gì sau này cho các ngành học nào không mà sao những công thức tính toán cùng những khái niệm xem ra ngày càng trừu tượng khó hiểu hơn. Tôi nhớ lúc đó câu trả lời của Thầy cũng rất là trừu tượng, có lẽ vì Thầy không thể nói ra được những điều mà học trò chưa học tới vì chỉ gợi thêm nhiều thắc mắc chất chồng... thôi các em đã làm bài ra kết quả rồi, không cần tìm hiểu hết gốc gác ngọn ngành trong từng vấn đề của bài toán làm chi.

Tôi mãi mê trong sinh hoạt và học tập thường ngày nên không còn chú ý đến người bạn ngày xưa, cho dù Lâm Thị Nhị và tôi vẫn học chung với nhau dưới mái trường Hoàng Diệu, tôi tự hỏi không biết trong những ngày tháng ấy Nhị đã có bạn thân khác chưa, Nhị vẫn còn nhớ tới tôi hay là Nhị cũng đã quên mất tôi như tôi đã quên mất Nhị?

Sau những năm dài không ai nhắc tới, tôi đã quên bẵng hai người bạn thân thời tiểu học, hôm nay lục lại ký ức, tôi đã nhờ các bạn ở Đại Tâm tìm giúp Lâm Thị Nhị. Trầm Thị Ngọc Loan cho hay Nhị bây giờ là cô giáo dạy học ở Kế Sách, đã lâu không thấy về Đại Tâm, có một tin vui là Lâm Thị Nhị bây giờ đã có nhà ở Sóc Trăng, Ngọc Loan hứa sẽ hỏi thăm để tìm số điện thoại của Nhị cho tôi; còn Lâm Thị Hiền thì đã lâu không ai biết đến, có lẽ Hiền bây giờ đã là bà nội hay là bà ngoại trong vùng xa xôi của xóm chùa Chén Kiểu. Hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ có dịp về lại quê xưa để ghé thăm xã Đại Tâm để tìm lại những người bạn một thời thơ ấu của tôi tuy chúng tôi không có nhiều kỷ niệm với nhau nhưng sao mỗi lần nghĩ về những ngày tháng ấy tôi có cảm giác rất êm đềm, rất hồn nhiên, ấm cúng và rất thơ mộng trong tâm hồn tôi...

Người ta nói thời gian là phương thuốc mầu nhiệm vì thời gian sẽ hàn gắn những vết thương lòng, và có một điều chắc ai cũng thừa nhận là thời gian có tỉ lệ thuận với tuổi đời, thời gian và tuổi đời như là hai trục tọa độ x và y với sự tương quan biểu diễn qua dạng hàm số bậc nhất y bằng x. Thời gian và tuổi đời liên quan nhau một cách rất đơn giản, nhưng những tương quan của cuộc đời con người thì phức tạp hơn nhiều, đó là một hàm số nhiều bậc và nhiều biến số, ít nhất cũng là hàm số bậc hai hay bậc ba với những biến số không lường trước được; cuộc đời bạn có thể có dạng đường biểu diễn của một nửa hình parabola thuận chiều từ dưới đi lên trên, nhưng cuộc đời tôi có thể có dạng hình sin, hay hình cosine… đó là hình dạng của những ngọn sóng thủy triều khi lên khi xuống, những ngọn sóng này có điểm cực đại và cực tiểu riêng của nó cùng với những chu kỳ khác nhau đã tạo ra sự khác biệt cho mỗi một cuộc đời của tôi và của bạn bè tôi. Nhưng dù sao đi nữa thì tuổi thơ và kỷ niệm dấu yêu thuở học trò sẽ mãi mãi êm đềm sống trong ký ức tình bạn của chúng mình phải không các bạn thân thương của tôi?

------------------------------------------------------------

Last updated 09/20/2011

 

 

side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1