banner Các Thế Hệ Thầy Cô
side2
TIẾC THƯƠNG ANH QUẬN - Thơ Ký Lực 68-75

Anh Quận nằm yên ắng trên di văng. Gương mặt bình thản, không chút căng thẳng, không chút lo âu, mắt nhắm nghiền, đồ veston cà vạt, chân giầy. Anh như đang ngủ say.

Tôi sờ tay anh, trán anh. Còn nóng ấm bình thường. Anh đang ngủ say thật, chỉ lạ là quanh anh bao người thân đang lặng lẽ, chỉ khác là giấc ngủ này rất dài, mãi mãi…Thân nhiệt anh còn bình thường, thậm chí huyết áp và nhịp tim cũng ổn nhờ vào nguồn dưỡng khí và dịch truyền được đưa vào thân thể anh liên tục. Anh nằm ngủ, ngủ mà chờ, chờ con gái út anh từ Mỹ về gặp anh lần cuối khi anh còn sống.

Một cơn choáng trong những ngày đầu đợt gió lạnh cuối năm đã quật ngã được anh, một cầu thủ xuất sắc của trường Hoàng Diệu, của tuyển Ba Xuyên, tuyển Hậu Giang, một thời oanh liệt tràn trề. Tới lúc anh nằm yên đó, anh vẫn là một trung niên tráng kiện, điềm đạm nhưng không giấu được nét mạnh mẽ thuở nào.

Ba ngày tang lễ, đông nhất là bạn cùng thời, là đồng môn Hoàng Diệu. Lứa bạn anh, trên 60, nửa phần tóc pha sương, chân chùn tay run mắt kém; dẫu gần dẫu xa đều về đây; bên anh nói chuyện ngày xưa bạn cũ. Bạn gần bạn xa, bạn yếu bạn khỏe… đều chung tiếng thằng Quận sống được lắm, hết lòng với anh em, bạn bè, không bỏ ai hết. Anh không bỏ ai hết, nay anh đã bỏ hết sau lưng…
Ba ngày tang lễ là những bạn chơi thể thao một thời thế hệ anh, các thế hệ sau. Cái chung là ai cũng quý anh, một cầu thủ chững chạc, đá cứng nhưng không đá rắn, quyết liệt khi vào sân nhưng không chơi xấu đối thủ, coi trọng tinh thần fair play và cũng hết lòng chăm lo thế hệ sau khi góp phần trong công tác huấn luyện các thế hệ cầu thủ trẻ tỉnh nhà.
Ba ngày tang lễ là có dịp gặp lại những người thân quen trong cống I hẻm I ngày xưa. Nơi anh và các cầu thủ hay tụ tập từ những năm đầu 70. Ở đó anh gặp chị Ngô Thị Nga (CHS 68-75) và anh trở thành rể hẻm I. Rể hẻm I này đi nhưng các rể hẻm I khác lại bận bịu không kịp về chia tay. Anh Lưu Quốc Bình (K57) kẹt chuyện trên Sài Gòn, anh Trần Phi Long (K65) tìm không được vé máy bay về kịp.

Anh đi rồi, từ nay thầy Lâm Cộng Hưởng, hiệp sĩ mù Thái Văn Hợp (K57) mất một tài xế cần cù. Nhớ trong năm khi đi viếng thầy Nguyễn Văn Tòng trên Vĩnh Long, mới biết anh chở thầy Hưởng từ Sóc Trăng bằng xe gắn máy cùng tới viếng. Qua đó thấy được tình đồng nghiệp,nghĩa thầy trò của thầy trò Hoàng Diệu sâu đậm vô cùng. Tháng trước tôi kịp hay tin anh và thầy Hưởng sẽ qua Bến Tre viếng má thầy Tiết Tháo, tôi cám cảnh đường xa vất vả, vội tìm xe bốn bánh đưa hai người đi. Khi về, xe đã cộ thêm anh Hợp từ bên đó về. Hiệp sĩ mù không gậy mà dò đường bằng xe đò tới tận Bến Tre trước đó. Ân tình thầy trò sao cao cả quá. Ba ngày tang lễ thầy Hưởng đều có mặt chia sẻ với gia đình, gặp lại nhiều học trò cũ ở đây. Thậm chí hôm đưa anh Quận về nơi an nghỉ cuối cùng, thầy Hưởng cũng có mặt.

Anh đi rồi, tứ đại mỹ nhăn, những bạn học cùng thời anh, gồm chị Liêng, chị Dung, chị Thúy, chị Vân không còn chỗ dựa. Cả 4 chị, trong đó chị Vân mới từ Úc châu về đều có mặt đủ 3 đêm tang lễ. Cả 4 đều mặc đồ màu tối, như là một cử chỉ nói lên sự thương tiếc, coi anh như người thân thiết của mình. Chị Liêng, chị Dung đang sinh sống trên Cần Thơ, mỗi lần có dịp về Sóc Trăng, muốn gặp bạn cũ đều nhờ anh Quận làm cầu nối để có những lúc các bạn cùng thời có những phút giây vui vẻ bên nhau. Hôm tiễn anh Quận về với đất, các chị cũng chia tay tới phút cuối cùng. Thậm chí, ngày làm tuần các chị cũng sắp xếp tới tưởng nhớ anh.

Trước khi anh ra đi mấy ngày, tôi có buổi cà phê sáng với anh và Lý Hoàng Minh (K68). Gặp nhau để bàn chuyện đưa cô thầy bạn lên Sài Gòn họp mặt đúng tuần sau đó. Anh Quận đảm trách một xe đón các thầy từ Đại Tâm, Mỹ Xuyên… Anh có tâm sự là có nhiều bạn cùng đi tham dự, có tứ đại mỹ nhăn. Ngại các chị đi xe vất vả, cả ba đã bàn dàn xếp có chỗ để các chị đi chung. Việc này cũng nhằm muốn anh Quận thêm chút niềm vui, và cũng là một cử chỉ thể hiện sự ghi nhận nhiệt tình của anh đóng góp vào việc chung của Ban liên lạc. Tiếc là chuyến xe đó vắng anh, buổi chiều hôm đó anh bị choáng, nhập viện và vài tiếng đồng hồ sau thì hôn mê mãi mãi… Xe đã lên Sài Gòn, buổi họp mặt đã diễn ra, tên anh được nhắc tới với niềm thương tiếc. Tôi đã khiêm tốn thay anh, chăm sóc tứ đại mỹ nhăn lúc lên Sài Gòn dẫu ít dẫu nhiều! Hứa với tứ đại mỹ nhăn sẽ tiếp tay, thế anh, làm cái băng rôn và các thẻ ghi tên bạn về họp mặt, ít nhiều để buổi họp mặt CHS K64 của anh thêm màu sắc, để vong linh anh được thêm an ủi phần nào bởi công việc dang dở của anh đã ổn thỏa.

Trời tháng chạp năm nay âm u nhiều, chắc ít nhiều như đang chia sẻ cảm xúc với ai thiếu mất người thân. Ngôi nhà nhỏ của anh thêm vắng vẻ. Con trai duy nhất của anh đã sớm ra đi nhiều năm trước vì tai nạn. Gánh nặng u sầu càng đè lên đôi vai chị Nga. Nhưng tôi biết chị là phụ nữ nhiều nghị lực. Tôi biết chị lâu rồi, lúc chị trọ học trong hẻm I. Là chị cả, chị Nga phải lo đàn em rất đông. Cũng ơn trời, tất cả đã trưởng thành. Rồi chị hết lòng với chồng con. Nay chồng con… Trong lễ tang chị nói cha con nó chơi khôn, bỏ đi trước bắt tôi lo. Không biết saunày ai lo cho tôi! Còn em trai chị, cùng đội bóng hẻm ngày xưa với tôi nói chị Nga vất vả cả đời, chưa thấy lúc nào chị được thảnh thơi. Số chị khổ! Còn tôi, cũng 3 đêm hụ hợ với chủ nhà tiếp khách tới viếng, nói với em chị Nga là mày để mắt tới cái thùng phước thiện. Giang hồ hiểm ác, coi chừng lúc đêm, ai cũng mệt mỏi, bọn xấu nó rinh mất là sinh lôi thôi!

Gió Tết về, bụi mù tung… Một chút bối rối, những người ngồi bên nhau đầy tâm sự đó. Cảnh vật cũng trở lại bình thường. Gió Tết hay đảo chiều, nắng Tết cũng khang khác, màu vàng chanh. Nhưng dẫu lạ, cũng đều trong quy luật tạo hóa. Tất cả là vòng tròn… Người ta cũng vậy, sinh lão bệnh tử… Không ai ngoài sự thật đau đớn đó. Biết vậy, nhưng khó ai kiềm nổi cảm xúc khi thiếu mất người thân. Biết vậy, để giảm bớt áp lực tâm lý đè nặng tâm tư nhưng khó ai vượt nổi. Nhưng người có nghị lực mạnh mẽ sẽ sớm trở lại trạng thái thăng bằng. Mong rằng chị Nga sẽ như vậy. Và cũng mong anh Quận đang thanh thản bình yên cõi vĩnh hằng.

THƠ KÝ LỰC

 

 


Last updated 01/21/2014

side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1