Mang cái chức Trưởng ban liên lạc cựu học sinh (CHS) Hoàng Diệu Sóc Trăng nhưng tôi có làm được chuyện gì cho đáng với cái trách đó đâu. Chỉ hàng năm gặp một số cô thầy nhân buổi họp mặt dưới Sóc Trăng hoặc trên Sài Gòn. Vài câu thăm hỏi, một chút quà mọn như nhắc nhở trên đời này còn…Ban liên lạc! Lớn hơn, cứ năm năm, họp mặt chung trong trường. Họp mặt đó tuy có chút hoành tráng hơn, nhưng mãi năm năm mới diễn ra, nên dư âm tuy có, nhưng sớm phai mờ theo thời gian đăng đẳng.
Năm nay, bổn cũ lặp lại. Tiếc rằng không khóa học nào xung phong đứng ra tổ chức họp mặt chung tất cả cô thầy cũ đã nghỉ dạy vì bất kỳ lý do nào đó từ khi lập trường tới nay. Không lẽ Ban liên lạc này có như không! Phải có những việc làm gì đó, có tính chất thiết thực một chút, nhằm mang chút nắng ấm tới cô thầy cũ nhân năm hết tết đến. Bàn riết cũng ra chuyện. Trung tuần tháng chạp này, các thành viên Ban liên lạc đã đến từng nhà cô thầy cũ, thăm hỏi, gởi quà thể hiện tấm lòng tri ân của trò cũ. Qua đó, cũng là dịp nối các dây thông tin tình hình với nhau, giữa các cô thầy, giữa cô thầy và học trò cũ các khóa. Như chuyển thông tin về ngày họp mặt CHS đang sinh sống trên Sài Gòn, về ngày họp mặt tân niên các khóa, nhất là ngày họp mặt của CHS khóa 65-72 – lần đầu tiên sẽ họp đông đủ nhân kỷ niệm 50 năm ngày vào trường (1965-2015). Nhờ đó, tôi được thêm một chút bận bịu. Như lo quà cô thầy là gì cho thiết thực, thực hiện cái trách là tiếp tay khóa đàn anh 65-72 tổ chức họp mặt sao thật ấm cúng và vui vẻ…
Tôi đã cùng đàn anh 65-72, có cả 64-73 nữa bàn chuyện họp mặt. 64-73 tức là đàn anh chị học trên lớp rớt xuống và khóa 65 rớt xuống 73! Đàn anh thích gì là tôi sẽ ráng lo, như sẽ ra kỷ yếu, như sẽ có cả cây cầu tre ở vườn me! Như… tiếp tay in thiệp mời… Có thiệp mời, anh Dương Viên Bình, Trưởng ban khóa 65-72 mời cô thầy cũ. Tôi tiếp tay cung cấp danh sách để anh …lựa! Anh chỉ mời cô thầy từng dạy khóa học mình, bởi mới tổ chức lần đầu, cái gì cũng mới, cũng…eo hẹp. Tuần rồi, tôi có dịp lên Sài Gòn công chuyện, tôi mới nghĩ ra điều nên làm là tiếp anh Bình chuyển thư mời tới các thầy cô ở xa. Do tôi đi công chuyện lại nhằm trong ngày làm việc, nên không ai rảnh cùng đi. Tôi lên Sài Gòn điện thoại. Có bốn thầy sốt sắng cùng tôi lên Long Khánh thăm thầy Võ Văn Thiên, người thầy trong đợt đầu tiên về trường Hoàng Diệu, còn lại ở trong nước. Trước đó tôi đã liên lạc với thầy.
Thăm thầy Thiên không phải chuyện hiếm. Chị Hoàng Yến trong BLL HD Sài Gòn đã nhiều lần đưa các thầy lên thăm thầy Thiên. Ba giờ chiều, năm thầy trò có mặt trên xe. Các thầy tuy tuổi cao nhưng sức tốt, vẫn nổ đều suốt chuyến đi. Thầy Thiên muốn các thầy lên sẽ phơi đêm tâm sự, thỏa lòng đồng nghiệp bao năm ít khi gặp nhau lâu. Tôi biết trên đó lạnh hơn cái lạnh Sài Gòn, nên ghé siêu thị trang bị các thầy đồ dùng cá nhân nhằm bảo đảm..sức khỏe. Xe theo đường cao tốc Sài Gòn – Dầu Giây tới Long Thành thì chuyển qua đường tắt tới Dầu Giây. Hai chục phút sau tới Long Khánh. Thầy Thiên cho rể ra đón xe đưa về trại của gia đình thầy cách đó ba cây số, thuộc ngoại ô Long Khánh. Thầy Thiên, vẫn vóc người dong dỏng, còn khỏe mạnh đã có mặt để chào mọi người. Tay bắt mặt mừng thật là ấm lòng. Thầy đã kêu rể câu cá phi trong ao, đang chiên xù thơm phức ở bếp kế bên. Tôi bổ sung thêm những món mang theo để bữa cơm thêm phong phú. Giò bò, dưa chua mua trong siêu thị, tôm tươi đem từ Sóc Trăng, luộc lên. Gạo thơm ST20 nổi tiếng ở Sóc Trăng nấu ltỏa mùi thơm phức, dẻo mà không nhão. Thầy Thiên ăn cơm cháy gạo thơm với tôm khô nước tương thấy thật ngon miệng vô cùng. Thầy nói chưa ăn gạo nào thơm ngon như gạo này, cho thầy gởi lởi lời cám ơn trò…Cua. Đâu phải chỉ ăn, hai chai sâm banh do khách hàng từ nước ngoài tặng, tôi mang theo, chỉ cái vèo là cạn. Rể thầy đem thêm hai chai rượu vang đỏ, cũng cạn tuốt. Các thầy gặp nhau như …lân gặp pháo. Ồn ào sôi nổi không thua thời trẻ trung. Mà chưa chắc hồi trẻ các thầy vui vẻ sôi nổi như vậy. Lại thêm chuyện cân bằng phương trình rượu vào lời ra nữa! Con gái thầy kiêm trưởng bếp nói vô Ba hồi hôm không ngủ khi biết hôm nay các thầy tới! Cảm động làm sao. Thầy Nguyễn Hiền Tâm thì nhắc chuyện cũ, có lần lên đây, đã khá lâu. Thầy Thiên mần con dê đực đãi, hai cái trứng không thấy trên bàn ăn. Hỏi ra thầy và anh Lâm Tài Hưng đã chia nhau rồi. Anh Hưng là con cô Chất (HD), do đi làm xa và định cư luôn, nhờ đó thầy Thiên có bạn tâm tình. Thầy Tâm nhắc có ý cà rỡn cho buổi gặp gỡ thêm tiếng cười. Trời mới chút chạng vạng là cái lạnh vùng cao ập xuống. Thầy Thiên khoát thêm áo lạnh. Bàn tán một hồi, thay đổi tính toán ban đầu. Phải kiếm khách sạn nghỉ đêm, sáng mai lại gặp nhau tâm tình tiếp. Nhờ cái lạnh tiếp tay, tôi cản được chuyện mở thêm chai rượu mạnh, giữ sức khỏe nghỉ sớm. Ly trà nóng xong, ra xe, trời đã tối lúc nào. Tới khách sạn đã gần 8 giờ. Tôi lo về phòng tắm rửa, mở laptop coi chuyện ở nhà. Thầy Tâm chưa đủ đô, rủ thầy Phạm Xuân Dũng, thầy Phạm Văn Phái nạp thêm mỗi người ba lon bia, ngủ mới ngon.
Buổi sáng vùng cao, bình minh thật đẹp. Tôi quan sát vầng dương từ từ nhô lên màu đỏ ửng thật hùng vĩ. Mọi người thoải mái lên xe, trở lại trại thầy Thiên. Thầy đã thức nhưng áo lạnh kín mít. Thầy đã quen vùng đất mới này trên 40 năm mà còn vậy. Đêm qua nếu ở lại, thiếu áo lạnh, chắc có thầy cảm thiệt. Con gái thầy pha mỗi người một phin cà phê sữa nóng, thật thơm ngon. Buổi điểm tâm bánh mì trứng chiên diễn ra ngay sau đó. Trong cái nắng ban mai, vẫn còn se lạnh, các thầy ngồi bên nhau hết sức thân tình, rồi kể về những ngày tháng đầu tiên trường Hoàng Diệu. Có thầy kể bằng trải nghiệm, có thầy kể do nghe người khác kể lại. Tôi mở ghi âm, nhờ thầy, cây đại thụ còn sót lại, nói thật chi tiết. Nhưng chuyện gần 60 năm rồi, thầy không nhớ hết. Đợt thầy đầu tiên về trường bao nhiêu người, là ai… Thầy Cấn Phan Nhiếp xác nhận là nghe kể lại, năm đầu tiên khai giảng, nam sinh còn mặc quần đùi đi học. năm sau mới chính thức có đồng phục. Nhưng nói về thành tích đội văn nghệ trường, thầy Thiên như sống lại một thời oanh liệt! Lần đầu tiên Sóc Trăng đăng cai hội thi các trường trung học 8 tỉnh miền Tây. Hoàng Diệu lấy hạng nhất 7/8 giải thi hát. Thầy kể, hồi đó ý tưởng làm dân ca ba miền, nhưng không biết bài miền Trung. May sao giờ chót có thầy Quảng Nam Trần Phước tiếp tay chỉ dẫn bài dân ca Huế. Tiết mục này được tổng trưởng dự, khen là sáng tạo, đặc sắc! Như vậy, có thể loại hình hát dân ca các miền chung trong tiết mục có là do từ ý tưởng thầy Thiên, hay là có trước đó? Thầy kể khi Ngọc Thủy hát xong bài thi đơn ca, cả hội trường bất động, im phăng phắc, rồi vở òa tiếng vỗ tay. Dĩ nhiên Ngọc Thủy nhất miền Tây. Sẵn dịp thầy cũng kể luôn tên các học trò cũ hát hay như chị Sáng, chị Liêng. Thầy nói con Sáng làm khổ thầy biết bao lần! Hỏi ra, nhiều lần gần tới giờ diễn là chị Sáng có nhiều chuyện để xin tì! (chi tiết này dẫu có không đúng, chị Sáng cũng thông cảm bỏ qua). Chuyện trò không dứt, nhưng cuộc vui nào cũng có lúc hạ màn. Mọi người lưu luyến chia tay. Thầy tặng mỗi người bịch cà phê về pha uống cho nhớ…thầy. Thầy Tâm thấy bầy gà mái sau vườn, nói là nên tặng mỗi người con gà sẽ nhớ nhiều hơn. Dĩ nhiên, thầy Tâm cũng chỉ góp vui, chớ ai nở nào lấy mất mấy cái lẫu của thầy nhân tết tới.
Tôi đã làm phận sự, chuyển thư mời của khóa 65 tới các thầy. Xe về lại Sài Gòn tới mau vì không kẹt xe. Chia tay ở quán cơm gà. Cũng nói thêm, trước khi cùng ra Long Khánh với các thầy, tôi đã đến nhà thầy Lê Vĩnh Tráng, thầy Phan Quang An, thầy Phan Văn Nhiều để trước thăm thầy, sau chuyển thư của khóa 65. Tại nhà thầy Nhiều, sau khi đã nghe chị Hạnh (64-71) kể, tôi đã nghe thầy Nhiều nhắc tới cô Đỗ Thị Huệ, từ Hoàng Diệu chuyển về Sài Gòn khoàng năm 1971. Qua đó, tôi đã nhờ thầy Nhiều chuyển thư mời của khóa 65 tới cô Huệ.
Sáng nay, tôi điện thoại thăm hỏi thầy Thiên. Thầy xác nhận sẽ cùng anh Lâm Tài Hưng về Sài Gòn dự họp mặt. Thầy đi đứng có chút khó, nhưng tinh thần thầy rất tốt, thể hiện thầy nhờ rất rõ từng chi tiết chuyện Hoàng Diệu xưa. Để thể hiện tấm lòng tri ân của trò cũ, Ban liên lạc CHS HD ST sẽ tặng thầy một món quà mang tính chất tinh thần (về vật chất thì không có giá) vào hôm họp mặt trên Sài Gòn. Cụ thể là quà gì, đồng môn nào có ý tò mò, xin đến cùng chung vui đoàn viên buổi họp mặt Sài Gòn sẽ biết.
Thư ký Lực - tháng 2 năm 2015
Thầy Phan Quang An
Thầy Cô Phan Văn Nhiều
Thầy Cấn Phan Nhiếp, Thầy Phạm Xuân Dũng, Thầy Võ Văn Thiên, Thầy Nguyễn Hiền Tâm, Thầy Phạm Văn Phái
Thầy Võ Văn Thiên
Thư ký Lực ngồi bên phải (mang kiếng) - kế bên Thầy Phạm Văn Phái
Từ trái qua phải không biết tên hai anh đầu tiên, Thầy Tâm, Thầy Phái, Thầy Thiên, Thầy Nhiếp, Thầy Dũng và Thư ký Lực
Thầy Cô Lê Vĩnh Tráng và Thơ ký Lực (đứng giữa)
|