THĂM MẸ LẦN CUỐI...
*tâm-bút nguyễn-tư
*“Mẹ đau nơi trái tim của con...” (De Sévigné)
Buổi sáng đó, tôi nhớ Sáu Hùng, người vặm-vỡ theo kiểu nông dân, miệng bịt răng vàng sáng chói lóe lên như lửa, cấp bực Trung-úy MTGPMN ở trần trùng-trục, mặc chiếc quần đùi nylon dầu màu xanh, ngang hông mang khẩu súng “Colt 12” xệ xuống trông như Cao-bồi miền viễn-Tây nước Mỹ, đầu đội chiếc nón vải tai bèo, tay cầm miếng giấy viết tay, rồi đứng trên một bờ mẫu cao, nói vọng xuống với đám tù đang “sạ” lúa khoảng gần trăm tên:
-Các anh chú-ý! Lệnh trên: những người có tên sau đây, kể từ giờ phút này, ngưng lao-động, tập-kết về phía bên tay trái của tôi, khẩn-trương, không được quan-hệ với bất cứ ai, nếu bất tuân coi như tự ý rã ngũ!.
Xong hắn săm-soi tờ giấy, gọi tên đâu khoảng 28 người tù, trong đó có tên tôi, nhưng đặc-biệt có tên một người nghe rất lạ mà Sáu Hùng vừa đọc là “Lâm-Tắc-Bung”? Sáu Hùng đếm lại cẩn-thận số tù này, thấy chỉ có 27 người, như vậy thiếu 1 - đó là người mang tên “Lâm-Tắc-Bung” mà chả ai trong đám tù cấp Úy này biết hết. Nên hắn nổi dóa la toáng lên:
-Giờ tụi bay chống lại CM phải không? Muốn khởi-nghĩa hả? Thằng “Lâm-Tắc-Bung” đâu, tới đây “làm ziệc” với tao ngay!
Cả đám tù chúng tôi ngơ-ngác nhìn nhau, vì sống với nhau đã lâu, ở đây có thằng chó nào tên quái-gở như vậy đâu!? Nên người tù Toán trưởng của chúng tôi lên tiếng lễ phép:
-Thưa Cán-bộ, ở đây không có ai tên “Lâm-Tắc-Bung” cả. Xin Cán-bộ coi lại thử xem, chỉ có anh “Lâm-Văn-Dung”ở khối Trung-úy mà thôi!? (Thực ra, Dung là anh Trung-úy giáo chức biệt-phái dạy tiểu-học, rất hiền lành nhưng có hỗn danh do anh em tù đặt cho là “Sáu lượm-lặt” vì hắn có tật là ưa thấy cái gì có thể xài được sau này thì lượm cất ngay, vì thế hễ ai thiếu cái gì như cây đinh, hủ chao, lon Coca, sợi kẽm …thì cứ đến tìm Dung, sẽ có ngay …)
Sáu Hùng biết mình “hớ”vì hiểu rõ vốn liếng chữ nghĩa của mình không nhiều lắm, nên hắn giả vờ nhíu đôi mắt cú vọ lại ra chừng như do mắt mình yếu kém nên nhầm lẫn, xong hắn kéo tờ giấy lại gần hơn, rồi mỉm miệng cười chữa thẹn, nói giả-lả:
-Ờ..ờ..thì “Lâm-Văn-Dung”, lên bờ ngay!
Thế là Lâm-Văn-Dung cúi xuống rửa tay cho sạch bùn, rồi tiến về phía tay trái của Sáu Hùng trong tiếng cười rộ của đám tù còn lại với những cái lắc đầu chán-ngán cho chữ nghĩa của mấy anh “siêu-việt”, khiến Sáu Hùng đâm “quê”, nên hắn vội khoác tay giục-giã, dẫn đám tù vừa mới được gọi tên theo hắn về trại cho nhanh...
Nơi trại Cải-tạo, được kêu tên hay không được kêu tên, người ta đều lo như nhau, bởi đó chưa phải là điều mừng vì có thể được về, nhưng điều “dễ có thể” hơn là bị chuyển trại, có khi đến một nơi khác hắc-ám hơn, xa hơn, như đi ra Bắc chả hạn... Riêng tôi không lộ vẻ gì vui, bởi vì tôi tự biết giá như mình có được về trong hoàn-cảnh này, thì cũng giống như một người nhảy ra khỏi một vòng tròn nhỏ để rơi vào một vòng tròn lớn hơn mà thôi, đôi khi có thêm những xót-xa so với lúc còn ở lại với anh em trong tù, là nơi ai cũng như ai, không ước mơ, không giai-cấp, nhất là khi ở miền Nam - chỉ là nơi tôi lưu-lạc hơn 14 năm ròng-rã để làm việc kiếm sống. Thực sự quê chính của tôi ở mải tận ngoài Trung. Bà con, mẹ cha, quyến thuộc, mồ mả ông bà tôi ở đó, cho nên dù có lỡ đói rách tôi cũng xin được miếng cơm mà ăn, tấm áo để mặc, dù có buồn tủi cũng có người an-ủi vỗ-về vì tình ruột thịt, chứ ở đất khách xa-xăm nơi đây, tôi có ai, khi quanh tôi cũng chỉ là “người dưng nước lã”, cộng với hoàn-cảnh “thân-bại danh-liệt”, cùi hủi trong xã-hội mới này, thì tôi biết chắc sẽ có rất nhiều nổi trôi...bởi tình cảm con người bao giờ nó cũng luôn-luôn tỉ-lệ nghịch với những hụt-hẫng về cơm áo, về công-danh một cách luận-lý...nhất là đối với những kẻ đang từ ở trên cao, vụt rơi xuống thấp với một gia-tốc không lường trước được.Vì thế cho nên, ví phỏng được tha về lúc này, tôi cũng không coi đó là sự may-mắn, bởi tôi tự biết chắc rằng tôi sẽ phải đương đầu với nhiều gian-nan hơn là lúc ở trong tù - nơi, tôi chỉ khổ cái tấm thân trâu ngựa, bèo-bọt với tháng ngày lao-động mệt nhoài, rồi đêm về ngủ vùi như cái thây ma không còn biết suy nghĩ, thương nhớ, vô-cảm với bầy muỗi đói bâu quanh không buồn đuổi vì tự biết mình chả còn giọt máu nào màu-mỡ để cho chúng hút nữa, trên những phân da, mà các đầu dây thần-kinh đã trở thành tê điếng, rủ liệt, không còn chút đối-kháng nhỏ bé nào với nghịch-cảnh, ngoài sự buông xuôi, mặc cho tới bến bờ nào cũng được!
@
Mãn tù về, ở nơi tạm-trú miền Nam của tôi một thời-gian chờ đi vùng “Kinh-tế mới” (thực ra chỉ là vùng xa khô cằn, hoang-dã không còn sự sống để đày những người mà chế-độ mới thấy nguy-hiểm hay vô-ích sẽ bị tống-khứ vào đó) thì tôi có ý-định “ra đi”, khi tôi bắt đầu cảm-nghiệm rằng mình hết đất sống, nhìn đâu cũng thấy ngõ cụt: ngõ cụt gia-đình, ngõ cụt tình-cảm, ngõ cụt áo cơm, ngõ cụt về thân-phận của người tù bị giam lỏng trong một xã-hội không còn gì để cho mình bám víu, hy-vọng nữa...Cho nên, khi đã qua bên này rồi, lúc tôi tình cờ nghe câu hát được viết bởi một người tù-binh như tôi, trong băng “Tủi nhục ca” của Hà-Thúc-Sinh do Khánh-Ly hát: “Nếu tôi còn sống mà trở về, hẳn là tôi phải ra đi …” thì nước mắt tôi bỗng dưng lăn xuống, lăn xuống...bởi tôi hiểu được tại sao người bạn tù-binh không quen ấy viết như thế, hẳn phải có những tâm-cảm buồn tủi như tôi, nên tôi mủi lòng vì tôi tự biết thương mình - một người mang trong lòng nỗi đau riêng không muốn bày tỏ, cũng đã có lần nghĩ mông như thế, và đã làm như thế... Đó cũng là lý-do khiến cho tôi có ý-định về Trung để thăm lần cuối một người - mà gần hầu hết cuộc đời, tôi ít khi nào được gần-gũi: Mẹ tôi, năm ấy cũng đã 72 tuổi rồi!
Tôi chạy vạy lắm mới được phường, khóm cho phép lên ty Công-an tỉnh ở Cần-thơ để xin cái giấy đi đường về Trung thăm Mẹ - một người đàn bà, trong quá-khứ đã rất ít dành cho tôi những lời “từ-ái” so với những anh chị em khác trong nhà, mà tôi là đứa con gần áp chót, ngoại trừ khi tôi đã lớn khôn, thì tôi lại chả có cơ may nào để được ở cạnh Mẹ tôi nữa! Đó cũng là lý-do khiến cho Mẹ tôi buồn như một thứ mà Tâm-lý học gọi là “mặc-cảm tội-lỗi”(complexe de coupabilité) nên bà không muốn cho tôi ra đi xa, nhất là lúc bà tự thấy mình có lẽ sẽ chẳng còn sống được bao lâu nữa. Sự níu kéo tháng ngày của bà với ảo-tưởng: nếu tôi còn ở trong nước, có nghĩa rằng tôi còn kề cận bà, để đền vào những thiếu vắng tình-cảm bà đã không dành cho tôi trong những ngày ấu-thơ thầm lặng, mà tôi không hề than-vãn gì! Điều này làm cho tôi - đôi khi, phải nén lòng giấu kín bằng những buổi chiều tà nắng tắt, tôi hay lên đồi sau nhà ngồi một mình, nhìn ra hướng biển mênh-mông...và thực lòng tôi không muốn ở trong nhà nữa, dù lúc ấy tôi còn rất bé...Có khi Mẹ tôi nhìn thấy được, nên bà lên đồi dắt tôi về mà cứ tưởng tôi bị “bịnh đàng dưới” - loại bịnh thuộc về “cõi Âm” do ma quỷ ám chăng? Nhưng có lẽ bà cũng thấy được phần nào đó, do tình-cảm của tôi không được trọn vẹn với bà, nhất là trong những lúc giận-dữ bà vẫn thường hay đánh đập vừa xỉa-xói tôi bằng những lời mắng-mỏ rất tàn-tệ làm tôi “đau” lòng lắm, mà sau này, khi xa nhà, tôi thấy ông Nhạc-sĩ Trịnh-Công-Sơn đã mô-tả điều đó, sao mà nó giống tâm-cảm tôi lúc ấy đến thế, với một câu hát thấm-thía sâu đậm như dính cứng vào trái tim phiền-muộn của tôi là người ta có thể bị “đau nặng từng lời nói” khi bị hạ nhục một lần! Do đó, Mẹ tôi dù có “rầy” và “dạy” tôi không nên lên đồi một mình như vậy nữa, nhất là những khi trời sụp tối, trong lời nói lúc này của bà tôi thấy nó có vẻ mềm-mại hơn mọi lần: “Mẹ biết Bé buồn Mẹ, nhưng không phải Mẹ ghét con đâu, mà Mẹ muốn cho con nên người!”, tuy ở tuổi đó làm sao tôi hiểu nổi được hai chữ “nên người” ngoài những mơ-ước về sự vỗ-về mật ngọt thông thường có từ người Mẹ mà bất cứ đứa trẻ con nào khác cũng đều mong muốn như nhau...
@
Tôi đến Cần-thơ vào buổi trưa, thì hết giờ làm việc ở ty Công-an, nên tôi đành xuống bến Ninh-kiều ngồi chờ, để 2 giờ chiều - giờ làm việc được yết sẵn dán nơi cửa ra vào, tôi trở lại ty xin giấy phép về Trung thăm nhà. Tôi ngồi trên bờ thành, nơi chân tượng ông Hồ làm bằng xi-măng màu xám tro, tay cầm tờ giấy, tay chỉ lên trời, mình có khoác chiếc áo bành-tô dài như chừng ông đang nói chuyện với quần chúng ở vườn hoa Ba-đình ngoài Bắc trong ngày lễ Độc-lập năm 1945 cách nay đã mấy chục năm, mà bây giờ đất nước vẫn điêu-linh…và những người Việt Nam lương-thiện như tôi, vẫn bị xem là những người có “nợ máu” chỉ vì họ muốn giữ miền Nam được Tự-do, vừa mới ra tù, hiện không biết cuộc đời rồi đây sẽ ra sao, nhưng chắc chắn cuối đường không phải là thoải-mái trong một Quê hương, hẳn không phải là nơi để những người như tôi dung thân...
Mấy ngày sau, tôi lên Sài Gòn, đáp chuyến xe đò xuyên Việt. Nơi bến xe, chật ních những người là người, tôi phải vất-vả lắm mới mua được một tấm vé giá chợ đen từ những người làm một cái nghề mới gọi là “nghề giữ chỗ”, nghĩa là họ phải lấn nhau, chen-chúc thiếu điều dẹp lép trước những quày vé Quốc-doanh, với cái đuôi dài ngoằn bất-tận lan mải ra bãi đất phía bên kia con lộ, mà họ phải chịu khó thức dậy sớm lắm mới được một chỗ như thế, để bán lại cho người không đến sớm và chen lấn được như tôi, để kiếm lời sống qua ngày... và trong giây phút thực ngỡ-ngàng, rất xót-xa khi tôi chợt bắt gặp một ông già ốm nhom, hom-hem áo sơ-mi cháo lòng bèo-nhèo bỏ ngoài quần, chỉ mang đôi dép Nhật lẹc-xẹc dơ-dáy, đang hành “nghề mới” đó, chính là vị Giáo-sư khả kính của tôi ngày xưa … nên tôi đành nhìn lơ ra chỗ khác để tránh những khó-khăn cho nhau, vì cả hai chúng tôi, đều là nạn-nhân bất ngờ của Lịch-sử nhãn-tiền, mà không ai ngờ trước được….
Chiếc xe cũ màu đỏ tróc sơn, trên nóc chất đầy hàng hoá có phủ tấm bạt nhà binh nhòe bụi. Trong lòng xe hẹp ré với những dãy ghế tí-teo đan bằng sợi nylon dẹp đã bung ra nhiều nơi. Hơi người nồng-nặc khó chịu, mà thằng “lơ” vẫn không ngớt kiếm thêm khách nhét vô ghế “xúp” với lời trấn-an dễ-dãi rất cơm áo: “Chịu khó bà con! Thời buổi khó-khăn để cho tụi tui kiếm chút cháo! Xe chạy một lát thì nó sẽ rộng ra thôi! Mại dô! Mại dô bà con! Mại dô! Xe ra Trung còn nhiều ghế trống, sắp rời bến bà con ơi!” trong lúc tên tài-xế đứng tuổi vẫn còn có vẻ phong-lưu, đội nón nỉ, áo bỏ trong quần đàng-hoàng như các Thầy ký, mang kiếng đen... ngồi trong cabine xe, chân đang nhịp ga, khói phun mù-mịt, như chừng hắn sắp gài số... nhưng dễ-dầu gì... chỉ để phụ-hoạ với lời nói dối “xe sắp chạy rồi bà con” của thằng lơ đang kiếm khách đó thôi!
Cuối cùng thì xe cũng phải lăn bánh. Nó chạy chậm-chạp, lắc-lư, cực nhọc vì quá tải như con bọ hung đang di chuyển vào lòng Địa-ngục, vì hai bên đường tối hù ở thời buổi không ai dám thức khuya để du-hí. Rồi những rừng là rừng, loại rừng chỉ còn lại những cây khô do thuốc khai-quang trong cuộc chiến vừa qua chưa đủ thời-gian để hồi-sinh, lần-lượt chạy ngược chiều theo ánh sáng vàng khè từ hai chiếc đèn pha xe quét tới...
Hành khách đi xe, phần lớn là con buôn, nhờ quen với lối di chuyển “thổ tả” này, nên họ ngủ thoải-mái, ngáy khì-khò, trông rất “an-nhiên tự-tại”, chỉ có mình tôi thức với những tình cảm hoang-mang không biết gọi tên. Mỗi lần sắp qua một thị-trấn nào, thì thằng lơ xe hô-hoán lên cho hành khách biết để có ai cần xuống thì xuống. Tôi đi qua biết bao những địa-danh quen thuộc mà đã lâu lắm tôi không được nghe lại bao giờ, bởi vì trước 75 tôi chỉ di chuyển bằng máy bay Hàng không mà thôi, kể từ ngày tôi ra đi làm, lưu-lạc ở miền Nam... Những tên nghe thân thương thời còn đi học như: Rừng lá, Phan-thiết, Phan-rang, Cam-ranh, Suối Dầu, Nha-trang, Ninh-hòa, Đèo cả, Tuy-hòa, Sông Cầu, Cù-mông, Qui-nhơn, Đập-Đá, Phù-cát, Phù-mỹ, Bồng-sơn, Tam-quan, Sa-huỳnh, Đức-phổ, Trà-câu, Thạch-trụ, Mộ-đức mới... mà tôi biết rồi đây tôi sẽ không còn được nghe đến chúng nó nữa, khi tôi đã ra đi khỏi nước trong nay mai...
Sau một khoảng xe chạy thực lâu, tôi cảm thấy mệt nhoài, mắt lim-dim, bỗng dưng tôi choàng thức dậy khi nghe tiếng thằng lơ la lớn:
-Đồng Cát! Đồng Cát! Ai xuống thì xuống nha bà con!
Tôi nhốm người đứng lên, cái đầu muốn đụng vào mui xe vốn thấp ỉn, tay ôm cái giỏ đệm ấp vào lòng vì trời quá lạnh, vừa nói:
-Tôi xuống đây chú lơ!
Giọng chăm-sóc, thằng lơ tử-tế hỏi mau:
-Có gì trên mui xe không chú Hai?
Tôi trả lời gọn-lỏn:
-Không!
Thằng lơ nói như cái máy:
-Chúc chú về nhà vui-vẻ nha!
Tôi lại vẫn gọn-gàng như bản-tính từ lâu:
-Cám ơn!
Rồi tiếng của chiếc cửa sau xe dập mạnh đánh rầm, tôi nghe tiếng thằng lơ nói với lên:
-Dọt tới luôn, ông Thầy!
Chiếc xe rồ ga phóng tới, 2 chiếc đèn lái đỏ lừ phía sau xe từ-từ mất hút dần trong bóng đêm tối âm-u, và tôi nhìn đồng hồ dạ-quang thấy đúng 2 giờ sáng. Tôi đứng một mình nơi lề đường bơ-vơ. Trời mưa bụi bay rất lạnh. Tôi nghe mùi tanh từ ngôi chợ vắng hoe bốc lên, mới biết mình đã xuống đúng nơi, vì Đồng Cát là một cái chợ Huyện mà thủa bé tôi thường đến đây để mua ngòi bút, và nhìn qua dãy phố bên kia có cái nhà bán thuốc Tây đề tên của người anh bà con tôi nơi mặt tiền...Như vậy là đúng rồi, tôi phải đi về phương Nam 2 cây số nữa mới đến nhà tôi được. Tôi đi trên quê hương mình như một người lạ mặt, vì mọi cảnh vật đều đổi thay đến độ khác hẳn với những gì tôi có trong trí nhớ. Con đường “Quốc lộ 1” bây giờ mở rộng gấp 4 lần, trải dầu láng coóng, hai bên trồng đầy cây dương và bạc-hà đã cao như rừng. Các nhịp cầu sắt ngày xưa đều bị lấp hết để thay vào đó bằng những ống cống thép do hãng thầu Mỹ RMK thi-công thời trước 75. Điều này làm cho tôi không tin vào những gì tôi nhớ nữa, nên tôi đã không tìm được lối về nhà, như Từ-Thức nhớ Quê từ cõi Tiên trở lại trần-gian ngày xưa...
Không có một sinh-hoạt nào nơi đây, ngoài bóng đêm và mưa gió. Tôi phải ngồi trên kè đá của một bờ thành nơi căn nhà ngói lạ thực lâu, mà trong thâm-tâm hoài-nghi không biết đây có phải là ngôi làng bé nhỏ của mình ngày xưa hay không, vì tôi đã không thấy cây cầu sắt cao từ Đồng Cát chạy vào trước khi đến nhà tôi, và cũng không có khúc quẹo mà sở Lục-lộ thời Pháp thuộc đã cắm cái bảng hiệu giao-thông hình tam-giác vàng khè có vẽ hình “zic-zac” bên trong, ngay bên lề nơi góc ngã ba “Phủ Mới - Quốc lộ 1” để chỉ dẫn cho các tài-xế lái xe xuyên Việt chú-ý hòng tránh tai-nạn vì đường cong rất gấp, nhưng nay khúc quanh đó đã không còn nữa khi Xa-lộ mở rộng với hướng thẳng cho bớt nguy-hiểm và giảm-thiểu độ dài..Mãi đến gần 6 giờ sáng tôi mới nhìn thấy ánh đèn dầu leo-lét trong căn nhà lá lụp-xụp ở phía bên kia đường, có ông lão ngồi quay lưng ra phía cánh cửa liếp mở sẵn đang lom-khom lựa những lá trầu cho vào giỏ chuẩn-bị cho phiên chợ sáng. Ông lão ốm nhách, đầu bạc trắng phao vừa làm vừa ho sù-sụ. Tôi đến cạnh bên, đằng-hắng cho ông lão đỡ giựt mình rồi hỏi thăm mới biết đây chính là làng “Thiết-trường” - quê cũ của tôi, mà nó chỉ được nhớ từ tờ giấy khai-sinh cũ mèm rách nát của mình mỗi khi tôi đem ra cơ-quan chính quyền để “sao” hầu làm hồ-sơ lúc cần thiết...Và, tôi đã tìm đường về nhà trong sự ngỡ-ngàng không ít...Tôi len vào con ngõ mà ngày xưa tôi thấy nó rộng lắm, hai bên là hàng rào cao cắt xén thẳng-băng, có cái cổng lợp 4 mái, được đóng bằng hai cánh cửa gỗ lim nặng trịch có gắn bánh xe ở dưới để đẩy ra vào, mà thời bé tôi vẫn thường đu lên nghịch-ngợm chơi. Nhưng bây giờ tôi thấy con ngõ hẹp ré như thế này, nhà cửa lạ lại xây tràn ra một cách bừa-bãi trong thời chiến tranh dân quê không dám ở ruộng mà dời lên vùng an-ninh hơn, nhờ gần Quận đường, mà Mẹ tôi vốn neo-đơn cũng muốn họ ở cạnh cho vui.Nhưng trước nhà, hai cái bờ thành cao khuất đầu người bằng đá ong rong-rêu, kết dính với 2 trụ vôi lớn thì vẫn còn sừng-sững, cạnh cái sân gạch đỏ hồng phía trong dùng để phơi lúa của nhà tôi thì vẫn vậy, dù mấy cây cam, cây chanh, và hai cây mãng-cầu lão trồng ngay dưới hè có máng mấy chùm hoa Lan mà ngày xưa tôi đã hái trong rừng mang về treo lên đó thì tất cả đều chết đâu mất hết. Mái ngói trở nên rêu phong nhiều hơn. Các khung cửa lá sách sơn màu xám giờ đã phai muốn thành màu trắng nhạt …
Mẹ tôi có thói quen hay dậy sớm thắp nhang nơi bàn thờ, bà mặc chiếc áo dài lam thường dùng đi Chùa, khoác áo ấm ngắn và trùm khăn "len” ca-rô do tôi mua ở Sàigon tặng bà ngày xưa, được xếp theo hình tam-giác, choàng qua đầu rồi thắt nút dưới cằm, làm nổi lên khuôn mặt gầy-gò, da nhăn-nheo, vì trời mùa Đông miền Trung rất lạnh. Tôi gõ cửa hồi lâu Mẹ tôi mới ra mở, vì tai bà đã “nặng” lắm. Khi nhận ra tôi, nhờ giọng nói ngang-ngang ngày xưa thì bà có vẻ hoảng-hốt, bước thụt lùi vào như một phản-xạ tự nhiên do sự sợ hãi, bởi ngại tôi trốn trại mà về. Lời nói bà run-run, vất-vả lắm mới thoát ra được từ cái thanh-quản hẹp dần theo thời-gian, nên bà cất tiếng hỏi tôi một cách khó nhọc: “Con đã về nhà được thực sao, hay là mày trốn tù, thì chỉ có chết cả đám hết”, với đôi mắt lem-nhem như muốn lòa của Mẹ tôi vì những tháng ngày chờ đợi mỏi-mòn, dù chiến-tranh đã kết thúc những 6 năm rồi!Tôi liền nói cho Mẹ tôi biết là tôi “được thả” thì bà mới có chút an lòng !? Nhưng hình như bà chưa tin hẳn lời tôi, vì bà biết tôi là cái thằng mà - dưới mắt bà, cái gì tôi cũng dám “chơi” hết, nhất là thời còn bé xíu mà tôi đã cả gan cầm chuôi pháo đốt rồi cho nổ ngay trên đầu mình, khi những đứa trẻ khác cùng tuổi phải để trái pháo xuống đất rồi e ngại rụt-rè ngồi ở ngoài xa, tay run-run chìa que nhang ra châm ngòi, có khi ngòi pháo chưa kịp bắt lửa thì chúng nó đã vội bỏ chạy te mất đất hết, hai tay còn bịt kín hai lỗ tai lại, để khỏi sợ tiếng nổ, mà tôi cứ tự hỏi sợ tiếng nổ vậy, sao không mua pháo chuột đốt cho rảnh thân !?? Hoặc như hàng rào nhà tôi dày đôi 3 lớp, cao quá đầu người lớn kiên-cố như vậy để chống trộm cướp mà đêm khuya tôi còn dám lén Mẹ trèo qua để xuống đường cái Quan nhập bọn chơi với mấy thằng con nhà “mất dạy”, vì Mẹ tôi sợ tôi nhiễm thói du-côn, hư-hỏng, hỗn láo, nói tục … của bọn chúng , nhưng dù bị đòn cách gì, tôi vẫn không chừa, mà bà vẫn lấy những hành-động này coi như những “thành-tích tiền-án bất-hảo, lì lợm” của tôi thời bé, và bà không bao giờ quên kể lại chúng vanh-vách như những bằng cớ hùng-hồn để “khép tội” tôi mỗi khi bà chưa đủ những lý-chứng quả-tang từ tôi về bất cứ lỗi lầm nào của tôi mà bà nghi-ngờ “thủ phạm” chính là tôi, như khi bà mất quả ổi, hay trái xoài trong vườn… trước khi đánh đòn, mà không hề sợ oan-ức gì cho tôi cả, thì - theo bà, bây giờ tôi cũng dám trốn tù về thăm bà như chơi, làm sao bà tin tôi hoàn-toàn cho được, dù bây giờ tôi đã lớn khôn, đằm tính đi nhiều, dẫu có xa bà quá lâu!? Mẹ tôi cố điều-tiết thực mạnh những cơ mắt vốn đã không còn sức đàn-hồi nữa vì tuổi già, để nhận ra tôi là ai trong bộ đồ “Treillies” cũ sờn, rách bươm, nhuộm đen, mà hai ống quần đã ố lên màu phèn nâu đỏ cứng như mo do lội sình lao-động triền-miên, phèn còn lan lên tới tận đầu gối quần làm thủng nhiều lỗ tưa ra như Jeans fashion của mấy cô cậu Tây phương – nhưng đó là dấu tích của những tháng ngày khổ-sai như ngựa trâu ở một vùng rừng hoang cực Nam của Đất nước, nơi chỉ có muỗi-mòng, đỉa vắt, lau sậy, tràm đước, dừa nước, trâm bầu, bình bát, ô-rô …mà người tù-binh bại trận tức-tưởi chúng tôi phải khai phá … (dù thực sự đến đầu năm 74 miền Nam chưa hề mất một tấc đất nào hết sau khi người Mỹ đã phản bội rút quân khơi-khơi, còn cúp tiền Viện-trợ hàng năm từ mấy tỉ, nay chỉ còn 300 triệu đô thôi, thì cũng đồng nghĩa như tròng vào cổ miền Nam sợi dây thòng-lọng to tướng, nên đương-nhiên miền Nam bị “dứt sữa” ngang xương như vậy phải thua, trong khi miền Bắc vẫn được khối CS viện trợ tới tấp vũ-khí lẫn tiền bạc dồi dào, tăng quân ào-ạt vào Nam bất kể Hiệp-định Paris mà không hề sợ B52 Mỹ dội bom trừng phạt như Nixon đã răn đe trước vì lúc đó Nixon đã bị hạ bệ qua vụ “Watergate” bất ngờ… trong khi miền Nam không còn giọt xăng, không còn đạn dược… thì đấm đá cái gì nữa!? Dù người Mỹ vẫn tự-hào họ đã hy-sinh 58,000 quân tại VN, trong khi chúng tôi phải toi mạng trên 300,000 lính, bị thương với con số gần gấp đôi như thế, bên kia tiêu tùng không dưới 1 triệu “sinh Bắc tử Nam” mà Mỹ vẫn lên án chúng tôi hèn nhát, và cuộc chiến này là của họ… thì trơ-trẽn đến ngần nào!? Chưa kể họ đã ôm đầu máu tháo chạy sút quần, phản bội Đồng-mình… không biết xấu hổ mà còn rêu-rao “Rút quân trong Danh dự” con mẹ gì !). Những tù-binh, chúng tôi phải khai-phá như thời di-dân của chúa Nguyễn trong cuộc “Nam tiến” ngày xưa, đã đánh bật người Miên chạy giạt qua Nam-vang, tạo thành đồng bằng sông Cửu-long trù phú mênh-mông ngày nay, nhưng cùng lúc cũng để lại mối thù truyền-kiếp cho Dân-tộc láng-giềng nhỏ bé này!?
Đôi mắt Mẹ tôi đã mở lớn tột cùng, như không cách gì có thể lớn hơn được thêm nữa, với bờ môi già nua run-run xám ngoét, nhăn-nheo, lắp-bắp những lời nghe không rõ của một người đàn bà bịnh-hoạn đã 72 tuổi ngoài, vượt quá cái mức định lý-tưởng phương Đông là “cổ lai hy”vài năm, mà tôi thấy chừng như bà đã cả 100 tuổi rồi, cơ-cực chi mà cơ-cực rứa hả trời!?Mẹ tôi lạng-quạng muốn té, tay phải vịn vào cửa, vừa mừng rỡ như không tin vào chính trực-giác của mình để nhìn chăm-chăm vào tôi trong bộ đồ tả-tơi dính đầy sình khô lên tới tận bâu áo, tay cầm cái mũ màu cứt ngựa tôi tự làm bằng vải bao cát mà tôi đã nhặt được trong một buổi san đồn “Ngụy”,vốn có những bãi mìn gài sẵn trước đây do chính những người như bọn tôi thiết-kế để phòng-thủ, giờ phải phá đi lấy đất cho dân trồng-trọt, mà “lỡ như mình không về” do rủi-ro bất ngờ bị “ông Địa cười” (mìn nổ: tiếng lóng thời lính-tráng) thì dẫu có banh thây, mình cũng cam lòng, vì “bụng làm dạ chịu” chứ sao? Chân tôi mang đôi dép nhựa nội-hóa đứt quai được nối nhiều chỗ bằng dây kẽm (cũng nhặt được từ trên đồn). Dép màu trắng ngà làm nổi bật những chiếc móng chân đen thui như sắp sút ra vì đã thối, bởi lội ruộng quanh năm, sình nhét vào móng mỗi ngày mỗi ít, từ-từ tăng áp làm chết những mạch máu nuôi móng, chúng sẽ trở màu xanh đen và rụng ra thôi...Khi bà biết chắc là tôi - đứa con lưu-lạc ở cuối miền cực Nam đất nước, mà bà đã không gặp mặt trên chính quê nhà hơn cả thập niên ròng-rã, đầy lửa đạn, còn sống-sót vượt hàng ngàn cây số trở về, thì bà ôm tôi vào lòng rồi bật khóc nức-nở sau những tháng ngày mỏi-mòn chờ đợi, trong khi tôi đã trải qua không biết bao nhiêu “biển dâu”kể từ lúc cuộc chiến tăng dần cho đến khi miền Nam sụp đỗ, rồi tù tội, rồi đày ải...dành cho những người ngã ngựa như tôi. Tôi ôm Mẹ tôi vào lòng, vỗ nhè-nhẹ vào lưng bà mềm-mại như ngày xưa mỗi khi tôi về phép rất hiếm-hoi...Lát sau, thì Mẹ tôi lấy lại bình-tĩnh rồi mếu-máo hỏi vẻ lo-lắng khi thấy tay chân tôi ốm nhom lại đầy ghẻ lở, và da xanh dờn vì sốt rét ngã nước dài ngày không được chữa trị:
-Mày chắc chẳng được khỏe, phải không?
Tôi làm thinh một đỗi, vừa nhìn lên chiếc ảnh Bố tôi đặt trên bàn thờ mới tinh. Ông mặc áo veste, thắt cà-vạt màu đen, nét mặt tươi cười chụp đâu đã lâu được rọi lớn lại để thờ, rồi tôi nói một câu chả ăn nhằm gì tới câu hỏi của Mẹ tôi lúc nãy, nhưng tôi chỉ ngập-ngừng vài tiếng rồi bỏ lửng vì quá nghẹn-ngào:
-Bố.. m..ất hồi n..ào..v.. ậy?
Mẹ tôi không trả-lời trực-tiếp mà chỉ òa lên khóc, lắc đầu, rồi kéo vạt áo dài lên lau nước mắt trông thảm-thương, xong bà cũng nói một câu không nhằm trả lời vào câu hỏi của tôi, như chừng bà muốn thanh-minh vì sao bà không muốn cho tôi hay tin buồn đó, khi tôi còn đang bận việc lao-lung ở một nơi rất xa:
-Làm vậy, Mẹ khổ tâm lắm con, nhưng Mẹ sợ con buồn, rồi sinh bịnh, đâu có ích gì khi con chưa được tha, phần khổ cực, phần đau thương, lại tứ-cố vô-thân, con chịu sao nổi?... Ai cũng là con người chứ gỗ đá gì đâu!? Tội-nghiệp con tôi!
Rồi bà lại nức-nở to hơn, kể-lể gì đó thê-thảm thêm nữa, nhưng tôi nghe không rõ, lúc đó người bà như muốn quỵ xuống vì quá xúc-động, nên tôi đến cạnh ôm bà vào lòng, nói an-ủi:
-Không sao đâu Mẹ, con hiểu mà, đôi khi người ta phải giấu đi những sự thực đau lòng, vì chẳng những nó không ích-lợi gì cho người nghe, mà còn gây thêm những khốn-khổ cho họ nữa, nhất là trong lúc họ đang long-đong, thì đó cũng là một thứ lòng “nhân” đó Mẹ! Hơn nữa, dường-như con là kẻ “mang mệnh biệt-ly”trong người, nên con không được gần-gũi những yêu thương trước khi nó mất!
Sau đó, tôi dìu Mẹ tôi lại ngồi trên góc bộ phản gỗ mà ngày xưa tôi vẫn thường nằm ngủ một mình trước khi đi xa. Chiếc chiếu hoa đã rách đi nhiều chỗ, nhưng cái gối xếp nhiều màu thì vẫn còn đó, chỉ bạc màu thêm mà thôi...Tôi xin phép Mẹ tôi đến bàn thờ Bố tôi để thắp nhang, rồi tôi quỳ xuống lạy Bố tôi mấy cái, cùng khấn vái xin lỗi Bố tôi những điều “không phải” trong bổn-phận làm con khi Bố tôi mất, cũng như lúc ông còn sống mà tôi không thể chu-toàn trước đây một cách trọn vẹn, chỉ vì món “nợ nước” tôi đội trên đầu quá nặng, còn kéo dài, đâu phải một hai năm gì, mà như muốn nuốt hết thời thanh-xuân của tôi, chứ ít ỏi gì, trong tiếng khóc ồ-ồ của một người con trai lận-đận chưa thấy một ngày vui! Mẹ tôi cũng sụt-sùi khóc theo tạo thành một thứ âm-thanh tang-chế trong căn phòng bé nhỏ, sao mà đau lòng kẻ “sắp đi xa”là tôi,đến vậy?
Mẹ tôi đi thay chén nước “tráng” trên bàn thờ, pha thêm bình trà nóng, xong bưng đĩa bánh khô và một ít trái cây đã cúng bảo tôi ăn đi cho khỏe, rồi bà sẽ làm cơm cho tôi ăn chứ đi xe suốt đêm bụng chắc đói lắm! Bà trở lại ngồi nơi góc phản như cũ nhìn tôi đang chậm rãi bóc trái cây ăn, nhưng hình như bà thấy vóc dáng tôi dù ở tuổi trai, nhưng sa-sút quá như chừng lòng bà xót-xa, nên bà buột miệng hỏi lại về sức khỏe của tôi lần nữa:
-Trông mày không được khỏe, bịnh nhiều lắm phải không?
Tôi lặng thinh một lát như đang theo đuổi một ý nghĩ khác, rồi tôi lại cũng nói một câu chả ăn nhập gì tới câu hỏi của Mẹ tôi nữa, và cũng chỉ nói nửa chừng...
-Con về thăm Mẹ vài bữa, rồi con sẽ “ra đi” sớm, như đã từng “ra đi”, nhưng lần này thì...
Mẹ tôi lại khóc ấm-ức, nói giọng lẫy:
-Hẵng mày chờ tau chết cái đã, ngày đó không xa đâu, vì không ai hiểu được sức khỏe của mình cho bằng chính mình!
Bà ngưng ngang câu nói, nghỉ một lát như chừng bà đang xúc-động lắm khi nghĩ đến sức khỏe không tốt của mình, cũng như bằng hiểu rằng thời-hạn sống sót của bà chỉ còn đếm được trên từng tháng, từng ngày mà thôi, nên bà thấp giọng mềm xuống, như muốn thuyết-phục tôi thêm:
-Con phải nhớ là con đã “xa” Mẹ quá lâu rồi ngay trên đất nước, chưa kể những ngày bé dại. Sao lúc nào mày cũng muốn “ra đi”, “ra đi” cho đến bao giờ chứ?
Tôi buồn-buồn nói chậm rãi pha một chút hờn dỗi như thời bé, nhưng tôi cũng cố nói một câu gì đó cho Mẹ tôi an lòng:
-Vì hoàn-cảnh không cho phép con ở lại được, dù con rất muốn “gần” Mẹ, như đã muốn từ thủa ấu thơ, mà rồi con có gần được Mẹ bao giờ đâu!??Nhưng con cố sẽ nghe lời Mẹ một lần...
Mẹ tôi có vẻ không tin lời hứa “nghe lời” của tôi với một khẳng-định vẫn dựa vào tính-tình ngang bướng thời bé dại của tôi để hỗ-trợ cho quan-điểm chắc nịch của bà:
-Tau biết mày vẫn là thằng rất “khó bảo” như ngày xưa!
Tôi hơi bực, rồi nói nhanh:
-Không phải như vậy đâu Mẹ! Mẹ vẫn không hiểu con! Đâu có con chim nào thích rời cái “tổ ấm” của nó sớm như vậy bao giờ chứ!? Nhưng thôi...
@
Tôi ở lại chỉ một thời-gian ngắn với Mẹ tôi để an-ủi tuổi già bà. Tôi có lên rẫy thắp nhang và ngồi trên ngôi mộ của Bố tôi thực lâu. Tôi cũng đến thăm hai ngôi mộ nhỏ của anh Ba và anh Tư song-sanh của tôi ngày xưa cả hai cùng bị bịnh và chết cách nhau chỉ có 1 ngày ở năm 4 tuổi đã khiến Mẹ tôi muốn điên khi đang “ở cử” chị Năm tôi. Cũng nơi đám rẫy này, thời mới lớn tôi vẫn thường xới khoai với Bố tôi, giờ thì Bố tôi đã nằm dưới đất, chỉ còn mình tôi ở đây, rồi một ngày không xa đâu, tôi sẽ chẳng bao giờ trở lại đây nữa để cũng chỉ sẽ nằm xuống một mình ở một nơi nào đó rất xa trên trái đất này mà không ai biết tới hết, hốt-nhiên tôi rùng mình khi nghĩ: “Cuộc đời sao mà nó chia xa khủng-khiếp quá vậy!?” Một vài đứa trẻ chăn bò, và mấy người làm rẫy đi ngang qua nhìn thấy tôi rất “lạ” - bởi đã trải qua một thế hệ rồi chứ ít sao!? Vì lớp lớn hơn tôi thì đã chết già gần hết, lớp nhỏ lớn lên thì không biết tôi là ai, bạn cùng lứa thì lớp “nhảy núi” theo phía bên kia trong thời chiến-tranh cũng đã chẳng trở về, lớp ở bên này như tôi cũng thế, nên tôi cảm thấy mình lạc-lõng vô cùng ngay trên chính quê hương của mình! Do đó khoảng hơn một tuần sau tôi phải trở lại miền Nam, hầu bắt đầu một cuộc hành-trình khác, nhiều gian-nan và nguy-hiểm hơn.Hôm từ biệt, Mẹ tôi vịn vai tôi giọng nghẹn-ngào đầy lệ, chỉ chực tắt trong cổ họng, nói:
-Mẹ biết đây là lần cuối cùng, thế nào con cũng “bỏ” Mẹ mà đi. Thôi thì, con đi mạnh giỏi, cầu mong Trời Phật phù-hộ cho con, vì Mẹ đã chẳng làm được việc gì cho con vui ngay từ thủa ấu thơ mà chính mẹ cũng không hiểu vì sao!? Nhưng con nên nhớ điều này: “Đâu có người Mẹ nào lại ghét bỏ được con cái mình, nhất là một đứa trẻ như mày, lúc nào cũng muốn gần bên Mẹ. Con chó nó còn biết liếm con nó cho mau khô để được ấm áp khi con nó mới vừa lọt lòng cơ mà..!?” trong những tiếng nấc dài của Mẹ tôi, nghe như những mũi kim ném vào lòng tôi lúc đó... Tôi đứng lặng im, hơi cúi đầu xuống một chút để giấu cơn cảm-xúc, tay cầm cái mũ bằng vải bao cát tả-tơi đã bạc màu với nắng mưa, vừa vân-vê trong lòng bàn tay như thói quen từ tấm bé, mà tôi coi đó như là sự “gần-gũi”duy-nhất của chính mình do tôi tự tạo ra, như một “điểm tựa”để cho tôi bám-víu mà tìm chút “hơi ấm” trong lòng, vốn đã nguội lạnh từ bé, vì tôi đã chả biết bám-víu vào đâu - nếu như chẳng bám víu vào “khoảng không” trước mặt lẫn sau lưng - nói cách khác là tôi cảm thấy mình “lạc-lõng-ngay-giữa-cõi-đời-này” , mà tôi vẫn cố đi tìm một cái gì đó không biết gọi tên, nhưng không bao giờ tôi chụp bắt được nó như chụp lấy chiếc bóng của mình, nên có lần tôi viết trong Nhật-ký:
“Miệt-mài ôm trái tim khô,
Tôi đi giữa cuộc đời vô-tình này!?”
Tình cảm này, tôi cũng đã ghi rõ trong lời tựa cuốn sách thứ 9 của tôi đã in ở Hải ngoại, tập Thơ “Niềm yêu dấu còn hoài” như một lời tâm sự riêng tư mà tôi đang có, vì tôi không thể chạy trốn tôi bằng cách tự lừa dối mình được nữa: “Tôi có cái mà người ta không cần, và tôi cần cái mà người ta không có, vì thế cho nên tôi bơ-vơ, vì thế cho nên tôi lạc-loài, vì thế cho nên tôi cô- đơn (solitaire)chứ chả phải cô-độc (seul) gì, bởi ngày nào tôi lại không nhìn thấy Thiên hạ đi ngang qua trước mặt tôi, mà lòng vẫn dửng-dưng nhau” , nó ứng-nghiệm với câu nói vô-biên của Miller mà tôi đã đọc được ngay trong thời mới lớn khi trái tim tôi lỡ đầy ắp những suy-tư: “Người là con vật cô đơn nhất hành tinh!”mà - đôi khi - vì bản tính hay đời sống đã làm con người quên lãng đi chính thân-phận (condition humaine) của mình mà thôi, nhưng vẫn không tránh được bản chất Định-mệnh tất-yếu đó nằm ngay giữa mỗi con người ….….
Tôi đã không có cái gọi là “nơi sau cùng” mà người ta thường chọn để quay về trong những khi thất-vọng nhất, vẫn thường được họ ví-von một cách sung-sướng, đầy thân-thương là “Tổ ấm” - mà tôi rất ít khi được ở trong đó!? Rồi bất-thần tôi lặng-lẽ quay phắt người đi thực nhanh, như chừng tôi có cảm-tưởng rằng nếu như tôi chậm-chạp một giây, thì tôi sẽ đổi ý ngay, cùng lúc tôi nói buồn-bã với Mẹ tôi lần cuối: “Thôi, Mẹ vô nhà kẻo lạnh!Con đi !”vừa vội bước xuống hè, cúi người thực thấp để được khuất sau dãy hàng rào cây ngâu, với dụng-ý muốn thâu ngắn những bịn-rịn do tình “mẫu-tử” còn sót lại của hai Mẹ con tôi, trong buổi chia tay, mà tôi biết chắc không bao giờ tôi còn được gặp lại người Mẹ tôi rất thương yêu một lần nào nữa cả!!! Nói rõ ra là tôi vĩnh-viễn xa Mẹ tôi luôn, từ giây phút ngắn-ngủi buồn tủi đó ...
Sau này, dù tôi đã đến được Úc rồi, Mẹ tôi vẫn không biết tôi ở đây vì tôi không muốn bà thất-vọng khi bà vẫn còn nuôi cái ảo-tưởng mong-manh rằng tôi “còn ở lại” với bà như tôi đã hứa cho bà yên tâm. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi thất hứa với Mẹ tôi kể từ khi tôi lớn khôn, bởi vì trong giữa những cái “đau thương”, tôi lựa chọn cái “ít đau thương nhất”chứ không phải niềm “Hạnh-phúc”, vì tôi biết đằng nào tôi cũng phải “mất” Mẹ tôi như đã từng mất từ tấm bé, thế thôi....Và, sau đó một thời-gian chả bao lâu, thì tôi biết Mẹ tôi qua đời vì bịnh già, khi người bạn làm việc ở Endeavour Hostel, nơi tôi trú ngụ đầu tiên trên đất khách, cầm cái điện-tín trao cho tôi, lúc tôi vừa mới dọn ra ở phố Erskineville một thời-gian ngắn.Tối hôm đó tôi không ăn cơm, mà ra cái Park cạnh đó nằm suốt đêm trên ghế đá, và tôi nhớ là trời mùa Đông rất lạnh, giữa khuya tôi ngồi bật dậy bất ngờ tôi sờ lên má mình thấy ướt, không biết nước mắt hay sương, nhưng tôi có cảm-giác hình như tôi đã khóc để tạ lỗi với Mẹ tôi rằng tôi đã phải “nói dối”với bà...Tôi móc trong túi lấy chiếc khăn tay để lau mặt, vô-tình tay tôi chạm phải miếng giấy nhỏ, tôi chợt biết đó là cái “receipt” tôi nhận từ nhà Bưu-điện trong tuần trước, khi tôi đã gửi gói quà đầu tiên về Việt-nam cho Chị tôi ở Sài-gòn, trong đó có chiếc áo ấm và trăm bạc Úc nhờ Chị tôi đổi ra bạc VN cho Mẹ tôi khỏi biết, cùng với chiếc thư ngắn thăm bà, dù trên đầu thư tôi lại ghi nơi viết là tên một Tỉnh ở miền Nam mà tôi từng ở trước đó, nhờ Chị tôi trao lại tất cả cho Mẹ tôi, nói là tôi ở dưới Tỉnh gửi về để bà khỏi nghi-ngờ gì! Cái áo được mua từ số tiền tôi dành dụm bằng nghề hái dâu khi còn ở trong Hostel, mà hồi đó sáng nào cũng có xe của những Chủ trang-trại Úc chờ sẵn trước cổng để lấy công-nhân gọi là “Fruit-pickers” từ đám người Tỵ-nạn mới tới, muốn có chút tiền hầu giúp đỡ gia-đình bên kia, nhưng hẳn Mẹ tôi chẳng bao giờ được mặc chiếc áo ấm tình-nghĩa đó như chút lòng của một đứa con đang lận-đận nơi phương trời xa mù-mịt với những giọt nước mắt khô, qua những vần Thơ như niềm đau miên-man mà tôi chịu đựng:
GỬI ÁO CHO MẸ
Bây giờ là mùa Đông,
Gió bấc thổi ngoài đồng,
Lòng Mẹ buồn biết mấy,
Nhớ con nhiều, phải không?
Bao năm xa Mẹ rồi,
Đời lưu-lạc khắp nơi,
Thương Mẹ nhiều lắm chứ!
Nhưng làm sao, Mẹ ơi!?
Từ Nam bán-cầu này,
Nhìn những tảng mây bay,
Lênh-đênh về phương Bắc,
Con nhớ Mẹ từng ngày!
Gửi Mẹ chiếc áo bông,
Mẹ mặc cho ấm lòng,
Chút tình con xa xứ,
Một đời sao long-đong!?
Chiều qua được tin buồn,
Nước mắt bỗng trào tuôn,
Chiếc áo chừ chưa tới,
Mồ Mẹ đầy khói hương!
Cha chết con trong tù,
Ôm nỗi buồn thiên-thu,
Chừ, Mẹ về bên nớ,
Lòng con khói sương mù...!!
Bài thơ làm khi tôi đến Úc được 1 năm, cũng là năm Mẹ tôi mất, tính ra đã 14 năm rồi, 14 năm “biển dâu” mà tôi vẫn cứ ngỡ như mới hôm qua, nhất là trong mùa “Báo-hiếu” nên có đôi lúc tôi tự hỏi: tôi đã làm được gì cho Mẹ tôi chưa, hay cứ làm khổ bà trong lúc tôi vẫn còn lận-đận!? Và, nếu như bây giờ tôi chết đi, thì cũng hãy còn “trẻ”, nhưng nếu tôi tiếp-tục sống thì quả tình tôi cảm thấy “muộn-màng”, khi nhiệt tình đã cạn…vì tuổi xanh con người được bao lâu, mà tôi đã bỏ ra 11 năm lận-đận cho cuộc chiến vô-ích…giờ lưu-vong, tôi còn làm được gì ra trò nữa đây!? Cho nên, tôi vẫn thường tự vỗ-về mình bằng một hệ-số của Định-mệnh, và từ đó tôi nảy sinh ra lòng thứ-tha, thứ-tha chính mình, thứ-tha kẻ khác, để cho tôi còn được chút “Niềm tin” , dù có mong-manh cũng phải bước tới - bước tới của một người đã từng bước qua cửa ngõ của Công-danh, và đã từng trầm-luân dưới biển mù của sự Thất-vọng... Nếu không, tôi sẽ ngã quỵ xuống, rồi hốt-nhiên tôi đã thì-thầm với tôi: “Mày hãy đứng dậy mà đi! Phải tự làm một cuộc Cách-mạng tâm-hồn cho chính mày, vì thực ra – dù cuộc đời này vốn phù-du vô-vị cách nào, thì nó cũng chỉ để sống, và cũng chỉ để chết, nên hãy buông đi những thất vọng đau thương ta ơi… mà làm lại tất cả.. refaire la vie !” như lời an-ủi thường-trực, dính cứng vào trí nhớ vốn mòn-mỏi của tôi ở cuối trời xa thẳm này, mà lúc nhìn quanh - đôi khi - tôi chỉ thấy có mỗi chiếc bóng của chính tôi thôi...!?
Nguyễn Tư
Mời vào xem Khu vườn văn nghệ Nguyễn Tư
Trang web: http://www.kvvnnt.com.au
Last updated 08/27/2014 |