banner Các Thế Hệ Thầy Cô
side2

Tet

Những ngày giáp Tết, mọi việc trở nên gấp gáp, bộn bề và nhiều lo toan hơn. Nhà nhà tổng kết năm, người người chú tâm làm cho xong những công việc trước đó vốn được phép làm chậm rãi…
Ban đêm và giấc ngủ của con người ngày giáp Tết cũng có những đặc biệt khác hơn ngày thường. Ngoài những đêm ngủ say ngon lành, những khoảnh khắc Tết có thể cảm nhận được sâu lắng nhất có lẽ không thiếu những đêm khi đất trời giao mùa.

Tôi vẫn nhớ những buổi tối khoảng rằm tháng chạp trở đi, ở tỉnh lỵ im ắng này cách đây mấy mươi năm. Đó đây đì đùng pháo Tết. Trục đường chính- Đường Giữa- xe  đạp tấp nập… bà con đi dạo thì cũng có chút ít nhưng đi mua sắm lặt vặt thì nhiều. Từ con sông Quay cho đến khu Hồ Nước Ngọt, từ bến xe Bạc Liêu đến khu chợ và tràn ra bến Trường Hưng. Nhiều gà vịt, nhiều bông hoa, nhiều trái cây, nếp đậu hơn ngày thường.
“Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết…Vài thằng cu áo đỏ chạy lon xon…”- Đoàn Văn Cừ

Cả bến Nguyễn Văn Kiểng và bên kia rạp Hòa An cũng tấp nập thuyền bè chở hàng từ các làng xã, nhà vườn lân cận cùng kéo nhau ra chợ. Mua bán, mặc cả, cãi cọ râm ran, và cả những câu “xang xự líu” phát ra từ cái máy hát bình ắc quy bềnh bồng như từng lớp sóng thương hồ vùng lục tỉnh... Trong những năm khó khăn thì hàng hóa ít hơn. Vào những năm khấm khá nhờ được mùa, nhờ viện trợ nước ngoài thì các gia đình mua sắm nhiều hơn một chút trong sự tiết kiệm, gắng ấm áp cho hương vị cuối năm.

Trước 75, những tiếng đì đùng, ùng oàng nhắc chiến tranh vẫn còn ngoài cửa, nhắc người anh vẫn trong phiên gác đêm xuân và người chị lặng lẽ thêu những chiếc khăn tay bỏ vào gói quà đơn vị. Đêm giao mùa không thanh bình và trong lòng mọi người se sắt những lo âu khi mơ hồ khi thì mồn một, như sờ thấy được.

Thời gian sau này, vượt lên trên những lo lắng và khốn khó hậu chiến, mùa xuân vẫn sang không gì cưỡng lại được. Người đi làm về muộn một tí tạt qua ven đường làm vài cốc rượu, người bươn chải cả năm ở tỉnh khác, cả những người chạy gạo vất vả suốt bốn mùa.. vào tầm những ngày này cũng đã cố gắng có mặt ở quê nhà. Dạo ấy, cũng không hiếm người được trả tự do trước Tết, trở về và tay bắt mặt mừng khe khẽ với các chiến hữu ngày trước giờ đang hoàn tất vội cuốc xe lôi, hay chờ một ông bạn học cũ đẩy xong một đợt hàng trên chiếc xe gỗ kĩu kịt, cùng tiễn những ngày tàn năm cũ. Họ cùng nhẹ nhàng bên ly rượu đế thơm đắng, thảng hoặc chậc lưỡi để tan đi những muộn phiền, những nhọc nhằn chưa xóa nhòa trong ký ức trong tâm hồn...

Giấc ngủ bên hiên nhà những đêm hai mươi mấy Tết mang đủ hương vị của một thị xã quạnh quẽ bổng nhiên bừng dậy sức xuân. Giấc ngủ ngon lành ư? Chưa hẳn. Có khi ngủ lơ mơ rồi chợt tỉnh vì những lá mai được tỉa bay lả tả trên cái chõng tre, có khi vì cánh cổng kẽo kẹt đón ông anh đi lai rai du xuân đâu đó về nhà hai ba giờ sáng, có khi vì tiếng một đoàn nhà nông gánh hàng ra chợ Tết. Giấc ngủ ấy của tôi lơ mơ, không sâu nhưng ngon lành hơn bất kỳ giấc ngủ nào trên đời.
Giấc xuân nồng hơn cũng nhờ những cơn gió nhẹ của mùa này.  Gió ban đêm giáp Tết chưa qua năm mới vẫn là gió Đông, ray rức nhưng không lạnh, chỉ vừa đủ cho giấc ngủ bên thềm nhà cảm nhận giá trị hay dư vị của ấm áp.

Rạng những sáng giáp Tết vẫn gấp gáp nhưng nếu ai đó tự cho phép mình nằm nướng một chút, nghe văng vẳng vài câu vọng cổ miệt vườn thì không gì bằng.
Những lúc này, có khi ta chỉ cần ngủ 4,5 tiếng rồi thức sớm ra ngồi bên hàng ba nhà, văng vẳng nghe loa phát thanh nói gì gì đó, nhìn về hướng đông có một vầng ráng đỏ buổi sớm mai, trong cơn ngái ngủ cũng có thể thấy áo nàng xuân đang lồng lộng đến gần.
Cũng trong sự tình cờ, trong giấc ngủ lơ mơ, trong tiềm thức nửa vội vã nửa trì hoãn giờ khắc giao thừa đang đến (khi xung quanh ta cứ rời rạc, bộn bề, chưa đâu vào đâu ấy) chính là hạnh phúc và là niềm vui không khác những mùng một hai ba, lúc tất thảy đã tươm tất và đâu vào đấy.

Có lẽ chính trong cảm xúc đầy do dự, luyến tiếc điều gì đó không biết, không chừng không đỗi ấy mà bài hát “Lại một xuân nữa đến trong khói lửa chiến tranh…” khiến con người bàng hoàng nhận ra rằng những đêm giao mùa luôn xinh đẹp, tinh khôi và ấp ủ nhiều mong chờ.
Gió lành trong giấc xuân khác gió lạnh đêm hè nghe mưa lộp bộp trên mái tôle. Nhưng cả hai loại hơi lạnh đó cùng mang về nỗi chạnh lòng thương mến cho những bước chân còn lưu lạc xứ người, những chí trai áo lộng gió bốn phương, vẫn còn dong ruỗi ở vùng trời thăm thẳm không tên nào đó.

Ở quê tôi những ngày ấy, đêm 28 Tết (hoặc 27 năm nào không có 30) sẽ là đêm có chợ Tết. Những chuyến tàu sông dài mang hoa tươi làm đẹp cho phố xá phải cật lực bán cho hết mai, cúc, vạn thọ để còn về lại Long Phú, Ngã Năm, Trà Cú… Dĩ nhiên, nếu bạn không đi chợ Tết để vui thâu đêm mà nằm ngơi trên võng lắc lư ngoài sân vườn cũng ý vị vô cùng. Lặng nghe bước chân kẻ lại người qua, lặng nghe câu được câu mất những người nông dân Khơ Me gánh hàng, lặng nghe ngày mới đang đến, năm mới đang đến.

Tôi vẫn nhớ một đêm có chợ Tết: cánh cửa nhà cũ kỹ xịch mở và cha mẹ tôi mang một cành mai đầy búp về nhà.
Nồi bánh tét ấm áp cách đó mấy mét đã được thay nước mới trong khi tôi, người được giao nhiệm vụ này, thì đã thiếp đi  hồi nào trong giấc ngủ mùa xuân mơ màng và lơ đễnh…
Pháo vẫn cứ đì đùng… bếp lửa vẫn cứ lách tách còn những búp hoa mai lặng lẽ chuyển mình và hé nụ giữa những cành xanh đẫm ướt những sương đêm….

Một mùa Xuân thắm xinh đang ở bên thềm, đang đi qua bậu cửa và đi qua trong cơn ngủ lơ mơ, lơ mơ và ấm nồng….

Nhâm Thìn 2012

Trần Gia Tôn




        Xuan ve

 

 

 

 

Last updated 1/6/2012

 

 


 

 

side2
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1