banner Các Thế Hệ Thầy Cô
side2
tet

Hương Xưa (HD 68-75)

     Hằng năm, cứ vào khoảng cuối tháng chạp, khi cơn sốt mua sắm tạm lắng đọng, tôi thường cố gắng thu xếp công việc, kỳ kèo... với sếp lớn, sếp nhỏ để được về ăn Tết với gia đình tận bên thành phố Mobile, tiểu bang Alabama. Năm nay cũng thế, lúc đầu tôi và đứa con trai nhỏ, Hiếu, định sẽ bay qua Dallas rồi từ đó rủ thêm đứa con trai lớn, Chương, cùng lái xe về Mobile khoảng chừng mươi tiếng đồng hồ. Đường dài sẽ là lợi thế để ba mẹ con hàn huyên, chưa kể nếu có đứa em họ nào muốn quá giang theo thì nhất cử lưỡng tiện. Mấy năm trước, khi các cháu chưa tới tuổi đi học, anh chị em tôi từ Houston và Dallas đổ về nhà me tôi để hưởng không khí quây quần ba ngày xuân. Nhưng gần đây, các cháu tôi lớn dần, không thể nghỉ học ngang xương để về nhà bà ăn Tết, nên năm nay chỉ có bé Út, gia đình bé Hồng (em út thật sự) và tôi ăn Tết với mẹ.
     Gần đến khi mua vé thì Hiếu cho biết ngày trở lại trường của cháu nhằm vào mùng một Tết nên... trớt quớt. Thế rồi hai mẹ con tôi đành phải chia đôi. Hiếu sang Dallas ăn Tết trước với Chương và họ hàng bên đó. Còn tôi đổi lộ trình: tới Houston, sau đó quá giang gia đình bé Hồng về Mobile vì đối với tôi, một năm hai lần về thăm nhà là niềm hạnh phúc, là việc cần thiết trong lúc me tôi còn khỏe mạnh.
     Tôi đáp xuống Houston vào buổi chiều, ghé thăm chúc Tết gia đình các cậu dì một cách vội vàng rồi sáng hôm sau khởi hành đi Mobile. Trời thật đẹp, ấm áp tới không ngờ, cái áo coat nặng chịch mang theo trở nên thừa thãi. Bảy tiếng đồng hồ ngồi xe với chúng tôi chỉ là chuyện nhỏ vì đây là cơ hội cho chị em tâm sự, kể lể cà kê (cứ y như rằng lâu lắm rồi chúng tôi không có dịp gặp nhau) cộng thêm hai đứa cháu nhỏ xíu rất quậy nên trên xe lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười, tiếng ca và cả tiếng gào của bốn người lớn và hai đứa bé!.
     Mặc dù năm nay nhà vắng hơn, nhưng không khí Tết không vì thế mà kém phần vui tươi, ấm cúng. Chúng tôi cộ về vô số quà biếu của cậu mợ, dì dượng... Năm nay tháng Chạp thiếu nên giao thừa rơi vào ngày 29. Bốn chị em gái cùng nhau nấu nướng cơm canh để cúng ông bà. Vì không đông đủ mọi người, nên Me tôi ngỏ ý chỉ cúng giản dị, không bày vẽ như thường lệ. Ngoài cà ri gà là món sở trường của me tôi, thịt kho tàu và dưa giá, bánh chưng, bánh tét, củ kiệu tôm khô như mọi năm, tôi làm nem chua, Bé Tám làm thêm món dưa đầu heo để đám đàn bà con gái cuốn bánh tráng, rau thơm chấm mắm nêm cho đỡ ngán với các món ăn Tết kể trên. Thường phải có một nồi canh khổ qua nhồi thịt, nhưng năm nay em rễ tôi thèm lẫu hải sản nên cả nhà di du chìu theo ý anh chàng, vì e rằng nấu nướng ắp lẫm ra rồi sau 3 ngày Tết chúng tôi đi hết thì ai vô đây ăn giùm?
     Ăn Tết với gia đình vốn là đặc ân, là niềm hạnh phúc lớn đối với riêng tôi. Ở đó, tôi cảm thấy tôi vẫn bé bỏng trong tình thương bao la của bố mẹ và họ hàng. Tôi vẫn hay hồi tưởng về những năm rất xa xưa, khi chúng tôi còn nhỏ, me tôi thường chuẩn bị cho buổi ăn tối sau giao thừa rất chu đáo. Mọi người dù lớn hay bé cũng đều góp tay vào buổi tiệc tân niên này. Thường là khăn trải bàn trắng mượt với bình hoa huệ tinh khôi nằm giữa chiếc bàn dài được bày ngoài sân trước, chung quanh là những món ăn vừa ngon, vừa trông thật bắt mắt như chả giò, cà ri, gà luộc, bánh phồng tôm... ngoài những món ăn truyền thống của ngày tết. Chén đũa, ly tách cũng là thứ đặc biệt chỉ giành riêng cho những ngày trọng đại như hôm nay. Con nít được dùng loại ly rượu có chân dù chỉ uống xá xị con cọp, vì sẽ cùng nâng ly chúc mừng khi bản nhạc “Ly rượu mừng” cất vang lên từ chiếc radio để gần đó. Sau bữa ăn là phần mừng tuổi, chúng tôi mặc bộ cánh mới còn thơm mùi vải, sắp hàng từ lớn tới bé, hồi hộp chờ tới phiên mình để chúc Tết và nhận tiền lì xì từ bố mẹ. Tất cả đều được thu âm để giữ làm kỷ niệm. Anh cả tôi rất chững chạc nên lúc nào lời chúc của anh cũng được bọn tôi chíp trong bụng và lập lại một cách máy móc. Anh Tư và anh Năm thì hơi rắn mắc, thích chọc ghẹo nên hay bắt lỗi đủ điều, có năm hai anh lớn tiếng làm cho bé Chín vì không tròn lời chúc nên tủi thân, khóc òa. Đó là năm Mậu Thân, sau đó hai anh tôi lại có dịp chì chiếc “đầu năm mà mày khóc nên mới xúi quẩy”, tội cho em trai tôi bị hai ông anh ăn hiếp. Những kỷ niệm ấy, tôi vẫn ôm ấp, cất giữ trong tim và mong mỏi, hy vọng mỗi dịp xuân về tôi lại có dịp tô đậm lại những hình ảnh thân yêu không bao giờ nhạt phai trong ngăn ký ức nhỏ nhoi của tôi. 
     Ngày mùng Một và mùng Hai, các cậu dì và con cháu gọi điện thoại chúc Tết me tôi và luôn tiện thăm dò xem chúng tôi ăn tết ra sao, có lắc bầu cua hay đánh bài tứ sắc, ai ăn ai thua... Gia đình bé Mười từ Việt Nam cũng gọi sang nói chuyện với cả nhà làm cho không khí Tết thêm phần rôm rả.
th1     Sang ngày mùng ba Tết, như đã hứa với hai chị Sao Mai và Minh Giang, bé Tám và tôi dù tâm sự một loài chim biển tới gần 2 giờ sáng cũng phải lên giây thiều đồng hồ báo thức lúc 7 giờ để chuẩn bị làm thân Tư Ếch lên đường đến thành phố New Orleans, nơi cư ngụ của hai chị. Đây là lần đầu tiên Tám ta lái xe đường trường nên tôi ngồi bên nhấp nhổm không yên. Nhờ chúng tôi có rất nhiều chuyện để kể cho nhau nghe nên quãng đường hơn hai tiếng cũng trở nên ngắn ngủn. Chị Sao Mai và anh Hưởng gọi phone yểm trợ liên tục cho đến khi chúng tôi chiếm tọa độ. Theo chương trình, chúng tôi sẽ gặp hai chị tại nhà chị Sao Mai, rồi ăn trưa, rồi chị Minh Giang đích thân đưa chúng tôi dạo công trường French Quarter, ngắm sông Mississippi vì chị Sao Mai phải đi đón cháu nội tan học. Nhà chị Sao Mai tọa lạc trong khu trù phú nhất nhì thành phố Harvey, là căn nhà đẹp nhất mà tôi biết từ trước tới nay với sự chăm sóc tỉ mỉ của chủ nhân. Nhưng điều thú vị nhất là nhân dáng chị trông rất giống bạn thân của tôi, từ mái tóc dày bồng bềnh dợn sóng, dáng người nhỏ nhắn, cho đến cặp môi trễ, cách nói chuyện lững lờ, hài hước... làm chúng tôi phải trầm trồ, ngạc nhiên tưởng chừng hai người bà con thân thích với nhau.  Các bạn đoán thử chị Sao Mai giống ai???
 th2    Riêng nhà thơ nữ Minh Giang, tôi đã kỳ thanh chị từ lúc thơ chị bắt đầu xuất hiện lại trên các web Hoàng Diệu trường nhà, nay được kỳ hình mới thấy chị thật là thanh thoát, bình dị.  Chị vẫn còn đi dạy, và thời giờ còn lại chị làm thơ, trồng hoa nên chị kêu rằng nhà chị y như cái rừng khi nghe tôi ngỏ ý ghé thăm. Tôi quên không cho chị biết “Đâu bằng nhà em giống cái lò pế” để chị yên tâm. Chị đưa chúng tôi dạo xem phố New Orleans nơi cơn bão Katrina đã tàn phá không nương tay cách đây hơn năm năm. Sau cùng xe dừng lại bên bờ sông Mississippi khi bóng chiều gần biến mất trong cơn gió lộng, chúng tôi vội vã chụp vài tấm hình với nhau, với tóc tai giạt trôi, bơ phờ.
th3     Không đủ giờ để đi hết vòng khu phố nổi tiếng của New Orleans, điểm bắt buộc dừng chân để có dịp nổ với bạn bè là quán cà phê Du Monde có mặt hơn một trăm năm với bánh tiêu đường beignet nổi tiếng của Pháp, du khách tới đây nhất định phải ghé qua một lần cho biết. Cà phê không thể bì được với cà phê phin Việt nam theo thiển ý của tôi.Còn bánh tiêu thì hình chữ nhật dài ngắn cỡ ba lóng tay chụm lại, làm bằng bột mì lên men, chiên phồng giống như cái gối, hơi giòn, bên ngoài rắc lên lớp đường bột. Chị Minh Giang từng làm ở tiệm này nên có anh waiter già chào hỏi chị rất thân ái. Khi ra về chị dẫn ngang qua nhà bếp để chúng tôi có dịp xem lóm cách họ cán bánh đưa qua khuôn trước khi vào lò chiên.
6     Chia tay bịn rịn tới gần tám giờ tối mới tới nhà. Chiến lợi phẩm mang về gồm một chậu mai, bốn túi quít, một túi cam, một tập thơ có chữ ký của tác giả, và hai cái bụng no cành hông cộng thêm hai cái miệng cười toe toét vì được hai chị hậu đãi nồng nhiệt. Me tôi vui vì hai cô con gái bô lô boa loa về tình đồng môn Hoàng Diệu “Ý là lần đầu mà các chị cưng như vầy, năm sau đi nữa chị hé.”
     Mùng bốn Tết, chúng tôi cúng hóa vàng. Mùng năm chia tay hẹn ngày giỗ Bố vào tháng Bảy. Trên đường trở lại Houston, tôi
gọi hai chị để cám ơn thì hay tin Hồng Nhan bệnh. Nhẹ thôi, nhưng cũng đủ là cái cớ để tôi gọi thăm hỏi. Con nhỏ mừng rỡ, hí hửng nói huyên thiên, biết đâu nhờ vậy mà hết bệnh, không cần uống thuốc!
th4

     Tôi lên máy bay về lại Sacramento mà lòng không khỏi bùi ngùi. Lúc chia tay, em tôi nói “Mỗi lần từ giã Mobile là em buồn tới ba bốn bữa...” Tôi mạnh dạn lắc đầu, có gì mà buồn, mai mốt gặp lại nỗi vui sẽ được nhân đôi. Nói vậy chứ tôi cũng âm thầm chậm nước mắt lúc nhìn qua cửa sổ khi phi cơ từ từ cất cánh rời Houston...
     Hẹn nhau mùa xuân năm tới!
8

Hương Xưa (HD 68-75)

 

 


side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1