Tôi là một cái cổng của một trường trung học nghèo nàn. Tôi được dựng lên trong thời chiến, tại một tỉnh lỵ nhỏ bé của miền Nam, Viêt Nam, cho nên tôi khôg được trang trí uy nghi tráng lệ như các bạn đồng nghiệp khác trong những thành phố lớn và phồn thịnh hơn.
Thân thể tôi có hai phần. Phần trên có một tấm bảng dài mang tên của ngôi trường. Phần dưới có hai cửa để ra vào: một cửa lớn, là cổng chánh, và một cửa phụ nhỏ bên hông. Cửa chánh được mở ra suốt niên học, vào buổi sáng trước lễ thượng kỳ và buổi chiều vào lúc tan trường. Nhưng cửa nhỏ bên hông thì luôn luôn được sử dụng trong giờ học hoặc vào mùa hè.
Dù là một cái cổng bằng gỗ đơn sơ, nhưng tôi rất hãnh diện vì được mang tên của một vị anh hùng đã hy sinh cho đất nước Việt Nam vào thế kỷ thứ mười chín – Tổng Đốc Hoàng Diệu. Tuy là mội cái cổng trường, nhưng trách nhiệm của tôi cũng không kém phần quan trọng. Ngoài việc điển hình cho môi trường phát triển trí tuệ, tôi còn có có nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn cho học sinh và giáo chức. Tôi đã kiên trì với nghĩa vụ hàng ngày của tôi qua các cuộc thăng trầm của đất nước. Sau đây là những kỷ niệm vui buồn đặc biệt trong ký ức của tôi.
Đã mang cái thân hình mỏng manh nầy mà còn bị mưa gíó vùi vập triền miên khiến cho tôi già đi trước tuổi. Đôi khi các lớp sơn trên thân thể tôi bị tróc ra từng mảnh tả tơi. Còn phần gỗ bên trong có chỗ bị mục nát và lòi ra trơ trọi. Vào mùa mưa, tôi chẳng những bị thấm nước mà còn bị mọt ăn lở loét. Điều nầy không làm tôi ngạc nhiên. Vì trong một quốc gia nghèo nàn, lại phải đương đầu với chiến tranh, thì mạng sống của con người còn không được tôn trọng thì còn nói gì đến một thanh gỗ vô tri.
Ngày tháng trôi qua, đã trên nửa thế kỷ rồi, nhưng tôi vẫn còn đứng chơ vơ hứng chịu những cơn mưa tầm tả của mùa thu rồi đến những ngày nắng cháy của mùa hè. Hình thức bề ngoài của tôi rất đơn giản, nhưng nội tâm thì rất dễ bị giao đông, vì tôi thuộc loại giàu tình cảm. Khi ngôi trường được mở cửa lần đầu tiên, tôi rất hân hoan vì được nhiều người chú ý trong buổi lễ cắt băng khánh thành cho ngôi trường mới. Sau đó thì kẻ vào người ra rất nhiều, nhưng không còn ai bỏ ra thời giờ để ngắm nghía hay trầm trồ khen ngợi tôi như những ngôi trường danh tiếng tại Việt Nam hoặc ở các nước trên thế giới. Mỗi năm, nếu kinh tế thịnh hành thì tôi được chỉnh trang lại, hoặc ít ra cũng được tô lên một lớp sơn mới. Nhưng khi nền kinh tế suy thoái, hoặc chiến tranh bộc phát cao độ thì tôi bị bỏ quên. Tuy nhiên, tôi không cảm thấy chán nản, vì tôi có nhiều cơ hội để mục kích những thay đổi đột ngột của sinh hoạt học đường theo làng sóng thăng trầm của đất nước.
Vào mùa Thu, khi thời tiết mát mẻ, cái vui sướng nhất của tôi là được người ta cẩn thận tô lên một lớp sơn mới để chuẩn bị chào đón sự náo nức của ngày tựu trường. Từ lúc sáng sớm, chú lao công đã cẩn thận mở toang hai cánh cửa phần giữa của tôi để tiếp đón hàng trăm học sinh, phụ huynh, và giáo chức lũ lượt kéo đến cổng trường. Khung cảnh nhộn nhịp tưng bừng như ngày hội. Tôi hân hoan ngắm nhìn những những đàn bướm xinh xắn lần lượt bay vào sân trường. Các nữ sinh duyên dáng, trong những chiếc áo dài trắng thướt tha. Các nam sinh thì gọn gàng với bộ đồng phục áo trắng, ngắn tay và quần dài xanh.
Những em học sinh cũ thì náo nức khi được trở lại sau mùa hè. Vì đã quen thuộc với ngôi trường nên các em chạy tung tăng vui cười náo nhiệt. Khi tìm lại được các bạn cũ của mình là tụ năm tụ bảy chuyện trò tíu tít. Trái lại, những em học sinh mới vào trường lần đầu tiên thì có vẻ hơi lo âu. Các em ôm cặp sách sát vào mình hơn, như muốn nhờ nó che chở cho những biến chuyển của niên học sắp tới, với ngôi trường lạ. Các giáo chức cũng không kém phần xôn xao và hãnh diện khi nhìn đám học sinh dễ mến và hăng hái của mình. Những vị nầy đã sẵn sàng chấp nhận nhiệm vụ cao cả của họ khi niên khóa bắt đầu. Với sự thông cảm và lòng kiên nhẫn, họ sẽ tận tâm uốn nắn những tâm hồn non trẻ nầy từng bước, với niềm hy vọng là trong tương lai các em sẽ trở thành những thành viên hữu ích cho xã hội.
Sau tiếng chuông báo hiệu, phần chánh của cổng trường được đóng lại, trước khi lễ thượng kỳ bắt đầu, để tránh sự ồn ào. Những học sinh đến trễ phải dùng cánh cửa nhỏ bên hông. Nếu đến trễ quá mười phút, các em có thể bị phạt hoặc không được vào lớp, và bị ghi “vắng mặt.” Kết quả không vui lắm đâu. Nếu bị “mời” lên văn phòng gặp giám thị hay hiệu trưởng là có thể bị phạt ở nhà vài ngày. Nguy hại hơn nữa là khi cha mẹ “được giấy mời” vào trường.
Khi chuông báo hiệu giờ chơi, cô – thầy vừa bước ra khỏi lớp, là các em chạy ùa ra như đàn ong vỡ tổ. Cô cậu nào có chút tiền thì chạy bay ra ngoài cổng, rồi bu quanh mấy gánh hàng rong, mấy xe nước mía, hay nước đá bào có chế xi rô xanh đỏ. Các em khác thì chơi đá cầu, nhảy dây, hay chỉ ngồi ôn bài vở cho giờ sau.
Gìờ tan trường, cảnh sinh hoạt cũng không kém phần náo nức. Các học sinh tuần tự ra khỏi cổng với những chiếc xe đạp xinh xắn. Một vài em hãnh diện trên chiếc xe gắn máy bóng loáng của mình. Nhưng phần đông thì phải cuốc bộ. Đặc biệt nhất là trong nhóm nữ sinh. có vài cô nhìn xung quanh để xem có anh chàng nào đến đón mình hay không. Nếu chỉ có một chàng đứng chờ, thì cô nàng đưa mắt rụt rè, má đỏ lên, chớp mắt cười nhẹ, rồi kẻ trước người sau, họ rảo bước cùng chiều. Có khi xui xẻo, một cô bị hai hoặc ba anh chàng “trồng cây si” cùng một lúc, thì cô nàng chụp cái nón lá che xuống mặt, rồi nép giữa hai người bạn thân, lẩn trốn vào đám đông để khỏi bị phác giác. Vậy là hú hồn cho cô hôm đó. Đôi khi có chàng vẫn đứng đợi cho đến khi cổng trường khép kín, rồi lặng lẽ lê bước ra về với gương mặt thất vọng. Tuy là cây gỗ, nhưng tôi cũng thông cảm được với nỗi khổ của những “cây si” non dại nầy.
Những ngày tháng vô tư dưới mái trường trôi qua rất nhanh. Rồi khi những cành phượng đỏ bắt đâu tô thắm trên sân trường đó là “dấu hiệu” sự xuất hiện của mùa hè. Mùa chia tay đầy lưu luyến không những chỉ cho đám học sinh trẻ tuổi, mà nó còn mang đến sự bùi ngùi cho các vị giáo sư. Các nữ sinh rộn ràng với những quyển lưu bút. Hàng trăm bức ảnh được trao tay với những dòng lưu niệm thắm thiết đầy nước mắt, vì sau ngày tạm biệt, không ai có thể biết được tương lai. Có em sẽ lập gia đình, có em sẽ vào đại học, hoặc có em phải ra đi tìm kế sanh nhai - cho bản thân hay gia đình. Các nam sinh thì kín đáo hơn trong vấn đề bộc lộ tình cảm. Nhất là các em trai đã đến tuổi động viên. Họ rời mái trường hôm nay, lên đường nhập ngũ, và có lẽ không bao giờ trở lại. Nếu họ may mắn trở về, thì chưa chắc thân thể còn được vẹn toàn.
Trong những ngày hè oi bức, tôi vẫn kiên trì đứng yên chờ đợi sự trở lại của mùa thu. Cổng trường vào mùa hè thật vắng lặng vì không có những gánh hàng rong chen chúc, những tiếng cười ròn rã, hay những tiếng guốc khua rộn rịp trên mặt đường.
Rồi có một hôm, dưới ánh nắng chói chang của mùa hạ, tôi đang thả hồn với những cảm nghĩ vu vơ, thì đột nhiên tôi phát hiện một bàn tay mềm mại đặt lên vai tôi. À! tôi nhớ ra rồi, cô học trò cũ đã rời mái trường mấy năm về trước, hiện đang đứng yên trước mặt tôi. Cô mặc chiếc áo dài mầu xanh dương, tay vịn vào thân hình tróc sơn và cằn cỗi của tôi thật lâu. Cô ngước mặt lên buồn bã và lẩm bẩm gọi tên tôi - Trường Hoàng Diệu. Tiếng gọi nho nhỏ và trìu mến ấy làm tôi hết sức cảm động. Vì trong suốt bao nhiều niên học tôi không bao giờ thấy ai bỏ ra thời giờ để nhìn thân thể của tôi hay đọc tên tôi một cách thiết tha như cô gái trẻ nầy. Cô nhìn vào sân trường một hồi lâu rồi mở cái chốt của cánh cửa nhỏ bên hông và chầm chậm bước vào sân trường.
Cô đi thẳng đến một lớp học có khắc một hàng chữ nhỏ “Lớp Đệ Lục B.” Cô bước lên hành lang, áp tai vào cửa, rồi mân mê cái nắm cửa, vặn qua vặn lại mấy lần như muốn được vào lớp. Dĩ nhiên là không thể được rồi, vì cửa đã bị khóa lại trong suốt mùa hè. Cô đứng tần ngần một hồi lâu, rồi từ từ quay ra cổng và dùng tay áo lau khô những hạt nước mắt trên đôi má của tuổi hai mươi. Tim tôi đau nhói vì quá xúc cảm. Lúc đó, tôi muốn nói lên một vài lời an ủi cô. Nhưng làm thế nào cô ta có thể nghe hay hiểu được tiếng nói của một cái cổng trường bằng gỗ?
Từ dạo đó tôi không bao giờ thấy cô gái trở lại thăm ngôi trường nửa, và tôi vẫn đứng đây như có ý chờ cô.
Ngày tháng trôi qua, hàng ngàn học sinh đến rồi đi. Hết niên khóa nầy dến niên khóa khác. Tôi đã được tô lên nhiều lớp sơn, từ màu trắng rồi sang màu vàng, tùy theo ý thích của ban quản lý. Nhưng tâm hồn của tôi không bao giờ thay đổi. Nhất là cảm tình của tôi dành cho cô nữ sinh năm xưa, khi cô thầm lặng trở về thăm ngôi trường cũ. Tôi đoán là cô đã đi xa rồi. Nhưng muốn nhìn lại ngôi trường thân yêu một lần cuối, trước khi khởi sự cuộc hành trình, và có thể sẽ không bao giờ trở lại./.
Nguyệt Ánh Ryan
(HD 60-67)
Oceanside,
California 2012
|