banner Các Thế Hệ Thầy Cô
side2

 

“Thầy ơi, vậy bấy lâu nay thầy làm nghề gì để sống?”
Không biết sau bao nhiêu năm không gặp, tình cảm thầy trò đậm nhạt ra sao, nhưng cái câu học trò cũ nó hỏi làm mình chạnh lòng quá. Thật ra cũng chẳng biết bắt đầu từ đâu nữa, những thứ mà mình muốn quên phức đi cho rồi sao bây giờ lại hiện lên rõ mồn một, làm như ai đó động đến làm rung lên sợi tơ lòng mà trong đó là những tháng ngày dài cay đắng. Miền Nam Việt nam sau ngày 30-4-1975 như một bức tranh khó diễn tả, mỗi người một số phận, một hoàn cảnh, mình là thầy giáo chẳng dính líu gì đến chính trị nhưng rồi cũng được đi học chính trị, người ta gọi giáo dục thời trước là “nô dịch, phản động, đồi trụy”, ngồi nghe họ nói sao xót xa quá, lúc đó còn nhỏ vã lại cũng chẳng quan tâm đến kẻ lên, người xuống, thấy đất nước hết chiến tranh là vui rồi, không còn nghe nay kẻ nầy chết, mai người kia đâu mất biệt, nhiều thế hệ thanh niên người Việt bắn giết nhau lâu quá. “Đống xương vô định đã cao bằng đầu”. Nhưng mình lại là kẻ lĩnh lương của “bên thua cuộc” cho nên rán nghe người ta sỉ vã chớ sao.

Hôm nọ, bạo dạn hỏi họ một câu: “Thưa anh, những em học trò của chúng tôi mà các anh đang sử dụng trong các chiến dịch xóa mù chữ, làm sạch rác rưới đường phố có phải là những sản phẩm của nền giáo dục “nô dịch, phản đông, đồi truỵ hay không?” Anh quản giáo nhìn mình như kẻ thù, đôi mắt của những người ở lâu trong bóng tối sao thấy kinh hãi quá! Rồi anh ta gằn giọng: “Hiện nay tôi biết đang có những âm mưu chống phá giáo dục mà bọn C.I.A còn cài lại, mình xanh mặt và chẳng còn nghe anh ta nói thêm những gì nữa. Cũng có người mạnh dạn đưa ý kiến: “Trong đấu tranh giai cấp, nếu chúng ta tiêu diệt được những giai cấp phản động khác thì sau đó dựa vào đâu để đấu tranh.” Họ trả lời: “Dựa vào phê và tự phê”. Nghe rất là trí tuệ, nhưng phê thì chỉ hiệu quả từ trên xuống, nói nôm na là bị chửi, chớ làm ngược lại có khi “mịt mùng sương khói biết nhà má đâu” hay là nhẹ nhất cũng bể nồi cơm. Rồi cũng xong khoá học tập chính trị dân chủ, với nội dung rất dễ thương: Hãy nói những suy nghĩ của bạn, cứ mạnh dạn phát biểu cho thật lòng để cách mạng hiểu rõ hơn về tâm tư tình cảm của các bạn. Mình ngây thơ và suýt vào tròng! Đến đợt tập huấn chuyên môn, nghe các ông ấy thao thao về Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Lê Anh Xuân v.v.. mình thấy những ngày cam go đang chờ đợi ở phía trước. Mình đâu có ngu trung đến mức phải không ăn thóc lúa nhà Châu như Bá Di, Thúc Tề nhưng sao trong thâm tâm mình thấy chắc là phải “bẻ phấn”.

Trước ngày 30-4 trong sân trường chỉ là những câu khẩu hiệu đơn giản như là: Tiên học lễ, học hậu văn hay bóng bẩy hơn một chút: Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học, bất tri lý và khi được tẩy não rồi thì đi đâu cũng thấy: “Học, học nữa, học mãi”, câu nầy của ông Lenin ở bên Nga mà nhà thơ Tố Hữu hết lời ca tụng, học thì cũng tốt và người ta bảo rằng phải học cho đạt được cái “phẩm chất chính trị tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng (Nghị quyết 142 của BCT Đảng CSVN), học để ánh sáng Mác-Lenin rọi cho tư tưởng của họ có một đời sống mới, con người mới, vì vậy khi đánh “keng” một tiếng, cả nước học trò đều được học một bài gần như giống hệt nhau, giống như trong cuộc sống hàng ngày qua tem phiếu người ta mặc một thứ đồng phục công dân rất ư là ngăn nắp. Vua Quang Trung vừa lên ngôi, khi ra chiếu cầu hiền, trong phần giáo dục ông chỉ nói :“Người dạy học phải đạt hai tiêu chuẩn: kiến thức và đức hạnh” chớ đâu có kêu tuyệt đối trung thành với vua đâu? Mình cảm thấy không đủ năng lực, trình độ để đứng vào hàng ngũ mới, rồi chiến dịch “phần thư” ào ạt làm mình thấy ngao ngán quá, nên phải nghỉ cái đã, nghỉ cho nhẹ đầu rồi mọi chuyện sẽ có lối ra. Nghe người ta đề cao giai cấp “công nông” mà đối với chuyện nầy thì mình văn bét, võ nát, kỹ thuật thì không biết; vậy là “thôi thôi về đi cày.”

Thế là sau bao nhiêu năm đi ra từ đồng ruộng, giờ mình trở lại thì có sao đâu? Khoảng năm 1974-75 trên những chuyến xe về thăm quê, nhìn những cánh đồng bên quốc lộ, mình nghĩ chắc con trâu đã sắp hết kiếp cày bừa của nó bởi người ta cơ giới hoá ruộng đồng với các máy cày chạy trên các cánh đồng mênh mông. Sau nầy mới biết mình nghĩ tầm bậy quá. Trâu chẳng những không hết kiếp mà người ta còn tìm kiếm mua về để phục vụ cày ảy. Đây là con vật chủ lực trên ruộng đồng khi các mày cày tàn dư Mỹ Nguỵ chết lâm sàng theo chủ của nó. Làm ruộng mới thấy câu hát “sức người bừa thay trâu cày” là có thật, và nó trĩu nặng trên đôi vai của mình chớ không phải như những lời trách móc của Phạm Duy với thời kỳ đô hộ của Pháp. Hai anh em mình gài dây hai bên cây bừa để mẹ mình ngồi trên đó cho có tơi đất ra mà gieo mạ. Làm gì có tiền mua trâu, thật là đúng với quan điểm cách mạng về thành phần giai cấp: “bần nông”.

Kỷ niệm trên ruộng đồng thì nhiều, kể sao cho hết nhưng tựu trung là những chuyện cười ra nước mắt. Tâm đắc vô cùng các câu thơ của ông Tố Hữu: (ông thi sĩ nầy nhờ đặt thơ mà ngồi ngất ngưởng trên đỉnh cao danh vọng, có lúc cao hứng lại chỉ lối đưa đường cho các chuyên gia kinh tế mà vang dội thanh danh với sử xanh với vụ giá, lương, tiền.)
Dân có ruộng dập dìu hợp tác
Lúa mượt đồng ấm áp làng quê
Chiêm, mùa cờ đỏ ven đê
Sớm hôm tiếng trống đi về trong thôn

Nhìn vẻ mãn nguyện của các ông Tập đoàn trưởng khi người ta đổ lúa vào kho chung sao như là nước mắt của người nông dân rơi theo từng giọt thóc, người ta gắng gượng làm vui. Hồi trước người không đất cắm dùi mướn ruộng để làm bị các địa chủ bốc lột bằng cách đong lúa đất mà còn có cái để đổ vào bồ. Các bài vè nông thôn về vấn đề “cha chung không ai khóc” trên những cánh đồng mà cha ông họ đã đánh đổi bằng máu, mồ hôi, nước mắt để có được mới thấy thấm thía ý nghĩa của chủ trương “làm chủ tập thể”. Nghe nói người đưa ra chủ trương nầy đã phát biểu : “Cho đến nay đã có ba phát minh vĩ đại có ý nghĩa bước ngoặt lịch sử: 1/Tìm ra lửa. 2/Tìm ra cách sử dụng kim khí. 3/làm chủ tập thể.” (Ngày 13-3-1977 tại trường Nguyễn ái Quốc, ông Lê Duẫn đã nói).

Hai ý tưởng đầu tiên nhân loại đã được thụ hưởng, còn phát minh thứ 3 thì dân tộc ta vô cùng diễm phúc mới hưởng thụ độc quyền. Ông nhạc sĩ Trịnh công Sơn viết nhạc để diễn đạt nào cảnh, nào tình chưa đủ hay sao mà còn đem thú vật vào bài hát nghe mà phát rầu: “Một đàn bò vào thành phố không còn ai hỏi thăm…”

Nghề nông có lẽ không hợp với thể trạng của mình, hồi đó học trò nó nói mình “ốm nhom, ốm nhách” thì giờ đây làm ruộng nỗi gì?! Người xưa nói: “phi thương bất phú”, nhưng mà mấy ông nầy đâu có cho mua bán cá nhân, chỉ còn nước-nói theo quan điểm chính quyền – đi buôn lậu, mà thật ra là mua cái chỗ nầy đem bán chỗ kia chớ đâu phải hàng quốc cấm gì đâu mà lậu với liếc. Nghề nầy cũng không bền cũng bởi cái “gốc” thầy giáo của mình, lỡ có gì con nít nó xài xễ cũng kỳ cục lắm. Thôi thì về giữ con cho vợ đi buôn. Nói theo kiểu Trần Tế Xương thì vợ mình dở hơn bà vợ của ổng nhưng chèo chống cũng kiếm cà phê, thuốc lá cho chồng trong thời kỳ mà cuốn sổ gạo quyết định chuyện đói no, lần lần thấy phiền vợ con quá mình quyết định bỏ thuốc.

Trong đời mình có hai lần mình quyết định bỏ đi cái gần gũi mật thiết với mình là: bỏ dạy học và bỏ thuốc lá và theo mình thì đó là hai quyết định đúng. Chuyện thuốc lá thì ai cũng hoan nghênh, nhưng bỏ dạy học thì cũng có người khuyên là không nên, nhưng năm dài tháng rộng mình thấy cũng không tiếc nuối gì có chăng là còn vấn vương chút đỉnh về cái nghiệp mà thôi. Thôi thì nép qua một bên cho ánh sáng văn minh phương Bắc chiếu vào, chớ lãng vãng ở đó có ngày bị xài xễ: “Các anh trong nầy làm gì có văn hoá (theo nhà văn Nhật Tiến trong nhà giáo một thời nhếch nhác). Cái ánh sáng văn hoá kiểu “long trời lở đất” ở ngoài đó thì mình đê đầu bái phục rồi. Cố gắng dạy mấy đứa nhỏ để gia đình không vướng vào cảnh “cha làm thầy, con đốt sách” là đã có một chút văn hoá còn sót lại của những tàn dư độc hại rồi.

Hồi nhỏ, có ông thầy bói nói mình có số quí nhân phù hộ. Không biết ông thầy đó có linh hay không, nhưng mỗi khi đời mình khó khăn quá thì lại gặp dịp may, và cũng theo những cái may mắn nầy mình sống yên ổn cho đến bây giờ. Trong cuộc sống thỉnh thoảng có gặp lại những người đồng cảnh ngộ khi xưa cũng có người hoàng ốc ấm êm, kẻ thì thảo lư hiu quạnh. Không chọn được nơi sinh ra, nhưng cũng có người quyết định được số phận của mình. Cơn lốc thời cuộc đã đưa đẩy con người có khi bước những hướng đi vô định, nhưng rồi khi gió lặng, biển yên, người ta cũng “sóng cả không ngã tay chèo”. Có em học trò cũ nói với mình nghe cảm động lắm: “Hồi đó thầy buồn như vậy mà tụi em đâu có biết, vẫn ngây thơ như màu áo trắng”. Mình gật gù trong suy nghĩ, các em biết làm chi cho bận lòng, thầy không làm kẻ chèo chống đưa các em sang bờ thì cũng có người khác, miễn sao các em nên người hữu dụng cho gia đình, xã hội là được rồi.

Mình thấy mấy người đầu ngành giáo dục sau nầy cứ thay đổi sách giáo khoa, chương trình giáo dục nhiều lần quá và mỗi lần thay đổi như vậy họ gọi là cải cách giáo dục, họ thay đổi hoài có lẽ là “cách cãi của họ chưa xong”. Không chừng vì cách cãi đó mà học trò cứ lờ mờ không biết giữa Trần quốc Tuấn và Trần quốc Toản có phải là anh em ruột hay không nhưng lại đêm nào cũng nằm mơ trông cho được gặp bác Hồ.

Mình rời trường trung học công lập Hoàng Diệu đã 37 năm mới trở lại, người xưa thì còn, cảnh cũ sao nhiều thay đổi quá, so với các đồng nghiệp thưở nào, mình chỉ là con nít, thậm chí đáng tuổi học trò, gặp lại kẻ quên, người nhớ, học trò thì lác đác vài em, mấy đứa nếu không nhìn thì mình đành chịu, chớ hồi xưa tụi nó nhỏ xíu, giờ đã thành nhân. Có em hỏi mình: “Thầy thấy trường mình có thay đổi nhiều không?”

Hồi mới về trình diện thầy Hưởng để nhận việc, mình thấy thích cái hồ nước trước văn phòng lắm, giờ không thấy, các dãy phòng học xưa cũng không còn, có lẽ trong quá trình đô thị hoá, tấc đất, tấc vàng cho nên người ta lầu hóa các phòng học để đáp ứng sĩ số học sinh càng lúc càng tăng theo dân số học, chớ mình thích các dãy trường
lợp ngói nằm hiền hoà bên các thềm cỏ mượt, rồi mái ngói trường xưa phủ rêu phong để lòng học trò rưng rung khi quay về trường cũ. Người ta thích thi vị hoá tuổi học trò bằng những hình ảnh mang tính ước lệ của văn chương, âm nhạc. Nghe hát các bài nhạc về tuổi học trò ai mà không buâng khuâng, xao xuyến. Có nhạc sĩ cao hứng đòi vùi chôn tuổi học trò, nghe sao não lòng quá, tuổi học trò rồi sẽ qua đi, chớ ai nỡ vùi chôn nó cho được.

Sóc Trăng thì thay đổi nhiều, thời gian ở đó mình hay đi, về trên đường Nhị Trưng mà dân địa phương gọi là đường giữa. Ở thành phố nầy bây giờ sao nhiều đường một chiều quá. Theo ý của mình thành phố khi mới thành lập giống như đứa trẻ mới lớn, khi cha mẹ giàu, nghèo cũng không sao, cách ăn mặc của trẻ khi lớn lên đẹp hay xấu cũng do khiếu thẩm mỹ của họ. Lỡ có nghèo thì cũng sạch sẽ trang nghiêm, còn giàu thì sang trọng quí phái, và khi có nhiều bàn tay chăm sóc mà không thuận ý nó trở nên diêm dúa quá chăng?

Không sinh trưởng và lại sống trong thời gian rất ngắn ngủi ở đây thành ra không am tường được nét văn hoá đặc thù của vùng nầy, qua sách vỡ mình biết nó là nơi cộng cư của nhiều sắc tộc. Cuộc sống trôi qua nhanh, nhưng những kết nét văn hoá sẽ đến chậm chạp và chọn lựa tinh hoa để có sức sống lâu dài. Đẹp hay xấu cũng do hợp nhãn mà ra, đẹp người xấu ta là vậy. Nhiều năm không đến Sóc Trăng vì cuộc sống không tạo điều thuận lợi để trở lại. Nay trở lại đây và nghĩ về nó sao thấy mơ mơ, hồ hồ như bóng hình của người muôn năm cũ, thành phố, trường học và thân tình của những học trò cũ như là những mảng lớn yêu thương trong cuộc đời. Những lúc thèm làm sao những đặc sản vang bóng của vùng đất nầy nào là bánh pía, mè láo Vũng Thơm, lạp xưởng Lịch Hội Thượng, bún nước lèo thơm nồng mùi mắm.

Sóc Trăng ơi, cho gởi lời chào thân thương và hẹn ngày tái ngộ .

Huỳnh Thanh Long - April 2013

 

Last updated 04/24/2013

 

 


side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1