Tháng sau là tháng Năm. Tháng của Mother Day. Mẹ tôi mất vậy mà được 16 năm rồi! Khi biết được rằng mẹ tôi bị bệnh nan y chỉ còn 6 tháng là mất, em tôi đã đến nhà tôi. Hảo nghẹn ngào nói tin dữ cho tôi nghe và hai chị em chúng tôi đã ôm nhau mà khóc. Mẹ thương cô em út của tôi nhất nhà, chắc út Hảo buồn ghê gớm lắm! Tôi ôm chặt lấy cô em út ít, mong được san sẻ bớt nổi đau của em trong khi chính lòng mình cũng vô vàng tan nát và chỉ biết khóc ròng. Hảo ít khi để lộ tình cảm của nó ra ngoài. Đó là một trong những lần hiếm thấy. Chúng tôi khóc như chưa bao giờ được khóc! Mẹ tôi qua đời vào tháng Sáu. Tình cờ thôi, tháng Sáu qui tụ nhiều ngày đáng nhớ trong cuộc đời tôi. Tôi làm lễ hôn phối với chồng vào tháng Sáu, hai đứa con tôi sinh nhật vào tháng Sáu và ngày mà anh C. và tôi ra luật sư làm giấy tờ ly dị, cũng vào tháng Sáu. Tháng Sáu trời mưa, trời mưa không dứt. Trời không mưa, em cũng lạy trời mưa!
Thời gian mà mẹ tôi bị bệnh nặng rồi mất -khoảng một năm trước đó, kéo dài thêm vài năm sau này- tôi đã phải “đối đầu” với thằng con của mình. Tuổi dậy thì, thằng bé “quậy” dữ lắm. Thuở đó, nó đang học straight A, lâu lâu nó có 1 cái A minus hoăc B là tôi đã buồn đứt ruột rồi (lúc đó còn dại, còn vô minh quá, chưa tỉnh ngộ) cho nên khi ảnh quyết định bỏ học, không thèm đụng đến sách vở nữa, run away; bạn phải biết cho là tôi đau khổ đến độ nào! Mẹ mất, tôi có viết một bài điếu văn dài. Tôi muốn là một người mẹ tốt, như mẹ tôi, để hiểu con tôi hơn. Tôi muốn đặt tôi vào vị trí của con tôi (put myself in his shoes). Nếu tôi là con tôi thì tôi nghĩ gì, tại sao tôi lại làm như vậy?.vv…Tại sao tôi lại rebel, lại làm cho mẹ mình đau khổ!! Tôi cố nhớ lại hồi tôi mới lớn tôi như thế nào? Tôi sẽ phải viết cho mẹ tôi ra sao với vị trí của một người con? Nhưng, khi đặt viết xuống, tôi đã thấy tôi trong cương vị của một người mẹ. Tôi “identify” với mẹ tôi hơn là với con tôi, và nhận thấy rất rõ ràng, thấy hiểu mẹ tôi hơn. Tôi thấy thật khó, lúc đó, identify với con mình. Tôi chỉ thấy được một chiều (side), chiều làm mẹ; tôi không thể -mặc dù muốn, cố gắng- muốn thấu hiểu, muốn thấy cái chiều bên kia, chiều làm con, của thằng con lúc đó rất hư đốn của mình. Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ. Quả đúng là như vậy. Tôi thấy rất rõ là mẹ của chúng tôi thương yêu chúng tôi biết đến là chừng nào, hy sinh cả một đời cho chúng tôi biết là bao nhiêu! Lòng của bà đúng là bao dung, rộng lớn như biển cả. Mẹ tôi thương con cũng như tôi đang thương con và chắc đã có những lúc, chúng tôi đã làm cho bà đau khổ, thất vọng thật nhiều. Khi viết bài điếu văn cho mẹ, tôi như đang tâm sự với mẹ thì đúng hơn. Tôi cảm thấy rất gần gũi với bà, cảm thông và thương yêu bà vô bờ bến. Vừa viết cho mẹ, nước mắt vừa chẩy xuống, không ngừng. Có quá trễ lắm không, hở mẹ yêu? Khi mẹ đã ra đi vĩnh viễn, con mới nhận ra rằng mất mẹ là mất cả bầu trời, là mất đi nhiều lắm. Con đâu còn có dịp chở mẹ đi mua sắm, phụ mẹ, cho ý kiến. Con biết mẹ thích diện, thích điệu, thích đi chơi đây chơi đó, con chìu mẹ nhưng cũng chưa chìu đủ đâu; lẽ ra con phải chìu mẹ nhiều nhiều hơn thế nữa…..
Bài điếu văn dài thật dài, hơn bình thường; viết với đẫm đầy nước mắt. Mấy hôm nay, tôi cố lục lại (trong những chồng bài thơ, bài viết, thư từ, hình ảnh, video tape đám ma), cố tìm cho ra bài điếu văn đó. Tôi biết, tôi không vất nó đi, nhưng tìm mãi cũng không ra. Trong quyển video, bạn của anh C. thu hình rất đầy đủ, có đoạn tôi đứng ở ngoài nghĩa trang, đọc điếu văn, nói chuyện với mẹ trước khi hạ huyệt (chắc có lẽ vì tôi ly dị , dọn nhà) cũng đã thất lạc, mất nơi đâu tìm không thấy.
Tôi tìm ra được bài thơ mà anh C., chị Minh tôi, em Hảo và tôi đã làm ở nhà tôi (chữ của anh C. viết) trong thời gian mẹ đang nằm ở nhà quàng, ngày mai là ngày chôn cất. Nguyên văn:
Một bài thơ do 3 cô con gái và con rễ làm, chữ cuối bằng vần ơi, xin đọc cho mọi người nghe chơi:
Mẹ tôi
Một bà già chịu chơi
Bàn tay đẹp tuyệt vời
Đôi mắt bà sáng ngời
Không bao giờ nghĩ ngơi
Du lịch khắp mọi nơi
Đi đây đó khắp nơi
Lái xe chạy khơi khơi
Dù cuộc đời tả tơi
Bà cũng không chán đời
Gặp bà lòng phơi phới
Mẹ ơi, hỡi mẹ ơi
Ít khi chịu nghĩ ngơi
Lâu lâu bà đi chơi
Cho tâm hồn thảnh thơi
Nấu cho mọi người xơi
Nghĩ đến ai cũng mời
Nhiều bạn bè thân chơi
Phúc đức bà để đời
Nhắc đến bà lệ rơi
Thương nhớ mãi không vơi
Mẹ ơi hỡi mẹ ơi
Nhớ mẹ nhớ muôn đời
June 1994
Vào lúc đó, 4 người chúng tôi người nào cũng buồn dễ sợ, buồn quá đỗi là buồn; nhưng vì có sense of humor, ngồi nhắc lại những kỹ niệm vui vui của mẹ. Anh C. làm bài thơ này trước, sau đó, 3 chị em tôi mới thêm ý (một chút thôi) vô sau. Vừa làm vừa cười vui vẻ, rất hợp “gu” với nhau. Bài thơ hơi có 1 chút tiếu lâm trong đó nhưng rất thật và phản ảnh con người của mẹ. Chúng tôi nói anh C. đọc cho mẹ ngày chót, khi tiễn mẹ đi, nhưng rốt cuộc, không có ai dám đọc. Chỉ có tôi, đọc cho mẹ bài viết của tôi, trước khi hạ huyệt. Tôi đã nghẹn ngào khóc và làm cho nhiều người hôm đi đưa tiễn mẹ tôi lần cuối cùng phải khóc theo.
Công bình mà nói, mẹ tôi là cột trụ của gia đình, chứ không phải bố. Mẹ giỏi lắm. Chuyện lớn, chuyện bé gì cũng phải qua tay mẹ. Con cái bất hoà. Vợ chồng cải vả. Khó khăn tài chánh (đến gặp mẹ vay tiền)…. Những chuyện bế tắc, khó giải quyết, đứa nào cũng tìm đến mẹ. Nhiều lúc, tôi đã nghĩ, nếu mẹ còn sống, có thể tôi và anh C. vẫn còn ở với nhau. Khi chúng tôi còn nghèo khó, hai vợ chồng đều đi học, tôi đã mang con tôi đến cho mẹ giữ. Khi thằng nhỏ 2,3 tuổi; nhiều ngày đi trễ, vội vã quá, tôi đã bỏ nó xuống cho nó đi lửng tửng vào nhà. Mẹ đã cười bảo: “Nó vất thằng con nó xuống, cho thằng bé đi vào một mình, rồi phóng xe đi ngay, có muốn… “trả hiệu” cũng không được”. Như một bài báo đã viết, mẹ tôi đúng là một nhà tâm lý học, xã hội học, mediator, peace maker, negotiator, manager, banker, excellent chef, baby sitter, investor, business woman, financial adviser, etc…. Vì thế khi mẹ mất đi, bố tôi và tất cả anh chị em của chúng tôi rất là đau khổ, buồn thê thiết; hụt hẫng nặng nề, cảm thấy mất mát quá nhiều. Những món ăn mẹ làm ngon nổi tiếng như nộm (gỏi) sứa, xôi vò, nộm rau muống, miến xào chay hoặc xào cua, món bổng (của người Bắc chính cống: bún, rau, thịt luộc, tôm cuộn với nhau được cột chặt lại bằng một cọng hành lá trần chấm bổng, nước bổng sệt sệt; ngon hay không ngon là ở món nước chấm này), bún chả thịt nướng, canh bánh đa, cua xào chua cay và nhiều nhiều món nữa không kễ hết….. cũng theo mẹ tôi đi mất. Chúng tôi, nếu có muốn nấu, cũng không tài nào nấu ngon như mẹ. Mỗi lần có giỗ Tết, thỉnh thoảng mẹ lại khoe “Mẹ làm cổ cho hơn cả trăm người dễ dàng, chỉ… vẩy tay một cái là xong!” Từ nhỏ, tôi đã được nghe mẹ dậy, con gái phải biết nấu nướng, làm cơm; có giàu có đi chăng nữa cũng phải biết làm, cho người làm khỏi khi dễ, không qua mặt được mình. Mỗi lần giỗ tết, tôi vào phụ mẹ là mẹ thấy chướng mắt ghê lắm vì tôi lười, chậm chạp, tà tà không được giỏi giang, lanh lẹn, không làm vừa ý, vừa lòng mẹ.
Khi còn ở Việt Nam, mẹ tôi là một người đàn bà làm hái ra tiền. Chúng tôi có được một đời sống sung túc, sung sướng cũng là nhờ mẹ. Bố chúng tôi hiền lành quá, làm công chức thanh liêm thì lương bổng đâu có bao nhiêu. Một tay mẹ quán xuyến, việc nhà, việc chợ, việc buôn, việc bán, việc dậy dỗ các con. Khi qua bên đây, mẹ muốn mở tiệm vàng, mở chợ, mở tiệm liquor nhưng chúng tôi đứa nào cũng cản, không muốn mẹ làm. Vậy chứ mà mẹ cũng vẫn “áp phe” lai rai, mẹ bảo mẹ muốn kiếm tí tiền để gửi về VN, giúp đỡ họ hàng, người nghèo khó.
Mẹ tôi chịu khó lắm, chăm làm, nhanh nhẹn, tháo vát. Qua đến đất nước tự do, không còn người làm nữa, mẹ phải tự một mình mình dọn dẹp cả ngày (lũ con đã ở riêng, đã không giúp đỡ được gì cho mẹ mà còn làm phiền, nhờ vả). Mẹ có nguyên một vườn rau trồng đủ loại rau thơm, rau muống, rau mồng tơi, rau đay, rau củ khởi, một giàn mướp hương, bầu bí… Trồng xong lại còn phải hái, mang đi cho. Mùa đông, khi nào rảnh rỗi, mẹ ngồi đan áo lạnh, đan vớ, mũ cho các cháu. Mẹ đi học Anh văn, lúc nào cũng là học trò cưng của mấy bà giáo Mỹ. Mẹ bạo dạn, dơ tay lên hỏi và tập nói chẳng sợ sai. Đi đến đâu mẹ tôi đều có bạn đến đó. Giới nào bà chơi cũng được, tuổi nào bà cũng có thể hòa đồng, thích hợp được (điểm này Hảo cũng giống mẹ).
Bà là dân business, buôn bán làm ăn từ thuở nhỏ nên tính tình thoải mái, phóng khoáng, tứ hải giai huynh đệ. Mẹ vui tính lắm, ăn nói rất có duyên, friendly, tính tốt, rộng rãi, biết điều nên bà có rất là nhiều bạn. Mẹ thường nói với chúng tôi: “Làm người phải nên chịu khó xẻ buồn, chia vui với mọi người” hoặc “Nghĩa tử là nghĩa tận, đi đám ma quan trọng lắm chứ đừng thấy đám vui thì đến, đám buồn thì không”, hay “Ai làm cho mình điều gì thì mình nên nhớ mãi, nhớ để khi có dịp mà trả ơn, khi mình làm gì cho ai thì lại nên quên đi, coi như không có” v..v.. Bà hay mang những câu ca dao, tục ngữ ra dạy bảo con cái. Không biết sao mà bà nhớ nhiều câu thế. Đúng lúc, đúng dịp lại “lôi” ra một câu “rả rích” dạy chúng tôi!
Lễ an táng của bà, chúng tôi mới thấy bà quả có quá nhiều bạn hữu và được nhiều người thương mến. Ngoài những cô, chú, bác chúng tôi gọi thông báo còn có những người hàng xóm láng giềng thời xa xưa khi còn ở Việt Nam, những người bạn sau này mẹ tôi quen mà chúng tôi chưa được hân hạnh gặp… Nhiều người lắm, họ đọc báo, nghe tin trên radio, tìm đến viếng thăm bà lần chót.
Lần đầu tiên đi chơi ở nước ngoài, năm 1991; tôi đi với mẹ. Tôi đã quá ngạc nhiên vì mẹ rất là popular, được lòng nhiều người trong nhóm (nhóm người Hồng Kông, Đài Loan chứ không phải Việt Nam). Mẹ nổi bật, everybody like her, họ không nói được tiếng Anh, mẹ tôi chỉ nói được chút chút; vậy mà mẹ dùng 1 chút tiếng Tầu, 1 chút tiếng Anh, cộng với… hai tay, communicate được với họ mà còn làm cho họ thích mới hay chứ. Còn tôi? Tôi đi bên cạnh mẹ, tôi chìm lĩm! Tôi chỉ là một cái bóng mờ mịt, âm thầm. Chẳng ai biết đến tôi, nếu có biết cũng là nhờ mẹ giới thiệu. Có người còn không tin vì tôi không giống mẹ một chút xíu nào (tôi giống bố). Mẹ đẹp, mẹ diện, còn tôi ….?? Tôi giản dị, lè phè lắm! Tôi cứ ngỡ tôi biết tiếng Anh rành, còn trẻ, đi chơi với mẹ; tôi sẽ giúp, đỡ đần mẹ được nhiều thứ. Có ngờ đâu, nhiều lúc khi tôi chưa điền đơn, làm mọi thủ tục ở phi trường -lo cho tôi chưa xong- thì mẹ đã nhanh nhẹn làm xong từ đời nào và đã đi trước, đứng xếp hàng trước, đợi tôi. Mẹ đi chơi với tôi, tôi không giúp được gì cho mẹ, mà còn làm mẹ cứ phải lo cho tôi vì tôi hay trễ nãi và dễ ngủ, ngồi trên tầu ra biễn, tôi cứ ngủ gà ngủ gật làm cho mẹ lo, bà sợ tôi ngủ quên …. rơi tòm xuống biễn!!?… Đến Hồng Kông, trạm chót; tôi mệt đứ người, chỉ muốn ở lại Hotel để ngủ dưỡng sức thì mẹ đã sông sáo một mình, không cần tôi -lấy taxi, đi subway đến Macao. Đi chơi 3 tuần với mẹ, tôi mới realize (thấy/nhận ra rằng) là mẹ của tôi quá giỏi, tôi không được bằng một góc của bà.
Mẹ là người của đám đông. Khi mẹ kễ chuyện là mọi người há hốc miệng, ngồi nghe. Mẹ funny, chịu chơi, charming lại đẹp. Bốn đứa con gái, không đứa nào được bằng mẹ cả. (Có Hảo thừa hưởng được cái có duyên, tiếu lâm, kễ chuyện hay, những đứa con khác, chỉ thừa hưởng được một chút chút thôi, cũng đủ … xài, hì hì). Mỗi khi chúng tôi tỏ ra giỏi giang, làm được thành công chuyện gì thì bạn mẹ, họ hàng, những người quen biết, và cả bố tôi đều hay nói: “Con bà Ninh mà lại!”, “Con gái bà Ninh có khác!”…. (Ninh là tên bố của tôi)
Mẹ giỏi và có một trí nhớ tốt. Bà thi Quốc tịch một lần là đậu. Thi lấy bằng lái xe cũng vậy. Chị tôi (hoặc người nào khác trong nhà, tôi không nhớ rõ) và bố tôi phải thi 2 lần mới lấy được Driver License. Mẹ hãnh diện lắm, khoe: “Mẹ thi có một lần là đậu. “X” (tôi không nhớ là ai) còn trẻ , giỏi tiếng Anh mà phải đi thi đến 2 lần.” Mẹ lái xe đi chơi một mình, rất tự lập, không thích nhờ vả con cái bao giờ. Tôi có cái diễm phúc là tôi không phải đi làm nên tôi hay đến chơi với mẹ (Chị Mai tôi hay diễu: “Có con mà gã chồng gần, có bát canh cần nó cũng ăn cho”). Mẹ hay đóng thùng gửi quà về Việt nam. Tôi đến phụ mẹ, chở mẹ đi mua quà, viết thơ cho mẹ, và phụ mẹ bỏ quà vào thùng đóng, mang đi gửi. Đối với họ hàng bên chồng, mẹ rất là oai, được quí hoá, nể vì, vì khi còn ở Việt Nam, bà hay cho quà, biếu xén không thiếu một ai khi Tết nhất; người nào nghèo, mẹ biếu tiền; những ai cần nhờ vả gì, nếu giúp được, mẹ đều giúp cả. Qua đến đây, bà gửi quà vào trong Nam cho bà con của bố tôi và gửi ra Bắc cho anh em ruột thịt của bà (nhưng vẫn không quên gửi tiền giúp người nghèo khổ). Mẹ chu đáo lắm, ai xin gì bà cũng cho, từ cây kim cuộn chỉ…
Tôi vẫn còn nhớ hoài, nhớ mãi cái cảnh mẹ ngồi ở bàn gương trang điểm. Hồi nhỏ, tôi thích nhìn mẹ lúc mẹ tôi sữa soạn trước khi đi chơi. Nhìn mẹ kẽ lông mày, nhìn mẹ đánh phấn, thoa son… Bà có một tủ áo dài đủ mầu, nhiều lắm. Mẹ biết sữa soạn, làm cho mình đã đẹp lại đẹp thêm. Bà biết xem, định giá hột soàn và có nhiều nữ trang, vòng, nhẫn, dây đeo cổ. Sau khi bà trang điểm xong, mặc áo dài; lúc nào bà cũng đeo thêm một xâu chuỗi bằng ngọc trai, hoặc bằng đá quí mầu đen, tím hoặc một loại đá quí mầu “tông xì tông” hay mầu contrast với áo dài. Make up xong, mẹ đẹp lộng lẫy! Mẹ tôi đẹp lắm. Gò má cao cao, đôi lông mày cong cong lá liễu, rõ nét. Bà có làn da trắng mịn màng. Mắt to sâu, hai mí làm cái mũi đã cao nhìn còn cao hơn. Mẹ của chúng tôi có một đôi môi đầy đặn, một nụ cười tươi tắn, mỗi khi bà cười, mắt cũng cười, khi mẹ cười có hai dimples nho nhỏ (người Bắc gọi là lổ dùi thì phải?) nhìn rất … dễ thương (con gái tôi may mắn, được thừa hưởng 2 dimples giống bà ngoại). Rất nhiều người đã nói bà có nét đẹp Tây phương. (Khi đọc thơ của thi sĩ Quang Dũng, bài “Đôi mắt ngưới Sơn Tây”, câu: “Mắt em dìu dịu buồn Tây phương”, tôi lại liên tưởng đến cặp mắt của bà). Từ bé, tôi đã say mê ngắm mẹ mình; đã biết rằng mẹ tôi rất đẹp. Bà cao ráo (1 thước 63, cao hơn những người bạn cùng thế hệ của bà), lưng thẳng, dáng bà ngon lành, quí phái. Mẹ rất hãnh diện vì lúc nào mẹ cũng có một cái eo thon gọn, cho dù lớn tuổi bà cũng không bị … xồ ra. Hình như tôi chỉ thừa hưởng được bàn tay và nước da của mẹ. Khi mẹ mất, nằm trong quan tài, tôi thấy hai bàn tay của mẹ để chấp trên bụng, đẹp vô chừng. Da mặt bà, qua 6 tháng dài bệnh hoạn, năm đó bà 68 tuổi, vẫn đẹp, không một nếp nhăn. (Sở dĩ tôi nhớ đến làn da của mẹ vì khi vào nhà thương thăm mẹ, nhiều lúc có cô y tá Mỹ mặc dù còn trẻ, để khuôn mặt của cô gần mặt mẹ; tôi thấy ngay sự khác biệt giữa hai người. Một bệnh nhân gầy đét, sắp từ giã cõi đời nhưng da mặt hoàn toàn không hề nhăn, láng cón -so với cô y tá da đã chùng, xệ, có nhiều nếp nhăn nheo)
Qua bao nhiêu năm. Con vẫn nhớ mẹ lắm, mẹ biết không? Khi công chúa Diana chết, con thấy người ta ca tụng cô ta quá đáng, với con, mẹ Theresa ở Ấn Độ hơn Diana nhiều lắm, những bà mẹ Việt Nam vô danh, hơn cô ta nhiều lắm. Những người đàn bà Việt Nam thầm lặng, cả một đời hy sinh cho chồng, cho con, cả một đời làm lụng vất vả, không hề một tiếng than van. Những người mẹ mất con, đi theo sau quan tài lủi thủi, con chết trận khi còn rất trẻ; những người vợ trẻ có chồng chết khi con đứa còn đang nằm trong bụng, đứa thì còn thập thỏm biết đi. Những người đàn bà như bà nội của con, goá chồng khi 2 người con còn nhỏ xíu, một mình tảo tần nuôi con khôn lớn, ở vậy nuôi con mặc dầu còn rất trẻ, còn đẹp lắm. Những người đàn bà Việt Nam, những người mẹ quê mùa, tay lấm chân bùn… những người đó mới xứng đáng để được nêu danh và ca tụng. Những người đàn bà như hai bà Trưng, bà Triệu, cô Giang, cô Bắc, Lê thị Công Nhân, Thanh Thuỷ… đã hy sinh thân mình để làm những chuyện lớn, mong có một đất nước, một chính thể khá hơn; những người đàn bà can đảm đó, với con, mới xứng đáng được ngưỡng mộ và bái phục. Và mẹ ơi, con đã nghĩ đến mẹ. You are my real hero. Với con, Diana làm sao bằng mẹ được. Cô ta đâu có mang nặng 10 lần, đẻ đau 9 lần như mẹ. Cô ta đâu có phải làm ra đồng tiền bằng mồ hôi và nước mắt như mẹ, đâu có gần gũi và cho con cô ta những lời khuyên, những kinh nghiệm sống rất quí giá, như mẹ đã cho con? Cô công chúa đó làm sao có thể làm được những món ăn ngon lành, bổ ích, như mẹ đã. Mẹ là người đàn bà giỏi giang, đảm đang, vượng phu ích tử. Mẹ mất đi, chắc những con vịt ngoài hồ, mà mẹ thường hay cho ăn, cũng thấy buồn!!. Những người hàng xóm, bạn bè của mẹ không còn được mẹ biếu rau, được cho những món ăn ngon, chắc thấy tiếc nhớ mẹ vô cùng! Một số người nghèo ở VN cũng bị thiệt hại và anh em của mẹ, họ hàng bên bố, chắc chắn phải nhớ thương mẹ rất nhiều. Mẹ ơi, con vẫn cố làm một con người tốt, bắt chước mẹ để không hổ danh là con gái của bà Ninh nhưng khi viết những giòng chữ này, con cảm thấy chẳng bao giờ con có thể sánh bằng với mẹ.
Ngày lễ dành cho những bà mẹ sắp đến, con cảm thấy nhớ mẹ vô vàn. Happy early Mother Day, Mom. Con viết những giòng này để tưởng nhớ đến mẹ. Mẹ yêu dấu của con.
Như Nguyệt
4/26/2010
Ps: Một cô bạn khi đọc bài viết này, cô có nhắc là tôi đã đọc bài thơ mà chúng tôi (ông chồng
cũ và 3 chị em tôi làm) khiến cho cô đang khóc, đang buồn lại k. nhịn được cười.
|