Có một hôm, cả chợ Đại Ngãi rùm beng tiếng chiêng trống từ ngoài "Vàm" vọng vào, tôi biết là đoàn “Sơn Đông Mãi Võ” của ông Huỳnh Phi Anh đã đến đây để tái ngộ xứ nầy.
Ngày xưa, chợ Đại Ngãi có rất nhiều đoàn “sơn đông mãi võ” đến để bán thuốc trị bịnh. Nhưng chỉ có đoàn của ông Huỳnh Phi Anh mới là “chánh hiệu con nai vàng” là sơn đông mãi võ. Các đoàn khác thì chỉ quảng cáo thuốc của họ, còn đoàn Huỳnh Phi Anh thì mới đúng là “mãi võ” vì sau mỗi “đoạn” quảng cáo thì có một màn biểu diễn võ thuật, áo thuật!
Mỗi khi chiêc ghe “chài” (một loại ghe rất to, sức chở tương đương một chiếc “bắc” loại lớn ở bến phà Mỹ Thuận, Cần Thơ ngày xưa) chở đoàn của ông Huỳnh Phi Anh cập bến nhà máy xay lúa Tây Nam của bà Sáu Huê, điều đầu tiên là một đoàn xiêm áo chỉnh tề, “cờ phất trống rung” dẫn một chú voi (cao khoảng 2,5-3mét) có một con khỉ đang cởi trên lưng, đi khắp các xóm trong chợ như để thông báo cho cả chợ biết là “đoàn Sơn Đông Mãi Võ
Huỳnh Phi Anh đã đến rồi đây!”.
Chuyện đời, không qua khỏi câu “hay không bằng hên!”.
Nhớ lại lần đầu tiên được xem đoàn Huỳnh Phi Anh biểu diễn. Hôm đó, tôi được ông ngoại tôi "biểu" mang một cái rổ ra chợ mua một ít khoai lang "Trà Nho" về để ngày hôm sau “luộc khoai” ăn chơi!
Khi xách cái rổ “chạy te” ra chợ, trên đường đi thì thấy đoàn Huỳnh Phi Anh bán thuốc, tôi vội vã “sà vào” để coi “khỉ cởi voi đi dạo”, tôi khoái nhất là màn con voi dùng cái vòi quấn một cây giáo nhọn ra sức đẩy mủi giáo vào bụng, vào yết hầu của võ sư Huỳnh Phi Anh đang gồng mình chịu cho voi đâm, nhưng kỳ lạ ! cán cây giáo cong “vòng” mà ông ta vẫn coi như không, không bị thương (mọi người “xầm xì” là ông có “gồng”!). Rồi cười “om xòm” mỗi khi nghe giọng “lơ lớ” nửa Việt nửa “Tiều” của ông ta “Hà cái “lầy” ! hôm nay chúng tôi kính xin “dới thịu” đến quý ông, quý Pà một “lại” thuốc dán “dịu” kỳ do chúng “ngọ” (chúng tôi) “pào ché da”. Mỗi khi “chặc (trật) chưn, chặc tay”, quý ông quý pà dùng nó, “lau ể lâu, thì dán ể lâu! pảo lảm công “hịu” như thần!” (nói tới đâu, ông ta vỗ mạnh vào chổ đó), kèm theo tiếng chiêng trống đệm cho lời quảng cáo. Để đổi không khí, ông ta biểu diển một màn ảo thuật, hỏi ai có cái rổ thì cho ông ta mượn, sẵn có cái rổ trong tay, tôi chạy ra cho ông mượn để coi màn tiếp theo là gì đây?
Ông ta để cái rổ xuống đất, xé vụn một tờ giấy rồi bỏ vào trong cái rổ, cuối cùng dùng một cái nón úp kín cái rổ lại, không quên “úm xì bùa xí xô xí xồ” rồi tiếp tục quảng cáo, bán thuốc. Thuốc của ông cũng có rất nhiều người mua, nhất là các loại thuốc trị bịnh đau nhức.
Sau một hồi rao bán thuốc, ông ta đi đến bên cái rổ khi nảy, lại xí xô xí xào những câu bùa chú, rồi dỡ cái nón ra, nhưng vẫn không thấy gì, ngoài mớ giấy vụn như lúc ban đầu ! sau lời cáo lỗi vì bọn “đệ tử” ham chơi chưa thực hiện lời thầy sai bảo, ông ta úp cái nón lại rồi tiếp tục xí xa xí xồ yểm bùa “lằng tẳng”!
Lần nầy, khi dỡ nón ra thì hay thật! trong rổ hiện giờ lại là một rỗ chứa rất nhiều cá rô!! Mọi người, nhất là bọn trẻ chúng tôi, vổ tay hoan hô “um sùm”. Sau khi ra hiệu cho dàn chiêng trống yên lặng, ông ta chấp tay xá xá vòng vòng để tỏ lòng cám ơn, rồi . . . mang cái rổ cá rô đến bên tôi để trả lại cái rổ, “hầy dà! mấy con cá “dô lầy” tặng cho thằng nhỏ “lem dìa” nhà ăn chơi!”
Khoái chí! tôi mang rổ cá rô “chưa dứt sữa mẹ” mang về nhà! quên nhiệm vụ đi mua khoai lang!
Vậy là mấy hôm sau đó, ngày nào tôi cũng mang một cái rổ ra chợ để xem “hát thuật Sơn Đông” rồi mang về một rổ khi thì khoai lang, khi thì cóc ổi, lúc thì cá rô!
Sau nầy, khi vào Sóc Trăng ở, tôi cũng có coi đoàn Sơn Đông Mãi Võ Huỳnh Phi Anh “biểu diễn” vài lần, nhưng không có màn “cá rô” nữa, nghe đâu ông Huỳnh Phi Anh đã mất!
Lý Văn Hào chs HD 64-71
|