“Độc sản” Sóc Trăng ?!?!
Hôm qua, kể chuyện “đặc sản Sóc Trăng” định kể luôn, nhưng sợ hết vốn, vã lại chuyện sau là “độc sản” nên để dành hôm nay cho có chuyện làm!!!!
Chuyện bánh Pía: tôi có một người bạn, con chủ lò bánh Pía ở Vũng Thơm, thuật lại chuyện ngộ nghĩnh về bánh Pía Vũng Thơm. Lò bánh của gia đình anh bạn là hiệu bánh nổi tiếng, và lâu đời ở Vũng Thơm. Khoảng năm 67-68 gia đình nhờ làm bánh Pía mà phát đạt, nên quyết định chuyển về Saigòn làm ăn. Lý do: hiệu bánh bán lên Sàigòn hằng năm một lượng bánh rất lớn, nhập nguyên liệu từ Sài Gòn về cũng rất nhiều, do đó nếu về Sài Gòn làm thì tiết kiệm được một số chi phí rất lớn, tiền lời sẽ nhiều hơn!
Ba năm sau, khi tôi gặp lại anh bạn nầy thì được biết là gia đình anh trở về Vũng Thơm làm lại rồi, không còn ở Sài Gòn nữa. Lý do là không biết tại sao, cũng với nguyên liệu, nhân sự, tay nghề y như cũ mà bánh không đạt chất lượng (da bánh không xốp) như hồi còn làm ở Vũng Thơm, gia đình phán đoán là tại NGUỒN NƯỚC ở Sàigòn không thích hợp. Tôi chỉ cười, nhưng trong lòng không tin!
Mãi cho đến những năm gần đây, khi Sóc Trăng có lò nấu bia của Hảng Bia Sài Gòn mở tại Sóc Trăng, thì trong “làng nhậu” lan truyền là có 2 loại bia Sài Gòn:
- Bia qua phà, bia ra lò tại Sàigòn, chở về (lúc đó còn phà Cần Thơ nên gọi là bia qua phà) giá cao hơn, uống ngon hơn.
- Bia không qua phà, bia ra lò tại Sóc Trăng, không ngon bằng, giá rẻ hơn.
Lý do là tại nước nấu bia.
Các bạn nghĩ sao?
Chuyện thứ 2: chuyện nầy mới đúng là chuyện “độc” đây.
Cuối năm đệ nhị (lớp 11), sau khi thi Tú Tài 1 xong, có Quang ở Sài Gòn (bà con với Trương Kiến Dũng) về thăm quê Sóc Trăng, bảo bọn tôi dẩn đến chỗ nào thuộc hàng “đặc sắc” của Sóc Trăng cho biết. Đưa Quang đến uống cà phê ở quán Quên Đi (lúc đó là quán cà phê nhạc “đình đám” ở Sóc Trăng). Khi về nhà Quang bảo “thứ nầy làm sao bằng ở Sài Gòn”. Cả bọn đang suy nghĩ tìm chỗ “độc” thì tôi bảo “ngày mai mầy theo tao”.
11 giờ sáng hôm sau, tôi dẫn Quang đi coi chiếu bóng ở rạp Nhị Trưng. Khi ra về, Quang nói “cái nầy đúng là ĐỘC, Sài Gòn không có”.
Tại sao coi hát lại là món ĐỘC? Mời “quý đồng bào” xem kỳ sau, biết đâu có bạn đã từng “chơi qua món Độc” nầy có dịp kể lại cho các bạn khác cùng biết!!!! hẹn giải đáp kỳ sau!!!
“Miêu tả” món “độc sản Sóc Trăng”
Nói đến rạp hát, xin “quay về kỷ niệm thưở còn học sinh” một chút. Ngày xưa, Sóctrăng đầu tiên có 2 rạp hát là rạp Nhị Trưng (DANTA) chuyên chiếu phim Pháp-Mỹ, rạp Nguyễn Văn Kiển chuyên chiếu phim Ấn Độ, sau ra thêm rạp Thuận Hóa chuyên hát cải lương, sau cùng là rạp Hòa An chuyên chiếu phim Hồng Kông (ngày nay chỉ còn rạp Nguyễn văn Kiển, nhưng không hoạt động, các rạp khác đều bị đập bỏ rồi!!!!).
Trong các rạp, chỉ có Nhị Trưng là có lối quảng cáo độc đáo nhất, khi chiếu phim mới thì có một xe ba-gác đạp vòng các đường trong tỉnh lỵ để quảng cáo, kèm theo tiếng “tùng-keng-keng” do một anh câm ngồi trong thùng xe đánh. Mỗi khi nghe “tùng-keng-keng” thì mọi người chạy ra nhận tờ chương trình do anh câm đạp xe phát, hồi đó bọn con nít tụi tôi chạy theo coi rất đông!!!
Trở lại “món độc”. Hôm đó, rạp Nhị Trưng chiếu phim gì lâu quá không nhớ tên, chỉ nhớ là có Alène Delon đóng, bọn tôi 7 đứa kéo nhau đến rạp (mặt tiền đường Hai Bà Trưng), đứng chờ ở quầy bán vé (người lớn: dưới lầu 10 đồng, trên lầu 15 đồng, trẻ em 5 đồng). Khi cô bán vé mở cửa phòng vé để bán vé (rạp bắt đầu buổi chiếu phim) thì bọn tôi kéo nhau chạy sang cửa sau (đường Ngô Quyền) để vào rạp.
Thời đó, những người soát vé (6-7 người) thì đứng ở cửa trước, trong đó chỉ có chú 3 Đen, chú Nữ là biết nói chuyện, còn lại đều là những người câm. Cửa sau của rạp chỉ mở khi vãn hát, do một ông lão cũng là người câm gác cửa kiêm luôn làm vệ sinh WC. Khi rạp bắt đầu chiếu thì ông lão câm lúc nào cũng ngồi trên chiếc ghế (lúc nào cũng ngủ gà ngủ gật) cách cửa sau rất xa (độ chừng 30 m), cửa sau rạp là cửa gổ (xin lỗi, tôi nói dài dòng chỗ nầy để mọi người mới thấy được cái “độc” của chuyện nầy).
Như trên đã nói, ông gác cửa sau là người câm (thì phải điếc!) nên với khoảng cách từ cửa đến chỗ ông lão ngồi, súng nổ ông lão câm ấy còn không nghe (!) chứ nói chi đến chuyện kêu cửa. Ấy vậy mà khi tôi lấy tờ 5 đồng huơ huơ vào khe cửa (sau) thì ông ấy lại biết, ra mở cửa cho bọn tôi vào. Cả bọn 7 đứa chúng tôi vào coi hát chỉ tốn 5 đồng bạc. Ác một nỗi, hôm đó rạp chiếu phim rất hay, vào trễ là không có ghế ngồi, nên bọn tôi hấp tấp vào quá sớm. Khi thấy 7 “ông tướng trời” từ cửa sau (nhà vệ sinh) kéo vào thì lúc đó chưa có ai vào rạp, những người gác cửa chạy vội ra cửa sau xem coi có quên đóng cửa không!!!! Cũng may là thời đó vé vào cửa không ghi số ghế, sau khi trình vé xong thì người soát vé xé bỏ vào sọt rác nên không thể kiểm vé người xem hát được, không thì bọn tôi nguy rồi!!!!
Sau khi “an tọa” tôi mới nói rõ tình trạng câm, điếc, mắt lòa của ông câm gác cửa sau cho Quang nghe, nó ôm bụng cười ngất, “cái nầy quá độc, Sài Gòn không hề có”.
Lý Văn Hào chs HD 64-71
|