banner Các Thế Hệ Thầy Cô
side2
KỶ NIỆM 14 NĂM TRÊN ĐẤT ÚC
Phần 8 - Farm Nho & Chủ Farm

Lý Phước Khoa Nam CHS Hoàng Diệu 93-96
Trở về trang chính

October 22, 2014 at 4:02pm
Trong phần này tôi chỉ nói những gì tôi biết về công việc liên quan tới farm nho ở vùng Robinvale, Euston, Mildura và và những vùng lân cận mà tôi đã có dịp làm qua. Có thể những kinh nghiệm, những gì tôi biết có khác với kinh nghiệm của những người khác cho nên có điều gì tôi nói không chính xác thì cũng xin mọi người bỏ quá cho.

Đầu tiên là nói về đất đai ở vùng Robinvale, Euston, Mildura. Đây là vùng nằm ở phía bắc bang Victoria, nằm dọc theo lưu vực con sông Murray - một con sông lớn chảy qua 3 bang Victoria, Queensland và Nam Úc, con sông này có loài cá Murray Cod ( người Việt gọi là cá Mú sông Murray, có thể nặng hơn 100 kg, thịt béo và ngon, có giá cao) và loài cá Murray Pearch ( cá chẽm vàng, thịt cũng béo ngon). Đất đai ở đây là đất cát đỏ, khí hậu thì đa phần khô hạn nên thích hợp cho việc trồng nho. Dân cư vùng này chủ yếu sống nhờ vào nghề farm cha truyền con nối. Farm ở đây cũng đa dạng lắm, nào là farm chanh, farm cam, nho, bơ, hạnh nhân, rau cải, ô liu, cà rốt.... cho nên công việc làm farm có quanh năm không thiếu mà chỉ thiếu người làm vì đa số dân Úc thích làm nghệ thuật chứ không thích làm farm; như vậy thì người bản xứ không chịu làm farm thì lấy người đâu ra mà làm? Từ đó mới có những người thầu farm Việt Nam, Mã Lai, Khmer, Thái.... đứng ra chiêu mộ người làm cho farm, quản lý công nhân và ăn huê hồng 2 đầu.

Người làm farm đa số là người ăn thất nghiệp rồi lên farm làm lậu trốn thuế, du học sinh, người du lịch đi làm lậu và cả người sống bất hợp pháp ở Úc đi làm. Chính vì thế, việc làm trên farm đối với những người này cũng khá là "nguy hiểm" vì nhiều lý do mà tôi sẽ nói sau.

Nước Úc có diện tích rộng lớn và khí hậu đa dạng, ở Tasmania, Victoria, Nam Úc, New South Wales, Canberra có khí hậu ôn hoà, Tây Úc và Bắc Úc và Queensland thì khí hậu nhiệt đới cho nên hầu hết trái cây từ Á, Âu, Mỹ, Phi gì thì ở Úc cũng trồng được vì ngay cả Sa Mạc thì ở Úc cũng có.

Trong bài này tôi chủ yếu tôi nói về cây Nho vì tôi đi làm farm nho mà. Nho là một giống cây quý tộc, quy trình từ trồng cây, chăm sóc cho tới thu hoạch thật là công phu từng ly từng tí. Nếu kể về sự công phu từ việc dọn đất trồng nho cho tới thu hoạch là 3 năm thì mỗi gốc nho sẽ tiêu tốn của chủ farm $3.000AUD, farm nhỏ thì vài ngàn gốc, farm lớn thì vài chục ngàn gốc cho nên giá một farm nho là không rẻ chút nào. Chưa kể tiền mua đất, xây cất nhà kho, thiết bị, máy móc, phân bón.... ôi thôi là tiền. Từ một cây nho con trồng lên phải qua biết bao giai đoạn từ đào đất, trồng cây, lặt lá non, uốn cây cho lên giàn cho đến tỉa bông, phun thuốc, bón phân, hái trái thiệt cũng kỳ công dữ lắm.

Vì bài viết có hạn nên tôi sẽ không nói về sự kỳ công của việc trồng nho vì nó dài lê thê quá, tôi xin nói tắt ngang tới giai đoạn nho trổ bông. Khi nho ăn trái (không tính nho làm rượu) trổ bông thì nó sẽ ra rất nhiều bông, lúc đó chủ farm sẽ thuê người đi tỉa bớt bông, chỉ chừa mỗi cành 4 chùm bông, một cây nho có 8 cành. Mỗi một chùm bông lại có nhiều nhánh nhỏ trổ ra gọi là tay, một chùm như vậy có cả chục tay nên lại phải cắt bớt tay cho trái nó to chứ để cả chùm như vậy thì trái sẽ nhiều nhưng nhỏ như "trứng rận" bán chẳng ai mua. Tuỳ theo chùm bông, nếu thấy bông mập mạnh thì mình sẽ cắt bỏ hết cả chùm, chỉ chừa lại 4 tay là đủ. Nếu chùm bông không được to cho lắm thì tuỳ cơ ứng biến mà chừa lại 5 hay 6 tay. Chính vì sự phải uyển chuyển đầy kinh nghiệm này mà sự xung đột về quyền lợi của chủ farm - công nhân và công nhân - công nhân cứ xảy ra từ đời này sang đời khác không dứt. Mùa tỉa bông nho thông thường chỉ kéo dài tối đa có 3 tuần và được dân trong nghề làm nho gọi là mùa "giật tiền" vì có người làm "GIỎI" ( trong ngoặc kép) có thể kiếm được đến $1.500 AUD một ngày, bèo bèo thì cũng $300, nếu mà ngày nào cũng kiếm được chừng này tiền thì lương còn cao hơn lương bác sỹ, kỹ sư.

Sau mùa bông nho, chủ farm sẽ phải phun thuốc dưỡng cây, bón phân, tưới nước cho trái lớn. Khi sắp tới lúc thu hoạch, người ta phải căng tấm bạt nilon che cho nho, tránh sương giá, tránh mưa vì bản thân nho là trái mọng nước, nếu thiếu nước thì trái không tốt, nếu dư nước thì trái sẽ bị thúi, bị nứt (dạng như là dưa hấu vậy).

Trồng nho thì tính may rủi rất cao, nhiều khi thấy mùa trái ngon ăn, sum xuê thì khi trái chín đến nơi, mưa kéo dài 1 tuần lễ thì coi như toàn bộ nho hư hết, đã vậy mà chủ farm lại phải bỏ ra mấy chục ngàn thuê nhân công cắt bỏ hết tất cả trái xuống đất rồi phun thuốc trừ nấm chứ để treo trái thúi trên cành sẽ sanh nấm bệnh cho mùa sau ( thiệt là đau khổ). Theo tập sách thông tin của Bộ Di Trú Úc, việc một chủ farm Úc giàu lên nhờ trúng mùa rồi sau đó mùa màng thất bát dẫn đến phá sản rồi phải khởi nghiệp lại từ đầu là chuyện hết sức bình thường ở Úc.

Phần sau này tôi xin dành thời gian để nói về vài chủ farm tiêu biểu ở Robinvale mà tôi cho là có nhiều cái hay.

Đầu tiên là một chủ farm người Hy Lạp tên Michael (người này đề nghị vợ chồng tôi đặt tên đứa con nhỏ theo tên của ông vì theo đức tin của Thiên Chúa Giáo Hy Lạp thì việc đặt tên con theo tên của một người nào đó gọi là God Father - cha đỡ đầu). Michael là một người không cao cho lắm, ông ta chỉ cao độ 1.65m nhưng mập và khoẻ mạnh như voi. Chỉ riêng bắp tay của ông ta đã to bằng bắp đùi của tôi rồi. Hồi hơn 50 năm trước, khi Michael chỉ là một cậu bé thì cha ông ta đã là một chủ farm ở Robinvale, thời đó trồng nho chủ yếu là trồng thủ công chứ chưa có máy đào đất, trồng cột, căng dây thép như thời bây giờ. 2 cha con ông cần mẫn tạo dựng nên một farm nho lớn có tiếng ở thị trấn Robinvale. Michael là một người cực kỳ thông minh, có thể nói là chuyện gì ông ta cũng biết ( lý do là nhà ông ta có cả một bộ tự điển Bách Khoa và ông ta đã đọc hết tất cả và nhớ rất nhiều). Michael nói chung là một người tốt bụng, hay giúp đỡ mọi người nhưng lại có tính " DÊ" rất cao và rất sung, ông ta tuyên bố thế này " tất cả những thằng như Hitler, Mussolini... đều là những thằng ngu, tranh hùng xưng bá làm chi cuối cùng cũng chết, cũng tay trắng rồi tuyệt tử tuyệt tôn, không ai nối dõi. Còn tao thì khác, ai tao cũng yêu, ai tao cũng lấy, tao không ngại có con với bất cứ ai nhưng sẽ không bao giờ cưới cho nên con cháu tao, dòng giống của tao có rải rác khắp mọi nơi he he".

Khi tôi đi làm farm thì tôi được chú Ba chở lên nhưng chú Ba không phải là chủ của tôi thật sự, chủ của tôi là em Duy Sinh năm 80, em này là người đẹp trai, đa tài giàu có và có lối cư xử rất đặc biệt mà tôi sẽ kể về sau. Hồi Duy còn học phổ thông, nghe đồn Duy học rất giỏi, điểm thi Tú Tài của Duy đủ để được tuyển vào ngành Y. Có một ngày, Duy cùng bạn gái đi chơi, câu cá trên rừng ở vùng Robinvale và đi lạc vào farm nho của Michael, thấy farm nho hoành tráng Duy với bạn gái thích quá nên xin vào làm công cho Michael chơi cho vui ( gia đình Duy rất khá), vào làm được một lúc Duy thấy thích công việc này quá cho nên Duy quyết định không học Đại Học mà cùng bạn gái lên farm làm công cho Michael ( Duy và bạn gái làm Supervisor cho Micchael). Ngày Duy lên farm, nghe kể rằng mẹ của Duy khóc hết nước mắt vì con, con đường tương lai thênh thang như thế, nhẹ nhàng như thế không chọn lại chọn đi làm farm chi để "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời".

Trước năm 2000 và kéo dài cho đến năm 2010 là thời gian nước Úc bị hạn hán gay gắt, kéo dài hơn 10, lúc này nước trở thành thứ cực kỳ quý hiếm ở Úc. Hạn hán nghiêm trọng đến nỗi con sông lớn của Úc là sông Murray sâu hàng chục mét cạn trơ đáy. Ở bang Victoria chính phủ có lệnh "hạn chế xài nước", chính phủ ra quy định là mỗi nhà chỉ được xài một lượng nước nhất định, ai xài vượt mức đó sẽ bị đóng phạt khá nặng ( thí dụ như bạn được xài theo chỉ tiêu là 1.000 lít nước, nếu xài qua lít thứ 1.001 cho đến 1.200 lít thì số dư ra này phải trả tiền gấp đôi, nếu xài hơn 1.200 lít thì đóng tiền gấp 3, đó là nói thí dụ như vậy chứ tôi không thể nói chính xác vì tôi không có thời gian tìm hiểu trở lại một cách kỹ lưỡng). Nhà người dân muốn tưới cây thì phải áp dụng theo lịch ngày chẵn nhà số chẵn được tưới cây, ngày lẻ thì nhà số lẻ tưới. Giờ tưới cũng được quy định rõ ràng, người ta chỉ được tưới cây từ sau 8 giờ tối hôm trước đến trước 7 giờ sáng hôm sau nhằm tránh việc nắng nóng làm nước bốc hơi và cây hấp thụ nước không kịp. Nếu là người cao tuổi thì được tưới cây đến 10 giờ sáng vì lý do sức khoẻ các cụ. Ngoài ra chính phủ cũng khuyến khích người dân tắm rửa giới hạn trong 7 phút, sau xuống còn 3 phút để tiết kiệm nước, rồi phải hạn chế rửa xe, hạn chế rửa sân.... nói chung là nhiều quy định gắt gao, nếu nhà nào tưới cây không đúng ngày giờ quy định, bị hàng xóm thấy nó sẽ gọi cảnh sát tới ghi giấy phạt là chuyện thường tình.

Úc cũng có một quy định khác nữa là "nhà ở, đất nhà, đất farm tính từ mặt đất xuống 20 mét là thuộc sở hữu của người dân, dưới 20 mét là của chính phủ cho nên nguồn nước ngầm hay lỡ dưới nền nhà mình có mỏ dầu hoả, mỏ vàng... gì thì cũng không thuộc quyền khai thác của mình". Nước tưới farm bơm trực tiếp từ dưới sông lên thì cũng phải trả tiền và tiền nước phải trả rất mắc cho nên vào thời điểm năm 2000 cho đến năm 2010 có rất nhiều farm ở Robinvale đã phải bỏ hoang vì chủ farm không có đủ tiền mua nước tưới nho. Trong những farm bỏ hoang này có farm của Michael từng nổi danh một thời. Người ta "đồn" rằng anh em Michael chỉ lo ăn chơi nên farm ngày càng lụng chứ những chủ farm khác họ vẫn bám lấy nghề farm mà sống đến bây giờ. Còn nữa, nhiều người đã hỏi, tại sao người ta không khoan giếng lấy nước xài như Việt Nam? Xin thưa, nếu bạn muốn khoan thì cũng được, sau khi khoan xong thì chính phủ sẽ tới gắn đồng hồ nước vô rồi bạn xài bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu, chưa kể là bạn phải xin giấy tờ phiền phức và phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để khoan giếng.

Nói về chủ thầu của tôi là em Duy, một người trẻ tuổi tài hoa. Duy đẹp trai, có duyên, hát hay, đàn giỏi và cũng đào hoa lắm. Khi mới lên farm, Duy làm công và làm supervisor cho Michael rồi một ngày trên đường đi làm về, Duy bị tai nạn giao thông tưởng chết, xương cốt gãy bấy bá, chấn thương tùm lum nhưng cuối cùng cũng sống và được bảo hiểm bồi thường cho mấy trăm ngàn đô. Duy lấy số tiền này làm vốn và đứng ra làm chủ thầu farm, lúc này Duy cứu vớt ông chủ cũ của mình là Michael và nhận Michael vào làm Supervisor lại cho Duy. Đúng là cuộc đời này không biết được ngày mai sẽ ra sao, nhiều khi người làm lính cho mình hôm nay mà ngày sau sẽ là chủ của mình cũng không chừng cho nên tôi cũng thấy như vậy nên tôi khi làm Supervisor trên farm tôi rất từ tốn, nhỏ nhẹ nhưng cũng kiên quyết vì BIẾT RA SAO NGÀY SAU?!.

Duy là một người có cách cư xử rất hay mà tôi phải phục. Duy là một người mà buồn vui không lộ ra mặt. Hiếm khi nào thấy Duy vui cười ngặt nghẽo, cũng không bao giờ tôi thấy Duy lo buồn lộ ra mặt. Có một lần, có một công nhân Ấn Độ làm sai kỹ thuật và lười biếng, Duy tới nhắc nhở thì hắn ta cự lại vì hắn không biết Duy là chủ, hắn tưởng Michael mới là chủ vì thường ngày ở ngoài farm Michael làm supervisor "hét ra lửa" chứ đâu ngờ Duy mới chính là Ông Chủ Bự. Hôm đó Duy giận đỏ mặt, tía tai và Duy đuổi luôn anh công nhân Ấn Độ đó. Trong lúc Duy đang nóng giận hừng hừng như thế, tôi có việc cần hỏi Duy về kỹ thuật nên tôi kêu Duy để hỏi, thông thường một người đang tức giận như vậy mà mình chàng ràng thì dễ bị vạ lây lắm nhưng Duy thì khác, Duy đang nóng giận bốc khói vậy mà nó quay sang tôi mỉm cười và hỏi " có gì không anh Nam?" Thiệt là ngoài sức tưởng tượng của tôi. Một điểm khác cũng rất hay ở Duy là cách Duy đáp lại những yêu sách của những người làm cho Duy. Nếu ai có yêu cầu gì đối với Duy, thấy được Duy sẽ đồng ý ngay, nếu thấy không được thì Duy sẽ giả đò không nghe, mình lặp lại lần thứ 2 Duy cũng giả vờ không nghe, mình lặp lại lần thứ 3 thì Duy giả vờ giật mình và nghe rồi nói "không được". Vậy đó, về sau biết bài Duy rồi, nếu mình nói với Duy điều gì tới lần thứ 2 mà thấy không có phản ứng gì thì tốt nhất là rút lui có trật tự, bằng không thì hứng nước lạnh tạt vô mặt ráng chịu.

Người cuối cùng tôi nhắc tới trong bài bài này là ông triệu phú farm rất thành công ở Robinvale - Euston đó là ông Bruce Chalmer. Đây phải nói là một nhân tài đi trước thời đại ( thời đại của những người làm farm nho của Úc) và không qua trường lớp nào cả.

Mấy chục năm trước, gia đình ông Chalmer đã sở hữu rất nhiều đất đai trồng lúa mạch gần bờ sông Murray. Tuy nhiên, năng suất lúa mạch không cao, bán không có giá nên người nông dân ở đây vẫn không khá. Vào những năm 1980, chính phủ Úc muốn phát triển công nghệ rượu nho vì lúc đó rượu nho Úc không mấy gì tiếng tăm cho lắm dù là Úc có truyền thống làm rượu nho lâu đời. Chính phủ đã chọn ông và một số người để gởi đi các nước như Chile, Nhật, Tây Ban Nha nói chung là các nước giỏi về trồng nho ở Châu Á, Châu Mỹ, Châu Âu để tham quan, học hỏi. Kết quả là ông đã sưu tầm và mang về Úc hơn 70 giống nho mới và cải tạo farm lúa mì của ông thành farm nho rượu kiêm luôn trang trại sản xuất nho giống mới cung cấp cho khắp nước Úc. Trong farm của ông, ông đã áp dụng hệ thống tưới tiêu tiên tiến của Isarel là hệ thống tưới NHỎ GIỌT - DRIP LINE, hệ thống này tưới rất hiệu quả và tiết kiệm nước vô cùng, chính hệ thống này đã giúp Isarel cải tạo những sa mạc trên đất nước họ thành những vườn nho, vườn cam xanh tốt, trĩu quả.

Ông Bruce Chalmer trồng nho làm mẫu để thu hoạch trái làm rượu, bán nho giống. Chính vì nho của ông giống mới, vị lạ, kỹ thuật tiên tiến nên rượu của ông làm ra năm nào cũng thi đoạt giải và bán được giá cao. Tiếng lành đồn xa cho nên ông giàu lên nhanh chóng. Đến năm 2008, khi farm nho rượu của ông đang thời kỳ cực thịnh thì đùng một cái ông bán farm của ông cho ngân hàng Macquerie với giá 30 triệu AUD, nhiều người tiếc rẻ tại sao ổng bán uổng vậy? Farm của ổng đang làm ăn ầm ầm kia mà? Ông lại có hợp đồng cung cấp nho cho các hãng rượu với giá cao trong 10 năm, đến năm 2008 thì cũng còn 4-5 năm hợp đồng, vậy mà bán chi quá uổng! Có ai biết rằng trong bao nhiêu năm qua, ông đã bán biết là bao nhiêu triệu cây nho giống cho khắp các farm nho trên nước Úc, sau 3 năm trồng thì cây nho cho đợt trái đầu tiên, đến 5 năm thì nho cho trái rộ và gần đến hạn 10 năm thì thị trường nho rượu "sắp" bão hoà, ông dự đoán trước nên đã bán farm với giá cao và ra đi nơi khác mua một farm khác nhỏ hơn và bắt đầu trồng vài giống nho độc đáo để làm rượu cho riêng mình. Khi làm ở farm của ông, tôi đã tranh thủ nếm đủ 70 vị nho trong farm, ấn tượng nhất là giống nho có nguồn gốc từ Nhật, trái to và ăn có vị giống như trái Vú Sữa vậy đó.

Nói về kỹ thuật chế biến nho rượu, ngày xưa khi chưa có máy móc thì người ta cắt nho bằng tay để đem đi ủ rượu, sau này người ra chế ra máy thu hoạch nho rượu to hơn chiếc máy cày và chạy dọc hàng nho vào ban đêm, lúc này cây nho đã ngủ nên trái nho và cuốn nho rất giòn nên máy hút trái rất dễ. Điều bất lợi là sau khi trái nho chạy qua máy hút này rồi và chạy ra thì đã vập nát thành nước nên phải cấp tốc chở tới nhà máy chế biến ngay. Đó là chuyện thu hoạch nho ở farm lớn, riêng những farm nhỏ, canh tác theo kiểu cũ thù máy hút không được nên vẫn phải cắt nho bằng tay. Mỗi thùng nho 10kg được trả công là 50 xu (50 cents) trong khi 1 thùng nho ăn được trả công từ $1.2 - $2 AUD lý do là cắt nho ăn thì phải tỉa bỏ trái nhỏ, trái thúi còn nho rượu thì cứ cắt càng, bất kể trái hư, trái khô.. Ấy vậy mà ông Bruce Chalmer cần nho làm rượu, ông ấy sẵng sàng trả chúng tôi $2 AUD cho một thùng nho rượu 10kg với yêu cầu là đừng cắt những chùm nho thúi, nho khô vào thùng để ông đem về sản xuất rượu nho thượng hạng. Nhiều chủ farm khác nói với ông "tại sao ông trả cho công nhân nhiều tiền vô lý quá vậy, nếu ông chịu chơi thì chỉ cần trả $1AUD /1 thùng là tụi công nhân nó mừng muốn chết rồi, trả chi tới $2AUD dữ vậy!". Ông trả lời " tôi muốn thu hoạch nho thượng hạng để sản xuất ra rượu thượng hạng. Một chai rượu thường giá $15 AUD một chai, rượu tôi làm ra bán $ 50 AUD một chai mà không đủ rượu bán, vậy tôi bỏ ra thêm $1.5 AUD mà thu thêm được $35AUD thì cũng không có gì quá đáng, nếu tôi chỉ trả 50 cent hoặc $1AUD thì tôi biết chắc rằng công nhân họ sẽ không cắt nho theo đúng yêu cầu của tôi đâu, tiền nào của nấy mà". Cuối cùng trước khi tạm dừng phần này là tôi rất thích khi đi làm farm nho rượu là tôi đã học được một kinh nghiệm chế biến rượu nho ( rượu chát) theo kiểu Tây.

Lý Phước Khoa Nam chs HD 93-96

Trở về trang chính

 

 
 
 
 
Last updated 11/06/2014

 

 

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

 
 
 
 
 
 


side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2