September 20, 2014 at 8:41am
Cuộc đời như cánh bèo trôi giữa dòng, thoắt một cái mình sang Úc đi học rồi định cư - điều mà trước năm 2000 mình có mơ cũng không mơ ra chuyện này.
Ra trường, mình được nhận vào dạy ở trường Việt Ngữ Lạc Hồng 2 buổi sáng chiều ngày thứ 7 hàng tuần (dạy lớp 7). Đến tuần thứ 3, trong giờ ra chơi thì có một cô giáo dạy lớp 10 ôm mặt khóc và nhiều giáo viên khác xúm lại hỏi thăm cớ sự thì biết rằng học trò lớp của cô quậy quá, vào lớp học nó lo ngồi ôm bạn gái, không chịu học. Bị cô giáo rầy thì nó lên bàn ngồi, tắt đèn và "phán" một câu "CÔ KHÔNG ĐỦ TRÌNH ĐỘ DẠY EM!". Mọi người xúm lại nói là "học sinh bên này khó dạy lắm, nó không chịu học tiếng Việt, nó lỳ lắm, nói động nó không được....." Và không biết phải làm sao với lớp này vì trong lớp có 4-5 thằng con trai, 2-3 đứa con gái quậy. Thấy vậy mình liền nói với ông Hiệu Trưởng là "thầy để em dạy lớp đó!". Ông Hiệu Trưởng trợn tròng con mắt rồi nói "em mới ra trường, còn trẻ, chưa có kinh nghiệm sao dạy nổi mấy đứa quậy này!" Mình liền nói "em làm được, thầy cứ để em!" Thế là mình dạy tiếng Việt lớp 10. Nói chung thì mình không cần nói vòng vo về phương pháp sư phạm vì như thế là múa rìu qua mắt thợ! Trong phần này mình chỉ kể sơ lược về một cuộc tranh luận với học trò trong lớp trước khi "thuần phục" được đám học sinh này để việc dạy học được thuận lợi về sau.
Buổi đầu tiên tôi dạy các em là bài học nói về Hai Bà Trưng, trong bài nói Hai Bà là "anh thư" nước Việt, đã có công đánh đuổi ngoại xâm giành độc lập cho đất nước. Sau thất trận đã gieo mình xuống dòng Hát Giang. Tới đây họ trò lại giở trò bắt bẻ kiểu như "thầy không đủ trình độ dạy em".
- Một em "đầu têu" khởi xướng " ai mà không nói mình tốt! Người Việt dĩ nhiên là nói người Việt anh hùng, người Việt giỏi rồi. Thầy làm sao biết Hai Bà Trưng lúc đó như thế nào mà nói Hai Bà Trưng là ANH THƯ!".
-Tôi nói " thầy không phải đặt chuyện Hai Bà Trưng ra để dạy các em. Sự thật thì những gì thầy dạy các em hôm nay là do sử sách ghi lại cho nên mình là người Việt thì học để biết sử Việt".
Các em chưa chịu thua nên nói tiếp:
- "Sách sử cũng chưa chắc nói thật và thầy là người sanh ra sau này cho nên thầy cũng không biết gì hết nên thầy cũng không đủ trình độ dạy em!".
- Tôi nói "thầy ghi nhận ý kiến của các em rằng thầy là người sanh ra sau này nhưng không có nghĩa là thầy không biết gì hết!". Bây giờ thầy hỏi các em thế này:" con người từ đâu mà có?"
Một số em nói "do chúa sanh ra", một số nói là "do loài vượn biến thành"....
- Tôi hỏi tiếp "làm sao các em biết được con người do Chúa sanh ra hay con người là do loài vượn cổ tiến hoá?"
Các em trả lời là "kinh thánh nói" , "do lịch sử ghi lại..."
- Tôi nói "à, thì ra các em cũng sanh ra sau này chứ lúc đó các em cũng chưa sanh ra nhưng các em biết được là do các em đọc kinh thánh, do các em học lịch sử trong trường. Kinh thánh là thuộc về Tôn Giáo và tín đồ của tôn giáo nào thì tin vào tôn giáo ấy. Trong lớp học tôi sẽ không bàn về đức tin tôn giáo cho nên chúng ta sẽ bàn đến lĩnh vực mà ai cũng biết đó là Lịch Sử". Các em có thể cho thầy biết "tại sao các em nói rằng con người là do loài Vượn Cổ tiến hoá thành?"
- Các em nói là do lịch sử chứng minh, là do người ta "đào được xương mấy con khỉ từ mấy ngàn năm trước rồi đem đi nghiên cứu nên biết"!
- Tôi nói "Vậy được rồi! Tôi tin và biết các em có lý vì những điều các em nói tôi đã từng học từ trước. Trở lại chuyện Hai Bà Trưng, những gì các em biết được và nói với thầy là do lịch sử ghi chép lại, là do khoa học, khảo cổ học đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu, chứng minh và đưa ra kết luận cho thế hệ sau như chúng ta. Nhiều khi khoa học cũng mắc sai lầm chứ không phải khoa học, lịch sử đều đúng một trăm phần trăm. Các em là những người đi sau, biết đâu trong các em ngồi đây có nhiều người là nhân tài về sau và sẽ chứng minh được lịch sử sai lầm thì các em quả là người được cả Thế Giới ngưỡng mộ và bái phục. Tới đây, tình hình bắt đầu dịu đi nhiều và các em đã không còn hăng cãi như trước. Tuy nhiên, những em " đầu têu" vẫn chưa chịu "quy hàng" mà vẫn cố cãi ngang để xách động cả lớp "làm reo" nên các em lại tiếp "thầy nói gì thì nói, chuyện lịch sử loài người là chuyện khác, chuyện Hai Bà Trưng là chuyện khác. Em xem phim Tàu đâu có nghe nói Hai Bà Trưng đánh thắng Trung Quốc đâu mà thầy nói, em không tin!".
- Tôi nói "các em nói rất đúng, phim Trung Quốc không hề nói tới Hai Bà Trưng hay Bà Triệu đánh thắng họ vì đối với người Trung Quốc thì nước Việt Nam ngày xưa chính là một phần lãnh thổ của Trung Quốc nhưng người Việt Nam lại không công nhận điều đó. Người Việt khẳng định là nước Việt của người Việt cho nên người Việt anh hùng như Bà Trưng, Bà Triệu luôn đứng lên đánh giặc giành độc lập cho nước Việt Nam cho nên các quan quân người Tàu xưa rất ghét những ai đứng lên chống lại họ cho nên sử sách Trung Quốc luôn luôn mô tả các vị Anh Hùng, Anh Thư nước Việt như Bà Trưng, Bà Triệu là giặc, là cướp núi. Tôi nói thí dụ như Bà Triệu được người Việt Nam tôn thờ với hình ảnh một vị tướng oai hùng mặc áo vàng, mang guốc ngà, ngồi trên đầu voi ra trận giết giặc Tàu thì trong sử Tàu lại mô tả Bà Triệu là " một nữ tướng cướp ở trong núi, thường mặc áo vàng, mang guốc ngà, VÚ DÀI TẬN LƯNG, thường ngồi trên đầu voi đi cướp bóc và chống lại mệnh quan triều đình..." Nói tới đây thì cả lớp cười ồ. Vậy là "các ông, các bà quậy" trong lớp lại có dịp hỏi tiếp "vậy vú của bà Triệu có phải là dài tới tận lưng hay không thầy?" Tôi nói, chuyện "vú có dài tận lưng hay không lẽ ra thầy không nói tới vì nó không liên quan đến bài học trong lớp. Tuy nhiên, hôm nay thầy phá lệ nói với các em để các em khỏi tức! Chuyện "vú của Bà Triệu có dài hay không thì thầy không được biết vì sử Tàu nói vậy còn sử Việt thì không có nói. Tuy nhiên, khi mình so sánh giữa sử Tàu và sử Việt thì có một vài điểm chung là "bà Triệu thường mặc áo vàng, ngồi trên đầu voi ra trận và làm cho quan quân cai trị người Tàu phải khiếp sợ". Vậy các em là người Việt, các em nói thử coi Hai Bà Trưng, Bà Triệu là Anh Thư hay giặc cướp? Tới đây mọi chuyện có lẽ đã ngã ngũ nên tôi không mất thêm thời gian để mô tả dài dòng cho kết cuộc về sau; chỉ biết là từ đó lớp tôi đi vào nề nếp và chịu học hành. Kể từ đó tôi dạy luôn lớp 10 và qua năm sau tôi bắt đầu dạy lớp 11 và 12 tức là 2 lớp Tú Tài và kết quả học tập của 2 lớp cuối Trung Học này cộng với kết quả thi Tú Tài môn tiếng Việt sẽ là kết quả chính thức được tính điểm để xét tuyển vào học Đại Học sau này.
Trong những năm tôi dạy tại trường Lạc Hồng, rất nhiều học trò của tôi dạy đã đoạt giải thi Viết Văn tiếng Việt của trường và của bang Victoria. Trong chương trình Paris By Night số 77 với chủ đề là 30 Năm Viễn Xứ, trong phần phóng sự dạy và học tiếng Việt ở Úc, ngoài phần phát biểu của ông Hiệu Trưởng Thái Đắc Nhương thì phần dạy học của tôi trên lớp được chọn để chiếu cho đồng bào xem, học trò của tôi cũng được chọn để phát biểu cảm tưởng vì khả năng nói tiếng Việt trôi chảy, đây cũng có thể nói là một vinh dự nho nhỏ cho người thầy dạy tiếng Việt như tôi.
Cần nhắc lại một khó khăn khác của tôi trong việc đi dạy đó là "nghề tay trái" nhưng lại kiếm được nhiều tiền hơn nghề tay phải của tôi đó là tôi đi làm công cho shop Thực Phẩm Á Châu của Dì tôi. Tôi vừa là nhân viên bán hàng, vừa là nhân viên tính tiền kiêm luôn bốc vác và nhân viên quét dọn vệ sinh của shop (nói chung là việc gì cũng phải làm) (( chỗ tôi bán ngày xưa là siêu thị của Tây tên là Bilo (người Việt quen gọi là Bai-Lồ), sau này những shop người Việt trong cùng khu shopping cạnh tranh với Bilo gắt quá, nó chịu không nổi nên bỏ đi nhưng cái danh Bilo vẫn tồn tại cho tới bây giờ (chừng 20 năm rồi) cho dù nhiều người không biết tại sao khu shopping của người Việt tại Footscray, Victoria có tên là "Little Sai Gon Shopping Centre" mà ai ai cũng gọi là Bilo Footscray)), sau giờ tan trường, các em học sinh của tôi cùng phụ huynh đi chợ mua sắm thì lại gặp tôi đứng bán hàng và không ít học sinh của tôi nói với cha mẹ các em "thầy con kìa, thầy Bilo - có ý nghĩa giống như là "thầy chợ trời" vậy đó". Có một lần, có một em học sinh hỏi tôi trước lớp, "thầy đi làm Bilo rồi thầy đi dạy tụi em, thầy không mắc cỡ sao thầy?". Tôi trả lời "thầy không có phước được như các em, sanh ra có cha mẹ lo, có chính phủ lo cho ăn đi học. Thầy vốn là du học sinh, mọi chuyện ăn ở, học hành đều phải tự mình lo, nếu thầy không đi làm kiếm tiền để học hành tới nơi tới chốn thì ngày nay thầy không thể đứng được chỗ này để dạy mấy em. Hơn thế nữa, thầy làm ở Bilo hay văn phòng luật sư gì thì cũng là lao động kiếm tiền, thầy không trộm cắp gì của ai, không làm việc gì xấu thì tại sao lại mắc cỡ? Các em sau này, khi vào Đại Học cũng sẽ vừa học vừa làm, có thể là bồi bàn, có thể là công nhân vệ sinh nhưng về sau có thể là bác sỹ, kỹ sư... vậy các em có mắc cỡ không? Mà nghĩ người Việt cũng lạ, khi đi chợ Tây nghe người Tây họ rao um sùm thì thấy vui, thấy Tây họ hay không "câu nệ" trong khi người Việt xem người Việt rao bán như là "hàng tôm hàng cá".
Có lần tôi đã nói qua, hồi đi học tôi muốn học Thạc Sỹ (Master) cho nó oai nhưng sợ ra trường khó kiếm việc làm nên đành học Graduate Diploma, về sau tôi mới thấy thầy tôi khuyên đúng vì tôi có anh bạn qua sau tôi vài năm và dạy cùng trường; anh này trước là giảng viên Đại Học Nông Lâm tp Hồ Chí Minh, qua đây học thạc sỹ, sau này đi dạy trong trường chỉ được dạy lớp 7 vì muốn dạy lớp 11, 12 thì bắt buộc phải có bằng Graduate Diploma (bằng cử nhân - Bachelor là Undergaduate) (lớp 11, 12 được trả lương gấp đôi) cho nên sau khi có bằng Thạc Sỹ xong, anh bạn này lại phải bỏ ra thêm 1.5 năm và tiền bạc để đi học lại bằng Graduate Diploma như mình.
Trở lại chuyện dạy tiếng Việt bên này, đa phần con em người Việt bên này không thích đi học tiếng Việt, các em nói học tiếng Việt thật là buồn chán, các em đi học là vì cha mẹ ép chứ các em không thích. Vô lớp thì cô giáo tối ngày kêu đọc bài rồi làm bài tập chán gần chết. Nói ngay, nhiều cô giáo dạy chán thiệt, tuần nào cũng như tuần nấy, vô lớp mở sách ra cho học sinh đọc bài ê a, sau đó cho bài tập cho các em làm và các cô tranh thủ ngồi chấm bài tới hết giờ rồi về. Các em viết câu nào sai, chữ nào sai là các cô gạch thẳng tay rồi viết lại câu khác, chữ khác cho đúng nên học sinh cũng chẳng tiếp thu được gì. Phần tôi dạy lại khác, biết mỗi tuần các em chỉ học được có mấy tiếng đồng hồ môn tiếng Việt cho nên trên lớp tôi tranh thủ hết thời giờ để dạy, để giảng tiếng Việt cho các em. Phần bài tập tôi bắt các em về nhà làm và chấm không sót bài nào, chữ nào. Chữ nào, câu nào các em viết sai thì tôi tìm cách chỉnh lại, nắn câu các em lại dựa trên ý của các em cho nên các em rất thích và vì thế giờ học tiếng Việt trong lớp tôi luôn vui vẻ vì tôi cũng hay nói đùa cho các em vui. Chính vì tôi dạy kiểu đó cho nên tôi dạy 2 buổi ngày thứ 7 thì tôi cũng mất luôn cả ngày CN để chấm bài mà ngày CN này không được trả lương cho nên mấy thầy cô kia cười tôi là "dại" vì họ vừa dạy, vừa tranh thủ chấm bài cho xong, về nhà là khoẻ rồi!
Tôi dạy được mấy năm thì cưới vợ và nghỉ dạy để tập trung vô xây dựng gia đình. Trong mấy năm, thỉnh thoảng gặp lại ông Hiệu Trưởng thì ông lại thúc tôi đi dạy lại. Hôm rồi bắt đầu chở thằng con trai đầu lòng đi học tiếng Việt, ông hiệu trưởng lại kêu đi dạy, coi như tranh thủ chở con đi học rồi mình dạy, khi nó tan học ra thì chở nó về, coi như tiện và lợi. Lúc đầu mình cũng sung lên nhận lời nhưng sau nghĩ lại, mình đi làm 5 ngày /tuần, thứ 7 đi dạy rồi CN chấm bài thì thì thì... Còn gì là đời cho nên đã "HỒI", coi như chia tay thật sự với nghiệp dạy học luôn rồi đó.
Lý Phước Khoa Nam chs HD 93-96
Trở về trang chính
|