banner Các Thế Hệ Thầy Cô
side2
KỶ NIỆM 14 NĂM TRÊN ĐẤT ÚC
Phần 4 - Ra Đời - Xin Định Cư - Tìm Việc Làm

Lý Phước Khoa Nam CHS Hoàng Diệu 93-96
Trở về trang chính

September 8, 2014 at 3:37pm
Tốt nghiệp ra trường, 2 việc tôi làm đầu tiên là nộp đơn xin Visa Thường Trú Nhân và tìm việc làm phù hợp với ngành mình học.

Trước khi tôi qua Úc, nước Úc là nước "đất rộng dân thưa" cho nên những người Việt nói riêng và người mới nhập cư tới Úc được chào đón rất nồng nhiệt. Theo luật của Úc thì ai mới tới Úc lúc đó sẽ được cấp Chiếu Khán Thường Trú Nhân, 2 năm sau Bộ Di Trú sẽ gởi giấy tới người đó để "Mời" nhập quốc tịch Úc (cần nói thêm rằng một Thường Trú Nhân hầu như có đầy đủ quyền lợi của một công dân Úc về An Sinh Xã Hội, học hành, công ăn việc làm...duy chỉ có một "nghĩa vụ và quyền lợi" chưa có được là "quyền bầu cử", như vậy là tôi muốn bầu cho ông Chuối, bà Bưởi hay cô Sữa làm Thủ Hiến bang, làm Thủ Tướng là không thể. Nhưng có nhiều người không cho việc "nhập tịch" là quyền lợi vì khi đã có quốc tịch thì bắt buộc phải đi bầu, nếu "không đi bầu" mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt cho nên họ chọn làm Thường Trú Nhân để được hưởng đầy đủ quyền lợi mà không phải đi bầu. Thời đó, khi một người được mời và muốn vào quốc tịch thì sẽ được mời ra Bộ Di Trú để phỏng vấn rồi mới được cấp quốc tịch Úc (nói là phỏng vấn chứ thật ra là đi gặp mặt rồi trả lời có lệ vài câu như tên gì, ngày tháng năm sanh, có muốn trở thành công dân Úc không? Có đồng ý tuyên thệ trung thành với nước Úc không?...).

Đến thời của tôi, di dân đến Úc bắt đầu ào ạt, rất nhiều trong số đó không chịu đi làm, quanh năm suốt tháng chỉ lo lãnh tiền thất nghiệp rồi rượu chè, cờ bạc, hút chích và đi du lịch nước ngoài dài hạn cho nên việc cấp Visa, Quốc Tịch mới bắt đầu bị siết chặt dần dần. Rất lâu trước kia, khi một du học sinh đã tốt nghiệp tại Úc sẽ được mời ở lại Úc để "cống hiến" (dĩ nhiên là nước Úc có lợi, không phải bỏ tiền đào tạo mà có người để xài). Về sau có quá nhiều người ở lại nhưng vì "năng lực hạn chế" nên họ chẳng những không có cống hiến mà còn lãnh tiền thất nghiệp dài hạn nên sau này chính phủ đổi luật, sinh viên muốn ở lại Úc phải có đủ điểm mới được cấp Visa (lúc đầu hình như là 65 điểm, sau tăng lên 110 điểm nhưng không phải thi tiếng Anh ( IELTS). Đến thời của tôi thì phải đạt 115 điểm và thi IELTS được 6.5 điểm nhưng không cần kinh nghiệm làm việc thì mới được cấp Visa. Hiện tại, không biết du học sinh phải cần bao nhiêu điểm mới được ở lại nhưng họ lại "ĐÒI THÊM" "6 tháng kinh nghiệm làm việc và 7.5 - 9 điểm IELTS - điều kiện kèm theo này thiệt là ngặt nghèo, kiếm được 7.5 IELTS là "chảy máu con mắt". Chưa hết, thời trước, hễ ai có Thường Trú Nhân thì 2 năm sau Bộ Di Trú sẽ gởi thơ mời người đó vô Quốc Tịch, tới thời của tôi thì muốn vô Quốc Tịch Úc phải thi, nói chung là luật lệ càng ngày càng khắt khe. Ai đi sau thì luôn kém may mắn hơn những người đi trước. Khi ai đó đã được cấp Visa Thường Trú thì từ lúc đó cho tới 2 năm sau sẽ không được chính phủ trợ cấp tiền nếu thất nghiệp như bao dân Úc khác, đó là luật. Chính vì vậy, sau khi ra trường tôi vẫn phải cố đi làm để dành tiền vì lúc đó tôi đang chờ đợi để được cấp Visa Thường Trú Nhân (dù là tôi đã có dư 115 điểm nhưng ngày nào Visa chưa được cấp thì vẫn chưa chắc là sẽ được định cư Úc và dẫu được Visa nhưng từ đó tới 2 năm về sau vẫn phải tự lực cánh sinh, chết ráng chịu chứ không ai cho tiền).

Trong khi chờ đợi để được xét cấp Visa, tôi bắt đầu đi tìm việc làm. Công việc tôi tìm kiếm là công việc dạy học trong các trường trung học của Úc (theo quy định của bằng Diploma, mỗi giáo viên phải chọn học và dạy 2 môn, tôi chọn học và dạy 2 môn đó là SOSE (Studies of Sociaty and Environment) - môn học này sẽ dạy về Lịch Sử, Kinh Tế, Khoa Học, Môi Trường... và một môn học khác là môn Tiếng Việt. Kể từ đây, cuộc đời của tôi bước sang trang mới - đi dạy học và hoà nhập vào cộng đồng.

Trước năm 2000, tiếng Việt là môn học nằm trong Top 5 ngôn ngữ được dạy và học nhiều nhất trên nước Úc vì thời điểm những năm 80 trở về sau, thuyền nhân Việt Nam ồ ạt tới Úc và sau đó là người Việt tới Úc diện đoàn tụ gia đình rất đông nên nhu cầu cho con em học tiếng Việt rất cao vì người Việt lúc đó "khá mắn đẻ". Giai đoạn "cực thịnh" của môn Tiếng Việt ở Úc kéo dài đến cuối những năm 90, lúc đó, những trường nào ở khu có nhiều người Việt sinh sống đều đưa môn tiếng Việt vào chương trình giảng dạy để thu hút học sinh người Việt vào học (trường cần nhiều học sinh, học sinh càng đông thì được chính phủ rót kinh phí càng nhiều). Về sau, việc học tiếng Việt trong các trường Úc không còn thịnh như trước vì "lứa" cha mẹ gốc Việt trẻ lớn lên ở Úc không còn mắn đẻ như "tiền nhân đi mở đất" nữa nên học sinh gốc Việt đã giảm đi rất nhiều, thay vào đó là học sinh gốc Trung Quốc, gốc Ấn thì tăng lên nhanh. Trước tình hình đó, các trường Úc bắt đầu rút môn tiếng Việt ra khỏi chương trình giảng dạy chính thức nên giáo viên môn tiếng Việt bắt đầu "thất nghiệp". Tuy nhiên, mỗi người giáo viên đều được đào tạo để dạy 2 môn cho nên những giáo viên kỳ cựu đã được nhận vào trường dạy Toàn Thời (Full Time) thì họ sẽ dạy môn thứ 2 như là Toán, Hoá, Sinh... còn giáo viên Tiếng Việt mới ra trường như tôi thì "có tầm nhìn xa trên 10 km" vì ngóng dài cổ tìm việc làm.

Năm 2003 là năm tôi Tốt Nghiệp ra trường, nước Úc đang rất thiếu giáo viên tất cả các môn (nhưng dư giáo viên dạy tiếng Việt). Đối với một giáo viên mới ra trường như tôi lúc đó thì đây quả là một tin tức tốt lành "NHƯNG" hậu quả của việc "chúi mũi" kiếm tiền thời còn đi học mà không đi chơi, không giao thiệp nhiều với ai giờ bắt đầu xuất hiện. Giáo viên ở Úc tuy thiếu nhưng chỉ thiếu ở các vùng quê chứ ở các thành phố lớn thì lại "Dư" mà khổ nỗi dân Việt ta chỉ khoái ở các thành phố lớn (trong đó có tôi) chứ không chịu sống ở vùng quê. Ở Úc, một giáo viên, một bác sỹ mới ra trường, nếu muốn tìm được việc làm thì phải chịu đi làm ở vùng quê vài năm cho có kinh nghiệm rồi mới được các trường ở thành phố nhận phỏng vấn xin việc còn không thì "ở nhà ngồi chờ Emergency Call" (giáo viên tạm dạy thế mỗi khi có giáo viên nào trong trường bị bệnh hay có việc đột xuất không đi dạy được) rồi mình thay giáo viên đó "chăn" học sinh cho nó đừng quậy là được. Tuy là "Job" "emergency" nhưng được cái là được trả tiền cao và có việc làm khá đều "Vì" dân Melbourne bệnh liên tục ( vì thời tiết Melbourne thay đổi liên tục dễ làm người ta bệnh, một ngày có 4 mùa. Nhiều lúc sáng đang 9°C, trưa tăng lên 28°C - 30°C độ, nóng nhanh đột ngột đến nỗi không kịp cởi áo ấm ra thì trong người nóng ran như "kim chích, như sảy cắn". Khi khác thì sáng trời lặng hâm, nóng 43°C, chiều lại "cool change" còn 19°C kèm theo mưa giông "Và" việc này diễn ra hết sức thường xuyên hỏi sao không bệnh; chưa kể là 2 căn bệnh dị ứng là "Cảm Cúm" và "Hay Fever - bệnh dị ứng với phấn hoa cỏ mùa Xuân" nó luân phiên hành hạ dân Úc không thôi). Đó là nói về việc dạy môn SOSE của tôi.

Hồi ở Việt Nam tôi từng xem một bộ phim Úc "kinh điển" có tựa là "The Thorn Birds - Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai" nói về đời sống ở các trang trại, ở các vùng quê nước Úc khá khắc nghiệt khi hạn hán mỗi năm làm tôi sợ không dám về vùng quê dạy học và sống ở khu không có người Việt, không có Tiếng Việt, không có đồ ăn Việt... về sau, do thời thế đẩy đưa, tôi đã "trôi dạt về vùng quê Úc " sống 2 năm với một đời sống "nông dân thực thụ" thì tôi thấy "mến yêu" cuộc sống nông dân, cuộc sống vùng quê này quá. Từ đó tôi mến yêu và "mang ơn" nước Úc rất nhiều vì đã "cưu mang" tôi và gia đình nhỏ của tôi trong lúc tôi gặp khó khăn trong cuộc đời - từ đây tôi đã xem nước Úc là quê hương thứ 2 của tôi ( những kỷ niệm này tôi sẽ nói chi tiết hơn về sau).

Về môn Tiếng Việt, tuy là các trường Chính của Úc (Main Stream) đã ít dạy tiếng Việt nhưng các trường cộng đồng như Lạc Hồng, Hồng Bàng, Lễ Văn... dạy tiếng Việt các ngày cuối tuần thì vẫn hoạt động rất sung, chương trình dạy thì vẫn đầy đủ tiêu chuẩn từ lớp 1 cho đến lớp 12 và được công nhận kết quả cho điểm thi Tú Tài (lớp 11 và 12) để xét điểm vào Đại Học. Tôi có chân dạy tiếng Việt trong trường Việt Ngữ Lạc Hồng (theo lời ông hiệu trưởng thì trường tôi là trường Việt Ngữ lớn nhất nước Úc và cả Thế Giới luôn vì trường luôn có hơn hai ngàn rưỡi học sinh theo học tiếng Việt). 

Lúc ban đầu khi tôi mới vào dạy thì tôi dạy lớp 7. Hai tuần sau tôi lại chuyển sang dạy lớp 10 trong một dịp hết sức tình cờ "do học trò Quá Quậy, Quá Hiếu Động". Bài viết đã dài, xin tạm dừng tại đây, hẹn "Hồi Sau Phân Giải".

Lý Phước Khoa Nam chs HD 93-96

Trở về trang chính

 

 
 
 
 
Last updated 11/06/2014

 

 

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

 
 
 
 
 
 


side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2