banner Các Thế Hệ Thầy Cô
side2
KỶ NIỆM 14 NĂM TRÊN ĐẤT ÚC
Phần 3 - Vừa Học Vừa Làm

Lý Phước Khoa Nam CHS Hoàng Diệu 93-96
Trở về trang chính

September 6, 2014 at 8:05am
Sau khi học xong lớp tiếng Anh UP1 và UP2 xong thì tôi được nghỉ học gần 3 tháng liên tục tức là cuối tháng 12 năm 2000 (dịp Giáng Sinh) cho đến tháng 3 năm sau. Lúc này tôi bắt đầu lao vào đi làm kiếm tiền như điên để tích luỹ tiền trang trải chi phí ăn học bên này. Công việc tôi là đi làm cho một shop Thực Phẩm Á Châu của cậu và dì tôi mà dân bên này quen gọi là shop Tàu. Mức lương khởi điểm cho 1 ngày làm việc 12 - 13 giờ (7h30 sáng - 8h tối) là $50 AUD, sau tăng dần lên $60, $70, $80, $90 rồi $100 trong khi mức khởi điểm của những người khác là $70-$80 AUD (lúc này xăng chỉ 50 cents /lít, hiện tại là $1.5AUD/lít).

Trong tuần, có 3-4 ngày tôi làm việc "một ngày rưỡi" mỗi ngày. Tại sao lại có vụ "một ngày lại làm một ngày rưỡi?". Trong tuần, có 3-4 ngày tôi theo cậu tôi đi chợ whole Sale (chợ bán sỉ rau cải, trái cây, tôm cá, hoa tươi...) để mua hàng hoá về shop bán từ 3 giờ sáng. Nhiệm vụ của tôi là đi mua hàng rồi chất tất cả hàng hoá lên một chiếc xe tải xong rồi chở về shop. Sau đó đem hết hàng hoá trên xe cất vào kho lạnh. Kết thúc công việc này vào khoản 9 giờ sáng là tôi được trả công bằng 1 ngày làm là $50AUD, sau đó tôi đi ăn rồi về nhà ngủ tới 1 giờ chiều và ra shop làm tiếp nữa ngày còn lại và được trả lương "nữa ngày" là $25AUD. Công việc tay chân thì khá là nặng nhọc đối với một người nhỏ con như tôi vì tôi thường xuyên nâng những bao cà rốt, những thùng cải thảo... nặng 15-20kg lên khỏi đầu để chất lên xe tải.

Mùa đông Melbourne lúc lạnh nhất thì chỉ âm 2 độ (-2°C) còn những lúc còn lại thì dao động từ 4°C -7°C, tuy nó không lạnh bằng Nga, Mỹ, Canada nhưng đối với một du học sinh "nhỏ con, ốm yếu như tôi (lúc mới qua Úc tôi chỉ nặng có 47kg) mà phải dậy từ 2 giờ sáng đi làm trong cái lạnh mùa đông có cả gió, mưa thì nhiều lúc không khỏi chạnh lòng. Tuy vậy, những phút giây chạnh lòng như thế chỉ là cảm xúc thoáng qua rồi "biến" vì cứ nghĩ tới khoản học phí 12 ngàn AUD/năm thì tôi lại phải cố "cày" thêm bằng mọi giá. Có thằng bạn người Bắc tên Tiến tôi đã từng nhắc qua, nó nói thế này "mình là du học sinh, qua bên này khó kiếm được việc làm cho nên dù có bệnh trong người tới cỡ nào thì cũng ráng "lết" đi làm, nghỉ ở nhà thì làm gì ra tiền! Ráng "lết lết" đi làm thì tới cuối ngày cũng kiếm được "mấy chục"". Nghe lời nó, từ đó (từ đó nhưng thật ra là từ đầu) tôi đi làm miệt mài, không có ngày "holiday", không biết nghỉ ngày lễ hay thứ 7, Chủ Nhật gì cả. Tôi luôn tranh thủ thời gian tối đa để làm kiếm tiền, làm được bao nhiêu thì để tiết kiệm lên dành đóng học phí, trả tiền ăn ở, mua vé xe lửa....

Làm được một thời gian (dù làm cật lực và bị trả công rẻ hơn người bình thường) nhưng vì tôi luôn tiết kiệm tối đa nên sau một thời gian làm việc thì tôi bắt đầu có dư chút đỉnh. Với số tiền dư đó tôi bắt đầu chơi hụi, sau khi hốt hụi chót thì tôi có dư "một ít tiền" trong tay thì tôi lại bắt đầu cho vay lấy lời. Tuy là cho vay nhưng tôi tuyệt đối không quá tham lam đến nỗi "gặp ai cũng cho vay kiếm lời" hết. Người tôi cho vay phải là người tôi quen biết, có lý do vay chính đáng như là "cần tiền gởi về Việt Nam cho cha mẹ đi nhà thương", "gởi tiền cột tay cho thằng em cưới vợ ở Việt Nam" hay là "tháng này kẹt tiền đóng tiền điện vì mới mua chiếc xe"... tôi mới cho mượn với giao kết là "mượn tối đa 3 tháng" phải trả vốn lại cho tôi, chừng nào kẹt thì cho mượn lại chứ không cho mượn "ấp lẫm". Như vậy là tôi bắt đầu làm có thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau nên tình hình tài chính của tôi cũng đã khá hơn.

Quay lại việc học, tôi chính thức học khoá cử nhân sư phạm Úc vào tháng 3 năm 2001. Vì tôi đã tốt nghiệp cử nhân sư phạm đại học Cần Thơ năm 2000 rồi nên qua Úc học cử nhân coi như là "học lại" ( không biết chương trình học của các phân khoa khác trong trường đại học Cần Thơ thế nào chứ riêng chương trình đào tạo của khoa sư phạm Anh Văn trường đại học Cần Thơ thì không khác gì với Anh, Úc, Mỹ là bao). Vào lớp học thì tôi cũng học lại những môn học mà tôi đã từng học ở Việt Nam như Phương Pháp Giảng Dạy, Ngữ Âm Học... nhưng không phải học những môn như Triết Học Mác -Lê Nin, Kinh Tế Chính Trị.... cho nên thầy giảng tới đâu tôi biết tới đó. Mấy thầy tôi cảm thấy ngạc nhiên, dân bản xứ học còn thấy khó sao tôi là du học sinh mà tiếp thu "mau đến thế" và các thầy hỏi thăm nguyên nhân. Tôi nói, ở Việt Nam tôi đã tốt nghiệp cử nhân rồi, qua đây là "học lại" thôi nên tôi biết. Thầy tôi hỏi "em đã học xong, sao qua đây không học Thạc Sỹ mà đi học lại cử nhân cho uổng phí thời gian, tiền bạc, công sức?". Tôi cũng trình bày là lúc trước tôi "ham du học quá" nên nghe lời dịch vụ tư vấn đăng ký học khoá cử nhân để "đi cho được" (thật ra lúc làm hồ sơ thì người ta nói sao nghe vậy chứ có biết gì đâu). Thế là thầy tôi hỏi "vậy em có muốn học Thạc Sỹ không? Nếu muốn thì thầy dẫn em đi gặp ông trưởng khoa rồi đăng ký học Thạc Sỹ vào học kỳ sau". Tôi mừng nhưng lo và hỏi lại "được không thầy?" rồi theo thầy đi gặp ông Tiến Sỹ trưởng khoa để xin học Thạc Sỹ vào học kỳ sau.

Thầy trưởng khoa là người rất to con, người gốc Ý. Thầy tiếp tôi với nụ cười niềm nở ân cần chứ không giống gương mặt "lạnh như TIỀN" của ông phó phòng đào tạo trường đại học Cần Thơ Phan Huy Củng. Thầy hỏi tôi "em muốn học lên cao để quay về Việt Nam "phục vụ" hay sẽ ở lại Úc rồi đi dạy?". Tôi bối rối, từ đầu là muốn đi học để trở về Việt Nam tìm một chỗ đi dạy chứ có nghĩ tới chuyện định cư ở Úc bao giờ, bây giờ thầy hỏi bất ngờ tôi không biết trả lời sao nên nói "học xong quay về" nhưng không quên hỏi kèm một câu "học xong có cách ở lại Úc luôn hả thầy?". Thầy nói " được chứ, học xong thì nộp đơn xin ở lại theo diện Di Dân Có Tay nghề bằng cách tính điểm. Được 110 điểm thì đủ tiêu chuẩn được cấp Visa Thường Trú Nhân ở Úc". Thế là tôi nuôi hy vọng "định cư Úc" vì một thằng có gốc "nguỵ quân, nguỵ quyền" như tôi thì ở Việt Nam lúc đó (không biết bây giờ thế nào) thì sẽ không có cơ hội thăng tiến (thăng tiến là ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ trong tôi). Tôi hỏi thầy tôi tiếp tục "nếu em muốn học rồi về Việt Nam thì học cái gì và nếu muốn ở lại thì học cái gì?". Thầy nói "về Việt Nam thì học Thạc Sỹ sư phạm Anh Văn ( Master), ở lại Úc thì học Graduate Diploma of Secondary Education (bằng này cao hơn bằng Bachelor nhưng thấp hơn Master) vì học xong bằng Diploma này ra trường sẽ được đi dạy Trung Học (Úc chỉ có 2 cấp học phổ thông là Tiểu học (dự bị lớp 1 - lớp 6) và Trung Học (lớp 7 - 12)) chứ mới ra trường, chưa có kinh nghiệm mà có bằng Thạc Sỹ thì không xin được việc làm. Thú thật, "Lòng" thì muốn học Thạc Sỹ lấy bằng cho nó "oai" nhưng nghĩ tới cảnh học xong không có việc làm, không có tiền và không ai nuôi nên "bấm bụng" học Diploma mà lòng "buồn rười rượi"!

Thầy trưởng khoa cho biết, nếu tôi muốn học Diploma hay Thạc Sỹ gì thì cũng không thành vấn đề. Tuy nhiên, mọi việc bên Úc này là phải làm theo luật, nếu trường tuỳ tiện nhận tôi vào học Cao Học (Master hay Diploma) mà không qua lớp Cử Nhân thì trường có thể gặp rắc rối với Bộ Giáo Dục Úc. Việc tôi cần làm là đem hết bảng điểm, kết quả học Đại Học, bằng tốt nghiệp Cử Nhân lên nộp cho Bộ Giáo Dục bang Victoria (Tiểu Bang tôi đang ở) xin xét giảm môn học. Nếu họ xét giảm cho tôi 2 năm Cử Nhân thì tôi phải học Cử Nhân 2 năm và sau đó mới học tiếp Diploma. Nếu được giảm 3 năm thì tôi chỉ phải học Cử Nhân 1 năm, đại khái là như vậy. Trong lúc nộp bảng điểm và chờ đợi thì tôi vẫn phải học học kỳ đầu của năm thứ nhất lớp Cử Nhân. Tuy nói là tôi đã tốt nghiệp Cử Nhân và tôi đang "học lại" nhưng "cái sự học" bên Úc này với những quy định, tiêu chuẩn Úc thì thật cũng chẳng phải "ngồi chơi xơi nước" mà qua được. Quả thật, áp lực của những tháng đầu học Cử Nhân đối với tôi thật là nặng nề vì phải cố học làm sao cho đậu (nếu rớt thì sợ bị đuổi về Việt Nam), phải tranh thủ đi làm kiếm tiền (không có tiền đóng học phí cũng phải về) ( và những áp lực nặng nề này đối với đa số du học sinh như tôi, không kể con đại gia là hết sức bình thường, nếu chúng tôi không vượt qua được thì đành "cuốn gói" về quê, thế thôi!).

Học được mấy tháng, tôi nhận được thông báo từ Bộ Giáo Dục Úc rằng họ công nhận bằng Cử Nhân của tôi tương đương với bằng Cử Nhân Úc và tôi có thể học Master hay Diploma gì tuỳ thích và không cần phải học thêm Cử Nhân. "OH MY GOD", được tin này lòng tôi mừng vô hạn, mừng như trúng số vì tôi sẽ tiết kiệm được chừng 80 ngàn AUD cho 4 năm học Cử Nhân. Sau đó trường kêu tôi phải đăng ký học lớp UP2 để được học những kỹ năng cơ bản cho lớp Diploma. May thay, hồi cuối năm 2000, vì không muốn về Việt Nam giữa chừng nên tôi đã đăng ký học luôn UP2 dù lúc đó có ý nghĩ là "học để câu giờ và học cũng chẳng để làm gì", không ngờ là "học thêm cái gì cũng tốt, không bổ bề dọc cũng bổ bề ngang" nên bây giờ tôi có thể học ngay lớp Diploma vào học kỳ sau mà không phải đợi.

Như trên đã nói, tuy tôi đã có bằng Cử Nhân và việc học lại 1 học kỳ lớp Bachelor tưởng chừng vô ích nhưng xét lại thì nó ích lợi rất nhiều. Học kỳ đầu tiên cũng là cuối cùng của lớp Bachelor bên Úc này tôi gặp vô số khó khăn trong việc theo học cũng như việc hoàn thành các phần bài tập, thi cử vì tiêu chuẩn Úc nó khác Việt Nam nhiều, kết quả học kỳ của tôi tuy không rớt môn nào nhưng kết quả cũng không khá vì "tôi chưa biết cách học đúng hướng". Kết thúc học kỳ đầu với bảng thành tích chỉ đạt loại trung bình đã làm tôi buồn nhưng tôi đã rút ra được khá nhiều kinh nghiệm cho khoá học sắp tới - khoá Diploma kéo dài 3 học kỳ là một năm rưỡi tiếp theo.

Vào khoá học Diploma, tôi bắt đầu "loay hoay" áp dụng những kinh nghiệm mà mình đã rút tỉa được từ lớp Bachelor để học làm sao cho có kết quả tốt hơn "và" vẫn phải "đi cày" cho hiệu quả chứ không có tiền đóng học phí nữa chừng thì coi như "công dã tràng"! Ở học kỳ đầu của 3 học kỳ lớp Diploma, tuy kết quả học tập của tôi đã khá hơn nhưng thành tích vẫn chưa cao vì tôi vẫn phải điều chỉnh lại cách học cho phù hợp.

Qua học kỳ thứ 2, thứ 3 (2 học kỳ cuối của lớp Diploma), lúc này kinh nghiệm học tập của tôi đã "tràn trề ê hề" cho nên tôi bắt đầu học "thấy khoẻ" và đạt kết quả cao. Tiếc nỗi là "biết khôn thì con chồn chạy mất", mình đã mất cả năm trời lao khổ, bị hành hạ, vùi dập te tua, tới chừng mới biết "sướng" thì sắp ra trường "bà nó rồi", đúng là ngày vui qua mau. Trước khi kết thúc phần này, tôi muốn nhấn mạnh một điều là việc học bên Úc này rất rõ ràng, học có yêu cầu, có quy định ngay từ đầu. Với cương vị của một sinh viên, nếu làm đúng, làm đủ theo yêu cầu của giảng viên đưa ra thì theo lời của một người bạn đã có bằng Master của tôi nói rằng "không biết thằng A làm cách nào có thể thi rớt cho được!". (Người bạn này có thành tích học Master trong 3 học kỳ với 12 môn học, trong đó chỉ có 3 môn đạt loại giỏi còn 9 môn còn lại đạt loại xuất sắc)(em A cũng là một người bạn học Cử Nhân).

Vậy là đời sinh viên Du Học - vừa học vừa làm của tôi kết thúc sớm hơn dự định, nó chỉ kéo dài có hai năm rưỡi thay vì phải học tới gần 5 năm. Trong suốt 2 năm rưỡi đó, tôi đã phải "cắm đầu cắm cổ học và làm" nhằm kiếm tiền đóng học phí và kiếm một mớ tiền làm vốn để quay về Việt Nam sinh sống sau này. Cũng trong 2 năm rưỡi này, tôi không hề xài điện thoại di động, không xài internet ở nhà (vì không có thời gian và tiết kiệm tiền), không đi chơi giao thiệp với ai (để khỏi tốn tiền và dành thời gian học hành sau khi đi làm về). Kết quả là sau khi tôi tốt nghiệp ra trường và có Thường Trú Nhân để được ở lại Úc, "TRONG TAY TÔI VÀ TAY NGƯỜI TA" (vì tiền tôi cho vay, chơi hụi... nên tiền của tôi phần lớn nằm trong tay người ta) có dư được 80 chục ngàn AUD (giá 1 căn nhà hạng trung bình ở Footscray nơi tôi ở lúc đó vào khoảng 150 - 200 ngàn AUD và giá thời điểm hiện tại vào khoảng 350 - 500 ngàn AUD.

Lý Phước Khoa Nam chs HD 93-96

Trở về trang chính

 

 
 
 
 
Last updated 11/06/2014

 

 

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

 
 
 
 
 
 


side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2
side1
side2