banner Các Thế Hệ Thầy Cô
side1

Hoài Niệm…

Trần Ngọc Ánh Hoàng Diệu 68-75

Trong suốt một thời đi học, nhắc đến làm báo ở trường HD, quả là 1 ấn tượng khó quên, cứ mỗi độ Xuân về là bích báo lớp nào cũng trăm hoa đua nở…thường thì mỗi lớp đều có giáo sư hướng dẫn, nội dung dĩ nhiên là theo chủ đề chung của trường, nhưng hình thức thì tha hồ bày vẽ, trang trí màu sắc hoa lá cành đủ kiểu, bài vở thì tùy bút tùy hứng, thơ thẩn , sưu tầm danh ngôn,truyện cười, sớ táo quân...

Mấy ngày cuối năm, lớp nào cũng bận rộn lăng xăng, nhất là cái tên giữ chức vụ “văn nghệ báo chí” với trách nhiệm nặng nề là cố lấy giải nhất cho lớp mình, nở mày nở mặt cùng thiên hạ.

…Và cũng trong đám bạn bè thân thiết lúc bấy giờ, nói đến việc làm báo tường, phải nhắc đến 1 kỹ niệm nhớ đời giữa tôi và hắn. Năm ấy, chủ đề của trường là chống ma túy trong giới học sinh, lớp tôi nhiệt tình cái vụ này, hăm hở kiếm tài liệu nói về vấn đề liên quan tới ma tuý, mấy đứa giao tôi vẽ hình cái đầu lâu có 2 khúc xương bắt chéo, máu nhểu lòng thòng coi cũng rùng rợn lắm. Vẽ riêng trong một tờ giấy khổ lớn, với hàng chữ đỏ chói, hy vọng chọt thủng mắt cái tên nào đó có ý đồ muốn làm bạn với kẻ giết người này: MA TÚY LÀ KẺ THÙ CỦA TUỔI TRẺ

Tờ giấy được dán cẩn thận trước cửa lớp A2, sáng đi học sớm, mới leo lên bậc tam cấp tôi tưởng mình ngáy ngủ khi thấy một tờ giấy to đùng dán ngay ngắn bên cạnh, nét chữ sắc sảo, bay bướm chứng tỏ tay chơi có hạng… MÀ TUỔI TRẺ XA LÁNH KẺ THÙ LÀ HÈN NHÁT!...

Trời đất! nói cho cùng tách 2 tờ giấy ra, thì câu nào cũng ... đúng, nhưng mà tại nó gần nhau quá nên... tức ói máu! Cả lớp xôn xao bàn tán, truy tìm tung tích thủ phạm, chỉ có vài đứa trong bọn chúng tôi biết “hắn” là ai, đó là thằng bạn rất thân, nhưng có nhiều thành tích trời thần đất lở, đẹp chai, học giỏi, con nhà ... nghèo (vì mặc cái quần có quá nhiều chỗ rách theo đúng mode híp pi) tóc để dài rẻ ngôi giữa, biết hút thuốc hồi năm lớp 8, hắn lãng tử như thơ của Đinh Hùng “làm học trò không sách cầm tay, có tâm sự đi cùng cây cỏ.” Giờ học hay chui xuống quán nước uống cà phê, bị ông hiệu trưởng LXV rượt chạy có cờ... có lần quýnh quá hắn nhảy đại vào lớp, tọt xuống bàn cuối, được cô bạn thương tình lấy vạt áo dài đậy lại, làm Thầy Vịnh ngó dáo dác “tôi mới thấy có em chạy vào đây mà?” cả lớp im re, bao che cho hắn…bởi vì hắn dễ thương quá, hắn đàn hay mà giọng hát cũng ru hồn, một cây văn nghệ của trường mỗi độ Xuân về, Hè đến, và dĩ nhiên hắn cũng có một mối tình học trò rất êm đềm, thơ mộng, cô nàng học lớp tôi, chắc đọc thơ tình trong ngăn bàn nhiều quá nên mắt sớm cận thị, bạn bè gọi thêm cái tên Cận ở đằng sau để khỏi lộn với đứa này đứa nọ, mối tình của nàng với hắn ròng rã mấy năm trời, cả trường “ai cũng biết - chỉ có một người không biết”, đó là bố nàng , ông làm cảnh sát, mấy đứa con trai tóc dài mặc đồ híp pi, đi lang thang ngoài đường, hay bị cảnh sát bắt bỏ bót, hỏi han rồi thu giấy tờ, khi nào tóc tai cao ráo đàng hoàng thì trả lại... Có lần ông gặp hắn, nhìn cái thẻ học sinh là ông biết hắn học chung với con gái mình... Ông về đưa cho nàng và dặn “biểu nó ra quán cây me hớt tóc, nói cháu bác Năm là người ta hổng có lấy tiền.” Sau lần đó hình như hắn không còn bê bối vụ tóc tai, mà còn chịu chơi hơn nữa là đẩy luôn một lèo “đờ mi cua ca rê Phật” trọc lóc, khiến bạn bè gọi thêm cái tên... sư huynh!

Sau năm 75, hắn bỏ trường, bỏ lớp, chạy xe lôi trong thị xã, theo kiểu “tài tử đa cùn phú”có lần hắn chở mấy cô bạn chạy rong chơi trên đường Giao Hạ, cái xe bị sút càng, cả bọn ngã lăn  xuống đất, trầy mặt trầy tay vậy mà cười ngoặt ngoẻo…kỹ niệm đáng nhớ đời với mấy cái thẹo.

Nhưng cuối cùng thì hắn cũng làm lại cuộc đời ... nơi xứ lạ quê người hắn dành dụm gởi tiền về VN cho trẻ em nghèo hiếu học ở quê, mối tình học trò ngày xưa chỉ còn là dư âm, là kỹ niệm đẹp trong lòng mỗi người, có lẽ hắn mang theo cho đến cuối đời..

Kể ra câu chuyện này như một chút tâm tình dành riêng cho hắn, thằng bạn trai thân thiết của tôi và bạn bè, cho dù bây giờ hắn đã bỏ mọi người ra đi lặng lẽ, nhưng sẽ không ai quên hắn, mãi mãi không quên!

Ngọc Ánh (68-75)


 
Last updated 11/08/2011
side2
side1
side2