banner Các Thế Hệ Thầy Cô
side2

 

Cả tuần nay, tâm hồn tôi giao động vì quá khứ chợt trở về trong tâm trí của tôi. Từ khi tôi tình cờ găp anh của nhỏ Yến, cô bạn hoc chung Đại Học Cần Thơ vào những năm 79. Sau đó Yến, Lợi và Hằng đã ngạc nhiên khi nhận được cú phôn của tôi, một người bạn đã đột ngột biến mất hơn 25 năm nay, sau ngày các bạn được mời dự đám cưới bất ngờ và hy hữu của tôi.

Biết bao nhiêu nước mắt đã chảy trong cuộc nói chuyện giữa chúng tôi, người bạn tưởng đã lên nước thiên đàng hơn 2 thập niên qua tự dưng gọi điện thoại về. Càng xúc động hơn khi nhận cú phôn của Nguyệt Nga từ Vĩnh Long gọi cho tôi, xuyên qua đại dương bạn đã gọi với nỗi mừng vui khi biết tin tôi vẫn còn sống, các bạn tôi ơi! Bút mực nào tả hết nỗi xúc động của tôi đây.

Tôi được biết sự thương mến của các bạn dành cho tôi, trong những lần họp lớp sau khi tốt nghiệp đều nhắc đến tôi làm cho tôi quá cảm động. Tôi muốn chấp cánh bay về ngay để gặp lại các bạn thân yêu.

Những năm ở Đại Học Cần Thơ niềm vui của tôi là các bạn, nhứt là Lợi lần nào về quê lên đều mang bười Năm Roi cho tôi. Những ngày ở Đại Học kỷ niệm mỗi tuần đi hốt phân heo nuôi bầy cá trám cho phân khoa Thủy Sản của nhóm chúng tôi như còn đâu đó. Dĩ vãng hiện lên trước mắt tôi, những kỷ niệm vui cũng như buồn mà tôi đã cố chôn cất trong lòng hiện lên trong trí tôi như môt cuốn phim quay chậm.

Những ngày cận tết với cái không khí chuẩn bị đón xuân ở nơi xứ người đã làm tôi nhớ lại mùa xuân cuối cùng và những ngày tết ở Việt Nam khi còn thơ ấu với tuổi học trò.

Cái tết cuối cùng ở Việt Nam bên mẹ và cũng là cái tết cuối cùng tuổi học trò của tôi ở Việt Nam với các bạn.

Trong trí nhớ về thờí thơ ấu với quê nội hiền hòa và con sông êm đềm chảy ngang thôn làng có lũy tre xanh. Sóc Miên với tiếng gà cục tác buổi trưa hè, quê nội tôi đó quận lỵ Lich Hội Thượng của tỉnh Sóc Trăng cò bay thẳng cánh với đa số nguời Hoa và người Miên sống bằng nghề nông. Với bãi biển Mỏ Ó mà trước 1975, tôi có lần theo đoàn Du Ca của trường Hoàng Diệu cắm trại nấu cơm trên cát ăn với dưa mắm dưới mưa mà vẫn ngon.

Trong tiềm thức tôi có những kỷ niệm thật khó quên, với ngôi nhà to lớn của ba má ở quận lỵ nầy với những đồ vật xưa cẩn đầy ốc xà cừ mà hồi đó tôi đã bỏ ra hằng giờ ngồi nhìn ngắm. Ở ngôi nhà nầy mỗi năm vào ngày 27 tháng 12 âm lịch là ngày giỗ của ông nội và cũng là dịp cho đại gia đình bên nội tôi quây quần lại với nhau. Không khí vui hơn ngày tết và từ khi ba tôi đột ngột ra đi sau 1975 thì đã không còn cảnh đó nữa. Cho đến bây giờ mỗi năm đến ngày 27 tháng 12 âm lịch là lòng tôi lại lâng lâng xúc động vì muốn tìm về một chút kỷ niệm còn sót lại.

Bao nhiêu biến cố xảy ra, tôi đã phải ra đi xa rời người mẹ thân yêu trong những ngày đầu xuân khi xác pháo còn vương vải thềm nhà. Má tôi với tay lấy vội trái cây trên bàn thờ dúi vào tay tôi mà không nói gì hết. Ánh mắt má u buồn như muốn nói: con ơi! đừng đi.. Như má từng nói: cho con đi như lấy dao cắt ruột má. Nhưng má hiểu hoàn cảnh đã đẩy tôi vào con đường không còn sự lựa chọn.

Hôm nay ngày 27 tết, tôi nhớ quá cái không khí rộn rịp của ngày xưa khi đại gia đình bên nội tụ tập. Kỷ niệm tối 30 tết năm nào tôi và đứa em út thức canh nồi bánh tét cho má, năm đó vì sợ ma hai đứa đã không dám ra ngoài sân nhúng bánh vào lu nước như má đã dặn và bánh đã bị hư sớm hơn mọi năm. Má đã thắc mắc không biết tại sao.

Em tôi bây giờ đang ở New Zealand không biết em còn nhớ kỷ niệm xưa đó không nhỉ? Còn tôi thì lòng đang thổn thức vì trong tôi mãi mãi sẽ không bao giờ có đươc mùa xuân. Vì bây giờ xuân ở nơi đây tôi không thuộc về mà mùa xuân ở quê hương thì sao mà xa lạ quá, bao nhiêu lần tôi trở về để tìm lại mùa xuân trên quê hương nhưng mà tôi chẳng bao giờ có được vì má đã ra đi rồi.

Hôm nay đây hình như trong tôi có một nụ mai vàng đang lú ra chồi mới, vì trong tôi các bạn đã trở về, vì trong tôi có một vệt nắng mai đang chiếu xuống. Bởi vì tôi biết đựơc tôi còn có các bạn thân yêu.


Họp mặt sau 27 năm (2007)

27 Tết Đinh Hơị 2007
Trịnh Ngọc Thủy

 

Last update 07/05/2012

 

 


side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1