Lênh đênh trên biển, thưởng ngoạn cảnh
vật xung quanh với mây nước lãng mạn, hữu
tình, ai cũng ao ước có một lần trong
đời mạo hiểm trên biển cả để
hiểu cảm giác như thế nào? Theo chương trình nghỉ
hè hàng năm, năm nay sớm hơn cùng dịp sang Bỉ
họp mặt HD, theo chương trình chúng tôi đã
chọn sẵn cho mình ba thành phố sẽ đến
thăm viếng là Cairo, Egypt và Istanbul, Turkey.
Tôi dự định tháp tùng các anh chị bạn ở
Paris và US đi cùng, nhưng vào giờ chót do trục
trặc về vấn đề chính trị ở Egypt các anh
bạn hủy chuyến đi. Thế là tôi đành rủ
một cặp vợ chồng anh Dần chị Duyên (chsTH Rạch
Giá/Kiên Giang) từ Toronto đi du thuyền viếng Turkey, Hy
Lạp và Ý cho vui, và bỏ dự định đi Ai
Cập vì tình hình bất an vào mùa bầu cử vị Tổng
Thống dân sự đầu tiên sau thời gian dài sống
dưới chế độ độc tài quân phiệt
kể từ thời Nasser vào thập niên 50 thế kỷ
trước.
Trong đoàn 3000 du khách trên thuyền, phân nửa là dân Mỹ
và Canada, hơn 25 phần trăm người Âu châu, hơn
trăm người Hoa và Nhật chỉ có 2 cặp chúng tôi
là dân Giao Chỉ.
Từ Montreal chúng tôi khởi hành lúc 11 giờ trưa
và đến Toronto vào lúc trưa. Chúng tôi muốn đến
Toronto sớm hơn dự định để thăm vài
người thân rồi sau đó hẹn một cặp
bạn vào phi trường Pearson vào lúc chiều tối đi
Rome. Vì ỷ y đã check in trước mấy cái vali
từ Montreal nên chúng nghĩ chỉ cần trình diện
tại phi trường Toronto trước 1 tiếng là
đủ thay vì 2 theo lụât hàng không cho những chuyến
bay ngọai quốc. Cô em họ lái xe đưa vợ
chồng tôi đến terminal 3 để lấy chuyến
bay Air Canada đi Rome. Sắp hàng mất 15 phút để vào
trình passport thì họ báo là chúng tôi đi lộn terminal.
Đúng ra Air Canada độc quyền ở Terminal 1 cho
bất cứ chuyến bay quốc nội cũng như
ngọai quốc. Thế là vợ chồng chúng tôi hùa nhau chạy
nhanh ra bắt shuttle đi
về terminal 1 chỉ còn vỏn vẹn 40 phút để
sắp hàng, hồi hộp đến phiên mình và mong sẽ
không bị trễ chuyến bay xuyên Đại Tây
Dương. 10 phút sau chúng tôi được vào đến
cổng lên máy bay. Trong khi đó anh chị Dần lo lắng
về phần chúng tôi vì không biết chúng tôi có bắt
kịp chuyến bay tháp tùng với ông bà hay không. Khi thấy
chúng tôi vừa đến cũng là lúc những hành khách
cuối cùng lên phi cơ, anh chị Dần thở phào
nhẹ nhõm. Hú vía. Phi cơ chầm chậm
được đưa ra phi đạo. Hơn nửa
tiếng phi cơ được đưa về
đến vị trí cũ và viên captain phóng loa cho biết
hệ thống máy lạnh của phi cơ có vấn
đề và cần ít nhất 2 tiếng để check và
sửa chữa. Đa số 200 hành khách trên phi cơ đi
Rome để bắt du thuyền Celebrity lúc 5 giờ
chiều. Tức theo dự định chuyến bay
đến Rome chúng tôi có 4 tiếng để bắt xe bus
đưa ra cảng Civitavecchia và lên du thuyền. Mọi
người rất lo lắng vì không biết với tình
trạng phi cơ như thế họ có đủ thời
gian ở Rome hay không. Trường hợp xấu nhất
là đến điểm hẹn trễ thì du thuyền
sẽ bỏ đi mất và tình huống sẽ trở nên rất
ư phức tạp vì phải mua chuyến bay khác bay
đến địa điểm tới của du
thuyền trong tuyến dự định.
Tất cả
hành khách hồi hộp chờ đợi sau 1 tiếng trôi
qua, captain cho biết là tình trạng phi cơ nằm dưới
sự kiểm sóat của nhân viên sửa chữa và máy bay sẽ
cất cánh trong 1.5 tiếng nữa.
Cuối cùng rồi máy
bay cũng rời khỏi mặt đất và chúng tôi
đến du thuyền gần 2 tiếng trước khi
thuyền nhổ neo. Thế là chúng tôi được thoát
nạn một lần nữa.
Thời gian bay từ Toronto
đến phi trường Rome mất khoảng 8 giờ. Phi
cơ đáp xuống phi trường Fumicino lúc trưa,
trời đổ cơn mưa phùn và lạnh của
đầu tháng năm. Người hướng dẫn viên
của Celebrity đã đợi sẵn ngoài cổng phi
trường với danh sách của đoàn du khách trên tay,
cẩn thận gọi tên từng người để
coi có lạc mất ai không. Từ phi trường Rome đến
cảng Civitavecchia phải bằng bus mất 1 tiếng 10
phút mới tới du thuyền. Chúng tôi đến nơi lúc
14:30 PM, mệt lã vì đường dài.
Tại hải
cảng Civitavecchia nhân viên Celebrity làm việc rất chuyên
nghiệp. Đến cảng Civitavecchia mọi
người sắp hàng thứ tự để làm thủ
tục giấy tờ, trình credit card rồi được
phát SeaPass và lần lượt trình diện xuống tàu. Chúng
tôi nghỉ ngơi rồi ăn
tối trên thuyền trong lúc tàu đã nhổ neo ra khơi. Chúng
tôi trò chuyện vui vẻ trong phòng ăn. Mọi sự
rồi cũng bắt đầu một cách tốt
đẹp. Chúng tôi chọn trước lọai Selected
dinning, có nghĩa là chúng tôi không bắt buộc phải chọn
giờ ăn cố định là 6.15 hay 8.30 giờ tối.
Sau khi ăn no nê chúng tôi trở về phòng ngủ ngay
để sáng sớm hôm sau đi tiếp trên biển,
mất khoảng 45 giờ trên đại dương.
Thời gian 45
tiếng trên du thuyền cho chúng tôi có dịp ăn uống
no nê, hàn huyên tâm sự sau bao xao động của hôm
khởi hành, học nhảy đầm, đi shopping trên
thuyền, làm bếp, chơi ping poing hay tập thể
dục, bơi lội, tắm spa hay sauna…
Sáng hôm sau mọi
người tụ họp trong theatre sắp xếp lên
thuyền nhỏ đưa vào bờ để viếng
đảo Santorini. Họ phóng thanh cho du khách sắp xếp
thứ tự theo excursion tours đã mua trước từng
cụm với SeaPass trên tay, phân phát số lên xe bus. Trong lúc
họ phân phát số thì anh Dần chị Duyên để
quên SeaPass trong phòng nên một lần nữa anh chị
hối hả chạy nhanh ra guest counter để xin
thẻ mới. Cuối cùng rồi hai cặp chúng tôi
cũng ra kịp chuyến bus để bắt đầu cuộc
hành trình du ngọan đảo Santorini. Điểm
đến đầu tiên của du thuyền Celebrity
Reflection là một quần đảo nhỏ trong lúc
trời ảm đạm của buổi sáng. Chúng tôi
được đưa xuống tàu nhỏ để
đưa du khách lên bờ. Sóng mạnh làm vài du khách bị
ói trên thuyền. Santorini thuộc cụm
đảo Cyclades nằm trên vùng biển Địa Trung
Hải của Hy Lạp. Hòn đảo vốn là phần
còn lại sau một vụ phun trào núi lửa từ hàng triệu
năm trước.
Hòn đảo được
đặt tên là Santorini vào thế kỷ 13 với nguồn
cảm hứng từ Thánh Irene. Ngoài bờ biển cát
trắng mịn như những bờ biển vùng
Địa Trung Hải khác, ở Santorini còn có biển
đỏ (Red Sea) với bãi cát màu bordeau rất đặc
biệt.
Để đến với Santorini thông thường ta
sẽ mất 5 tiếng đi phà từ cảng Piraeus
ở Athens hoặc đáp chuyến bay dài 40 phút đến
thẳng Santorini. Nơi đáng xem nhất ở Santorini là
đỉnh Oia, nơi ấy ta có thể tìm thấy
kiến trúc vô cùng đặc trưng của Santorini với
những ngôi nhà sơn trắng, mái tròn màu xanh da trời
tượng trưng lá cờ Hy Lạp, cối xay gió
với kiểu dáng vô cùng lạ mắt và thơ mộng...
Điểm
dừng chân đầu tiên trên đảo là làng Santos với
kỹ nghệ làm rượu. Tại đây người ta
cho phái đòan du khách thử 3 lọai rượu địa
phương, đỏ trắng và rượu ngọt cùng
bánh mì khô và cheese. Sau 1 tiếng thử rượu và cheese xe
bus tiếp tục đưa chúng tôi đến điểm
cuối của đảo Oia trong lúc mưa tầm tả. Nếu
có dịp xem hoàng hôn trên đỉnh Oia là một khoảnh
khắc mà bạn sẽ không bao giờ quên. Ánh mặt trời
đỏ lựng chìm dần xuống đường chân
trời xanh thẳm. Bước đi trên những con
đường đá khúc khuỷu dài tít tắp. Ngắm biển
Địa Trung Hải xanh thẫm như một tấm thảm
nhung khổng lồ. Tất cả sẽ để lại
cho bạn những ấn tượng khó phai. Xui cho chúng tôi
là chiều hôm ấy mưa tầm tả nên cuộc viếng
thăm bằng dù diễn ra một cách hối tiếc.
Chúng tôi chụp rất ít ảnh vì trời mưa tầm tả.
Chiều
đến cả đoàn lấy cable car xuống
đảo để lên thuyền tiếp tục hành trình
về đảo Mykonos. Trên du thuyền chúng tôi ăn
tối no nê rồi đi xem show của bang Eden. Mỗi đêm
đều có những show khác nhau, thật ngọan mục phong
phú và điêu luyện. Đến Mykonos hừng sáng và trời
nắng ấm. Từ Santorini đến Mykonos chỉ
mất 10 tiếng trên du thuyền cũng là thời gian
để chúng tôi được yên nghỉ ban đêm. Mykonos
là một địa danh nổi tiếng của quần
đảo Hy Lạp, nằm trong nhóm Cyclades, tọa lạc
ở giữa biển Aegean. Mykonos
có vô số bãi biển đẹp như bãi biển Mylopotas,
bãi biển Koukounaries. Hệ thống đường xá
chằn chịt trong đảo như Chợ Lớn làm
chúng tôi lạc đường mấy lần để tìm
lối ra. Sau vài tiếng thăm đảo chúng tôi bắt
shuttle trở về du thuyền để kịp ăn
tối, xem show với các ca sỹ đến từ Anh
quốc như Libby Johnstone Lucy Campbell và nghỉ ngơi
để 2 ngày sau tiếp tục thăm viếng Istanbul.
Sau gần hơn 37 tiếng lênh đênh trên
biển chúng tôi có thêm dịp ngủ ngon lành vì sự chuyên
lệch thời gian còn xót lại, du thuyền cặp cảng
ngụ ngay thành phố Istanbul. Du khách được xe bus
đưa vào thành phố Istanbul phía Âu, tha hồ ngắm
phong cảnh bên đường rất đẹp và
rất thơ mộng, đặc trưng của những
vùng đất ven biển Địa Trung Hải.
Nói đến Istanbul, thành phố lớn nhất của
Turkey với dân số 13.5 triệu người, không
thể không nhắc tới quá khứ vàng son của nó.
Một thời Istanbul đã là thủ đô Constantinople
của Đế quốc Ottoman rộng lớn. Sultan
Suleiman “Magnificent” của Đế quốc Ottoman là
người đã xây dựng những lâu đài, hoàng cung,
đền thờ Hồi giáo nguy nga và tráng lệ không
nơi nào sánh bằng cả về tầm vóc, kiến trúc,
văn hóa, nghệ thuật... Thế nhưng, Đế
quốc Ottoman hùng mạnh rồi cũng dần suy thoái do
nền toàn trị khắc nghiệt.
Buổi
sáng du khách được đưa đi tham quan The Blue
Mosque - Đền thờ Xanh của thời đế quốc
Osman. Vào mosque tất cả quí bà quí cô được phát
cho chiếc khăn che mặt. Mọi người phải bỏ
giầy dép đề vào thăm điện. Phải mất
hơn 2 tiếng mới quan sát và chụp ảnh hết
cung điện. Sau đó xe bus đưa chúng tôi ở down
town để shopping Grand Bazaar và ăn trưa. Đặc biệt thu hút
du khách bốn phương đủ loại là khu chợ
có mái che lớn nhất thế giới Grand Bazaar, với 5 000
cửa tiệm hay gian hàng, được xây dựng
từ năm 1460. Có thể nói đây là nơi náo nhiệt
nhất Istanbul, ồn ào không thể tưởng, nói theo
cách của ta là như chợ vỡ. Người ta tìm
thấy ở đây rất nhiều đồ lưu
niệm cho chuyến đi thăm đất nước
Turkey nhiều màu sắc với giá rẻ bất ngờ,
miễn là phải biết mà mặc cả bằng cách ra
hiệu hay bút đàm. Hai tiếng sau đó du khách tiếp tục đi tham
quan Cung điện Topkapi Palace, là di sản Thế giới,
được công nhận vào năm 1985. Nơi đây
được ví là “một tổng thể kiến trúc
được xây dựng qua bốn thế kỉ có một
không hai”. Du khách đi qua cây cầu Galata nổi tiếng
được xây dựng từ thế kỉ thứ 6. Từ
đây du khách đi tới ngọn đồi Beyoğlu, qua
con phố đi bộ İstiklâl Caddesi tới quảng
trường Taksim. Đây là khu phố sôi động nhất
của Istanbul về đêm, được coi là trung tâm nghệ
thuật ủa thành phố. Buổi tối du khách được
đi ăn tối tại nhà hàng với những vũ công
vũ điệu Belly dance địa phương và được
khám phá khu phố về đêm. Món ăn Turkish tương
đối ngon và lạ miệng.
Ngày nay dân Turkey theo đạo Hồi sống
rải rác ở nhiều nước châu Âu, nhiều
nhất là ở Đức. Ngoài ra người Turkey còn
ở Hoà Lan, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Anh…. Ngày nay những dân Turkey
không còn nghiêm cẩn tuân thủ những giáo luật gò bó do
cuộc sống dần dần hoà nhập với cuộc
sống của dân bản địa, nhiễm nếp
sống của họ. Có thể nói là phần nào di dân Turkey
đã bị hoặc đã được Tây phương
hóa, nhờ đó mà họ trở nên phóng khoáng hơn,
cởi mở hơn, so với những tín đồ Hồi
giáo ở quê hương. Giao thông thuận tiện giữa
các nước mà di dân cư trú với quê nhà làm cho những
ảnh hưởng nói trên thậm chí có thể thấy khá
rõ rệt ở những thành phố lớn như Istanbul,
thủ đô Ankara, Kusadasi…
Tôi nhận thấy nhiều phụ nữ Turkey ở các
thành phố lớn nọ khi ra đường đã có
điệu bộ, cử chỉ không còn dáng dấp
cứng nhắc của khuôn phép Hồi giáo chính thống.
Họ hành xử tự nhiên như thế vì ở Turkey
không còn sự kỳ thị những người bị
ảnh hưởng phương Tây như ở nhiều
quốc gia Hồi giáo khác, như ở Iran chẳng
hạn. Riêng ở Istanbul tôi từng gặp nhiều cô
nhiều bà ăn mặc theo mốt thời thượng
phương Tây, rất “chic” và rất xinh. Những
người này thích giao thiệp với du khách đến
thăm nước họ, nếu biết bạn
đến từ bắc Mỹ thì sự nồng nhiệt
và ái mộ sẽ vượt hơn hẳn so với
bạn đến từ Paris, hay từ những
nước cộng đồng Âu châu…
Sự
hài hòa, kết hợp giữa những sắc thái cũ và
mới, cổ kính và tân kỳ, truyền thống và
hiện đại… phổ biến ở khắp nơi
như bến cảng, tàu điện, chợ búa, công viên,
trường học, trên đường phố,… và không ai
thấy đó là điều dị biệt trong đời
sống hằng ngày trên đất nước Turkey hôm nay.
Đây là một tiến bộ lớn, không phải bất
cứ quốc gia nào cũng có thể vượt qua và thành
công để mang lại sự thịnh vượng và
hạnh phúc cho người dân.
Kinh tế của Turkey được coi như
một trong những nền kinh tế thành công, là một
trong 10 nước mạnh nhất Tây phương.
Đặc biệt kỹ nghệ du lịch phát triển
mạnh mẽ và tiền đầu tư đến
từ những quốc gia Anh, Pháp, Đức, Nga,…mang
lại công ăn, việc làm, xây dựng hạ tầng
kiến trúc như khách sạn, khu nghỉ mát Resorts,
đường xá, cầu cống, phi trường, bến
cảng, giao thông, môi trường, y tế, giáo
dục,…khiến vùng đất đai Anatolya phiá Tây của
Turkey, đối diện vùng biển Aegean với Hy Lạp
đã không ngừng thay đổi và phát triển.
Tuy đã có 2 chiếc cầu treo nối liền
hai bờ Âu-Á, và hệ thống tàu -phà đi lại dầy
đặc và thường xuyên, nhưng với mật
độ dân số ngày càng gia tăng, Hội đồng
thành phố Istanbul và Chánh phủ Turkey đã chấp
thuận sự đầu tư và phát triển bằng
vốn ODA của Nhật bản và EU với chi phí dự
án 3 tỷ Mỹ kim để khởi công xây dựng
đường hầm dài băng qua đáy biển Marmara.
Sau khi hoàn tất, công trình này sẽ được coi là hê
thống đường hầm ở độ sâu
nhất thế giới dưới đáy biển.
Sáng hôm sau chúng tôi còn nửa ngày
để dạo phố Istanbul. Hai cặp chúng tôi đi
thả bộ dọc bờ biển để
thưởng ngoạn lối sống dân địa
phương lúc hừng sáng. Hàng ngàn người với
những cần câu đặc biệt đứng dài theo
bờ biển Marmara và trên cầu Golden Horn. Hơi tò mò chúng
đến gần và tìm một cái ghế để quan sát
rõ hơn cách câu cá. Tôi để ý cứ mỗi 10 giây, anh chàng câu cá chỉ
cần đưa cần câu có 12 mồi qua lại 3 cú là
vớt được hơn hai chú cá trúng mồi. Câu cá sao
mà dễ thế nhỉ, nhưng chỉ là cá sardine nhỏ
nhưng rất nhiều vô số kể làm chúng tôi mường
nhớ lại chuyện chị bạn đồng môn chuyên
câu cá ở Cali...
Buổi trưa chúng tôi lội
bộ trở về thuyền ăn trưa rồi tàu nhổ
neo để ngày mai đến thành phố cổ Ephesus. Thành
cổ nổi tiếng Ephesus (cách Kusadasi 16 km) là nơi
Đức Mẹ Maria sanh ra và lớn lên trước khi di
chuyển đến Bethlehem (thuộc nước Do thái ngày
nay) và sanh ra Chúa Jesus. Ngoài ra còn có cổ thành Troy nơi có con
ngựa gỗ huyền thoại với nàng Helen xinh
đẹp trong cuộc chiến giữa xứ Sparta và dân
thành Troy, thể hiện qua bộ phim “Troy” do Brat Pitt đóng
năm 2004.
Sau
khi tham quan Ephesus dưới trời mưa tầm tả
chúng tôi được đưa đến nhà hàng
địa phương Artemis để thưởng
thức thức ăn Turkish và rượu trái cây đủ
loại. Sau đó viếng làng Sirince với nhiều
rừng olive trên sườn đồi trông thật
ngọan mục. Làng Sirince nỗi tiếng về kỹ
nghệ làm savon, rượu trái cây đủ lọai và
dầu olive. Trên đường du hành, người hướng
dẫn viên du lịch cũng là một giáo sư Anh văn người
Turkey đã khéo sắp xếp thời gian để du khách
có cơ hội thăm viếng khu triển lãm công nghệ
dệt thảm bằng tay truyền thống Turkman,
được thấy tận mắt cách dệt lụa và
sờ tận tay những tấm thảm tuyệt
đẹp bằng tơ luạ. Người mua sẽ
được gửi đến tận nhà qua hệ
thống shipping của Turkey, tuyệt đối không có
sự kèo nài hay gây phiền hà nếu khách không muốn mua. Chúng
tôi có hỏi giá vài tấm thảm thí dụ như 3 m x 2 m
cần 2 năm thêu dệt và được bán với giá
17 ngàn đô US. Tối đến tàu nhỗ neo để tiếp
tục hành trình về thủ đô Athens Hy Lạp.
Hy Lạp là một trong những điểm
đến thu hút khách du lịch nhất thế giới, có tên trong danh sách 20
điểm đến đầu tiên trên thế giới. Du khách thường bị thu hút bởi những bãi biển và thời tiết mùa hè ấm áp, cuộc sống về đêm thú
vị, cảnh
đẹp tự nhiên và
các di tích lịch sử của đất nước này.
Athens là thủ đô
của Hy Lạp cũng là một thành phố năng
động. Athens là nơi khai sinh của Hy Lạp Cổ, chịu ảnh hưởng của
nền văn minh phương Tây. Đến Athens không thể bỏ qua khu
di tích lịch sử vệ thành Athens – Địa danh nằm trong danh sách Di
sản thế giới của UNESCO hay không gian xanh của
khu vực Agora cổ, quảng trường Syntagma nổi
tiếng cùng nhiều đền đài, bảo tàng rất
đẹp.
Acropolis
tiếng Hy Lạp có nghĩa là 'thành phố/pháo đài cao
nhất'. Ở Hy Lạp còn tồn tại nhiều pháo
đài cổ xưa, nhưng chỉ cần nhắc
đến Acropolis, người ta nghĩ ngay đến
Acropolis ở Athens. Acropolis được xây dựng trên
một vùng đất bằng phẳng, trên đỉnh
một hòn đá khổng lồ cao 150 mét. Người
hướng dẫn viên cho chúng tôi biết, những dấu
vết từ cổ vật để lại chỉ ra
Acropolis có thể được xây dựng hàng nghìn năm
trước công nguyên.
Tuy
nhiên, sau đó kiến trúc đã được xây lại
vào khoảng thế kỉ thứ 6 trước công nguyên và
tồn tại cho đến nay. Dù hàng nghìn năm đã trôi
qua, nhưng dường như Athens vẫn không hề thay
đổi. Trước mắt chúng tôi, cả thành phố
Athens hiện ra như một viện bảo tàng cổ
đại khổng lồ, với kiến trúc nhà thấp
trắng xây bằng đá khối. Một trong những
tuyệt tác của thế giới Hy Lạp cổ
đại còn sót lại đó là đền Patheon, thờ
nữ thần Athena, vị thần bảo hộ cho người
dân Athens. Thần Athena tượng trưng cho trí tuệ,
lòng can đảm, sự công bằng và khéo léo.
Người
Hy Lạp cổ đại xây dựng các ngôi đền
để thờ phụng nữ thần Athena. Theo
truyền thuyết nữ thần này là người đã
bảo vệ che chở cho kinh đô Hy Lạp xưa,
Athens. Hàng năm người dân và du khách tổ chức các
đoàn rước diễn hành ở Acropole nhằm tôn vinh
Nữ Thần Athena. Một kỳ quan của thế
giới Cổ đại khác là đền Parthenon
được xem là biểu tượng cho sự kết
thúc của Hy Lạp cổ đại và nền dân chủ
Athena. Đây là ngôi đền đẹp nhất Hy Lạp
được xây dựng từ những năm 447 – 438
trước CN do hai kiến trúc sư kiệt xuất
thời cổ đại là Ichtinos và Callicrates thiết
kế và chỉ đạo thi công. Đền Parthenon trên
mặt bằng được chia làm ba phần gồm
tiền sảnh Pronaos, gian thờ Naos để
tượng nữ Thần Athena và phòng để châu báu
Opictodom. Ngôi đền xây dựng bằng nguyên liệu
cẩm thạch trắng lạnh và dịu có hành lang cột
bao quanh, riêng hai mặt chính có tám cột. Nhưng khi
tiếp xúc với ánh nắng bề mặt các viên đá
cẩm thạch sáng và ẩm ướt. Còn đền
thờ Athena là nơi nữ thần bảo hộ cho
thành phố Athens cũng
được trang trí bằng đá cẩm thạch
trắng điêu khắc, có nhiều trụ cột và các chi
tiết thần thoại minh họa dọc hai bên
tường. Phía đông bên trên cửa lớn là cảnh
Athena chào đời còn phía tây là cảnh chiến tranh
giữa nữ thần Athena và thần Poseidon. Sau khi khám phá
xong các ngôi đền cổ hầu hết du khách chúng tôi
dạo bộ trên đường phố của Athens,
quảng trường Syntagma hoặc ghé thăm khu
thương mại Plaka, Concert Hall…
Sau cuộc viếng thăm
một ngày ở Athens chúng tôi trở về thuyền
để bắt đầu cuộc hành trình dài 25 tiếng
trên biển đến địa điểm cuối Napoli
và Capri, Ý. Trong khi lênh đênh trên biển chúng chọn
luyện tập thể dục, tắm hơi sau đó
hồ bơi, học nhãy điệu Zumba ,Tango và xem nhiều
mini show khác đã vạch sẳn cho du khách. Sáng sớm tàu
cặp bến Napoli, chúng tôi được đưa lên
ferry trực chỉ Capri island trong lúc tàu bị chuyển
mạnh vì gặp sóng mạnh biển...Gần một tiếng
say sóng trên biển mọi người lên đảo và
bắt đầu cuộc viếng thăm cuối cùng
trước khi trở về Rome ngày mai...
Nhắc đến Capri, du khách liên
tưởng đến các danh họa, văn hào từng ca
ngợi vẻ đẹp của hòn đảo này, nhưng
ít ai còn nhớ đến bộ phim "It started in
Naples" Chuyện tình Napoli quay cách đây nửa thế
kỷ. Bộ phim ghi lại nụ hôn nồng nàn của hai
ngôi sao màn bạc, giữa sắc đẹp mê hồn của
Sophia Loren và ma lực quyến rũ của Clark Gable. Phong cảnh
hữu tình của Capri, tựa như một nhân vật thứ
ba, làm cho câu chuyện thêm thơ mộng say đắm.
Với diện tích xấp xỉ 10 cây số
vuông, Capri nằm cách mũi bán đảo Sorrento chừng 5km.
Số cư dân sống thường trực trên
đảo chưa đầy 13 ngàn. Tuy bé nhỏ, nhưng
địa danh này nhưng lại tiếp đón hàng năm
khoảng 2 triệu lượt du khách quốc tế.
Cứ mỗi ngày là có gần 15 ngàn người đáp
thuyền ra hải đảo, gần nhất là từ
thành phố Sorrento khoảng 25 phút, còn du khách đến
từ Napoli thì mất chừng 45 phút đồng hồ. Nằm
ngoài khơi Vịnh Napoli, đảo Capri và Anacapri nổi
tiếng trên thế giới nhờ nhiều phong cảnh
đẹp lạ thường. Đẹp đến
nỗi, vào đầu thế kỷ thứ nhất sau công
nguyên, hoàng đế La Mã Tiberius đã dời kinh đô
về đảo Capri, cho xây nhiều đền đài dinh
thự mà phế tích vẫn còn lưu lại đến
tận bây giờ. Giới hoàng gia quý tộc thời xưa,
giới thượng lưu jet set thời nay
đều chọn Capri làm nơi nghỉ mát lý
tưởng.
Du khách nước ngoài đến Capri
thường chỉ dành có một ngày, sáng đi chiều
về, nhưng thời gian đó quá ngắn để khám
phá tất cả những vẻ đẹp hiển
hiện cũng như cái duyên tiềm ẩn của hòn
đảo. Mười phút trước khi thuyền
cập bến cảng lớn Marina Grande, đảo Capri
bắt đầu hiện ra trước mắt rồi
dần dần lớn lên. Nhà cửa hàng quán được
xây san sát, chạy từ bến thuyền lên tận
đỉnh đồi. Nhìn từ xa, thị trấn này
giống như một bức tranh ấn tượng, màu
chủ đạo là trắng vôi, cát ngà nhưng lại
được tô điểm chấm phá bằng hàng
loạt màu sắc rực rỡ.
Khi thuyền sắp đổ bến, lúc
đó ta mới thấy rõ là các mái nhà, lan can hay song cửa
sổ đều được phết với nhiều
màu sơn khác nhau. Màu sắc của đảo Capri không
đơn thuần xanh dương như quần
đảo Hy Lạp, không xanh lục non như màu trái ô liu
ở các đảo khác. Hỏi ra mới biết rằng
thời xưa, khi Capri còn là một làng đánh cá, dân chài
không có nhiều tiền nên cứ mỗi lần đóng xong
một chiếc tàu, sơn quét mạn thuyền, họ
để dành các thùng nước sơn còn lại
để trang trí nhà cửa. Truyền thống này tạo
cho Capri một nét độc đáo, hấp dẫn lôi
cuốn những ai mê quay hình, chụp ảnh.
Các chùm hoa leo, thiên lý, hoa giấy nở rộ
trước các cổng nhà, nơi không có chỗ thì
đặt nhiều chậu cây bằng đất nung
nở đầy hoa mỏ hạc liền dọc các
bậc thang. Từ khu vực trung tâm dạo quanh một
vòng phố cổ, bước chân dẫn ta đi qua
những con đường lát đá dọc những
căn nhà với lối kiến trúc thô mộc cổ
xưa, thỉnh thoảng lại bắt gặp vài
miệng giếng với gầu gỗ cột dây
để múc nước. Người dân tại chỗ
rất sùng đạo nên vóc dáng của các ngôi thánh
đường nho nhỏ, ẩn hiện ở nhiều
ngả tư góc phố đem lại cho du khách cái cảm
giác an lành của một làng chài yên tĩnh thanh bình.
Nằm ngay giữa lòng biển, ba khối
đá vôi tự nhiên sừng sững trồi lên tạo cho
khung cảnh nơi này thêm phần huyền bí kỳ vĩ.
Với chiều cao hơn 100 thước, sườn
đá nhìn từ xa có vẻ rất trơn tru, nhưng khi
nhìn gần lại thấy nhiều chỗ lồi lõm, bám
đầy cỏ dại. Khi hoàng hôn về, hai tảng
đá tựa như những ngọn hải đăng tùy
theo độ nắng trên biển khoác lên nhiều màu áo khác
nhau, vàng óng, ngọc lam rồi thạch tím.
Tạt vào một cửa hàng bán rượu
Limoncello, ai nấy đều hoa mắt vì các kiểu chai
thủy tinh đẹp đẽ đựng thứ
chất lỏng thơm phức chứa 32% độ
cồn. Chai hình chiếc ủng biểu tượng cho
đất nước Ý là phổ biến nhất, chai hình
quả chanh, hình trái cây, dáng chai tạo hình bàn tay cong cong
cũng có.
Ngoài rượu Limoncello chiết xuất
từ tinh dầu chanh cam nổi tiếng của vùng này, du
khách còn mê mẩn với đám kẹo chanh, chocolate
đủ hình thù. Rồi thì mứt chanh, mứt cam, các
loại xà phòng, nến làm bằng tay đều dùng
hương liệu và nguyên liệu tự nhiên.
Người Ý quả có tài năng nghệ
thuật, từ cách bài trí cửa hàng đến từng
vỏ hộp nến thơm cực kỳ nhã nhặn, tinh
tế mang phong cách rất riêng. Mùi thơm của mọi
sản phẩm tỏa ngào ngạt mà không hề nồng.
Khi bước ra khỏi cửa hàng, người bạn
như vừa được ướp hương. Chúng
tôi cứ lặng người chiêm ngưỡng vẻ
đẹp của hòn đảo và vùng vịnh Napoli và
lần tới nhất định sẽ ở lại lâu
hơn để thưởng thức một chút cái
hồn của đảo mà qua một ngày khó có ai làm
được. Tất nhiên, còn để chiêm
ngưỡng những khoảnh khắc vốn đã
nổi tiếng khắp bốn biển năm châu: hoàng hôn
lãng mạn trên đảo
Trở lại trung tâm thị trấn Capri vào
lúc trưa chiều nhất là trời hết mưa phùn, du
khách từ đất liền đổ lên đảo càng
lúc càng đông. Cái không gian yên tĩnh lúc sáng sớm, càng lúc
càng nghẹt thở do chật cứng người qua
kẻ lại. Du khách chọn nơi ăn trưa, uống
cà phê hay giải khát, từng đoàn người chen chân
xếp hàng vào quán ăn hay nườm nượp rủ
nhau đi mua sắm. Du khách nước ngoài chủ yếu mua
các món đặc sản của vùng này, chủ yếu là
bánh mứt, kẹo thơm làm với hoa cam và lemoncello.
Loại chanh mà họ thường dùng là loại cedrat,
một lọai chanh hoang có vị đắng và không có
nhiều nước, nhưng đổi lại vỏ chanh
lại thơm kỳ lạ nên thường
được dùng làm nguyên liệu chế biến bánh
kẹo, sirô và mứt trái cây, hương liệu cũng
được dùng để chế biến nước
hoa, dầu cologne, xà phòng, nến thơm.
Không ai có thể chối cãi
được vẻ đẹp quyến rũ của
Capri nhưng hải đảo này có 3 nhược
điểm. Thứ nhất giá sinh hoạt ở đây
thuộc vào hàng đắt đỏ nhất châu Âu. Trên
đảo hầu như không có cơ sở chế
biến sản xuất nên hầu hết mọi thứ
tiêu dùng đều nhập từ đất liền,
thức ăn chỗ ở và kể cả cà phê thuốc
lá, nước suối đóng chai đắt từ gấp
rưỡi cho đến gấp đôi so với giá sinh
hoạt ở những thành phố lớn của Ý. Thứ
nhì là Capri không có nhiều bãi tắm tự nhiên, địa
thế đồi núi trên hải đảo tạo ra
nhiều thắng cảnh ngoạn mục, hợp với
những ai thích ngắm cảnh chụp ảnh, nhưng
lại không hợp với những đối tượng
du khách thích tắm biển phơi nắng.
Nhược điểm cuối cùng là hòn
đảo Capri từ lâu đã ở trong tình trạng quá
tải. Cái thú viếng thăm Hang đá xanh Blue Grotto vào
những ngày đẹp trời biển lặng vào ngay
giữa mùa hè, nhanh chóng trở thành một cực hình vì cái
cảnh xếp hàng chờ đợi đến phiên mình,
quán ăn khách sạn hay cửa hàng đều chật
cứng, chụp một tấm ảnh mà không lọt bóng
dáng một du khách nào vào trong khung đã là một kỳ công
vào ngày thường, huống chi là vào những dịp
cuối tuần, hay trong những lúc cao điểm mùa
nghỉ mát.
Những yếu tố đó khiến cho Capri
rơi vào cái vòng lẩn quẩn, giá cả càng lúc càng
đắt đỏ, do tình trạng quá tải về
lượng du khách, nên mức cầu lúc nào cũng cao
hơn mức cung. Capri tuy bé nhỏ nhưng cần ít
nhất là vài ngày để khám phá một cách trọn
vẹn, nhưng đa số du khách do sáng đi chiều
về nên lúc nào cũng ở trong tình thế tranh thủ
thời gian, chụp ảnh xong là đi liền để
còn tìm chỗ ăn trưa, hay đứng xếp hàng để
viếng thăm, mua sắm.
Dù gì đi nữa, Capri vẫn xứng đáng
là nơi để cho ta dừng chân thăm viếng. Capri
là hải đảo đẹp nhất vùng vịnh Napoli.
Một khi đã đến rồi, ta mới nghiệm vì
sao người Ý lại dám thốt lên một câu nói như
vậy.
Chuyến du thuyền 11 ngày để
lại trong 4 chúng tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Tháng
năm nên trời mưa nhiều hơn nắng ảnh
hưởng phần nào những cuộc tham quan trên đảo.
Rất tiếc chúng tôi chỉ có hai cặp Việt Nam trên
du thuyền 4 sao. Nếu có dịp chúng tôi sẽ rủ thêm
được từ 4 đến 5 cặp đi cùng du thuyền
càng thú vị hơn. Cái hay của du thuyền là ta không phải
dọn hành lý mỗi ngày như những cách hành trình bằng
xe. Thức ăn lúc nào cũng miễn phí, ngoại trừ
rượu. Mỗi đêm họ tổ chức và trình diễn
những show độc đáo với magician, ca sỹ và nhạc
sỹ chuyên nghiệp trình diễn. Mỗi đêm họ đều
gửi chương trình vào phòng cho khách dự định
những activities ngày mai và luôn có nhiều tiết mục hấp
dẫn để du khách không bị rảnh rỗi phí phạm
thời gian vì nhàm chán. Với công việc tất bật của
xã hội ngày nay thì du thuyền sẽ là cơ hội tốt
để làm giảm stress rất hiệu quả, là nơi
giải trí giúp phát triển tình bạn tình thân, luyện tập
thể dục và làm cho cuộc sống thêm đậm
đà hương vị với những cuộc viếng
thăm những nơi giàu văn hóa nhất. Mười một ngày lênh đênh
trên biển với thức ăn tây phương dù có ngon
đi mấy cũng không thể thay thế món phở, bún
nước lèo hay canh chua cá khô tộ của chúng ta. Chúng tôi
học hỏi thêm được nền văn hóa Thổ
và hiểu rõ hơn vì sao nước Thổ là một quốc
gia cởi mở với nền kinh tế đang tiến
triển mạnh trong khối Trung Đông và Âu châu…
Nguyễn Hồng Phúc
May 2013
|