banner Các Thế Hệ Thầy Cô
side2

…Đó là một ngày rất đẹp với trời xanh, mây trắng, nắng vàng, ánh nắng reo vui cho
ngày đầu tiên tôi bước chân vào ngưỡng cửa đại học. Những ngày tháng mới bắt đầu,
đầy bỡ ngỡ, ngại ngùng… Tôi xa gia đình, xa Ba Mẹ, chị, em, xa ngôi nhà êm ấm, xa
bạn bè thân thương của thời trung học, đến Cần Thơ, thành phố lớn vừa đủ, để cho tôi
tập tễnh làm cô Sinh Viên và cho tôi được gặp “Anh”…

Anh đến thăm cô em họ và gặp tôi nơi nhà trọ sinh viên. Lần đầu gặp nhau, anh đã hỏi tôi:
-Học…làm “Pháp Sư” có vui không vậy?
Tôi nghe qua…mà thấy ghét! Tôi như vầy, là Cô Sinh Viên Năm Thứ Nhất, Ban Pháp Văn, Khoa Sư Phạm, Viện Đại Học Cần Thơ, có tên trường, tên lớp, đàng hoàng với danh tánh rõ ràng như vậy, lại còn phải xa quê nhà, sang nơi đây trọ học, hết lòng “dùi mài kinh sử”, để mong trở thành một Cô Giáo Sư dạy Pháp Văn, mục đích cao đẹp biết bao, vậy mà “bị” gọi là Pháp Sư, hỏi có đáng bực mình không? Suy nghĩ một lúc, tôi mới trả lời:
-Thưa Anh, Nga không có biết gì về Bùa, về Phép Thuật, nên không dám học làm “Pháp Sư”, chỉ dám học Ban Pháp Văn, để sau này đi dạy học mà thôi! Nga nghĩ như anh mới là giỏi, vì anh đã từng học Khoa Học, chỉ cần “nhìn” một viên đá thôi… đã có thể phân loại được là loại đá gì rồi, đúng là “cao siêu và huyền bí” hết sức!
Cô em họ của anh, ngồi bên cạnh tôi, nghe qua, nở nụ cười khoái chí, nói với anh:
-Lần này là anh gây hoạ rồi, ráng mà tự cứu lấy mình đi, ai biểu tối ngày cứ hay cười em có cô bạn “Pháp Sư”! Rồi, bây giờ gặp được “Pháp Sư” rồi đó, anh thấy chưa, bạn em hiền lành lắm, từ nay, đừng có chọc phá bạn em nữa!

Anh mĩm cười hiền hoà nhìn tôi, khẽ lắc đầu:
-Anh chỉ nói đùa một chút thôi mà, đã giận rồi hay sao? Cho anh xin lỗi đi!
Tôi nghĩ thầm, thì ra cũng còn biết điều! Tôi cười nhẹ, làm thinh, bởi hơi sức đâu mà đi giận “người dưng”!

Sau này, anh nói với tôi… “thấy vậy, mà không phải vậy”! Tưởng Cô Nhỏ hiền lắm… anh đâu có ngờ, em cũng biết “nói trả treo”! Tôi nói đó cũng là nhờ ở câu hỏi của anh, bởi nếu anh không nói tôi là “Pháp Sư”, thì tôi làm sao có đủ thông minh (và còn nhờ vào sự bực mình nữa) để có thể trả lời chính xác câu hỏi dễ ghét của anh. Anh giải thích với tôi, vì bạn bè anh hay nói giỡn, gọi chung sinh viên bên Ban Pháp Văn là “Ban Pháp Sư”, vì thấy bên Pháp Văn, học tiếng Pháp, của Nước Pháp, nghe xa xôi quá, vậy thì tại sao không gọi là “Pháp Sư”, nghe vừa đầy vẻ “hương đồng, cỏ nội”, vừa gần gũi với quê hương, lại vừa có đầy đủ về “thần thông, biến hoá…”, bởi Pháp Văn, Pháp Sư, hay Pháp Thuật… cũng đều bắt đầu từ một chữ “Pháp”! Tôi thật chỉ còn biết lắc đầu, hết ý kiến… trước những ý tưởng kỳ cục của mấy “Khoa Học Gia... nửa mùa” này!

Lần thứ nhì, vào buổi trưa, gặp tôi nơi Thư Viện Đại Học, anh nói:
-Trưa rồi, anh đưa đi ăn nha… nhưng mà “bình sữa” có nhớ đem theo không vậy?
Anh đang nói gì đây??? Thôi tôi hiểu ra rồi…! Thì ra anh dám chê tôi là “con nít”, còn cần bình sữa! Tôi giận quá sức, không thèm trả lời, cũng chẳng muốn nhìn mặt anh.
Người chi đâu, chỉ biết… chọc tức người khác! Anh cười, nụ cười vô tư và trong sáng, một cách ngây thơ cố ý rồi nói:
-Sao đây? Lại giận nữa rồi, anh chỉ lo lắng cho Cô Nhỏ mà thôi, chớ đâu có ý gì khác! Nếu mà giận anh như vậy, rồi tức lên mà khóc, thì coi chừng thiên hạ chung quanh nhìn thấy, cười em, nói là em “nhõng nhẽo... như con nít!”. Thôi đừng tức hay giận anh làm chi, nếu như em không cần đem theo bình sữa nữa, thì cứ nói với anh một tiếng, anh sẽ không nhắc dùm em nữa đâu.
Đến nước này, thật là tôi chỉ còn biết … mĩm cười với anh mà thôi!
Cần Thơ mưa nắng hai mùa, có những lúc mưa lăm răm lâm râm suốt buổi , có hôm, trời lại
nắng chói chang cả ngày. Những ngày nắng, tôi lại hay quên đội nón, để cho anh luôn nhắc nhở tôi:
-Đây là Nắng Cần Thơ, nóng lắm đó, nhớ đội nón vào nhen Cô nhỏ, để không bị cảm nắng, bởi đây không phải là “Nắng Sài Gòn… em đi mà chợt mát…” đâu! (đó là câu thơ của nhà thơ Nguyên Sa, nhà thơ mà tôi và anh rất thích). Câu nói chứa đầy sự săn sóc này, đã làm cho tôi cảm nhận được lòng tốt của anh…
Tôi còn nhớ, khi gặp được anh, tôi vui lắm, vì tôi nghĩ, từ nay, mình sẽ có được một người anh… “khác họ” để lo lắng và chỉ dẫn cho tôi vào những tháng ngày bỡ ngỡ của năm đầu tiên đi học xa nhà. Những hôm nào, tôi và cô em họ của anh ở lại Thư Viện để học bài, anh đến chờ, để đưa chúng tôi về. Anh thì cao, đến 1 mét 80, nên nhìn vào, bề ngoài cũng tương đối có vẽ “anh hùng hào kiệt” lắm, (mà biết đâu chừng, anh đang cố ý làm ra vẻ… ta đây là “đại hiệp”, sẵn sàng để giúp... người yếu thế, cho ra vẻ oai phong lẫm liệt!) và hai đứa tôi rất an lòng, vì nghĩ anh đủ sức để bảo vệ cho tôi và cô em họ của anh, hai ngươi chúng tôi cùng có một chiều cao rất khiêm tốn là chỉ vừa đúng 1 mét 50! Mấy chị ở chung nhà trọ, hay chọc tôi, nói là nếu trời mưa, mà có đi đâu với anh, thì tôi không cần phải mang theo cây dù làm chi cho mắc công, chỉ cần nói anh… cúi xuống, che mưa cho tôi là được rồi.
Có lần anh nói với tôi:
-Sao mà còn nhỏ xíu vậy… (may mà còn lịch sự, chưa dám nói tôi “lùn”!), rồi sau này, ra làm Cô Giáo, coi chừng bị học trò…ăn hiếp, vì tưởng lầm là học trò mới vào trường, đi “lộn lớp”! Và nếu bị học trò chọc phá, rồi khóc, thì tội nghiệp cho Cô Giáo lắm Cô Giáo ơi!
Tôi bèn khẳng khái trả lời:
-Anh đừng có lo, em sẽ mang giầy cao gót, sẽ làm mặt nghiêm, thì học trò sẽ nễ và sợ em ngay!
Rồi tôi hỏi anh:
-Chắc anh nghĩ là anh lớn lắm hay sao? Không phài vậy đâu! Anh thấy anh cao hơn em, là tại vì như vầy:
“Người cao lớn…vì Ta cúi xuống,
Nên Cao…và Lùn, đâu có khác biệt bao nhiêu!...”
Anh có bao giờ nghe qua hai câu này chưa, và anh thấy có đúng không?
Anh cười rất to, rất vui rồi nói với tôi:
-Thôi được rồi “Bé Tư” ơi (tên gọi ở nhà của tôi), em lanh lắm, như vậy anh đỡ lo cho Cô Giáo khỏi phải  “khóc nhè” vào ngày đầu lên lớp! Còn hai câu thơ?! mà em vừa đọc, thật tình đây là lần đầu, anh nghe được hai câu thơ không hoàn chỉnh này, bởi ý thơ thì rõ ràng là muốn phủ nhận sự khác biệt về hình thức bên ngoài giữa Cao và Thấp, còn về quy luật làm thơ, luật Bằng Trắc…thì rõ ràng là “lạc đề“ rồi, đây đúng là hai câu thơ được liệt vào hàng “Thơ Con Cóc”! Mà Bé Tư có biết tác giả của hai câu thơ này là ai không vậy?
Tôi tránh tia nhìn nghịch ngợm của anh, trả lời là không biết! Anh mĩm cười nói tiếp:
- Vậy thì để anh nói cho Bé Tư nghe, anh tuy là chưa biết bút hiệu của người viết, nhưng mà anh đã đoán được tác giả thật sự…là người đang ngồi trước mặt anh đây, có đúng như vậy không?
Tôi quê ơi là quê vì cách phê bình thẳng thắn của anh, nhưng cố nói vớt vát lại:
-Em đã ráng hết sức mình rồi, mới làm được hai câu thơ …hay và đầy đủ ý nghĩa như vậy, mà anh lại chê!!!
Anh cười bao dung, nhìn tôi đầy thương mến:
-Bé Tư ơi, anh đâu có chê thơ của em đâu, anh chỉ đưa ra nhận xét của anh thôi mà!
Thôi vậy từ nay, tiếp tục tập làm thơ nữa đi, có điều, đừng nên chọn đề tài “cao và lùn”
vì đề tài này khó viết lắm.

Hôm nào, tôi không được vui, vì nhớ nhà, lại không được về quê, phải ở lại Cần Thơ để
ôn bài thi … anh hay trêu chọc tôi (mà lại nói để giúp cho tôi đỡ buồn!) lại cũng bằng những câu thơ của Nguyên Sa, bởi người con gái trong thơ Nguyên Sa, cũng tên là Nga như tôi…
“Hôm nay Nga buồn như con chó ốm,
Như con mèo ngáy ngủ trên tay anh…”

Rồi anh nheo mắt, tinh nghịch nói nhỏ với tôi:
-Ngủ trên tay anh, chắc là…êm đềm lắm!

Anh đã làm cho tôi vừa bối rối, vừa buồn cười vì cái kiểu nói đùa này. Anh làm thơ, để tặng “Sa Giang” (một tên gọi khác của quê tôi, vì có dòng sông Sa Giang chảy qua thành phố). Bài thơ, đưa cho tôi, nói để tôi đọc cho vui, tôi trả lời:
-Không dám đâu, anh nên đưa cho cái “Cô Sa Giang” nào đó mới có ý nghĩa, chớ đưa cho em đọc là không nên đâu!
Anh nói tôi cứ đọc dùm, vì là người cùng quê, rồi thì trước lạ, sau quen mà! Và rồi, vào một ngày…đẹp trời hôm đó, tôi cũng hiểu được rõ ràng hơn, những cảm tình mà anh đã dành riêng cho tôi, bởi Sa Giang hay Sa Đéc, hay là tôi, thì cũng chỉ là… một người mà thôi.

Chuyện “bí mật” như vậy, mà không hiểu sao, mấy chị ở chung nhà trọ lại biết được
(sau này, tôi mới biết là do cô em họ của anh, hãnh diện đi khoe với...bà con, lối xóm,
cái tài làm thơ của ông anh họ mình!).

Một hôm, Chị Mai, chị lớn tuổi nhất trong nhà trọ chúng tôi, đã nói với tôi:
-Nè Nga ơi, chị chắc là anh chàng thích ăn “Bánh Phồng Tôm Sa Giang” (một Đặc Sản nổi tiếng của quê tôi) nhưng còn e ngại, chưa dám nói ra, mà nói cũng chưa chắc nên lời, nên nhắc khéo hoài bằng cách: “Bài thơ tình anh viết tặng cho…Sa Giang” đó nhen nhỏ! Em nên hiểu câu đó, còn có một ý khác nữa, đó là “anh muốn ăn Bánh Phồng Tôm Sa Giang lắm!” (tôi thật tình không tưởng được, là chị lại có óc khôi hài đến như vậy, vì xưa nay, tôi cứ nghĩ, học Khoa Học, chắc là khô cằn…như sỏi đá!). Rồi chị lại tiếp tục:
-Thôi lần sau, khi em về quê, nhớ mua Bánh Phồng Tôm cho anh ăn đi, nếu không, tội nghiệp quá… Nè, mà biết đâu nhờ vậy, bài thơ kỳ tới, sẽ được đổi đề tài, viết tặng cho người đến từ “Vườn Hồng Sa Đéc”! (Sa Đéc cũng là nơi có “Vườn Hồng”, trồng hoa rất nổi tiếng), và biết đâu chừng, mỗi ngày, anh chàng sẽ đem hoa hồng đến để chưng trên bàn học cho đẹp, cho em vui!

Và tôi, rất ngoan, nghe theo lời chị Mai, đợi anh đến, nhẹ nhàng, lễ phép, nói lại với anh, những điều Chị Mai đã dạy bảo! Anh chỉ biết lắc đầu cười, rồi rất tự nhiên nói trước mặt các chị và tôi:
-Tội nghiệp Bé Tư của anh, đừng có lo, bánh phồng tôm Sa Giang thì anh đã có ăn rồi, ngon lắm, nhưng mà gặp được người Sa Giang, mới thấy dễ thương và vui hơn! Mấy chị đây, đúng ra, phải biết thương Bé Tư, còn nhỏ như vậy, nên giúp cho em vui, cho đỡ nhớ nhà, sao lại đành lòng chọc ghẹo Bé Tư?
Anh vừa dứt lời, cả một đám người xúm nhau mà cười thoải mái, rồi chị Mai lên tiếng một cách trịnh trọng, nhưng đầy vẻ tiếu lâm:
-Anh nói đúng lắm, có điều, tụi này, bận học quá, không có thời giờ rảnh để chăm sóc Bé Tư, vậy từ hôm nay chính thức nhờ anh hết lòng, hết dạ, để lo cho em có được không?
Anh vui vẻ trả lời ngay:
-Đã sẵn sàng… từ lâu rồi!
Các chị lại được thêm một tràng cười vui nữa. Tôi ngồi đó, lòng nhẹ nhàng cảm động, đành chỉ còn biết… cười theo, chớ biết nói gì nữa đây!
Khi anh về rồi, Chị Mai nói:
-Nhà trọ này, có một đống con gái, tìm được “người giữ em” cho đứa nào, chị mừng cho đứa đó!
Chúng tôi chẳng thế nào nín cười, lại vừa cảm động trước tấm lòng của chị, đã nói lên được sự mến thương và những thân tình mà chúng tôi đã chia xẻ sẻ với nhau sau bao ngày tháng cũng trọ học dưới một mái nhà!
Những hôm có Văn Nghệ do các Phân Khoa khác tổ chức, anh hỏi:
-Có muốn đi coi Văn Nghệ không, anh đưa em đi?

Tôi còn chưa kịp trả lời, chị Ngọc đang đi ngang qua, nghe vậy, đã mau mắn nói với anh
dùm tôi:
-Được đó, dẫn Nga đi coi Văn Nghệ cho vui đi, mà nhớ nắm tay em cho thật chặt, để khỏi bị thất lạc trong đám đông nghe!
Anh cười xòa, vui vẻ nói với chị:
-Chị an tâm, tôi biết lo mà!
Nhưng tôi lại chẳng thích tham dự vào những nơi đông đúc như vậy, anh thì cũng không
thích chi lắm những nơi chốn quá là rộn ràng. Chỉ vì muốn tôi đỡ nhớ gia đình, nên anh
định đến để rủ tôi đi coi Văn Nghệ cho tôi đỡ buồn.
Khi biết tôi không thích lắm “Chốn Lao Xao…” với đông người qua lại, anh chọc tôi:
-Thì ra là Bé Tư đang tập làm “Người Lớn”, không thích đi, vì cho rằng nơi đông đảo là của con nít ham vui… có đúng vậy không ?
Rồi anh cười hiền, nói với tôi:
-Thật ra hai người mình “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” lắm hả Bé Tư? Mình cùng giống nhau ở điểm không thích đám đông! Anh thì còn ngại thêm một điều này nữa, nếu Bé Tư đi với anh, rồi đến đó, anh cảm thấy là “thế giới đông người, mà anh chỉ thấy…có em thôi”, thì chắc là thiên hạ sẽ cho là... kỳ lạ lắm, cho nên tốt nhất, mình không nên đi đến đó, em nghĩ có đúng không? Tôi bật cười vì cái cách nói chuyện của anh, rồi nói:
-Anh cứ hay…chọc em hoài!

Anh cười, một nụ cười thật ấm áp:
-Nhưng bây giờ thì em đâu còn…hay giận anh nữa phải không? Mà sao em không nghĩ là anh chưa bao giờ chọc ghẹo em hết, chỉ là đang chăm sóc cho em mà thôi… Tôi nhìn anh, và đã thấy được…một chút gì rất “dễ thương” nơi anh. Rồi thì, thay vì đi xem Văn Nghệ, hai người chúng tôi đã có những giờ phút vui vẻ bên nhau, để bàn luận về mọi đề tài, về văn chương, về sách vở, về âm nhạc…để cho tôi càng cảm phục hơn kiến thức rộng rãi của anh. Anh lại kể cho tôi nghe về những chuyến đi “Du Khảo”, tìm hiểu về Địa Chất ngày anh còn học Khoa học, và anh nói vẫn mong sẽ có ngày, dạy cho tôi có thể “nhìn” viên đá… và phân lọai được như anh, để tôi không phải nói châm chọc anh là “cao siêu, huyền bí”…như hôm đầu gặp gỡ.

Tôi đã học được nhiều điều nơi anh, sự trầm tĩnh, lòng bao dung, tính tỉ mỉ chăm sóc (tôi cũng giống anh ở điểm này, thích chăm sóc người khác, có điều dường như anh lo cho tôi nhiều hơn, vì tôi chẳng biết lo cái chi cho anh đây, bởi anh vững chải, và trưởng thành như vậy…nên thôi thì, tôi đành phải để anh lo cho tôi, cho hợp lý hơn), và nhất là tính “bông đùa” rất là tự nhiên của anh, đã mang lại cho tôi biết bao là nụ cười vui vẻ.

Một hôm, khi anh đến để đưa cho tôi quyển sách, mấy chị đang ngồi học nơi góc vườn, kêu tôi: Nga ơi, có “Cổ Thụ” tới nè!
Tôi ngạc nhiên, tự hỏi mình đâu có quen ai, mà cái tên nghe to lớn và giống như là...“cây trăm tuổi” như vậy??? Nhìn ra trước nhà, nhận ra anh, tôi hỏi:
-Thì ra là anh, tại sao mấy chị lại kêu anh là “Cổ Thụ”? Vậy chắc đó là “tên ở nhà” của anh, giống như tên ở nhà của em là Bé Tư vậy, có phải không, vậy mà tới hôm nay em mới biết! Tên cũng hay quá!
Anh cười, nhìn tôi…lâu hơn, để tôi có thể nhìn thấy được cả nụ cười trong mắt anh, rồi anh gật đầu và nói với tôi:
-Từ nay, cứ gọi anh là “Cổ Thụ” đi nha Bé Tư!
Anh vừa quay lưng bước đi, thì tôi đã nghe ở phía sau mình, cả một tràng cười rúc rích…của chị Phương và Chị Ngọc, vừa cười vừa phê bình:
-“Chàng” biết giữ em hết sức! Biết chăm sóc tinh thần em, thà chàng gật đầu một cái, để cho em khỏi phải suy nghĩ nhiều, cho mệt trí của em, tốt lắm, cho điểm 10/10!
Tôi thật là không hiểu các chị muốn nói điều gì, chị Phương bèn giải thích:
-Tụi chị gọi anh là “Cổ Thụ” là thâu ngắn từ bốn chữ “Cây Si Cổ Thụ” cho đỡ mõi miệng và dễ nghe, cho có vẻ “Khoa Học Tự Nhiên” đó mà!
Thật là… hết nói nỗi mấy chị này!
Khi anh tới lần sau, anh liền được mấy chị chào hỏi một cách rất thân tình:
-“Cổ Thụ” giỏi lắm nhen, biết chăm sóc “Mầm Non” là Bé Tư đây, rất tốt, tụi này có lời khen và cảm ơn lắm!
Anh vui vẻ trả lời:
-Xin cám ơn lời khen tặng của mấy chị! Và tôi xin hứa sẽ luôn chăm sóc Bé Tư rất kỹ càng!
Còn tôi thì chỉ biết mĩm cười và nhìn anh với ánh mắt biết ơn!

Có những hôm, cuối tuần, trời mưa, anh đem đến mấy cuốn băng nhạc cổ điển ngoại quốc, cùng nghe với tôi… Đến chiều, mấy chị đi dạo phố, về đến nhà, cười mĩm chi với nhau, rồi chọc tôi và anh:
-Nè hai người nghe nhạc “cổ điển”…tới “kiểng đổ” buổi chiều bên nhà thờ Chánh Tòa rồi, có ai biết hay chưa?
…Nhờ anh, vào những buổi chiều mưa, tôi đã không phải buồn buồn… vì màu trời u ám!
Những giờ lên lớp, học bài, học thi… đã làm tôi bận rộn, và anh đã ân cần, chăm sóc, nhắc nhở và khuyến khích tôi, để tôi vui học, để có thể sau nầy dạy thêm Pháp Văn cho…“một học trò lớn” mà thôi, anh hỏi tôi, học trò lớn đó là ai, em có thể đoán được không? Tôi mĩm cười với anh, và nghe lòng êm ả vô cùng…

Những ngày mưa, tháng nắng qua đi, tôi an tâm học hành… Với anh ở bên tôi, như là ngày với tia nắng ấm của Mặt Trời chiếu sáng , như là cơn gió nhẹ làm mát đi buổi chiều nắng hạn, như là đêm về với Trăng và Sao rực rỡ, lấp lánh trên bầu trời… và đó là những ngày hoa mộng, với những nụ cười ấm áp, với những mơ ước êm đềm, là những tình cảm dễ thương, là “Hạnh Phúc”, là “Bình Yên”… để tôi luôn cám ơn đời đã cho tôi được gặp “Anh”…

Ngô Thị Xuân Nga – Năm 1974

*…Và Anh đã không còn hiện diện trên Thế gian nầy nữa, biển cả đã là nơi yên nghỉ ngàn đời của Anh…


                                                

 

 

 

 

Last updated 09/25/2012

 


side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1