Nhận được giấy mời đi dự đám cưới của cháu Chi con trai của anh Viết và Thu Hương, một người bạn thời trung học 40 năm về trước tôi hơi bỡ ngỡ, nửa muốn đi nửa không muốn đi vì đã lấy gần hết vacation năm nay.
Một vài bạn đồng môn Hoàng Diệu cùng và khác khóa như Phú, Khoa, N.Minh, B.Tuyết, và H.Nhan có nhã ý sẽ đi dự đám cưới cháu Chi làm lòng tôi nôn nao, mặc dù năm ngoái tôi đã ghé thăm nhà Thu Hương tại Fort Worth vào đầu mùa hè.
Sau khi mấy cô bạn book vé máy bay làm tôi càng nôn hơn. Rốt cuộc tôi quyết định book vé máy bay đi Fort Worth chuyến thứ nhì để dự tiệc cưới cháu Chi & Jessica để học hỏi kinh nghiệm tổ chức và qua đó có dịp họp mặt các đồng môn Hoàng Diệu sau 40 năm xa cách.
Tùa Hia hơn chúng tôi 4 tuổi nhưng vì đã nhập vào nhóm nhỏ ĐBSCL (đờ bờ sờ cờ lờ) ít lâu nhưng tôi chưa có dịp hội kiến mặc dù đã nói chuyện qua phone vài lần. Mỗi lần nói chuyện qua phone Tùa Hia hay mời mọc tôi đến thăm gia đình Tùa Hia ở New Jersey. Với tấm chân tình như thế thì tôi khó lòng mà từ chối. Muốn lái xe đến nhà Tùa Hia phải mất hơn 7 tiếng trên xa lộ. Tấm thân già nua thế này thì khó mà lái suốt 7 tiếng đồng hồ nếu không có trợ lái.
Sẵn dịp Tùa Hia nhận lời mời Thu Hương đi dự đám cưới ở Fort Worth nên tôi quyết định lấy vé máy bay đi tham dự, một công hai chuyện hầu mong có dịp thăm Tùa Hia cùng một thể.
Ngày lên đường chuyến bay có vẻ trục trặc ở Toronto cho nên tôi đến Dallas trễ hơn 1 tiếng rưỡi thế là các bạn và T.Hương phải dày công chờ đợi ở phi trường. Về đến tư thất của T.Hương thì gần nửa khuya. Hai cháu vẫn còn ở lại nhà mẹ T.Hương để chào khách quý từ xa đến. Tất cả khách khứa ngồi ngoài hiên nhà dưới dàn nho bắt đầu héo lá, để tâm sự sau 40 năm xa cách và để tôi có dịp hầu bia tiếp chuyện với Tùa Hia. Tùa Hia (tiếng Hoa tức là anh cả) người rất vui tánh và cởi mở làm các cô đồng môn luôn tìm cách gây chuyện với Hia cho Hia đấu khẩu để bù lại nhiều lần đấu khẩu bằng email như:
Đình Phú! bảo đình phú, Phú vẫn cứ phú.
Đừng nghèo! bảo đừng nghèo, nghèo vẫn cứ nghèo.
Bần cưa khúc bự vô phương vác
Cú tại màng tang đứng chết trân.
Nhưng bữa đó HNhan sửa lại là:
Bần cưa khúc bự vô phương vác
Phú tại nhà Hương hết biết luôn (vì xỉn).
Hia rất thích uống bia, rất vui và cởi mở bên cạnh bạn bè cùng với lon bia và điếu thuốc, sống vui với bia và thuốc lá như vậy có lẽ Hia là một người có nhiều suy nghĩ, và hay suy tư về cuộc đời, tôi nghĩ thế. Vui vẻ trò chuyện mà mọi người quên giờ giấc vì đã gần 3 giờ sáng. Ai nấy vội lên giường để lấy lại sức khỏe và sáng mai còn chuẩn bị dự đám cưới cháu Chi nữa chứ.
Sáng hôm sau, tất cả các đồng môn được T.Hương cho ăn sáng chu đáo rồi tất cả đi dạo quanh nhà để tham quan và chụp vài tấm hình kỷ niệm. Nhà trồng nhiều cây ăn trái vùng nhiệt đới: như tre, cây nho, táo, đào, chuối, lựu, đu đủ, ổi và lê, rau cỏ đủ loại, đủ loại hoa như lài, hoa hồng, bông giấy, lan, hướng dương, cúc, quỳnh, v.v….
Sau đó, gia đình hai họ lần lượt đến từ xa như California, Austin đề chào khách, nên 4 chúng tôi nhất là Tùa Hia tự tiện đem bia ra vừa uống vừa đãi khách, gồm ta lẫn Mỹ. Trò chuyện tiếng Anh tiếng Việt pha lẫn lộn… Mỗi lần khách đến chúng tôi lần lượt tự giới thiệu như B.Tuyết đến từ Sacramento, Tùa Hia từ New Jew Jersey, H.Nhan từ Indianapolis, Phú và em vợ tên Nhượng đến từ Austin và tôi từ Canada giống như những màn giới thiệu các hoa hậu già trong show đến từ bốn phương. Tùa Hia rất hãnh diện chuyến đi này vì Hia là người may mắn nhất hôm nay. Tùa Hia mua vé máy bay online với giá chỉ có 3 đô mà còn được đổi chuyến bay đi thẳng (direct flight) thay vì stop ở Chicago và được ăn free trên máy bay nữa chứ. Số là Tùa Hia mua vé online với giá 403$US với one-stop ở Chicago nhưng khi Tùa Hia đến phi trường thì có loa phóng thanh mời Hia đổi chuyến bay nếu chấp nhận đổi chuyến bay thẳng thì họ sẽ trả coupon 400$. Như vậy là Tùa Hia chấp nhận ngay vì vừa đi thẳng vừa giá rẻ có 3$ mà còn cho ăn free, dại gì mà không chấp nhận. Số của Tùa Hia quá may. That made his day!
Cảm tưởng của Tùa Hia nhân hội ngộ đặc biệt này như: “Chuyến đi hoang lần này của Tùa Hia thì thật là vui; rất vui!!.. Nhưng cho đến ngày cuối cùng thì... thật là thê-thảm cho Tùa Hia!!!... Sau khi du ngoạn thành phố San Antonio (South Texas), trên đường trở về tổ ấm của MH: "Mai Gia Trang". BT muốn nhuộm mái tóc của Tùa Hia lại, cho hạp với các thành-viên trong đoàn nhưng Hia hổng chịu.Hia cực-lực phản-đối.
Thế là HN lên kế-hoạch "Cưỡng-bức & Đàn-áp": HN khóa tay phải; NM cột tay trái; MH trói 2 chân của Tùa Hia lại. Hia tưởng bác Phúc sẽ theo phe, cứu giá cho Tùa Hia, nhưng bác Phúc lại tiếp tay với phe "Kia", tóm ngay đầu tóc của Hia, đè xuống, cho BT thi-hành nhiệm-vụ.
Hia cố gắng vùng-vẫy... nên quần áo tả-tơi; tóc tai rơi rụng;... Đến khi BT pha thuốc xong, thì... Hia đâu còn tóc đâu để mà nhuộm!!.. Hic..Hic.. Hu.. Hu.. !!! Cụ Viết thấy cảnh hãi-hùng, định lên tiếng khuyên-can. Nhưng MH tằng-hắng và hăm dọa: Bộ ông cũng muốn như vầy hả??!!.. Thế là cụ Viết đành phải im lặng, “ngoảnh mặt làm ngơ”. Bây giờ Tùa Hia te-tua lắm, các bạn ơi!!!..”.
Tối thứ bảy, là ngày trọng đại của cháu Chi và Jessica. Với sự trợ giúp của người thân và bố mẹ, các cháu tổ chức việc tiếp tân và đãi tiệc chu đáo trong bầu không khí thân mật và rất ấm cúng. Chúng tôi đến nhà hàng Thanh Thanh sớm hơn khách một tiếng để phụ trang trí nội thất cho tiệc cưới được chu đáo hơn. Kiểu ngồi riêng biệt - Việt ngồi với Việt, Mỹ ngồi chung với Mỹ nhưng bầu không khí không kém phần thân mật. Phú tỏ ra vui vẻ hơn khi hiểu ra gia đình cô dâu đến cùng quê với Phú, tức Austin.Thợ nhiếp ảnh chụp liên tục đủ kiểu. Trong lúc ăn uống thì trên màn ảnh trình diễn slide show về kỷ niệm bé Chi từ lúc chào đời cho đến lúc lấy vợ chiếu ra liên tục làm bao nhiêu cặp mắt hướng về màn ảnh và làm cho không khí buổi tiệc vui nhộn hơn…
Tiếp tân tiệc cưới diễn ra khá tốt đẹp. Khách Mỹ ra về trước, chỉ còn đám ĐBSCL chúng còn ngồi ở lại tiếp tục trò chuyện phát khẩu thành thơ và chụp vài tấm ảnh lưu niệm.Ngâm thơ và kể chuyện chưởng là món đòn chính của Phú.Đến gần 10 giờ đêm thì buổi tiệc chính thức vãn tuồng. Khi đến dự tiệc Phú đi với em vợ nhưng khi về thì tháp tùng với chúng tôi để có dịp đấu khẩu thơ với tùa Hia và H.Nhan trong lúc đang say ngà ngà men bia. Tôi cũng không nhớ hết những màn đấu thơ giữa bạn bè trong xe trên đường về tư thất T.Hương. Mưa rơi tầm tã trên đường về biểu hiệu điềm tốt và may mắn cho cô dâu và chú rể trẻ.
Trong suốt 4 ngày ở Texas, chị cả B.Tuyết vui vẻ cởi mở với nụ cười lúc nào cũng tươi rói ở cái tuổi của chị. Mặc dù học cùng khóa nhưng chị hơn tuổi chúng tôi vì thế chị lúc nào cũng ra vẻ chăm sóc từng đứa, an ủi khi có chuyện không vui hay bất trắc. Chị cũng là điểm tựa cho những ai muốn thố lộ tâm tình…
Giờ đây mấy cái mái đầu học trò 15-16 tuổi của 40 năm trước vẫn vui vẻ nô đùa chuyện trò, chọc ghẹo lẫn nhau trong suốt hành trình Texas như là vẫn còn ở dưới mái trường Hoàng Diệu ngày nào. H.Nhan học sau chúng tôi một khóa, thuộc đàn em chúng tôi và là cô trẻ nhất trong bọn. Mặc dù trẻ nhất trong đám nhưng cô lúc nào cũng kiếm chuyện phá phách chọc ghẹo cho mọi người có dịp cười nói líu lo, cười híp mắt và mõi quai hàm luôn...
Sự có mặt của H.Nhan và Tùa Hia làm không khí vui nhộn trong suốt hành trình 4 ngày ở Texas.
Hôm chúa nhật sau ngày đám cưới, chúng tôi hẹn cùng Phú và em rể lái xe xuống Austin để thăm bố mẹ và gia đình Phú. Trước khi về nhà Phú chúng tôi ghé lại nhà hàng Sea Dragon ăn cơm canh chua cá kho cho ấm lòng chiến sĩ vì mấy ngày nay chưa được ăn món Việt Nam thuần túy này. Sau đó chúng tôi tới nhà bố mẹ Phú, tuy hai bác tuổi đã khá cao nhưng vẫn còn khỏe mạnh và rất niềm nỡ đón tiếp chúng tôi nơi tư gia.Trước nhà hai bác trồng nhiều hoa nhiệt đới và những cây lựu tí hon với những trái lựu màu đỏ rất đẹp. Mấy cô chụp lấy ngay cơ hội hiếm có mở máy ảnh chụp chí chóe. Đằng sau vườn nhà hai cụ, có giàn thiên lý mà tôi đã từng nghe qua văn thơ tới bây giờ mới được tận mắt chiêm ngưỡng. Phú là người may mắn nhất trong bọn vì còn cha mẹ anh em đầy đủ. Hai cụ tuy có tuổi nhưng vẫn siêng năng chăm sóc vườn rau dền đủ loại. Nghe nói ăn rau dền rất tốt cho người có tuổi vì nó có nhiều chất sơ và dễ tiêu hóa. Phú phải rất hãnh diện và hạnh phúc về việc này.Tối đến, chúng tôi kéo về Days Inn tạm nghỉ để sớm mai còn lên đường đi Houston tham quan NASA center. Sau buổi điểm tâm ở Ihop với pancake, sauces, bacon, waffle và trứng chúng tôi bàn lại chương trình tham quan và nhất trí đổi hướng đi San Antonio vì đường đi ngắn hơn và có nhiều nơi di tích lịch sử đáng xem hơn. Sau hơn 2 tiếng lái xe chúng tôi đến San Antonio tìm bãi đậu xe rồi bắt đầu ngay vào việc viếng thăm Mission Alamo, là vị trí của tuyến cuối cùng nơi người Mễ thua trận và nhượng Texas lại cho Hoa Kỳ hơn 175 năm trước. Anh Viết, ông xã T.Hương mua vé cho chúng tôi dạo City tour với Alamo Trolley Tour. Ông tour guide hỏi chúng tôi qua loa từng người từ đâu đến và muốn xem gì hôm nay rồi đưa chúng tôi tham quan phố chính San Antonio như Mission Concepcion, San Jose, v.v… để rồi cuối cùng họ cho chúng tôi xuống Riverwalk San Antonio để đi du thuyền con trên con kinh nhân tạo với bối cảnh ngoại thất trang trí rất đẹp và trữ tình. Máy hình chúng tôi chụp lia lịa tưởng như sắp cháy máy đến nơi. Sau một vòng hưởng ngoạn bằng tàu trong vòng 1 tiếng chúng tôi có nhiều ấn tượng thoải mái cho ngày viếng thăm và cho ý kiến đề nghị với các bạn là nên thuyết phục ban hai điều hành HD Nam và Bắc Cali nên cố gắng tổ chức họp mặt thường niên tại đây. Thông thường những buổi họp mặt thường niên HD chỉ kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ với mục đích chính là ăn uống trò chuyện, nhưng quá ngắn ngủi cho các bạn bè đến từ xa đến để trò chuyện thân mật sau bao nhiêu năm xa cách. Đi xa du ngọan ở San Antonio chung quanh có những thành phố lớn như Houston, Austin và Fort Worth/Dallas, cảnh vừa đẹp vừa trữ tình và chúng tôi có nhiều thì giờ tâm sự thoải mái hơn chứ không phải vội vã ăn uống rồi ra về như những cuộc họp mặt bình thường.
Ngày cuối trước khi lên đường, chúng tôi lái xe đưa Tùa Hia về phi trường Dallas nhân tiện ghé thăm Kiển. Sau nhà Kiển có trồng hai cây táo tàu. Bọn chúng tôi không bỏ lỡ cơ hội bèn chia nhau hái táo. Khi về đến Canada, trong tay tôi vẫn còn mang một bao táo tàu. Chiều đến trước khi về lại tổ ấm của T.Hương chúng tôi cố thu xếp để ghé lại nhà Piêng, Piêng rất vui và cởi mở, hỏi thăm từng người rất chân tình và rất hiếu khách.
Suốt 4 ngày canh cánh bên nhau bọn tôi có nhiều thời gian nhắc lại chuyện quá khứ thuở học trò, đời sống tị nạn, người đi trước kẻ đến sau… Có người may mắn học thành tài, việc làm ổn định cũng có người kém may mắn nhưng 40 năm sau ở xứ tạm dung này chúng ta vẫn là bè bạn như thuở nào dưới mái trường Hoàng Diệu...
Trong chuyến đi Texas này bạn bè hàn huyên tâm sự trong bầu không khí vui vẻ nhộn nhịp của tiệc cưới và cuộc hội ngộ, thâm tâm tôi có những nỗi buồn vui lẫn lộn rất khó diễn tả hết. Lắm lúc tôi suy nghĩ bâng quơ luyến tiếc về tuổi học trò đã chóng qua, về cuộc sống mới của bạn bè và nhất là khi thấy con cháu lần lượt lập gia đình và có tổ ấm riêng…
Nguyễn Hồng Phúc
Đầu Thu 2011 |