banner Các Thế Hệ Thầy Cô
side2
Thu Huong  “Huế ơi! Huế của ta ơi!... Bây giờ nơi đó,.. áo tím, Sông Hương có nhớ người đi?” (Nhật Ngân)
Hoàng Diệu của ta ơi! Sóc Trăng ơi! Áo trắng thơ ngây, hoa phượng đỏ thắm…, có nhớ bầy chim bay đi khắp năm châu?

Hoàng Diệu Đặc San năm nay mặc áo tím, tô điểm bằng hình ảnh màu sắc sinh động, các gương mặt anh chị cựu học sinh tươi cười hân hoan, và nhiều cảnh sinh hoạt đáng ghi nhớ trong buổi gặp gỡ. Đặc San Hoàng Diệu, một vật quí giá, tôi đang trân trọng trên tay. Quí giá vì ý tưởng độc đáo, chân thật, và chính xác, nâng cao bởi các ảnh nghệ thuật: Cầu tre (tr. 24), Tóc ngang lưng (56) Bà mẹ quê (57) Nữ sinh vào đời (62) Thằng Bé tè (78)…và thi vị hóa với vần thơ trữ tình.

Trường HD là con đường tốt, luyện nam nữ thiếu niên thành người có tài trí và tâm anh dũng. Quá khứ của Hoàng Diệu đã chứng minh Cung Tâm nói đúng. Trong thư ngõ, Hội trưởng Phan Trường Ân mời anh chị em về thăm lại trường xưa…xem lại ai còn ai mất…và mong Việt Nam tiến lên.

Smartphone của Samsung và Apple thống trị cả thế giới… “Sự phát triển mạnh của ba quốc gia Á Châu [Đại Hàn, Singapore, và Nhật Bản] là do sự quyết tâm của người lãnh đạo và của dân tộc,…mà động lực của dân tộc đã được phát huy tối đa…” Thầy Trần Cảnh Xuân giải thích.

Buồn rầu và cô đơn, tôi ngồi trên xe đò Đại Hưng xuống nhận nhiệm sở trường TH Khánh Hưng. Nhưng cứ ba tháng, Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ lại xuống Sóc Trăng. Tôi rất thắc mắc lý do: ông PTT duyệt tình hình lúa gạo và thịt heo. Lúc bấy giờ tôi mới nhận thức sự quan trọng kinh tế của tỉnh Sóc Trăng: xung quanh trường Hoàng Diệu phơi đầy lạp xưởng, như thế người dân nuôi nhiều heo, vì lúa gạo sung túc. Lý Hoàng Minh viết, “Thành phố Sóc Trăng trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, và là đầu mối giao lưu kinh tế…” Văn hóa có học giả Vương Hồng Sển, có nhạc sĩ Thanh Sơn với bài Nỗi Buồn Hoa Phượng; gạo Ba Thắc, bánh hỏi Bãi Xàu, tôm càng Đại Ngãi, rượu Ba Xuyên, bún nước lèo, lẫu mắm, bánh piá…Sóc Trăng có nét đặc biệt của mỗi miền: Ngã Năm có chợ nổi, vườn cò Tân Long; Kế Sách có nhiều cù lao, cồn cát với vườn: cam sành Ba Trinh, mít nghệ An Mỹ, bưởi năm roi Kế Thành, măng cụt An Lạc Tây; đến Mỹ Xuyên để xem nhiều ngôi nhà kiến trúc Pháp, ăn bò nướng ngói và bánh cống Đại Tâm chấm mắm tép Nhu Gia; tới Trần Đề xem hàng trăm ghe đánh cá ra vô cảng; tới Thạnh Trị ăn khô trâu đặc trưng; tới Mỹ Tú xem rừng tràm Mỹ Phước và ăn dưa bồn bồn; Long Phú là nơi nuôi tôm; Cù lao Dung mát rượi với rừng bần, rừng mía, ăn cá bống sao nấu chua bần…

Thời ấu thơ…

Cô bé nữ sinh Bích Ngọc mặc một bộ đồ đầm giữa đám học sinh đồng phục, quần đen áo bà ba trắng…, men đi trên miếng ván ướt mèm, té cái rầm xuống ao…Chưa hết: Cậu Năm hết hồn nói, “Tao bảo mày ở chuồng trâu chờ tao…” Bích Ngọc đáp, “Con sợ mấy con trâu…” Ruộng gì mà buồn quá trời… Bích Ngọc đang sống ở quê ngoại Vũng Thơm, đêm về thì buồn ơi là buồn…Nhưng sau đó, B.N nhớ, “Mái trường Hoàng Diệu ngày đó sao mà thân thương quá…Áo dài đầu năm thì dài lếch thếch; cuối năm thì chó đớp ba ngày không tới…”

Hồ Thại quê bên bờ sông Mỹ Thạnh, sợ bị ‘cáp duồl’, lánh nạn sang Tổng Cáng, rồi Bãi Xàu nhưng chưa có giấy khai sanh. Như thế, Hồ Thại có nhãn hiệu là undocumented alien. Khi rảnh rỗi, HT xem số đăng ký ghe thuyền để biết ghe thuộc tỉnh nào: ghe số 10 đăng ký tại Sóc Trăng, số 15, tại Chợ lớn…H.T học tiếng Tàu ở trường  Bồi Thanh, sau đó thi đậu vào Hoàng Diệu; tuy nhiên, thương cô ruột nên cách hai ngày phải mua một gánh hèm ở công ty rượu Bãi Xàu để cô nuôi heo. Khi học với thầy Tô Quốc, gặp chữ Tàu nhiều nét, HT đã làm câu vè, chiết tự để dễ nhớ. HT học Anh văn với cô Hồng Mộng thì không chiết tự, mà phải tìm etymology (nguồn gốc) và chép nhiều lần để nhớ.

Thời thơ ấu của Mai Nghĩa là thời thần tiên. Mặc quần áo xong, M.N thưa má, con đi học, có nghĩa là má cho con một đồng và 5 cắc…Rất tự tin, MN kêu một đĩa cơm tấm bì bự tổ chảng…và một chén chè đậu trắng nước dừa béo ngọt. Có hôm MN kêu một tô bún nước lèo kèm thêm đùm trứng cá lóc nổi vàng… Học thì chẳng bao nhiêu, nhưng ăn và chơi là chánh nên mới thấy khoái cái thiên đường nhỏ bé này… Ý tưởng này sao mà giống ý nghĩ của tôi quá khi tôi còn nhỏ.

bia truoc

Đại Ngãi, Mương Chuối (Nhà Bè), Lãng Cát (Vũng Tàu)…là những địa danh “đi chui.” Với Phạm Bá Hoa, Đại Ngãi là quê hương ông chào đời. Hoa là huynh của Phan về tuổi. Phạm Bá Hoa là tiền bối của Phan Vũ về quân ngũ. Một người sinh ra miền bắc Thanh Hóa, một người miền nam Sóc Trăng; nhưng cùng học một chương trình Pháp Việt vào thập kỷ 30, từ Enfantin, préparatoire, élémentaire…Là sĩ quan, bộ óc của PBH tựa như cái navigator (GPS):… con đường Đại Ngãi—Sóc Trăng dài 19 cây số trải đá hòa trong lớp nhựa mỏng… Hai bên hông chợ Đại Ngãi là đường lát gạch có Nhà Việc, hàng quán, các tiệm, 2 cây cồng lớn bằng hai người ôm… Đường thẳng nối vào tỉnh lộ; khi cách Nhà Việc (trụ sở xã) 300 thước, từ đây quẹo trái vào Sóc Trăng, quẹo phải sẽ đến đồn cảnh sát, kế đó là ngôi trường sơ cấp…Những trang giấy vẽ lại Đại Ngãi năm xưa về địa thế, đường đi, sông ngòi, thói quen, nếp sống, và vận chuyển của dân cư. Tôi sinh ra không là dân Đại Ngãi nhưng tôi có thể thấy được như tôi đã là dân Đại Ngãi. Trái tim của Phạm Bá Hoa là sự sống sôi sục đầy tình quê hương: Các trường tiểu học vào thập kỷ 30 đều có bộ sách “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” chứa đựng rất nhiều bài ngụ ngôn: Bài tôi nhớ nhất là bài miêu tả một danh tướng Pháp Lazare Nicolas Carnot về thăm trường tiểu học cũ tại quê nhà của ông. Tướng Carnot đứng trong phòng lớp cũ, nhìn chỗ ngồi cũ, và đã tưởng mình là cậu bé 8 tuổi… bỗng dưng Phạm Bá Hoa thấy như mình bé lại khi nhìn vào cái vị trí chiếc bàn và cái băng ngồi ngày xưa… chỗ ngồi rất quen thuộc ngày xưa của [ông]. Sự im lặng và có thể có một chút ngớ ngẫn nào đó của [ông] làm cho cô giáo trẻ ngạc nhiên… Cô giáo trẻ người Pháp cũng ngạc nhiên về nét mặt chìm đắm trong quá khứ của tướng Carnot…

Thời Trung Học…

Khi thi đậu vào lớp 6, nam thanh nữ tú bước qua một kiến trúc của trường Hoàng Diệu, được một nữ cựu học sinh nhân cách hóa. Hình hài của nó biến đổi với thời gian, trở nên đẹp hơn, duyên dáng hơn vì đã nhiều năm đưọc sửa sắc đẹp. Nó có bộ nhớ cả trăm GB (Gigabyte): tháng 9 hằng năm nó ghi lại hình ảnh cả trăm học sinh thơ ngây vào lớp 6 và tháng 5 nó cũng ghi lại cả trăm học sinh tuổi 18, tuổi trưởng thành, rời trường với kiến thức vững chắc để vào đời. Nó cũng có một trái tim và cặp mắt tinh anh, ghi nhận lại nỗi niềm luyến tiếc trường, tình bằng hữu giữa hoc sinh, nỗi nhớ nhung không biết bao giờ có thể gặp lại nhau. Tiếc thay nó không có miệng, cũng không có speaker, và không có lỗ cắm USB… Nó không có tên vì Nguyệt Ánh Ryan quên đặt tên…

“Đừng coi của cải là bạn; hãy coi bạn là của cải,” câu bắt đầu của Ngọc Ánh chứa đựng một tình người sâu thẳm. NA ham vui, cùng bạn bè tụ năm tụ ba cuối tuấn đèo nhau trên xe đạp đi tuốt ra ngã ba An Trạch, vô Vũng Thơm… giữa hàng tre mát rượi… Thưở ấy chúng tôi vô tư hát đồng giao ngoài đường. Rồi NA rời xa tỉnh lỵ Sóc Trăng nhỏ xíu mang theo một trời thương nhớ… và bay đi khỏi Saigon, những giọt mưa dồn dập rơi trên hoa phương đỏ: “Bao giờ mình trở lại? Bạn bè của tôi ở đâu?” Năm 2012 NA cười hồn nhiên thắm thiết vì hồi nhỏ (NA) có bạn từ đầu trên xóm dưới, bây giờ bạn từ Đông sang Tây… NA đang tạo một sân chơi lành mạnh.

Văn hóa Romania có câu, “Cha mẹ là của cải; anh chị em là chỗ dựa; bạn thân là ½ của hai cái trên cộng lại.”… Nguyễn Hồng Phúc nhận xét,…nước trong quá thì không có cá, cố chấp thì không có bạn. Hoàng Diệu là hai tiếng nói thân thương… khép kín ở một góc quý yêu nào đó trong trái tim vì thời học sinh là một thời đáng nhớ nhất. Sống trong đời mà không có bạn thì không khác gì người đi qua miền sa mạc hoang vắng… Cũng như tôi, NHP bị ám ảnh bởi “đôn quân, quân dịch, nhâp ngũ.” May mắn, NHP đi du học; tuy nhiên sau biến cố năm 1975, NHP cảm thấy thiếu thốn trống vắng… nhớ các bạn, nhớ Trịnh, nhớ Hoàng… nhớ những ngày ngây thơ, êm đềm… Khi vào trang web của Hoàng Diệu, NHP tìm lại kỷ niệm thân thương nhất, bộc lộ được những sâu thẳm tâm hồn, như thỏa mãn được nỗi nhớ quê hương da diết, nhớ công ơn thầy cô dạy dỗ, và những… đứng xa xa nhìn lén… một mảnh giấy tỏ tình… nhớ lại hoa khôi cũ như: AX, VT, H, và MC…

Bầy chim Hoàng Diệu vỡ tổ…

Học xong sư phạm là đi nhận việc vì cơm áo và vì học sinh đang đợi…thầy. Đi hai lượt xe, quá giang xuồng ba lá, rồi lại quá giang ghe tam bảng, rồi lại quá giang xuồng… chỉ thấy đồng trống mênh mông, màu xanh của cỏ, của lúa, và của nước… sau cùng thầy Thơ Ký Lục thấy vài nền đất, nền trường… Thầy tạm trú tại một nhà dân, được đãi ăn no uống say, nhưng không có nơi nào kín đáo mà giải thoát… Chủ nhà tinh ý, bảo con trai dẫn thầy lội ruộng tới cái gò, bảo thầy ngồi trên nhánh bình bát to, và vịn cho chắc vào các nhánh bên trên cho khỏi té. Thầy cảm thấy ngứa ở bắp chân… úy trời ơi, đĩa bu đầy… Giải thoát… Một câu chuyện có hậu buồn trong bàn tiệc, giữa tiếng cười thật ồn ào, thoải mái, cười mà nước mắt ngấn ướt chân chim… Ngậm ngùi cho thầy giáo Việt Nam… Khi tôi rời trường Sư Phạm, tôi nhận được 3 tháng học bổng VN$4,500.00 (vàng một lượng $2,800.00)…

Có những chim hoàng oanh bay qua Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp, Bỉ… Số phận được sung sướng hơn. Sau thời gian lận đận, Lâm Thiện Hoa đi thăm miền trển, gặp các bạn Vũng Thơm, Bố Thảo, Kế Sách, Bãi Xàu, Đại Ngãi, Lịch Hội Thượng, Sài Cá Nã, Ông Kho… đang sống tại Mỹ, Canada, Paris…  

Trái lại Nguyễn Đức Hiệp về thăm Sóc Trăng. Chính thức, Sóc trăng trở thành lãnh thổ Việt Nam năm 1757 dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Nay thành phố có khách sạn Ngọc Sương, Phong Lan, trường Hoàng Diệu khang trang, phố xá nhiều tầng lầu, và các chùa Miên, Chùa Bửu Sơn…chùa Dơi… Đầu thế kỷ 19, ông Đặng Thuận sản xuất bánh pía ở Vũng Thơm. Nay con cháu có lò bánh Tân Hưng lớn nhất và ngon nhất… Sóc Trăng có ngày lễ hội Ok Om Bok tạ ơn thần Mặt Trăng…

Với Trần Kiến Võ, Sóc Trăng trầm lặng như hạt phù sa lững lờ, hiền hòa như đồng lúa lăn tăn gợn sóng, giản dị, không sặc sỡ, không kiêu sa, với bản chất tự nhiên hiện hữu của nó. Thiên nhiên và đạo lý ảnh hưởng đến con người: “Của Hia nè! Của chế nè!” Lời nói ngọt lịm, êm tai quá…

Snow Nguyễn sinh ra giữa một “melting pot” gồm ba văn hóa Khmer, Hoa, và Việt. Nhưng diese Frau (thiếu nữ này) thích một hỗn hợp gồm ba văn hoá khác: German, Hòa Lan, và Pháp. Bỉ xuất xứ từ chữ Gallia Belgica, dành được độc lập năm 1830, bành trướng và chiếm nhiều thuộc địa ở Châu Phi. Bỉ giàu có nhờ mỏ kim cương ở Nam Phi và doanh nghiệp kim cương ở Antwerp. Người Bỉ ham mê thể thao, bóng đá và đua xe đãp. Nền giáo dục bắt buộc cho thiếu niên. Lễ hội được tổ chức hằng năm: Carnaval de Binche, Zineke Parade, Marché Mediéval, Le Pâque, Halloween… Đó cũng là dịp nhậu bia mệt nghỉ, mỗi người trung bình 93 lit/năm… Tới Bỉ du khách xem Le Petit Julien, L’ Atomium, Bức tranh tường, Cung Điện Hoàng Gia Bỉ, La Tour Japonnaise, và Le Pavillon Chinois. Công nghệ đường sắt phát triển mạnh. Nhiều bác học đã có những tiến bộ về khoa học ứng dụng và khoa học lý thuyết. Tết đến, nhà nhà họp mặt ăn uống vui chơi… Bỉ là một quốc gia nhỏ nhưng có nền văn hoá rất phong phú. Snow Nguyễn nghĩ là hiểu tường tận nơi mình sinh ra và sinh sống là một điều rất thú vị của mỗi chúng ta.

“Về sông ăn cá, về đồng ăn cua,” sông nước ruộng đồng miền nam đâu đâu cũng đầy tôm cá. Ngày hôm nay, Dương Minh Cảnh nhận thấy những “con kênh ta đào” không dẫn nước sông vào ruộng, lại dẫn nước ruộng ra sông. Cá cua không có nơi để sống và lớn lên. Lúa Sóc Trăng tăng về sản lượng nhưng chất lượng giảm đi nhiều. Ngày xưa thủy hải sản rất nhiều, cua biển to bằng cái to, nay to bằng cái chén, mà giá lại đắt quá. Nói về nuôi tôm sú, vài ba năm đầu nhiều gia đình thành đại gia có bạc tỷ trong tay. Ba năm sau các đại gia đó trắng tay phải bỏ xứ mà đi với nợ kếch sù. Nguyên nhân là vì độ kềm thay đổi, vi khuẩn bịnh dịch, và trình độ kỹ thuật kém… Buồn thay.

Vọng cổ là nhạc đồng quê Nam Bộ: “… đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu…” (Thanh Sơn).
“Rau tập tàng thì ngon,
Con tập tàng thì khôn,
Văn tập tàng thì hay,
Con ơi, lấy phải làm nền,
Lấy nhơn làm gốc mà đền nước non.” (GS Nguyễn văn Sâm)
Đây là một mẫu chuyện ngắn, văn hành đặc thù miền Nam, nói về cái sai cái đúng tùy theo vị trí mình đứng, góc mình nhìn, không biết đâu mà mò. Thầy Sâm hiểu được điều đó để rủ bỏ mặc cảm oằn nặng bấy lâu nay: lòng thầy thảnh thơi phơi phới.

bia sauKết thúc thời “nữ sinh áo trắng” với bằng Tốt Nghiệp Trung Học, Hồng Nhan không ngờ có ngày hội ngộ các cựu học sinh Hoàng Diệu. Sau ¼ thế kỷ Gia Đình Hoàng Diệu tụ họp để chia sẻ vui buồn của một thời có nhiều biến cố bể dâu của dân tộc Việt. Cả nhà kéo nhau lên conference room trên Yahoo Messenger hay Skype: kẻ ở Việt Nam, người ở Hoa Kỳ, kẻ ở Úc Châu, người ở Âu Châu tưng bừng gossip, ông tám bà tám, hồn nhiên vô tư, như bầy chim se sẻ hay sáo sậu trong tàng lá ban mai. Rồi gia đình họp mặt, nói chuyện đời xưa, đời nay, tình cảm lai láng bồi hồi khó tả. Rồi cũng phải chia tay, ai về nhà nấy, lo trọng trách là mẹ là cha. Cuộc đời là sum họp và chia tay; nhưng vẫn giữ liên lạc tình cảm bằng hữu vô hình nồng ấm đầy nhiều sắc thái trên trang mạng ảo Hoàng Diệu. Gia đình Hoàng Diệu nhận thức được tình cảm yêu thương [Hồng Nhan] dành cho Gia Đình Hoàng Diệu bằng chiều rộng và chiều sâu của trang mạng HD.

Tình trong thơ lai láng nồng nàn…

Một văn nhân muốn chọn nghiệp nhà giáo, nhưng Đà Lạt mưa phùn, gió núi làm lá đổ sân trường, nên ruổi dong tìm sinh lộ. Cô Phạm Thị Lê hạ bút thảo đôi vần để chào tri âm và cạn chén trà lộc chớm nụ…

Xa Hoàng Diệu, xa Phú Tâm, xa An Trạch lâu rồi, giai nhân xứ Bỉ gởi vài giòng tri ân những người vui nghiệp giáo, lời yêu thương các đồng môn, và các hậu bối. Trần Thị Bé mong Hoàng Diệu luôn mãi sáng danh.

Lý Thừa Nghiệp về Chín dòng sông phù sa, tại Phú Lộc bồi hồi Ngã Năm, thắp bát nhang cho Mẹ, và chợt nhớ mình như đứa bé thơ, văng vẳng nghe tiếng hát ù ơ ví dầu…

Tăng Châu nhớ Sóc Trăng: con đường làng chính Hai Bà Trưng, cầu Quay hết quay, Hồ Nước Ngọt có lệ liễu bao quanh nhà Thủy Tạ. Người Sóc Trăng mộc mạc, “cá gô gột gạt trong cái gỗ…”

Tăng Châu khẽ gọi Em tôi hay nguời yêu ơi? TC quen nàng, không có kỷ niệm, chỉ nhè nhẹ vương vương, một niềm vui giản dị. Nàng má đỏ hây hây, khoé mắt dịu dàng, nét hồn nhiên, và áo trắng trinh nguyên. Đường đời bao nỗi truân chuyên, hình hài nàng thay đổi: vai gầy, chân nhỏ, và buồn vương mắt biếc. TC muốn chia sẻ niềm đau nhưng chưa có lần được phép. Tinh đau lý tưởng…

Có người nhớ Ngoại ngồi điểm lá trầu xanh giữa trưa hè, nắng lung linh, trong tiếng ríu rít của đôi chim và tiếng ong rù rì hút mật hoa sầu riêng. Thuyền ai buộc ngang chân cầu, một đêm trăng rằm, lục bình tim tím trôi, bìm bịp kêu nước, đôi cò bay song đôi, Song Phương đi lúc biển dâu đổi đời. Khi về, Song Phương chỉ còn nghe văng vẳng câu hát của Ngoại…

Hoàng Thụy Dung thố lộ, vụng về đánh mất nửa vầng trăng, nửa này gầy buồn sầu lẻ bóng, nửa kia vằng vặc chốn xa xăm. Làm sao tìm lại nửa ấy, hỡi trời?

Gió mưa là chuyện của trời, tương tư là bệnh của đời giai nhân… Biển nhớ trăng… trăng nhớ biển, nhưng đôi khi trăng quên tới, tới trễ, hay tới rồi qua mau… Biển là ai? Trăng là ai? Chỉ có Hoàng Thụy Dung biết.

Mưa rơi trên phố vắng,
Mưa rơi trong tim tôi,
Mối thảm sầu tôi đau…

Yêu làm tan nát trái tim em… Mộng đã tan rồi và anh đã rời xa… Hãy quên một giấc mơ hoa… Ái ân đó, chôn vùi trong nỗi nhớ, niềm đau, và cay đắng… Sau một thời gian, Trịnh Ngọc Thủy gan lì với tình yêu: Anh cứ hẹn, nhưng anh đừng đến nhé, để em nghiệm cái thất hẹn, cái trễ của anh, sự chờ đợi, và cái buồn của em…

Em ơi, ra xem hoa hồng,
Hồng hoa và em, ai đẹp hơn ai?
Sau ban mai, hoa hồng sẽ héo,
Hãy yêu đi, tuổi già lẽo đẽo theo sau…

Một mối tình không trọn vẹn: tay trong tay tại Bến Ninh Kiều, tình nồng nàn, nhưng không thật gần. Rồi chia ly, nhưng vẫn giữ kỷ niệm, tuy biết rằng tình sương khói mong manh, mờ nhạt.

Người qua như giòng nước, thoảng như hương dạ lý. Giai nhân mong người ấy mang lại nụ cười để ửng má hồng, nhưng cố nhân phai bóng, nên lệ nhỏ thầm. Đỗ Thị Minh Giang bâng khuâng về duyên tơ

 

Một thi sĩ tâm hồn đầy ắp tình yêu: Thiếp yêu tướng công:
Xưa mỗi lần ngang qua nhà anh…có bướm, sách vở thơm, tóc em dài…
Xưa mỗi trưa ngang qua nhà anh…trời xanh, mây trắng, đôi chim hót se duyên…
Xưa mỗi chiều ngang qua nhà anh…gió im lìm, em bước khẽ
Xưa mỗi tối ngang qua nhà anh…ánh đèn vàng, khúc nhạc buồn…
Tướng công yêu thỉếp, nên mới có Song Phương.

Nhớ thầy cô giáo: Thầy như ông lái đò ngang, học trò như chim bay… không trở lại, bỏ trường, bỏ lớp… nhưng thầy cô đợi mãi nơi đây…
Song Phương nhớ trường cũ, nhớ Quốc Dân ca, trong đám đầu xanh có bóng thầy, nhớ phương trình, Kiều, Thị Lộ, Cung Oán… Nỗi buồn man mác

Tình trước cổng trường vào mùa thi với hoa phượng đỏ: gặp em từ khi em còn rất nhỏ cho đến khi anh và em đều có tóc pha sương, đưa lớp trẻ vào trường thi mùa hoa phương vĩ. Chẳng phải chờ nhau, nhưng sao chiều nay Lý Hoàng Minh bỗng dâng đầy niềm xao xuyến?

Bài thơ Người Phương Nam trình bày một Idol Grandpa. Mong mọi CHS/HD được sống hạnh phúc trong tổ ấm gia đình.

 

Thầy Vũ Ngọc Phan
June 2012

Click vào hình đặc san để xem hình lớn hơn

Last update 06/29/2012

 

 


side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1