banner Các Thế Hệ Thầy Cô
side2

Cuối Năm Lên Phố  

cuoi nam len pho

KHỞI ĐỘNG

Cái tỉnh lỵ Sóc Trăng này đã lên thành phố mấy năm rồi, nhưng người trong phố vẫn chưa có cảm xúc gì khác so trước. Nói chung bộ mặt tỉnh lỵ có thay đổi, sáng và đẹp hơn nhưng đây cũng là chuyện bình thường trong thời buổi thế kỷ 21. Cũng có thể do tâm lý hướng ngoại, nên mỗi khi có dịp lên Sài Gòn là nhóm bạn già 68-75 đều có chút phấn chấn, hồ hởi như là lâu lâu được dịp lên phố thực sự.

Dịp đó tới mỗi độ tháng chạp hàng năm khi Ban Liên lạc cựu học sinh Hoàng Diệu đang sinh sống trên đó nhắn tin lên dự họp mặt chung cho đông vui. Nhóm 68-75 chuẩn bị trước đúng một tháng để có đủ thời gian quí bạn nữ lo được bộ đồ đẹp nhất, thậm chí sửa sắc đẹp, để các bạn sắp xếp công việc chung riêng ổn thỏa và dành dụm chút tiền cho chuyến rong chơi. Dự tính ban đầu sẽ lên Sài Gòn sớm, trước một ngày, thăm Bình Quới biết thêm ẩm thực khá tiếng tăm ở đây. Có bạn cho rằng lâu lâu có dịp lên phố phải tranh thủ đi chơi xa hơn. Bởi vậy bàn từ thăm Sở thú trong trung tâm tới Bình Quới cách trung tâm Sài Gòn chục cây số để kết thúc là đi Bình Châu cách Sài Gòn đúng 150km! Từ Sài Gòn đi Bình Châu mất ít nhất 3 tiếng đồng hồ. Ngoài chuyện từ Sóc Trăng lên, đi Bình Châu, chương trình lại lắm chuyện phải làm gói gọn trong một ngày, là ghé thăm Thầy, nhất là Thầy ít dịp gặp và đúng 6 giờ chiều gặp các bạn cùng thời trên đó, coi như là họp mặt bỏ túi!

Bởi tham chuyện nên phải tốn công. Cả nhóm thức sớm, đúng 2 giờ sáng khởi hành từ Sóc Trăng. Riêng tôi đã lên Sài Gòn từ hai ngày trước, đang nằm mơ màng trong khách sạn, đúng 2 giờ sáng điện thoại reng reng. Hoàng Minh tính là thông báo cho tôi biết các bạn lên xe đủ, đúng giờ! Trời ạ, nhiệt tình của kẻ say khiến tôi phải thức đợi xe và các bạn vì khó ngủ. Chiều hôm trước, Minh đụng trận bia, đến nổi khi xe tới nhà rước còn chưa thức, giật mình làm cái chuyện tréo ngoe như vậy. Dẫu sao tôi êm ấm trong phòng nghỉ còn khỏe hơn các bạn vật vờ trên xe chật cứng. Đến gần 5 giờ sáng tôi điện hỏi thăm, xe đã nữa đường cao tốc Trung Lương. Vậy là khoảng 30 phút nữa xe tới. Tôi xuống quày tiếp tân hỏi cô trực quày coi có phòng trống, nhận trước để các bạn có chỗ rửa mặt, tu bổ dung nhan… trước khi đi Bình Châu. Nhà khách không còn phòng trống. Sáng sớm cũng có khách lác đác trả phòng, tôi nhờ các cô phục vụ dọn phòng sớm nhưng nhà khách cho biết ít ra tới 7 giờ sáng mới có phòng sạch. Vậy là năm rưỡi các bạn tới, 8 bạn nữ dồn lên hai cái giường nhỏ trong phòng tôi, nằm nghỉ và luân phiên sử dụng nhà vệ sinh. Các bạn nam xuống quày tiếp tân xài nhà vệ sinh chung. Cũng may, hơn 6 giờ nhà khách báo đã có một phòng đã làm sạch nên các bạn nam có chỗ tắm rửa. Ăn sáng ngay bên nhà nghỉ cũng tiện, đở mất thời gian. Sau khi người đã sạch, mặt đã sáng và bụng đã yên các bạn lên xe. Nhờ có sẵn chiếc xe trên này tôi đi lại nên chia các bạn ra hai xe, rộng rãi thoải mái lên đường. Việc đầu tiên là xe xuống… hầm Thủ Thiêm cho biết công trình hầm hoành tráng nhất Đông Nam Á. Chỉ hơn một phút đã qua bên kia bờ sông Sài Gòn qua địa phận quận 2, sẽ là trung tâm mới của Sài Gòn sau này. Khu này đã có hệ thống giao thông khá hoàn chỉnh nhưng vẫn còn những cụm rừng lá lợp nhà, bần dĩa… Chỉ mất thêm nữa tiếng để tới phà Cát Lái vượt nhánh sông Đồng Nai để qua địa phận tỉnh Đồng Nai. Phà khỏe lại không kẹt xe nên qua phà khá nhanh. Vài chục phút sau khu đô thị mới Nhơn Trạch hiện ra trước mắt với đường thông lộ thoáng. Bởi đây là khu mới xây hoàn toàn, chưa có nhiều người ở, ít xe chạy. Quốc lộ 51 đi Vũng Tàu cách đó không xa lắm. Hai tiếng sau khi khởi hành xe tới Bà Rịa. Bà Rịa bây giờ khá bắt mắt như là lột xác so với 30 năm trước tôi đã từng lân la ở đây 3 tháng, chính thức là trong quân trường Vạn Kiếp cách Bà Rịa không xa. Theo các bảng hướng dẫn dọc đường, xe tới Bình Châu rất… đúng giờ. Các bạn nữ rất vui vẻ, thậm chí là… hồn nhiên xúm xít lo chuyện tạo dáng, chụp hình. Khu du lịch Bình Châu là nơi nổi tiếng với những cảnh quan sinh thái tuyệt đẹp. Giữa ngút ngàn rừng nguyên sinh nổi lên một bầu nước nóng với 70 điểm phun lộ thiên hình thành một hệ thống sông suối từ 37oC đến 82oC toả nhiệt quanh năm. Trong nguồn nước này chứa nhiều chất như silic, nitơ, lưu huỳnh, natri, clo… có tác dụng chữa bệnh ngoài da cũng như tăng cường sức khỏe. Từ đó tạo nên dịch vụ tắm nước nóng, tắm bùn nóng, ngâm chân nước nóng, massage bấm huyệt, luộc trứng trong các bồn nước nóng dẫn từ các mạch nước nóng lộ thiên. Trong khuôn viên cũng có khá nhiều nhà nghỉ qua đêm. Cả nhóm vô ngâm chân nước nóng. Trí Hiền được mấy cháu gần đó rủ rê qua massage chân tại chỗ. Ngâm chân riết cũng chán, qua mua hai chục trứng đựng trong hai giỏ luộc trong bồn nước nóng. Chủ nhà hướng dẫn luộc 15 phút. Mới có 5 phút đứng phơi nắng luộc trứng là các bạn … chán, đem trứng vô chòi, đập ra, trứng còn sống. Vậy là tôi phải xung phong đi luộc trứng. Đã quá trưa, lấy bọc đựng số trứng đó mang luôn vô nhà hàng. Buổi cơm thật ngon miệng, trứng cũng vừa chín tới nên không còn trứng dư. Chỉ có hai chục trứng cho 14 người mà Hoàng Minh đã làm chủ ba quả, nên sau đó tướng đi có nghiêng nghiêng một chút. Chuôn nhận xét như vậy. Còn tôi chỉ có một quả trứng, tôi phải qua bạn nữ ké thêm một cục mè láu tròn tròn cho nó… cân xứng.

Cười riết, coi lại đồng hồ, phải về ngay kẻo trễ các cuộc hẹn khác. Xe không quên ghé thiền viện Thường Chiếu trên đường để các bạn mua đồ chay về… ăn Tết. Xe tới Sài Gòn là gần 5 giờ. Tôi phải tới thăm Thầy Lê Vĩnh Tráng như đã hẹn. Nhà Thầy bên quận 8, số nhà có hai cái suyệc. Nếu nói như từ ngoài Bắc là qua ngõ tới ngách. Còn từ trong Nam là qua hẻm tới… hốc. Do biết các trò sẽ khó tìm nhà, Thầy Tráng đã điện thoại hướng dẫn cách đến nhà Thầy bằng đường ngắn nhất. Biết xe không thể vào hẻm, Thầy đã đi bộ ra đầu hẻm đón trò. Thăm Thầy chỉ có tôi và Hoàng Minh vì các bạn khác đã quá mệt do không quen đi xe trong thời gian quá dài, do thức đêm… Thầy và Cô trông còn khỏe và rất vui vẻ tiếp đón trò. Thật ra sức khỏe Thầy không còn tốt. Năm trước Thầy không tới buổi họp mặt, năm trước nữa Thầy tới họp mặt với chân phụ! Đó là tình huống tôi chọn Thầy để tới thăm. Khớp gối Thầy tuy có bớt nhưng vẫn còn đau âm ỉ, đi lại có khó khăn. Sau 75 Thầy mất nhiều sức khỏe và thời gian trong trại cải tạo vì gốc SQ biệt phái. Cuộc sống nhà Thầy gặp rất nhiều khó khăn, nhất là lúc Thầy trong trại. Nhưng với nghị lực phi thường của người phụ nữ Việt Nam, Cô đã vượt qua biết bao gian khó cuộc đời, tảo tần với bất kỳ công việc, đã chăm lo Thầy và bốn con trai nay đều đã trưởng thành. Trương, Triển và Triết cùng sinh sống ở Sài Gòn. Còn Trung Tĩnh đang bên Pháp. Thăm Thầy không được bao nhiêu thời gian vì Cô Thầy sắp đi đám cưới và trò thì lúng túng với thời gian hẹn bạn. Cuộc chia tay trong niềm vui ấm lòng tình nghĩa Thầy trò. Cuộc chia tay để lại trong tâm trí tôi một ấn tượng sâu sắc về tình cảm nồng ấm của Thầy Cô với nhau, một gia đình hạnh phúc thật sự. Cũng nói thêm, lịch trình đáng lẻ còn thăm các Thầy khác nữa, nhưng không còn thời gian. Tôi đã dự tính tình huống này, nên hôm qua, tranh thủ thời gian rãnh giữa hai cuộc họp tôi đã nhanh chân đi thăm Thầy Phan Quang An và Thầy Dũng dạy toán. Tôi họp tận quận 2 xong lúc 12 giờ rưỡi, lên xe chạy qua Thủ Đức qua ngõ cầu Bình Triệu. Nhà Thầy An cũng trong hẻm. Buổi trưa Thầy ở nhà một mình. Thầy đi lại còn khó khăn hơn Thầy Tráng. Thầy nói do thần kinh có vấn đề chớ không do đau khớp gối. Thầy rất siêng nghiên cứu, học tập. Khi làm hiệu trưởng trướng Trung học Lê Lợi Sóc Trăng, Thầy đã làm thay đổi một trường học đầy tai tiếng như học sinh cá biệt quá nhiều, chất lượng dạy và học thấp, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông thấp. Thầy đã thành lập nhiều câu lạc bộ cho giáo viên lẫn học sinh có môi trường và cơ hội gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, cơ hội học hỏi. Thầy đã có ý tưởng và xây dựng phong trào thi đua học tập qua chương trình đường lên đỉnh Olimpia riêng của trường, sau đó lan rộng thành chuyện vui học chung các trường trung học trong toàn tỉnh. Cái thành quả đáng quí nhất là học sinh cá biệt giảm mạnh, là tỉ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học tăng vọt, thậm chí cao hơn tỉ lệ bên trường Hoàng Diệu. Thầy xứng đáng được một sự tri ân, một sự khen thưởng. Rất tiếc, sự cứng nhắc trong hệ thống khen thưởng đã quên mất công lao to lớn ba mươi mấy năm tâm huyết với học trò của Thầy. Thầy còn tự học và tự dịch những bài viết tự sự cuộc đời qua tiếng Anh, đã xuất bản, nay là quà quí Thầy tặng lủ học trò như là gởi gắm, động viên tới các trò nghị lực cuộc sống, tinh thần hiếu học. Rời nhà Thầy trong lưu luyến, lên xe là tôi hối tài xe chạy qua Nhà Bè, cách nhà Thầy An khoảng 30 km để thăm Thầy Phạm Xuân Dũng. Thầy Dũng sinh sống trên Sài Gòn nhưng chưa hề tham dự buổi họp mặt nào trên đây và tôi chưa gặp lại Thầy gần chục năm nay. Con đường Huỳnh Tấn Phát dễ tìm nhưng địa chỉ lại khó nhận ra do đường rất dài, địa chỉ lẫn lộn, chắc do trước đây là các con đường ngắn nay hợp thành con đường dài lấy tên chung nhưng chưa sắp lại địa chỉ nhà. Khó khăn nào cũng vượt qua mà, tôi cần tới sự giúp đỡ của Thầy. Thầy chỉ dẫn là phải đi nhờ con hẻm khác, sau đó đi bộ tắt qua một ngã rẽ sẽ tới nhà Thầy vì hẻm nhà Thầy nhỏ, cũng qua hai cái suyệc! Tôi tìm ra hẻm nhưng không biết con đường tắt tới nhà Thầy, số điện thoại nhà Thầy lại bị kẹt. Sau khi quan sát mấy đường ngách, tôi chọn ngách sâu nhất như có vẻ sẽ thông với ngõ khác. Tới cuối ngách hiện ra ngõ khác, khá hẹp. Bất ngờ là địa chỉ ngõ đã đúng với nhà của Thầy. Tôi mạnh chân vào hỏi thăm một nhà cửa mở đang có người bên trong. Họ chỉ nhà Thầy là nhà kế bên. Nhà kế bên không có ghi địa chỉ nhà, Tôi gõ vào rào, Thầy Dũng xuất hiện. Thầy vẫn không khác xưa bao nhiêu. Vẫn sôi nổi như giờ lên lớp. Cô đang bên Mỹ theo dạng hợp tác lao động, còn Thầy chăm lo người em trai chưa có gia đình, không may bị tai biến mạch máu, liệt giường đã sáu năm qua. Nhà Thầy nhỏ, rất sâu và xa trung tâm. Thầy nói nhà giáo đâu có nhiều tiền mà có chỗ ở tốt hơn. Thầy không thể đi đâu xa vì phải chăm sóc người em. Tình anh em của Thầy thật là đáng khâm phục. Hai con trai Thầy đã đi làm việc trong lĩnh vực xây dựng. Cũng may mắn là Thầy cho biết sức khỏe Thầy còn rất tốt, chưa hề bị cao huyết áp. Tôi hỏi, Thầy coi lại, Thầy dập điện thoại không sát, bị kê nên tôi không thể gọi cho Thầy. Nhưng tôi đã tìm ra Thầy, là may cho tôi, và từ cái may mắn, sự gặp gỡ này, Thầy hứa sáng mai sẽ tới nơi họp mặt gặp đồng nghiệp và thăm lại tụi học trò xưa. Tôi vội chia tay Thầy vì đã gần 3 giờ, đã quá giờ họp buổi chiều của tôi. Tôi lên tới tầng ba khách sạn Sheraton là còn cái ghế hàng chót. Trên bục người ta đã khai mạc Lễ họp nữa tiếng rồi. Cũng nhờ đã dự tính đó, hôm nay chỉ kịp thăm Thầy Tráng nhưng trong thâm tâm Hoàng Minh và tôi cũng cảm thấy bớt một phần ái ngại vì đã hẹn nhưng số đông các bạn đã không đến nhà các Thầy vì thiếu thời gian và mệt mõi như đã nói.

Xe đưa tôi và Hoàng Minh tới nơi nghỉ đã gần 6 giờ, giờ hẹn bạn. Vậy là kéo nhau qua quán cơm bình dân kế bên dằn bụng. Dằn bụng nhanh, xong ra quán cà phê đầu đường ngồi coi xe chạy, uống cà phê, đợi bạn. Cái chỗ ngồi này năm ngoái cũng từng đón nhà nứng Sâm tới chung vui các bạn, nay vẫn như cũ, chỉ có người là thay đổi. Trần Đông Hải tới trước tiên, tiếp theo là Lý Kiến Ngọc và Viết Bình. Nguyễn Thành Vạng tới cùng anh Phúc (67-74). Anh Phúc mới về từ Pháp. Rồi bất ngờ có anh Thiên (66-73) tới chung vui. Rồi tới Triệu Ngọc Thành. Hai tiếng sau Trần Minh Đức xuất hiện. Tay bắt mặt mừng, hỏi thăm sôi nổi, nhắc chuyện xưa để bật tiếng khà khà! Xong cà phê, tôi tìm quán bia. Tiếc là gần đó một quán kẹt đám cưới, một quán đã đóng cửa. Vậy là kêu bia tại chỗ. Bia tại chỗ đắt giá gấp rưỡi các quán kia, chắc do tiền chỗ ngồi. Nhưng thực tế là lựa chọn tốt nhất, bởi đi quán xa hơn sẽ mất nhiều thời gian và chưa chắc có không gian riêng để trò chuyện như đang có. Quán không có phục vụ thức ăn buổi tới ngoài khoai tây chiên, Viết Bình nhanh chân thăm cô chủ xe bánh mì gần đó, lát sau mang về một túi đủ loại chả, rất bắt mắt. Quán cho mượn dĩa và nĩa. Bia được bày lên. Các bạn nữ tha hồ phá mồi nhưng cũng không quên lấy le cụng chai, cụng ly với cánh nam. Do ham vui chung, lịch trình lên phố buổi tối các bạn nữ thay đổi, không còn thả bộ vô trung tâm sài Gòn coi đèn đêm mà ở lại góp mặt chung vui, nhưng ít góp tiếng, chắc có bạn lạ, hơi ngượng ngùng như thuở còn đi học! Nhưng thật ra chắc miệng kẹt mồi kéo dài!

Đường Sài Gòn đầy đèn ngọn xanh ngọn đỏ, nhìn riết thấy chóng mặt. Dù cuộc gặp gỡ tạo niềm vui quên đi không gian, nhưng gần hai mươi tiếng thức đã kéo các bạn, nhất là bạn nữ về với thực tế, đang rất cần cái chỗ ngã lưng sớm phục hồi sức khỏe cho buổi gặp mặt sáng hôm sau. Các bạn lần lượt chia tay. Tôi lên phòng, coi lại, đúng 10 giờ đêm. Quả là một ngày tuy có chút mệt nhưng rất thú vị, khó quên. Một ngày cuối năm lên phố đáng nhớ.

CHUNG VUI

Cả nhóm thức sớm. Hoàng Minh đã hẹn với Thầy An, sẽ tới đón Thầy về nhà nghỉ cùng ăn sáng trước khi đi dự họp mặt. Bởi xe chỉ 9 chỗ nên chỉ 7 bạn đi rước Thầy. Tôi ngồi quán cà phê bên đường đợi xe về. Thầy xuất hiện, đẹp hơn hôm trước tôi đã gặp. Chắc do Thầy vui hơn nên trở nên trẻ hơn, hoặc do Thầy đang ăn mặc chỉnh tề nên có khác chút trước đó. Do còn sớm, sau khi ăn sáng xong Thầy lên phòng nghỉ của Hoàng Minh tiếp tục chuyện tình nghĩa Thầy trò. Còn tôi tận dụng nữa tiếng rãnh chạy đi thăm con gái lớn đang làm việc trên này. Tôi đã ở trên này 3 đêm, nhưng lịch công chuyện tôi dài quá, tôi chưa kịp lo chuyện nhà. Nghe con tâm tình có chút xíu là tôi phải quay lại khách sạn, cùng các bạn tới nơi họp mặt. Nơi diễn ra buổi họp mặt là không gian mở kề liền quá cà phê sân vườn nên rất thuận lợi cho việc gặp gỡ, chuyện trò. Tuy mới 9 giờ nhưng có khá nhiều Thầy Cô đã tới trước đó. Rất nhiều Thầy Cô cũ, nhưng có một số lớn tuổi tôi không nhớ tên. Trên này và một số tỉnh lân cận có Thầy Vịnh, Thầy Tráng, Thầy Thiên, Thầy Tháo, Thầy Nhiều, Thầy Dũng, Thầy Thạnh, Thầy An, Thầy Nhiếp, Thầy Phái, Thầy Tâm, Thầy Hiến…. Dưới Sóc Trăng lên có Thầy Hưởng, Thầy Lân, Thầy Chấn, Cô Huê, Cô Nữ, Cô Kim Anh. Có cả hai Thầy dạy trường Trần Văn nữa. Thậm chí Thầy Thạnh đang dạy tiếng Anh trường Hoàng Diệu cũng lên chung vui cho biết. Ngoài ra còn có ông Hoàng Dũng, cháu nhiều đời Tổng đốc Hoàng Diệu, trước sinh sống ở Long Phú nay lên cư ngụ trên Sài Gòn. Công Lý, hiệu phó đương nhiệm Trường Hoàng Diệu, cũng là cựu học sinh hoàng Diệu cũng có mặt. Tôi cũng mạn phép nói lời xin lỗi những Cô Thầy đã tham dự nhưng tôi sai sót nêu thiếu tên ở đây.

Quán cà phê hết sức rộng nhưng bỗng trở nên chật chội với số người tham dự buổi họp mặt. Các trò gặp nhau theo từng nhóm lớp hoặc khóa học. Khóa 68-75 chiếm đa số. Các Cô Thầy ngồi chung một nhóm. Khi nhóm Cô Thầy quá động, nở thêm một nhóm mới ngồi chung phía bên ngoài nơi diễn ra buổi họp mặt. Ban Liên lạc phải tất bật lui tới chào đón các Cô Thầy tới dự, cũng như lo chỗ ngồi các Cô Thầy sao cho phù hợp để các Cô Thầy có dịp gặp gỡ vui vẻ nhất. Thỉnh thoảng các Cô Thầy phải ngừng chuyện trò để các trò tới chào thăm hỏi. Thầy Vịnh tới, là bậc trưởng thượng, Thầy được sự hỏi han, chào hỏi nhiều nhất từ đồng nghiệp và học trò. Đặc biệt nhất chắc là Thầy Tráng. Thầy xuất hiện có nét rất trẻ trung với con trai thứ đi kèm. Hai cha con song hành giống như hai anh em hơn là cha con. Thạch Phan về từ Dallas lỉnh kỉnh với máy quay phim, chụp hình. Hơn tiếng đồng hồ hết sức chan hòa tình xưa nghĩa cũ, hết sức ấm lòng với tình cảm khó phai nhòa, tất cả cùng nhau vào khu họp mặt chung. Cũng như năm trước, năm nay dù chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng cũng phải bắt thêm bàn vì số bạn đồng môn tới đông hơn dự tính. Ngoài bàn riêng các Cô Thầy, cũng có Cô Thầy tới ngồi chung các trò. Tôi ngồi bàn cuối, có thể quan sát rộng. Liên hoan diễn ra khá ồn ào bởi tiếng chào mời… bia. Thầy Tâm bỗng tới bàn tôi cụng ly. Cụng xong Thầy nói:

- Tao mới đứng dậy, đã mất chỗ ngồi!

- Vậy là Thầy ngồi chỗ em nè. Tôi đáp lời.

- Thôi tao đi, uống được nhiều hơn! Cũng nói thêm thầy Tâm tuy tuổi cao nhưng sức còn tốt lắm, uống bia rượu khá mạnh. Thầy chỉ xưng tao với học trò quá thân quen.

Hoàng Minh ngồi kế bên tôi cứ nhấp nhỏm. Tôi hỏi:

- Mày làm gì mà nhấp nhỏm hoài vậy?

- Tao tính đi cụng ly, lại sợ mất chỗ ngồi!

Quả là ngày có những chuyện không thể nhịn cười nổi. Nói vậy chớ chỉ những bạn cùng bàn mời nhau là không có chỗ đủ chứa bia rồi, cần chi đi giao lưu. Tôi đang no bia thì Ban Liên lạc nêu tên tôi lên tiếp việc gởi quà tới Cô Thầy. Có lý do vắng mặt, tôi nhẹ thở vài phút. Trở lại bàn thì Tùng ông ngoại đang nhào ngay vô bàn tôi vì có bạn cũ thời chung IBM và đại học là Trần Đông Hải. Tùng hỏi tôi biết Kiệt lùn có về không. Tôi nói cho qua chuyện là Kiệt lùn nhắn các bạn ráng rèn luyện rượu bia để Kiệt lùn về mà thi đấu. Thành Khánh (66-73) tôi từng quen cũng tới cụng ly. Trên sân khấu tới phần văn nghệ, một cô cao giò lên cầm micro hát. Bên trái tôi, Thành Khánh nói liền với tôi Em gái tao đó. Bên phải tôi Tùng ông ngoại nói Vợ tao đó. Còn tôi nói với hai người là Má vợ của thằng trong hãng tôi đó. Một chị lạ bỗng tới gặp tôi, nói là về từ New York. Thành Khánh chen vô Chị tao đó. Chị Cúc nói đã từng đọc các bài tôi viết, chị khen bài Hương Xưa sao thấy hay quá. Trông chị cũng cao ráo, chắc hồi trẻ chị cũng đẹp gái lắm. Và chắc chị tìm thấy trong Hương Xưa một chút nào đó tình huống giống như thời trẻ trung của mình! Tôi ghi lại cái hình chị để các bạn cựu học sinh Hoàng Diệu vùng New York biết mà làm quen. Hỏi thêm nữa, ông xã chị, còn đẹp trai lắm đang ngồi chung bàn với tôi.

Tám bạn nữ từ Sóc Trăng lên ngồi chung bàn trong góc nên tôi không thể qua đó ghi hình vì kẹt đường, tôi không biết bên đó có chuyện gì vui mà kể ở đây. Chỉ biết bàn đó có Kim Dung nổi tiếng may mắn. Hai lần họp mặt nhóm 68-75 Kim Dung đều may mắn nhận số ngồi có quà tặng. Nay, Dung vừa trúng giải đặc biệt. Giải này không thể khác hơn, không thể ưu ái riêng ai, vì người chọn lá số may mắn là anh Thái Văn Hợp, vua cờ mù Sóc Trăng! Hôm nay thức ăn tuy đơn giản mà ngon, lại khá nhiều. Không biết bàn nữ ít tiếng ồn do Tú tiểu muội không có ai dẫn dây để nổ, hay do cả bàn bên đó lại kẹt mồi. Không riêng bàn tôi sôi nổi… bia. Bàn kế bên, nhóm 64-71 cũng hết sức mạnh mẽ trong tiếng vô vô cũng như số chia bia hết nước bỏ lăn lóc. Như là niềm vui khiến người ta quên đi hiện tại, quên đi bệnh tật, quên đi nổi buồn, quên đi thời gian, chỉ còn cái không gian đầy tình thân thiết của tự thuở nào.

Thầy Dũng lần đầu tham dự, mang theo máy quay phim coi khá ấn tượng. Ngoài ra còn máy ghi hình của Ban liên lạc, của Thạch Phan. Các thành viên trong Ban liên lạc từ anh Danh, anh Đoàn, anh Thiên, anh Tuấn, chị Yến đều đứng suốt buổi tiệc. Tình cảm các anh chị này dành cho Cô Thầy bạn cũ cao quý quá. Năm ngoái, anh Danh rủ tôi ở lại ăn cơm với ảnh sau khi mọi người ra về, vì ảnh học chung với anh tôi, nhưng tôi không thể vì còn nhóm bạn đi cùng. Bây giờ Thành Khánh cũng nói Mày ở lại, lát làm tăng hai với tụi tao, ngay tại đây như là ra lệnh. Tôi cười trừ, đầu gật gật… cho có. Bởi tôi biết, tôi không thể dung nạp thêm bia rượu cho cơ thể ngay càng xuống cấp của mình. Chị Hoàng Yến hôm nay như là tươi tắn hơn, trẻ hơn. Chị tới bàn tôi cụng ly tới mấy lần, còn hun Hoàng Minh một cái và gởi tặng tôi chai rượu được người thân đưa về từ Úc. Nguyên chị Yến có em là chị Cúc cùng chồng bên Úc về Sóc Trăng chơi cùng chuyến với Tuấn sữa, bạn học tôi. Do bên Sydney hai nhà gần nhau, thân quen nhau. Chị Cúc lại học chung anh tôi, chủ vườn me. Vậy là ngoài chuyện mời chị và anh Hiệp bữa cơm ở Sóc Trăng cùng vợ chồng Tuấn, tôi còn đưa anh chị qua vườn me qua lời mời của anh tôi. Nay chị Cúc đáp lễ chai rượu. Thật tình tôi ngại chuyện này lắm. Tôi chỉ muốn tạo thêm niềm vui tới các bạn trong khả năng và không muốn hồi đáp bất cứ gì. Thầy Tâm ra về, ngang tôi, tôi chào Thầy và nhờ Thầy còn sức khi Tết mở chai rượu và nói với mọi người rượu này từ học trò cũ tận Úc Châu gởi về (không nói là gởi tặng). Chị Cúc có đọc tới đây cũng thông cảm cho tôi, tôi đã nhận hết những tình cảm chị chuyển về, nhưng phần vật chất tôi đã làm tăng thêm một niềm vui chung cho nhiều người, chắc chị sẽ nhận một phần nào đó nếu có bị nhảy mũi khi Tết tới.

Tiệc không chịu tàn vì niềm vui như còn đang tỏa lan. Các Thầy rời bàn tiệc, không về thẳng, ra cà phê sân vườn tiếp tục hàn huyên. Cả năm mới có lần gặp gỡ, thật hiếm hoi, nên không ai ngạc nhiên. Còn tôi và các bạn lại ra thẳng nơi xe đỗ. Tôi đã nói lái xe đi mua nhiều dĩa hát karaoke để các bạn có thể tiếp tục tiếng cười qua tiếng hát ngay trên xe tới tận nhà.

DƯ ÂM

Lên xe khá lâu mà xe chưa nổ máy. Nguyên lái xe đi mua đĩa, mua cả chồng, xong rãnh rỗi, hát thử, hát to tiếng quá nên đứt mất cái cầu chì. Mà cầu chì ở bên trong máy mới kẹt chớ. Lái xe cứ sửa mò, cắm cái này rút cái kia cầu âu, khiến cửa kiếng bị liệt luôn không hạ xuống được. Huệ Dung từ xe bên kia, bỏ bầy bỏ bạn qua bên này để mong trổ giọng mùi của tuổi con khỉ. Đợi hoài, ngại các bạn còn lại ra gặp, kéo tôi vô tiếp tục bàn bia là… tới khuya tới nhà, nên tôi nói lái xe lên đường, quên đi vụ hót hò trên xe.

Trời không nóng lắm, gió không mạnh lắm khiến không gian như dễ chịu hơn để các bạn thêm phần thong thả thư giản đôi chút. Hết lộ cao tốc xe ngừng mua cà phê để mọi người tỉnh táo nổ. Xe ít người so mọi khi như làm cho hụt hẩng, ít nói, Tú lép tới tận Sóc Trăng. Ghé Cần Thơ thưởng thức phở bò khá ngon. Trí Hiền không dám ăn thịt động vật lớn như bò trâu, chỉ ăn thịt cỡ con heo trở xuống, còn nhỏ nhỏ như hột vịt lộn thì có thể bỏ bụng một tá không ngọn! Bởi vậy, Trí Hiền phải qua bên kia đường ăn hủ tiếu heo. Nghỉ cho suy nghỉ người ta cũng lạ hé.

Chia tay ở Sóc Trăng khi trời đã sẩm tối. Hẹn đúng chủ nhật tuần sau là ngày giỗ Trần Khả Trung. Sáng hôm sau tôi điện thăm Thầy An. Tôi cảm nhận như giọng Thầy trên điện thoại mạnh khỏe hơn, vui hơn. Hy vọng đó là cảm nhận đúng như là lời kính chúc tới Cô Thầy luôn dồi dào sức khỏe, để định kỳ Cô Thầy cùng lụ học trò lại cùng hội ngộ chung một niềm vui. Cuối năm lên phố kết thúc ở đây nhưng tôi vẫn còn luyến tiếc cái gì đó, man mác trong lòng. Tôi tự hỏi mình điều gì ấn tượng còn lắng đọng nhất trong lần lên phố này. Chắc chắn có nhiều chuyện, nhiều điều đáng nhớ. Nhưng những cái suyệc địa chỉ nhà Thầy làm tôi nhớ lại thuở thiếu thời tôi. Tôi đã trãi qua tuổi niên thiếu trong ngôi nhà nhỏ hai suyệc. Ai không muốn nhà mặt tiền để thụ hưởng nhiều khí trời, nhìn xã hội rộng tầm mắt hơn. Nghề giáo là nghề cao quí nhất trong xã hội, không ai bác bỏ được. Nhưng phân phối của cải xã hội lại không công bằng, không thỏa đáng. Thu nhập nhà giáo thấp. Cuộc sống nhà giáo gắn liền với thanh bạch, trung thực. Xã hội này ai trung thực thì thua thiệt! Ba Thầy tôi đã đến thăm một cách tình cờ có địa chỉ nhà có suyệc nói lên tình cảnh tài chánh, cuộc sống của các Thầy. Mà thật ra là nhà của các con Thầy tạo dựng lên phần nhiều. Tôi nhớ lại Thầy Nhiều là Thầy thứ tư tôi dự tính thăm nhưng chưa tới được, bởi nhà Thầy ở gần khu trung tâm hơn, sẽ thăm sau. Nhà Thầy có từ trước 75, coi lại địa chỉ nhà Thầy cũng có tới hai cái suyệc. Ôi cái suyệc địa chỉ nhà các Thầy! Tuy là con số đơn giản nhưng là con số biết nói.


Hồ Quốc Lực 68-75
Tháng 1, 2012

 


side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1
side1