Đối với các cuộc hội ngộ cựu học sinh trung học tại Hoa Kỳ hoặc ở nhiều nước công nghiệp trên thế giới thì rất khác so với cuộc hội ngộ của cựu học sinh Trung Học Hoàng Diệu vừa qua của chúng tôi, một nhóm cựu học sinh Hoàng Diệu của những năm 1960-1964. Sau đây tôi sẽ tường thuật lại cuộc hội ngộ hy hữu nầy để chia sẻ niềm vui với các bạn đồng môn.
Tôi rời trường trung học Hoàng Diệu vào đầu mùa Hè năm 1964 cho một công việc xa nhà với quân lực Hoa Kỳ tại Sài Gòn, Long Bình, và Kiến Phong. Sau đó, tôi đến Hoa Kỳ vào năm 1970. Trong những năm này, tôi không có bất kỳ mối liên lạc nào với các bạn học cũ của tôi. Khi ra đi, tôi chắc chắn rằng tôi sẽ không bao giờ có cơ hội gặp lại bất kỳ người bạn nào một lần nữa. Tôi cũng không mang theo bất kỳ hình ảnh hoặc địa chỉ nhà của họ. Tôi không cảm thấy buồn, vì tôi đã có kế hoạch cho chuyến đi nầy trên một năm trước. Ngồi trên chiếc phi cơ Pam Am, tôi nhìn thẳng về phía trước và thầm nói câu "Vĩnh Biệt" cho thân nhân, bạn bè, và nước Việt Nam. Tâm hồn tôi nhẹ bổng khi chiếc máy bay khổng lồ rời phi đạo Tân Sơn Nhứt và cất cánh lên bầu trời trong xanh vào ngày mồng một Tết tại Việt Nam.
Ở Mỹ, tôi không sống trong sự nuối tiếc như những người xa xứ khác, mà tôi luôn luôn hướng về phía trước và làm việc chăm chỉ để xây dựng một cuộc sống mới theo ý muốn. Vì tôi biết sự nuối tiếc cho quá khứ sẽ làm tốn thời gian và giảm đi ý chí phấn đấu để vươn lên của mình. Tôi phải dứt khoát với quá khứ khi đi trên con đường mới. Tôi học hỏi lối sinh họat của xã hội Hoa Kỳ. Tích cực sát cánh với cộng đồng, với bạn bè và với gia đình mới của tôi. Thỉnh thoảng tôi có nghĩ về bạn bè cũ của tôi ở Việt Nam nhưng chỉ giữ chúng như những kỷ niệm đẹp mà thôi. Và tất nhiên, tôi không bao giờ dám mơ ước một ngày đoàn tụ với bạn bè thân thương thời thơ ấu của tôi. 48 năm trôi qua rất nhanh kể từ khi chúng tôi nói lời tạm biệt trong mùa hè năm 1964. Một thời gian dài đã lặng lẽ đi qua với lòng kiên trì và chí phấn đấu để vượt qua mọi khó khăn trên đất Mỹ. Nhưng sự khó khăn trong đời sống của tôi thì không thể so sánh được với cuộc sống của các bạn học ngày xưa vì họ bị xoay vòng trong những cơn lốc kinh hoàng khi chiến tranh chấm dứt.
Trong 20 năm qua, vì nghề nghiệp bắt buộc, tôi phải sử dụng điện thoại và máy computer hàng ngày. Cho nên khi nào có thời gian rảnh, tôi lên Internet để tìm tin tức hoặc xem video nhạc Việt. Nhưng tôi không ngờ là những trò tiêu khiển nhỏ nầy đã mang lại cho tôi một hạnh phúc to lớn.
Ngày 7 tháng 7 năm 2011 là ngày may mắn của tôi. Trong khi tìm kiếm các video clip nhạc Việt Nam, tôi thấy một nhóm người Việt đang thực hiện một điệu nhảy Campuchia với bài hát Việt. Ký ức của tôi sống lại. Thị trấn tôi sinh sống ngày xưa gọi là Sóc Trăng. Nó có nghĩa là nơi lưu trữ lúa, trong ngôn ngữ Campuchia. Chỉ có người Việt Nam trong lĩnh vực nầy mới biết thực hiện điệu nhảy Campuchia với âm nhạc Việt Nam. Ngay lập tức, tôi gửi một tin ngắn qua địa chỉ email phía dưới của video clip.
Ngay sau đó, tôi nhận được một email trả lời của một phụ nữ Việt Nam, cô HN, người phụ trách truyền thông cho trang web của cựu học sinh trung học Hoàng Diệu Nam California http://www.chshoangdieu.us, HN thông báo với tôi rằng các thành viên của nhóm nhảy múa bài hát với điệu múa Lâm-Thon nầy đến từ Sóc Trăng trong lần họp mặt cựu học sinh Hoàng Diệu vào tháng 5 năm 2010 vừa qua (xin mời xem video clip ở đây http://www.youtube.com/user/Hongnhan5#p/a/u/2/xwKCjqYTJ4k). Những người này hiện đang sống ở Mỹ. Tôi rất vui mừng và thông báo cho HN biết là tôi đã từng sống ở thị trấn này và tôi cũng là một cựu học sinh của trường trung học Hoàng Diệu.
Vào thời điểm đó, trường Hoàng Diệu được tiếng là tốt nhất trong khu vực Sóc Trăng. Đáng ngạc nhiên hơn, khi HN nói với tôi rằng cô ấy cũng là một cựu học sinh của trường trung học Hoàng Diệu, nhưng cô vào trường vài năm sau tôi. Cô hiện là trưởng ban liên lạc và có thể kết nối tôi với các bạn cùng lớp cũ đang sống ở Mỹ, ở Việt Nam, và ở các nước khác, nếu có tên trong danh sách. HN yêu cầu tôi cung cấp tên họ của tôi, khi tôi còn là học sinh, và tên họ của bạn cùng lớp, hoặc các cô thầy ngày xưa, nếu tôi vẫn còn nhớ. Tôi gởi qua email một danh sách ngắn cho cô HN.
Trong vòng 48 giờ đồng hồ, 4 người bạn cùng lớp ngày xưa của tôi gọi điện thoại cho tôi từ các vùng khác nhau trên nước Mỹ. Người gọi đầu tiên là VT, đang sống tại tiểu bang Oregon. Cú gọi thứ 2 là của LNH, đang sống tại Santa Ana, California. Và sau đó các cuộc gọi từ North Carolina, Maryland, Philadelphia v..v… Tôi tìm được vị giáo sư dạy Anh Văn đầu tiên của tôi, thầy NQH và cô bạn học LHV, hai ông bà này đang sống tại Maryland. Bốn người, trong số bạn học của tôi, đến thăm tôi trong vòng hai tuần. Anh hội trưởng PTA và bà xã TT cũng đến thăm tôi và mang đến tặng tôi sách, báo, và hình ảnh ngày xưa. Cô ĐMG, một thi sĩ ở tiểu bang Louisiana gởi tặng tôi một tập thơ do chính cô sáng tác. Những món quà nầy đối với tôi thì quí hơn vàng. Sau đó, những kết nối khác được thành lập một cách nhanh chóng… Chúng tôi trao đổi email, thông tin và địa chỉ.
Tôi lập tức sắp xếp lại kỳ nghỉ vacation thường niên của tôi, để thực hành một cuộc hội ngộ với các bạn ở Santa Ana ngày 22 tháng 8 năm 2011. Vì trong cuộc hội ngộ nầy gồm có 2 người bạn cũ của chúng tôi TBN và TP. Hai người nầy cự ngụ tại Philadelphia, nhưng họ sẽ ghé qua California thăm chúng tôi trên đường về sau chuyến du hành của họ tại Úc Châu. Chúng tôi gặp nhau tại nhà của LNH. Ông xã của LNH cũng là cựu học sinh của Hoàng Diệu, nhưng anh vào Hoàng Diệu trước chúng tôi 2 năm (58-65). Dĩ nhiên, cuộc hội ngộ của chúng tôi rất là vui vẻ nhưng cũng có những giây phút bùi ngùi khi nhắc đến một số bạn bè và thầy cô đã sớm vội ra đi.
Hình ảnh kèm theo đây là kỷ niệm những giờ phút quí báu của chúng tôi.
|