Khi nói đến một lớp học như thế, ai cũng đều tròn mắt ngạc nhiên. Có thật là lớp chữ Nôm mở ra giữa thành phố này, chỉ duy nhất trong tiểu bang này, nơi mà người ta nói đủ thứ tiếng như Nhật, Hàn, Anh, Pháp, Tàu, Nga, Ấn Độ, Á Rập.... Khi mà chữ Nôm như bóng mờ trong quá khứ hàng mấy trăm năm của người Việt cổ, thì ông Đồ già như giáo sư Sâm còn cắm cúi bên bàn gỏ hàng ngày với mớ ngôn ngữ nét dọc nét ngang, mà mới nhìn qua thấy hao hao như chữ của “cắc chú” một thời đô hộ VN. Công việc chăm chỉ và lòng kiên nhẫn tuyệt vời của con ong thợ nhỏ nhoi với hoài bảo to lớn là muốn giữ lại chút di sả̉n còn có thể giữ được trong phần văn hóa nguyên thủy của cả một dân tộc. Đây chính là tấm lòng đáng quý mà chúng ta nên trân trọng khi nhắc đến tên Ông.
Khi nghe vài anh em trong VVH đề nghị mở lớp dạy chữ Nôm, thú thật ông không tin rằng sẽ có người đến học, bởi vì trước đây VVH đã từng mở lớp Nôm online, lớp Nôm hàm thụ, người học rải rác, lưa thưa rồi cũng im vắng vì khó mà nuốt nổi mớ chữ nghĩa lỗi thời, chẳng đem lại chút lợi ích gì cho thực tế cuộc sống..
Vậy mà ngày đầu tiên khai giảng, sĩ số học viên tuy khiêm tốn trên dưới 30 trò nhưng ông Đồ lòng mừng khấp khởi, dự tính chương trình học chừng vài tháng, và mỗi tuần Thầy chịu khó lái xe đi về hơn 170 miles với tuổi “thất thập cũng ok”. Là người tha thiết với nền văn hoá cổ sắp bị mai một theo gió bụi thời gian, và sự vô tâm hững hờ của nhân thế, Thầy săm soi trân quý từng bìa sách Nôm ố vàng có nguyên bản từ hơn trăm năm trước của ông cha mình, mà duyên may Thầy còn giữ được trong tay, để ngày đêm miệt mài phiên âm chú giải từng con chữ, từng áng văn hay với khao khát sách được in ra cho thời nay biết được người xưa đã sống, đã nghĩ như thế nào, thể hiện qua văn học trong từng thời kỳ nổi trôi vận nước...
Là một lớp học đặc biệt nên số người ngồi dưới lớp cũng có nhiều khác biệt, có bác lớn hơn tuổi Thầy gần cả chục, có em còn rất trẻ, nên họ đến lớp cũng khác cả mục đích. Người trẻ thì tò mò về môn học lạ, người già thì muốn tìm chỗ giải khuây, ít ra cũng dịp để trở lại thời “làm học trò không sách cầm tay”.
Có anh chị đã từng đứng trên bục giảng, biết rành về chữ Hán, có người muốn tìm hiểu thêm về chữ Nôm để nghiên cứu chuyên ngành cho công việc của mình… Nhưng dù lý do gì thì khi ngồi lại cùng nhau trong lớp học này, mọi người thật thân thiện, thoải mái. Nếu có dịp ghé qua một buổi học, người ta dễ dàng cảm nhận ra sự thú vị của cả Thầy lẫn trò khi trao đổi về thứ chữ mà ai cũng nghe, cũng nói hàng ngày, nhưng không phải ai cũng biết đúng cái nghĩa hay viết đúng cái mặt chữ mà ngày xưa ông bà mình đã dùng trước khi có chữ Quốc ngữ Latin công khai xuất hiện vào cuối thế kỷ 19.
Có bác biết qua chữ Hán rồi, nên khi theo học vài tuần chữ Nôm là dễ dàng bắt kịp bài giảng về nét, về bộ, nhìn tuồng chữ là đọc ra nghĩa được, nhưng đối với các bạn trẻ lớn lên sau thời di tản, hay khi qua Mỹ còn ở tuổi thiếu niên thì việc cảm nhận văn học VN rất mù mờ, huống chi “nét ngang chưa biết, chữ a chưa từng” thì nhìn vào vài trang trong tuồng Nôm “Nhị Độ Mai” hay mấy đoạn thơ “Chinh Phụ Ngâm” hoặc phân biệt chữ Hán với chữ Nôm qua bài một bài thơ của Nguyễn Trãi hay của Nguyễn Bỉnh Khiêm chằng chịt nét dọc nét ngang giống như ma trận thì ..có nước ngọng luôn! Nhưng bù lại cả lớp rất hào hứng khi bàn về văn chương tiếng... Việt, khi Thầy nói về câu thơ trong tuồng Nhị Độ Mai “chiếm vũ trường danh hiệu Thạch Lân” có trò buột miệng “hồi xưa cũng có vũ trường hả Thầy?”, Thầy cắt nghĩa “vũ là võ, võ trường là nơi các quan võ thi thố tài năng..”. Còn can chi? (trong cách tính năm của người Tàu) có phải tiếng Việt mình là “không can chi”, tiếng Huế là “không can chi mô..” tiếng Anh là “no star where” không? Mỗi người một câu vui vẻ nói cười, hỏi mà không sợ bị chê dốt, bị quê độ...
Trong những tất bật lo toan bận rộn của đời sống hàng ngày, đến được lớp học cuối tuần không hẵn là điều dễ dàng đối với một số người. Có anh than đi học phải lén ..vợ vì bà xã không hài lòng, bảo rằng già rồi còn chữ nghĩa đâu mà nhét vào đầu, có người không lái xe được, chờ ông bạn cho đi có giang (quá giang), bữa nào bạn nghỉ là ổng bó chân luôn. Ngược lại có bác may mắn được vợ con quan tâm nhắc đi học, sợ trễ giờ, “lớn tuổi rồi, có chỗ để khuây khỏa cũng tốt cho sức khỏe của Bố.”
Thương nhất là chị NB, trước kia chị là cô giáo dạy Văn, qua đây lớn tuổi rồi, ở nhà cũng buồn nên khi nghe có lớp Nôm mừng quá ghi tên ngay, được đến lớp mỗi tuần là niềm vui của chị, “thấy như mình trở lại thời đi học ngày xưa”, chị chân tình bày tỏ. Quả đúng như vậy, có khi chị đi bộ đến lớp rất sớm, mặc áo dài nghiêm chỉnh, khoác áo len mỏng bên ngoài giống như nữ sinh Đà Lạt, có hôm chị đạp chiếc xe mini nhỏ xíu (chắc mượn của cháu nội / ngoại) xe được khóa cẩn thận ở chân cầu thang và hai ống quần được cột thắt để khỏi bị “ăn sên”(sao mà y chang thời áo trắng đến thế!) và lần nào đến lớp chị cũng mang cho Thầy khi thì trái táo, chùm nho, khi thì vài trái mận hái ở vườn nhà để bày tỏ tấm lòng quý mến. Thấy học trò tóc bạc da mồi nhưng một điều Thầy hai điều Thầy, làm trái tim ông Đồ già cảm kích hết sức. Sợ các bạn trẻ nãn lòng bỏ học, Thầy luôn khuyến khích sự cố gắng trong câu chuyện kể “bình đựng nước trà lâu ngày nếu đem đựng nước lạnh thì khi uống vào cũng nghe thoang thoảng mùi thơm của trà, giống như học chữ Nôm, lâu ngày thế nào cũng thấm, cũng thoang thoảng cái hương hoa của hồn quê đất nước, tư tưởng cổ nhân Việt tộc.”
Và cuối cùng thì khóa học cũng kết thúc trong luyến tiếc bịn rịn của mọi người, dù thời gian đến lớp không nhiều, học không được bao nhiêu, nhưng mà vui quá phải không? Nếu gom hết những chữ nghĩa học được trong các buổi bỏ lên sàng sẩy, chữ quên rớt xuống và chữ nhớ đọng lại không đầy bụm tay thì các bạn ơi, xin đừng thất vọng, đừng như ngày xưa trả chữ cho Thầy, xin hãy cất giữ đâu đó trong trí nhớ bạn cái vốn quí của quê mình, thứ tài sản quốc gia mà không phải ai cũng nhận ra chân giá trị của nó. Thầy đã chọn con đường khó đi và ít ai đi, nhưng với những công trình biên khảo, tìm tòi, lưu giữ những tác phẩm Nôm quý hiếm mà Thầy đã và đang lọ mọ một mình, thì việc đến lớp học chữ Nôm của các bạn quả là sự khích lệ đầy lạc quan. Ít ra Thầy cũng đỡ thấy cô đơn trên con đường thênh thang phía trước, và ít ra trong số trò còn can đảm ngồi lại lớp “chiến đấu đến giây phút cuối cùng” thì vẫn có người viết được mấy câu đối bằng chữ Nôm vừa mới học được để trịnh trọng tặng Thầy nhân ngày mãn khóa:
“ Chữ Nôm còn văn hoá Việt thêm vững𡦂 喃 群 文 化 越 添 凭. /Ráng bước theo chí cả của Thầy Sâm𩅜 𨀈 遶 誌 奇 古 偨 参.”
“Học trò học chữ Nôm còn chưa khá学 徒 学 𡨸 喃 群 渚 可/ Thầy Sâm lo lắng ngủ không yên偨 参 群 𢗼 𣼽 𢠯 𥄭 空 安.”
Mấy câu đối như viên ngọc thô sơ chưa mài dũa nhưng mà quý lắm thay tấm lòng Tôn Sư Trọng Đạo của bác học trò vừa mới qua tuổi 80. Như một chút nắng mùa đông làm ấm Nghĩa Thầy Trò, hâm lại cái chí nhỏ mày mò ba quyển sách cũ xưa của thầy Đồ già lạc lỏng.
Ngọc Ánh
CA, 10-22-2013 |