CHA TÔI TRONG ĐỆ NHỊ THẾ CHIẾN
***Nguyễn Khắc Lai***
Ngày Memorial Day, tôi ngồi một mình trong căn nhà đơn sơ. Các đài truyền hình Mỹ đều chiếu chương trình có liên quan đến sự hy sinh của những người tham gia các cuộc chiến vì Lý Tưởng Tự Do, bất kể bên nào. Một đoạn phim đập mạnh vào đầu tôi….
….Một đoàn tàu hỏa Đức, với nhiều chục toa, chở đầy tù binh Pháp (Đồng Minh), chạy băng rừng về phía Đức. Cai tù Đức đã khóa chặt các toa để tù binh không có đường tẩu thoát dọc đường! Trên đường đi, máy bay Pháp tưởng là quân Đức (Phe Trục = Axis), nên đuổi theo xả đạn bắn…
Khi xem đoạn phim này khán giả chắc chắn cảm thấy bùi ngùi thương cho số phận những tù binh trong đó! Tuy nhiên cảm xúc của tôi lúc ấy mạnh hơn sự bùi ngùi gấp nhiều lần, tôi bật khóc, vì chính Cha tôi là một trong những nạn nhân ấy! Đây là câu chuyện mà ông kể khi tôi còn đang học lớp nhì, lớp nhât, tôi xin phép dùng nguyên cái văn mà ông cụ dùng để kể đi kể lại nhiều lần cho chúng tôi nghe…
[[…Nó khoá chặt các va gồng (Wagons), khi máy bay Pháp đuổi theo bắn, thì tụi cai tù và lái tàu nó bỏ chạy. Tụi nó chạy vào rừng nhưng không biết có thoát chết không, vì tàu bay Pháp 4, 5 chiếc thay phiên nhau, thi nhau nả đạn đum đum***. Nó bắn theo cái kiểu đan, một chiếc xà xuống bắn bên này, sau đó một chiếc khác xà xuống bắn từ phía bên kia… Mỗi lần nó bắn như vậy, thì hàng loạt người gục xuống, máu me, óc văng tứ tung. Tao với Khang (Một người bạn rất thân của bố) hai anh em ngồi đọc kinh, cầu nguyện liên tục, vì biết giờ ra đi của mình sắp đến. Trong tàu có một vị tuyên úy người Pháp, khi một cửa toa bị bắn gẫy, ông cố gắng chạy ra tay cầm cờ trắng vẩy để mong tụi phi công nhìn thấy… ông bị đạn bắn vào mặt, nhưng không chết, ông nhảy trở lại vào trong để được chết chung với anh em. Chú Khang (Xin phép được gọi như vậy), trong lúc đọc kinh, nói với bố “Bác ngồi yên, em đứng lên xem tình thế, cái miếng ván kia vỡ rồi, đạp mạnh là bung ra. Nếu em nhảy, là bác nhảy theo ngay nhé”. Chú vừa đứng lên thì một viên đạn đum đum bắn xuyên qua 4 lần quần phía sau chân chú, mà không hề gây thương tích! Chú ngồi xuống ướm thử, nếu chú không đứng lên thì viên đạn đã xuyên qua tim! Chú nói với Bố “Em sẽ giữ cái quần này làm kỷ niệm để cảm tạ Ơn Trên đến muôn đời”.
Qua mấy giờ bắn như vậy, một chiếc máy bay bị trục trặc rơi xuống, viên phi công nhảy dù ra thoát chết, nhưng hắn bị gãy chân. Hắn rơi rất gần chỗ các tù binh, nên tay lăm lăm cây sung lục. Vị tuyên úy đưa cao hai tay, và la lớn “Ne tirez pas! Je suis l’aumonier Francais = Đừng bắn! Tôi là linh mục tuyên úy người Pháp”. Khi biết chuyện thì đã muộn!!! Hơn 1000 chiến sĩ Đồng Minh đã chết oan mạng! Theo Bố thì số người sống sót chỉ vào khoảng 4-50 người! Tao và Khang không hề bị thương tích gì hết!]]
Có chính trị gia nào giải oan cho những tù binh này chưa? Chiến tranh là như vậy! Hay chỉ khi có người thân ta mới thấy xót xa? Viết ra những dòng này, đọc những dòng này phải chăng cũng là một cách giải oan cho họ, giải oan cho cõi lòng chúng ta?
Trước khi bị quân Đức bắt, bố và 4 đồng đội người Việt Nam khác gồm chú Khang, chú Thạnh, chú Kèn Phong, và chú Y. Theo bố kể, Chú Khang dù ít học, nhưng có những biệt tài như chú có thể đốn ngả một cây to cỡ một người ôm trong vòng một tiếng, và cái mặt dưới phẳng như một cái thớt! Chú có thể đi xe đạp đến một chợ cách đó 9 kms mua đồ ăn, trở về trong một giờ! Chú Thạnh thì rất chân chất vụng về “Lặn nổi bơi chìm!”. Chú Phong thổi kèn Tây nên gọi là Kèn Phong. Chú Y thì nấu ăn rất giỏi. Năm anh em đã phải sống chui rúc dưới một cái hầm mỗi bề chỉ khoảng 2m, trong khu vườn của một người Thụy Sĩ. Trong một tháng trời sống trốn chui trốn nhủi như vậy, may mắn được ông Thụy Sĩ tốt bụng tiếp tế cho mỗi tuần một con thỏ rừng để ăn. Sau đó ông Thụy Sĩ này đã bị quân Đức bắn chết. Khi biết không còn đường sống sót, quân Đức đã đến gần, năm anh em cùng chuẩn bị tinh thần rất chu đáo theo tôn giáo của mình, ra đầu hàng. Lạ lùng thay, quân Đức đã không bắn như các vị tiên liệu. Cuộc sống tù binh bắt đầu từ đó. Hai năm trong tù, bố đã giết thời gian bằng cách miệt mài học tiếng Pháp với một giáo sư (tù binh) người Pháp. Bản tính của bố là ham học hỏi.
Câu chuyện “My Grandpa was in World War 2” đã được con trai của tôi soạn thành một bài thuyết trình dài 1 tiếng đồng hồ khi cháu còn ở đại học Loyola Chicago cũng vào ngày Memorial. Cử tọa gồm ban giáo sư và sinh viên đã dành cho cháu những tràng pháo tay nồng nhiệt.
Một số đồng đội của Bố, sau khi tàn cuộc chiến đã ở lại với bà đầm Tây, lập nghiệp tại đất nước văn minh này từ dạo ấy, và đã không phải nếm mùi cuộc di cư 1954, đã không phải hoảng loạn trước cuộc đổi đời 1975! Nhưng đó là sự An Bày! Nếu ngày ấy, Bố ở lại Pháp, và không về Việt Nam nữa, thì “cái tôi” giờ này ở đâu nhỉ???
Hôm nay là ngày Father’s Day, khi tôi đang viết những dòng này thì các con tôi từ xa gởi text cho tôi với “Happy Father’s Day”. Tôi xin viết thêm đôi dòng về cuộc đời bố sau khi di cư vào Nam. Khi vào Nam 1954, bố tôi đã phải đương đầu với căn bệnh nan y của mẹ tôi nhiều năm trời. Khi mẹ sắp lìa đời có thầm trăn trối là bố nên tìm một người bạn đời cho cuộc sống bớt lẻ loi, lúc ấy bố 47t còn tràn đầy sức sống, và trong làng xóm có ít nhất vài bà độc thân rất sẵn sàng cho bố. Nhưng bố đã tự nguyện ở vậy cho chúng tôi được trọn vẹn tình thương. Tôi không bao giờ quên được những ngày trời nắng chang chang, bố xách một tích nước, một cây cuốc ra ruộng một mình. Những ngày không làm ruộng, bố có thói quen ngồi đan vó. Người cháu ruột của bố, lúc ấy là một nhà giáo, thường hay qua chơi để nghe bố kể chuyện “Đi lính Pháp”, nhờ bố giải cho những bài toán mà anh phải dạy cho học trò, hoặc hỏi về những luật mẹo tiếng Pháp … Biến cố 1975 đến. Bố buồn nhiều hơn vui. Bố ra đi năm 1977 trong bối cảnh vô cùng nghèo túng của chúng tôi!
Hôm nay viết lại những dòng này không phải CHỈ nhắc đến Bố, nhưng là để nhắc lại hàng trăm đồng đội của Bố năm xưa - Những Người Cha - đã phải rời xa Tổ Quốc Việt Nam, ra đi đến một đất nước xa vời vợi, chiến đấu cho Lý Tưởng Tự Do của Con Người. Các vị đó sau cuộc chiến, nếu còn sống sót, trở lại Quê Hương, đều bị quên lãng! Chúng con không quên các vị!
Tôi tin rằng trên diễn đàn này, có những anh chị em khác cũng có cha, bác, chú hoặc người rất thân đã tham gia trận Đệ Nhị Thế Chiến, đặc biệt tại nước Pháp như cha tôi, tôi xin được vinh danh các vị đó. Nước Mỹ, nước Pháp và thế giới thực sự đã nhiều lần nhắc đến các chiến sĩ của Đệ Nhị Thế Chiến, nhưng đó là một sự nhắc nhở rất tổng quát. Họ quên một khía cạnh là những chiến sĩ được tuyển từ Việt Nam, sau khi trở về nước đã hoàn toàn bị quên lãng. Hôm nay là ngày đặc biệt để chúng ta nhắc đến các vị trên diễn đàn này. Vinh danh những người đã qua đi không phải để làm cho họ được vui sướng hơn trên cõi thiên đường, nhưng là để những người còn sống được thanh thản, được nhẹ lòng. Đó là lẽ sống của những con người đang thừa hưởng một cuộc sống văn minh của Nhân Loại.
Chú thích: *** Đum đum là loại đạn bắn nổ 2 lần “Đùm đùm”. Lần nổ thứ nhất ra khỏi nòng súng, lần nổ thứ hai khi xuyên thấu vật cứng.
|