“All Rise!... I pledge allegiance to the flag….” Tôi để tay trên tim và đọc…với các thành viên Ban Cố Vấn của Housing Authority, gồm đại diện Housing Authority, đại diện các Districts, Orange County, đại diện chủ nhà cho thuê và tôi đại diện người thuê nhà. Phòng họp rộng rãi với âm thanh ánh sáng và máy chiếu hình. Một bàn dài cong dành cho đại diện của các Districts với màn hình và máy vi âm. Đối diện bàn chúng tôi là bàn của chủ tọa và một bục thuyết trình. Phía sau có nhiều dãy ghế cho quan khách và công chúng. Hôm nay là buổi họp đầu tiên năm 2015. Chương trình gồm kế hoạch cất nhà và phân phối nhà cho cư dân có lợi tức thấp, cựu chiến binh không nhà và giới homeless. Housing Authority đã tích cực giải quyết nhà cho homeless nên quanh Santa Ana Civic Center không còn bóng dáng của họ nữa. Tôi rất thích thú tham dự chương trình này.
Ngoài ra tôi còn là cố vấn của chương trình Phục vụ tại gia (In-Home Supportive Services). Tôi tham dự cộng việc này trên sáu năm. Chương trình gồm hai ngành: ngành cung ứng dịch vụ (care provider) và ngành hưởng thụ săn sóc (care consumer) . Qua một thăm dò gần đây trong hai ngành, tôi nhận thấy người Mỹ rất có lòng bác ái: trên 60 % người cung cấp phục vụ cảm thấy vui và hữu ích giúp đỡ người khác. Tôi cảm thấy hài lòng khi biết người cao niên, bệnh tật hay là người tàn tật được chăm sóc chu đáo.
Lý do tôi tình nguyện tham gia là tôi muốn tìm hiểu hệ thống hành chánh Quận Cam và Thành phố làm việc như thế nào. Tôi muốn sống như một người Mỹ bình thường, có ích lợi cho cộng đồng Quận Cam. Tôi cũng không hài lòng về thi hành nghĩa vụ của vài dân cử địa phương. Tôi nghĩ rằng mỗi cư dân cần một mái nhà, một công việc, săn sóc sức khỏe, nước sạch và di chuyển rẻ tiền. Và cử tri Mỹ bầu người đại diện để lo cho họ.
Khi tôi xướng ngôn, “I pledge allegiance to the flag…” Tôi nhớ lần đầu tiên tôi đọc Lời trung thành tại một lớp hai của trường Tiểu học Hayden gần khu phố đường Bolsa/Purdy, sau khi tôi được tuyển chọn làm phụ giáo (teacher-aide) cho Khu Học Chánh Westminster vào năm 1994. Tôi sung sướng nhận lại nghề giáo của tôi trước 1975, sau khi tôi đậu Tú tài triết Pháp và tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm. Chính phủ Saigon sụp đổ, tôi bị bắt và ở tù 4 năm vì là sĩ quan Biệt Động. Gia đình tôi gồm bốn người tới Mỹ tháng 4 năm 1993 theo diện H.O. Tới LAX cả nhà tôi vui sướng khôn tả, một trời tự do rộng mỡ trước mắt chúng tôi---công an chính tri không còn theo dõi, trí óc được suy nghĩ theo ý muốn, xé bỏ hộ khẩu và sổ lương thực; tuy rằng tôi phải chấp nhận ký giấy khai không có tài sản, đất đai, nhà cửa tại Việt nam. [Tôi vẫn giữ bằng khoán đất 500 mét vuông tại xã An Phú, Saigon]. Tôi được chữa lành bệnh cườm khô cả hai mắt và sau đó võng mạc hai mắt tôi được hàn gắn lại. Mắt tôi yếu kém mau mỏi, tuy nhiên tôi vẫn đọc sách và đi học, hai sở thích của tôi từ khi tôi học lớp ba (Cours élémentaire). Tôi lưu trữ nhiều sách Pháp văn mua từ Pháp, về phê bình văn chương và triết học (Tâm lý, logic và siêu hình).
Năm 1994, tôi ghi danh vào GoldenWest Community College. Một thất vọng đầu tiên tôi gặp khi Trí Nguyễn, Counselor trường Goldenwest nói với tôi, “Ông già quá rồi, học cái gì bây giờ.” Năm đó tôi 60. Thế giới tôi quan niệm là khám phá các điều không biết (unknown) của vũ trụ bằng cách đọc và học. Tôi muốn thấm nhuần tinh hoa văn hóa và văn chương Hoa kỳ. Tôi đưa gia đình qua Cypress Community College. Tinh thần College này tự do hơn. May mắn của tôi là đi học bằng xe bus 56, đi và tới bãi đậu xe của trường. Trường có một cái hồ nên thơ, những cây lệ liễu thòng những cánh tay mềm mại xuống tận mặt nước. Gió lay bóng của các cành lá mềm mại trên mặt hồ như đùa giỡn với đàn vịt trời đang ân ân ái ái với nhau, con thì chúi đầu xuống nước, đuôi chỉ thẳng lên trời, con thì rỉa lông rỉa cánh, hoặc dấu mỏ vào cánh mà ngủ mặc cho dòng nước cuốn trôi theo gió…Sau những giờ học toán tôi nhức đầu, môn tôi học cách đây 40 năm, nên tôi ra bờ hồ ngắm trăng lặn dưới hồ và chờ xe bus tới. Tuy nhiên tôi thích lớp “Speech” vì tôi muốn tập nói tự nhiên và đúng giọng Mỹ một vấn đề bằng tiếng Anh. Tôi ham mê lớp “Critical thinking” tập cho tôi suy nghĩ đúng, súc tích và mạch lạc, bắt chước cách sắp xếp từ trong câu văn điêu luyện của các văn hào Mỹ:
Ví dụ:
It was well cooked, the rabbit meat flaked off the bones..
Fond as he was of his only child, useful as she was in his house since his wife had died…
Belmonte looked ahead, his face wan and yellow, his long wolf jaws out.
Theo học một lớp Văn chương Trẻ thơ, với bộ sách The Riverside Anthology of Children’s Literature (gồm hơn 1100 trang) tôi say mê các bài hát ru em và bài ca dao… Tôi nhận thấy văn chương Việt ngữ không chú trọng tuổi thơ nhiều: chúng ta chỉ có Quốc văn Giáo khoa Thư và bộ tiểu thuyết Tuổi hồng.
Ví dụ:
Sleep, baby, sleep
Thy (your) father guards the sheep
Thy mother shakes the dreamland tree
And from it fall sweet dream for thee (you)
Baby, sleep, baby…
I know where I’m going
I know who’s going with me,
I know who I love
The dear knows who I’ll marry…
Năm 1998, tốt nghiệp bằng AA với 126 units, tôi chuyển lên CSU, Long Beach. Chuyên đề Anh ngữ có ba ngành: ngành sáng tạo (Creative writing), văn chương (Literature) và ngành viết diễn văn (Speech writing). Tôi chọn viết văn sáng tạo. Tôi học văn chương Anh, văn chương Mỹ cổ điển và hiện đại. Lớp học của tôi chỉ trên 20 sinh viên, tất cả còn rất trẻ từ 20 tới 25, nhỏ tuổi hơn con tôi. Nhưng tôi không hổ thẹn. Suốt bốn lục cá nguyệt (semester) tôi lấy 12 units viết truyện ngắn và một truyện dài. Năm 2000 tôi tốt nghiệp. Khi tôi nhận bằng, Chancellor và các giáo sư bắt tay và khen tôi. Tuy lớn tuổi, tôi vẫn cảm thấy vui hơn ngày tôi tốt nghiệp Đai học Sư phạm. Ngày đó, tôi chưa có vợ con, không ai mừng tôi, ngay cả giáo sư và bạn bè cũng không có mặt: tôi tới xem bảng và thấy tên tôi trên danh sách đậu. Tôi vào tiệm phở số 1 tại đường Phan Thanh Giản, ăn tô tái gân và uống hết một chai bia trái thơm. Nay vợ tôi hôn tôi và các con cũng hôn tôi. Tôi chụp hình với các bức tượng đá và sắt làm kỷ niêm. Một viên gạch đỏ (Red Brick) khắc tên tôi trên sân gạch nhà trường.
Phân khoa Sử của CSU, Long Beach có lớp The Vietnam Wars và tôi được mời làm Guest Speaker nói về Chiến tranh Việt Nam từ góc độ một người Việt tự do trong 3 giờ, mỗi Semester, từ năm 2000 trở đi. Tôi trình bày những sự kiện thật sự đã xãy ra tại miền Nam và miền Bắc, trái ngược với những tường thuật sai sự thật (untrue reports) của các phóng viên Mỹ. Ngày 30 tháng 4 năm 2000, báo The Angeles Times, toàn trang nhất, in hình lính Mỹ và Bộ đội Việt Cộng đánh nhau, mà không có bóng hình lính Việt Nam Cộng Hòa, để kỷ niệm 25 năm chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Tôi mang số báo đó cho giáo sư dạy báo chí xem và nói tờ Los Angeles Times và nhiều tớ báo Mỹ khác đã không am hiểu hoặc xuyên tạc bản chất thật sự của Chiến tranh Việt Nam.
Tôi xa quê Thanh hóa của tôi từ nâm 1946. Tôi rất nhớ quê nhà: những mẫu ruộng nước, ruộng khô, và cái ao trước nhà, bao quanh bởi lũy tre xanh. Ba tôi cất một nhà ngói đỏ, cột gỗ lim tròn, nền gạch bát tràng. Bà Nội sống nhờ vào ruộng: ruộng nước cho gạo đỏ, bán đi mua thức ăn, ruộng khô cho gạo tám xoan, thơm ngon, nuôi Nội tôi. Là công dân Hoa Kỳ, tôi về Việt Nam năm 2000, thăm quê nhà, xem nhà cửa và nhất là mồ mả của ông bà Nội như thế nào bây giờ. Nhà thay đổi hình thái, cột gỗ lim thay bằng gỗ tạp, nền xi măng, ao cạn khô và lũy tre xanh và đàn cò trắng không còn nữa. Hai ngôi mộ của ông bà Nội đã biến mất. Nỗi buồn tê tái xiết mạnh hồn tôi… Giờ đây tôi chì còn hình ảnh mờ ảo bà Nội, ngôi nhà tại Hà trung, Thanh Hóa, ba ngôi nhà tại Tuy Hòa và mảnh đất xã An Phú, Saigon… Mất hết, tất cả biến hết…
Nỗi buồn chưa tan, thì bệnh ngặt nghèo chợt đến: Một ngày thứ bảy, cả nhà đi ăn phở góc đường Magnolia và Westminster, bổng tôi cảm thấy mệt lạ lùng, con tôi dìu tôi ra xe rồi chở vào phòng cấp cứu bệnh viện Fountain Valley. Từ giờ phút đó tôi bất tĩnh… Trong cơn mê, tôi mơ thấy tôi đang bị tù đày tại Hà nội…Trại tù ngay gần Hồ Hoàn Kiếm… có khi tôi bị tra khảo, Việt Cộng đánh tôi, tôi đá lại…Những đêm trăng sáng cả hồ, tôi nghe và lờ mờ thấy thanh niên thiếu nữ dung dăng dung dẻ đi quanh bờ hồ… Có lúc tôi đang trên máy bay, tay chân bị xiềng dây xích 8 ly…có lúc tôi đang nằm trên bãi cát trắng biễn Mỹ Á, Thành phố Tuy Hòa…
Sau 40 ngày tôi mới tỉnh lại, các con tôi kể lại: người tôi mang một ống thở và một ống ăn và đủ thứ dây. Nhiều khi tôi đá các nữ y tá, không cho y tá đặt ống tiểu… Các con tôi mua hoa tươi biếu y tá và xin lỗi… Vợ tôi kể lại, sau khi đặt 3 bypasses và may lại, nhưng tim vẫn không đập. Bác sĩ phải mổ ra và rửa sạch máu bầm và khâu lại.
May mà tim bắt đầu đập nhưng tôi vẫn mê man. Các con tôi lo hậu sự và em dâu tôi rước linh mục xức dầu thánh. Sau cùng tôi mở mắt ra, tôi nhìn thấy giáo sư Keith Collins ngồi trên giường bệnh của tôi.
“How do you feel, Phan?”
Tôi mỉm cười, “Fine. Not dead yet.”
Giáo sư Collins cười và cầm tay tôi.
Vợ tôi kể, suốt từ ngày tôi nằm bệnh viên, mỗi chiều giáo sư Collins vào thăm tôi và gọi điện thoại cho vợ tôi, tường thuật bịnh tình.
“Giáo sư Collins có quả tim vàng,” vợ tôi nhận xét.
Con tôi và vợ tôi sống và làm việc tại Los Angeles. Sau khi tan sở, vợ tôi và con tôi lái xe xuống Fountain Valley thăm tôi và 10 giờ đêm lái xe về Los Angeles. Thật là nhọc nhằn cho gia đình tôi.
Tới thời gian rehab, tôi không đứng được, tôi không điều khiển được hai chân của tôi. Một y tá Mễ to con cột tôi vào người cô ta bằng giây vải và kéo tôi đi. Tôi đã khóc, tại sao tôi yếu đến như thế này. Ngày nào trong quân trường Biệt Động Dục Mỹ, tôi leo núi, băng rừng, lội sình tại Đèo Rù Rì, Nhatrang, đu dây tử thần, kinh dị và chạy bộ 22 cây số từ ngã ba Ninh Hòa cho tới trại Dục Mỹ…
Rồi tôi đi walker và wheelchair về nhà tôi tại Fontana, San Bernardino. Tám tháng sau tôi trả wheelchair và tôi cùng vợ tôi học khiêu vũ waltz, cha cha cha…
Tôi đã khỏe. Tôi phải tiếp tục công việc của tôi: cuốn sách truyện. Một tình cờ lý thú: một quảng cáo của Huntington Beach City có một Writing Workshop vào các ngày thứ năm cho các người hưu trí do một
giáo sư danh dự (Emeritus) của UCLA, Ross Winterowd hướng dẫn.
The Sun Rises in the West Lake Lovely
Tôi ghi tên tham dự vào mùa thu 2004. Tôi hoàn thành nhiều truyện ngắn cho Workshop và Golden West College và một truyện dài The Sun Rises in the West: tất cả các truyện đều được các thành viên tham dự đọc và bình phẩm. Tác phẩm đươc in và xuất bản năm 2009. Đầu năm 2011, giáo sư Winterowd quá vãng.
Thú vui khác của tôi là chụp ảnh. Sở thích của tôi là chụp hình rộng (panorama). Văn là tác phẩm diễn tả một tư tưởng, một ý thức hệ mới bằng chữ. Nhiếp ảnh là tác phẩm diễn tả những màu sắc đẹp của thiên nhiên bằng ánh sáng. Bức tranh sơn dầu là tác phẩm diễn tả thông điệp đặc biệt bằng màu sắc. Bản nhạc hay làm cho ta xúc động bằng âm thanh. Hằng ngày tôi sống với sinh hoạt và văn hóa của Nam Hàn qua TV/Arirang, của Nhật bản qua TV/NHK World và của Mỹ qua FoxNewsChannel. Tôi say mê sách của Condoleezza Rice, Donald Rumsfeld, TT Bush, O’Reilly, Ann Coulter, Larry Berman…và nhất là truyện của Lan Cao (The Lotus & the Storm) với văn phong độc đáo và phân tách sâu sắc tâm tư của một gia đình quân nhân trong bối cảnh một xã hội chiến tranh loạn lạc.
Nay là thời kỳ tôi nhàn hạ, sung sướng, tuy đôi khi nhớ người vợ hiền. Suốt 4 năm bà bán từng vật dụng: xe Honda, quạt máy, bàn ủi… để thăm nuôi tôi trong tù cải tạo Xuyên Mộc, Bà Rịa. Tôi tận tình săn sóc vợ hiền hơn hai năm, từ lúc vợ tôi nặng 50 kí cho tới khi chỉ còn da bọc xương. Các con tôi đặt mẹ yêu dấu nằm nghỉ, nhìn về hướng tây, hướng Dalat, Việt Nam, nơi bà sinh ra, lớn lên và theo học từ tiểu học, trung học Yersin và Đại học Sư phạm Đà Lạt. Một đêm khó quên, cựu học sinh NT hát tặng tôi, mời các cựu giáo sư và cựu hoc sinh Trung Học Hoàng Diệu, Sóc Trăng thưởng thức bài hát Mình ơi tại Quán Lạc Cầm, quán nhạc nghệ thuật, ấm cúng và hấp dẫn. Giọng hát NT trong, điêu luyện, lôi cuốn và trữ tình đánh thức từng ngõ ngách tình yêu vợ của tâm hồn tôi… Tôi không biết tôi mơ hay tôi đau hay tôi khóc hay tôi xót… Cám ơn NT.
Tôi thật sự là một người Mỹ Việt.
Thầy Vũ Ngọc Phan
May 2015
Tổng Thống Nam Hàn Vũ Ngọc Phan
Thầy Phan - Ánh Ryan
|